70 năm văn học, nghệ thuật cách mạng thành phố Đà Nẵng (1948-2018) - Bùi Văn Tiếng

29.08.2018

70 năm văn học, nghệ thuật cách mạng thành phố Đà Nẵng (1948-2018) - Bùi Văn Tiếng

Từ năm 1948 - là năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam - cho đến năm 1975, thành phố Đà Nẵng thuộc quyền quản lý của người Pháp, rồi của chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy văn học nghệ thuật cách mạng tại thành phố bên sông Hàn thời kỳ này phát triển hạn chế, chủ yếu tập trung vào dòng văn chương và âm nhạc yêu nước ở nội thành, như truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân và Phan Du, như thơ của Phan Duy Nhân và Đông Trình, hay như ca khúc của Phạm Thế Mỹ... Đương nhiên văn nghệ sĩ Đà Nẵng và cảm hứng nghệ thuật về Đà Nẵng vẫn tỏa sáng trong vùng tự do thời chống Pháp và vùng giải phóng thời chống Mỹ, vẫn đến được với công chúng ở nội thành, nhưng đó có thể được xem là một bộ phận của 70 năm văn học nghệ thuật cách mạng tỉnh Quảng Nam ngày nay. Văn học nghệ thuật cách mạng Đà Nẵng chỉ thực sự tỏa sáng sau ngày đất nước thống nhất. Với tư cách là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng từ sau năm 1975 cho đến hết năm 1996, và với tư cách là đô thị trực thuộc Trung ương từ đầu năm 1997, Đà Nẵng đã có một số chuyển biến rõ nét về văn học nghệ thuật cách mạng so với thời kỳ trước, ít nhất trên ba phương diện sau:

Một là trên phương diện lực lượng lao động văn học nghệ thuật. Có thể nói thời kỳ này Đà Nẵng sớm có được một lực lượng lao động văn học nghệ thuật đông đảo hơn trước rất nhiều, từ địa hạt của nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật tạo hình cho đến địa hạt của nghệ thuật biểu diễn, từ lĩnh vực sáng tác cho đến lĩnh vực nghiên cứu và lý luận phê bình, được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Chỉ nói riêng về những văn nghệ sĩ đã thành danh trước năm 1975, bên cạnh những người hoạt động văn học nghệ thuật tại nội thành Đà Nẵng như nêu trên, có thể kể những văn nghệ sĩ mới đến/mới về lại Đà Nẵng từ vùng giải phóng hoặc từ hậu phương lớn miền Bắc như các nhà văn Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế..., các nhạc sĩ Phan Ngọc, Thanh Anh, Minh Đức, Trần Hồng, Trương Đình Quang..., các nhà hoạt động sân khấu Hoàng Châu Ký, Hồ Hải Học..., nhà điêu khắc Phạm Hồng, nghệ sĩ múa Lê Huân... Những văn nghệ sĩ này sớm có thành tựu đáng kể trong nghề vẫn tiếp tục sáng tạo một cách sung mãn trong lao động nghệ thuật, và cùng với những văn nghệ sĩ mới gầy dựng “thương hiệu” sau khi thống nhất nước nhà, đã góp phần làm nên diện mạo văn học nghệ thuật Đà Nẵng đương đại. Tính đến đầu năm 2018, Đà Nẵng có 1 văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (nhà văn Phan Tứ) và 8 văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; có 3 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 29 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. 

