Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và sáng tác của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
1. Sự ám ảnh về cái chết trong sáng tác của Xuân Quỳnh
Trước tiên, ta hãy nói đến Xuân Quỳnh (1942 - 1988). Phải nói, đại đa số thơ của chị (viết cho người lớn) mang nặng nỗi ám ảnh về cái chết, sự chia lìa, tàn tạ. Thống kê 6 tập thơ mà chị công bố lúc còn sống, ta thấy số lượng và tỷ lệ bài đề cập đến nội dung này như sau: Chồi biếc (in năm 1963): 9 (50%); Hoa dọc chiến hào (1968): 21 (75%); Gió Lào cát trắng (1974): 31 (86%); Lời ru trên mặt đất (1978): 24 (75%); Sân ga chiều em đi (1983): 44 (71%); Tự hát (1984): 31 (89%). Tổng cộng các tập, ta có tỷ lệ 76%. Đó là hiện tượng hy hữu trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Qua đó, ta thấy bản lĩnh của Xuân Quỳnh. Vì trong bối cảnh chiến tranh, người ta không khuyến khích viết về nỗi buồn và cái chết, sợ nó ảnh hưởng không tốt đến lòng tin và sức chiến đấu của mọi người. Nhưng biết làm sao được, vốn là người đa cảm, Xuân Quỳnh không thể thờ ơ trước cái chết của đồng bào mình sau “Mười hai ngày” gánh chịu những trận mưa bom B.52 của giặc: “Mười hai ngày cùng tận của lòng đau/ Cô Ngọc Tường chết ở Bạch Mai/ Chiếc áo cưới thay cho vải liệm/ Gió đông bắc thổi qua nền gạch vụn/ Trên máu người bị giết ở Khâm Thiên”. Những câu thơ đó gợi lên lòng căm thù giặc hơn là bi lụy. Dành hết trí lực để quan tâm nhiều đến cái chết của đồng bào, cho nên có lúc, chị sẵn sàng xóa tên người yêu ra khỏi bộ nhớ của mình: “Dẫu trong em một tình yêu đã mất/ Em không còn đủ sức nghĩ về anh”. Riêng “Vết đạn trên tường” thì cứ ám ảnh chị, bởi nó hiện thân cho sự chết chóc: “Nhiều việc quá, khó ai mà nhớ hết/ Riêng vết đạn trên tường không dễ nào quên”.
Không riêng gì Xuân Quỳnh mà bất cứ ai thời đó cũng bị ám ảnh bởi cái chết, bởi “Các bãi sông đầy bom nổ chậm”, “Mọi con đường mang nỗi đau đạn lửa...”. Sự hiểm nguy và chết chóc đã trở nên quá quen thuộc với mọi người: “Đã quen nhiều gian khổ/ đã quen nhiều hy sinh”. Trong “ngàn cái chết” mà Xuân Quỳnh gặp, có nhiều đồng đội vừa mới kề vai sát cánh với chị: “Các anh nằm bên những ngã ba/ Nơi bom dội không còn ngọn cỏ”, “Dòng nước lợ mang máu anh về bể”, “Máu của cô nhuộm đỏ bờ lau”... Xuân Quỳnh không hề dùng biện pháp nhã ngữ để làm giảm bớt tính khốc liệt của cuộc chiến. Chị cứ nói thật những nỗi đau mà chính chị cũng đã từng trải: “Máu đồng đội và máu tôi đã đổ/ Trên cát này mà gió quạt vừa se” (Gió Lào cát trắng); “Máu của em, máu của anh/ Thấm bên góc phố, chân thành ngày xưa” (Lai lịch một tình yêu). Thơ Xuân Quỳnh đề cập quá nhiều đến cái chết, mặc dù chị vẫn biết rằng “Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương”. Bởi vậy, chị cũng biết “Hát với con tàu” nhưng tiếng hát ấy vẫn không át được tiếng gầm thét của con tàu lao ra trận tuyến. Và vẫn không xua tan được nỗi ám ảnh về cái chết vì chính chị cũng đang xông xáo lao vào những nơi ác liệt nhất: “Tôi sẵn sàng đem hiến cả đời tôi/ Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa”, “Sống đất này, chết cũng đất này thôi”... Mặc dù sống trong bom đạn suốt 30 năm, nhưng may thay chị đã không chết vì bom đạn.