Hai là trên phương diện nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật - yếu tố quan trọng để có được sự thôi thúc sáng tạo từ bên trong. Thấm đẫm thực tiễn địa phương là đặc điểm nổi bật của cảm hứng nghệ thuật trong văn nghệ sĩ Đà Nẵng hơn 40 năm qua. Thực tiễn đó có thể là lịch sử Quảng Nam mở cõi khởi nguyên từ 600 năm trước, có thể là lịch sử phong trào duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX, hay là lịch sử hai lần Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đương đầu với các thế lực xâm lược Pháp và Mỹ; cũng có thể sự chuyển mình ngoạn mục của một Đà Nẵng trẻ trung năng động hiện nay; mà cũng có thể là nỗi đau về chủ quyền khi huyện đảo Hoàng Sa vẫn còn bị Trung Quốc chiếm đóng. Đây chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật rất mạnh mẽ của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, nhất là trên lĩnh vực sáng tác. Đặc điểm này đã chi phối cảm hứng nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, từ đó chi phối việc lựa chọn và thâm canh trên một/một số đề tài sáng tác nhất định liên quan đến thực tiễn địa phương. Và văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã tận dụng được ưu thế của người trong cuộc để sáng tác đạt chất lượng nghệ thuật như mong đợi. Đặc điểm thấm đẫm thực tiễn địa phương được thể hiện rõ qua phần lớn các thành tựu sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng thời kỳ này, chẳng hạn những thành tựu trên lĩnh vực tiểu thuyết như Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân; Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong của Vĩnh Quyền, Minh sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam...; trên lĩnh vực điện ảnh như các phim tài liệu Người giữ thành Hà Nội, Người cho sông núi mượn tên, Con mắt còn có đuôi... của Huỳnh Hùng; trên lĩnh vực âm nhạc như các ca khúc Chuyện tình Tiên Sa của Phan Ngọc, Đà Nẵng thành phố tôi yêu của Thanh Anh, Đà Nẵng - thành phố đầu biển cuối sông của Minh Đức...; trên lĩnh vực múa như kịch múa Huyền tích Ngũ Hành Sơn của Lê Huân...; trên lĩnh vực điêu khắc như tượng Mẹ Dũng sĩ của Phạm Văn Hạng...; cũng như trên các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa, nhiếp ảnh nghệ thuật và sân khấu. Đương nhiên văn nghệ sĩ Đà Nẵng vẫn luôn ý thức sâu sắc rằng cần hết sức tránh xu hướng tự thu hẹp đề tài sáng tác vào những gì liên quan trực tiếp đến thực tiễn địa phương, bởi như vậy dễ dẫn tới xu hướng đứng ngoài các đề tài vĩnh cửu của văn học nghệ thuật, dễ dẫn tới nguy cơ đẩy nền văn học nghệ thuật quê nhà trở thành nền văn học nghệ thuật nhà quê!   

Ba là trên phương diện tổ chức Hội/Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Lao động văn học nghệ thuật mang tính cá thể rất cao và những thành tựu văn học nghệ thuật in dấu vân tay từng văn nghệ sĩ mới thực sự làm nên đẳng cấp của một vùng văn học. Tuy nhiên đẳng cấp của một vùng văn học có thể sẽ vươn cao hơn khi những người sáng tạo văn học nghệ thuật được tập hợp trong một mái nhà chung ấm áp. Ở Đà Nẵng, mái nhà chung ấm áp ấy chính là Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được thành lập tháng 4 năm 1978 (tại Đại hội lần thứ nhất, nhà văn Phan Tứ được bầu làm Chủ tịch Hội; tại Đại hội lần thứ hai tháng 5 năm 1983 và Đại hội lần thứ ba tháng 4 năm 1988, nhà văn Phan Tứ tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội - đến tháng 6 năm 1988 nhà viết kịch Hồ Hải Học làm Chủ tịch Hội thay nhà văn Phan Tứ; tại Đại hội lần thứ tư tháng 4 năm 1993, nhà văn Hồ Duy Lệ được bầu làm Chủ tịch Hội). Đầu năm 1997, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chia tách thành hai hội và nhà thơ Thanh Quế được chỉ định giữ chức Quyền Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Tại Đại hội lần thứ năm (tức lần thứ nhất sau chia tách) tháng 3 năm 1998, nhà viết kịch Hồ Hải Học được bầu làm Chủ tịch Hội. Cuối năm 2001, Hội Văn học nghệ thuật thành phố được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, gồm 8 hội chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Văn nghệ dân gian và Hội Kiến trúc sư (năm 2007 thành lập thêm Hội Điện ảnh). Đến năm 2003, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố lại được đổi tên thành Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố và tại Đại hội lần thứ sáu tháng 3 năm 2003, nhà viết kịch Hồ Hải Học tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội. Tại Đại hội lần thứ bảy tháng 9 năm 2009, nhà thơ Bùi Công Minh được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội và tại Đại hội lần thứ tám tháng 9 năm 2014, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Bùi Văn Tiếng được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội.

B.V.T