Chiến tranh không phải là nguyên nhân duy nhất làm cho Xuân Quỳnh luôn bị ám ảnh về cái chết. Từ ngàn xưa, con người đã lo nghĩ về nó, như một nhà nghiên cứu văn học đã nhận định: “Nỗi day dứt vào bậc nhất trong suy cảm trữ tình của con người bao đời nay là day dứt về chuyện CÒN - MẤT của những gì với mình là quý giá thiêng liêng. Người càng giàu tiên cảm, giàu dự cảm lo âu về mất mát rủi ro, thì day dứt càng ám ảnh hơn”(1). Thơ Xuân Quỳnh tràn ngập những suy tư, trăn trở về việc sống - chết. Vì sao hình thành một cái tôi Xuân Quỳnh mang nhiều ám ảnh về cái chết như vậy? Hãy đi ngược dòng thời gian để tìm về thời thơ ấu của chị. Mẹ Xuân Quỳnh mất khi chị còn quá nhỏ, cha liền lấy vợ khác rồi vào Nam sinh sống. Suốt đời Xuân Quỳnh thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Theo lời Đông Mai (chị ruột Xuân Quỳnh) “Nỗi đau mất mẹ đã ám ảnh suốt một đời Quỳnh”(2). Chị đã sớm hình thành nỗi đau của một đứa trẻ bơ vơ côi cút giữa dòng đời “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/ Như một cánh chim bơ vơ mất tổ” (Tiếng mẹ). Mới “Mười bảy tuổi”, đã sớm lo âu trăn trở về lẽ sinh - diệt của vạn vật. Trong bài “Chồi biếc”, cô thiếu nữ Xuân Quỳnh đã dự cảm về cái chết: “Này anh, em biết/ Rồi sẽ có ngày/ Dưới hàng cây đây/ Ta không còn bước/ Như người lính gác/ Đã hết phiên mình/ Như lá vàng rụng/ Cho trời thêm xanh”. Thơ Xuân Quỳnh thường mang nặng nỗi ám ảnh tàn phai, tiêu biểu là bài “Thơ tình cuối mùa thu”. Bài thơ đã được phổ nhạc và được giới trẻ rất yêu thích: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá”...
Xuân Quỳnh thường ví mình với những sự vật nhỏ nhoi, yếu ớt: Lá vàng, hoa rơi, hoa dại, cây tứ quý đất nghèo, cây kinh giới bùn lầy, hoa cỏ may dân dã, hoa cúc nhỏ nhoi, hoa tường vi nhỏ nhắn... Chị còn ví mình như “Hoa Ti gôn”: “Cánh hoa như lệ vỡ/ Như máu vừa mới sa/ Như hàng vạn giọt mưa/ Của nỗi buồn không dứt”. Nói chung đó là những bông hoa buồn nhỏ bé tội nghiệp nép mình “Trong mảnh vườn đã tối”. Chị cũng dùng rất nhiều hình tượng con tàu - sân ga (và thuyền - biển) để thể hiện sự chia ly, cách trở. Chị có rất nhiều câu thơ thể hiện nỗi buồn đau day dứt như: “Tránh sao khỏi sầy da rớm máu”, “Áo em rộng, lòng em tan nát”, “Xém lòng một vết đau”, “Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều”, “Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư”... Và có thể còn rất nhiều câu thơ buồn hơn thế nữa nhưng không được công bố. Trong số bảy tập thơ của chị đã công bố, nỗi buồn thể hiện rõ nhất ở hai tập cuối: Tự hát (1984) và Hoa cỏ may (1989). Trong tập Hoa cỏ may (Giải thưởng văn học 1990 của Hội Nhà văn), trái sầu đã đạt đến độ chín mùi, khi nỗi “nhức nhối đắng cay” đã “đến tận cùng đau đớn”. Lúc mà ở ngoài đời chị càng lặng lẽ thì trong thơ chị chứa “Bão táp ở từng trang”. Chị như con “Chuồn chuồn báo bão” đã biết trước được cơn bão tố sắp ập đến, nhưng cánh chuồn yếu ớt, bơ vơ làm sao chạy trốn khỏi định mệnh.
Thần Chết thường là bạn đồng hành với Thời Gian. Những người đa tình, ham sống thường rất ghét Thời Gian. Nữ sĩ Xuân Hương than thở “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại”. Xuân Diệu cũng chua chát thốt lên: “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Vốn cũng mang trong mình chữ “Xuân” nên Xuân Quỳnh cũng không khỏi lo âu và tự hỏi “Mùa xuân sẽ về đâu/ Khi nơi này xuân hết?” (Mười bảy tuổi). Khi thấy “Thoáng sợi bạc trên mái đầu bỡ ngỡ”, chị càng lo cho sự phai tàn của xuân sắc. Là một người nhạy cảm, Xuân Quỳnh rất lo sợ cho thân phận tình yêu: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi/ Niềm đau đớn tưởng như vô tận” (Nói cùng anh). Rồi chị lại lo cho một ngày “Cuộc sống trở về bình yên”, con người sẽ tha hóa, không còn giàu cảm xúc để yêu nhau và để làm thơ: “Và trong em không thể còn anh/ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”. Yêu nhiều và lo lắng quá nhiều thứ trong cuộc sống đời thường như vậy đã làm cho con tim Xuân Quỳnh mệt mỏi. Chị đã cảm nhận điều đó trong bài “Tự hát”: “Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”. Chị đã biết trước đời mình như một ngọn đèn le lói sắp tắt. Tháng 6/1988, Xuân Quỳnh bị đau tim nặng phải vào bệnh viện. Trên giường bệnh, chị làm bài thơ “Thời gian trắng” thể hiện rõ sự ám ảnh về cái chết: “Em ở đây không sớm không chiều/ Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng/ Trái tim đập sau làn áo mỏng/ Từng đập vì anh, vì những trang thơ/ Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ/ Chỉ có đập cho mình em đau đớn/ Trái tim này chẳng còn có ích/ Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè”. Chị đã nhìn thấy rõ ràng Thần Chết đang đợi chị. Theo lời thuật của bà Vũ Thị Khánh (mẹ chồng Xuân Quỳnh): “Bác sĩ bảo bệnh của Quỳnh rất nặng, chỉ sống được vài năm nữa thôi”(3). Nhưng Xuân Quỳnh đã không chết vì bệnh tim.
2. Sự ám ảnh về cái chết trong sáng tác của Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ (1948-1988) cũng giống chị ở chỗ, có một giọng thơ buồn ám ảnh và nhìn chung là lạc điệu giữa môi trường văn học thời ấy. Trong cảnh chiến tranh, mối quan tâm hàng đầu của anh vẫn là cái chết của đồng loại. Anh đã “Nói với con cuối năm”: “Thành phố vừa trải qua/ Những trận bom hủy diệt/ Lòng cha giờ dập nát/ Những xác người máu loang/ (...) Cha làm sao nói được/ Những nỗi đau lầm lạc đợi trên đường/ Cái ác đen sì trong mỗi quả bom”. Lưu Quang Vũ có nhiều bài viết về cuộc ném bom hủy diệt Hà Nội của B.52 Mỹ. Trong bài Ghi vội một đêm 1972, ngòi bút của anh không né tránh tổn thất của chiến tranh: “Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay/ Ta đứng lặng trong tiếng gầm báo động/ Dưới vầng trăng tê dại nỗi kinh hoàng(...)/ Thương ga xưa đã sập tan tành/ Thương những chuyến lên đường xưa đã chết”. Lưu Quang Vũ cũng có mặt trong những ngày khủng khiếp đó nhưng anh không miêu tả không khí hào hùng của trận chiến phòng không. Anh chỉ quan tâm miêu tả cái chết của đồng đội: “Máu ướt đẫm bàn tay khi tôi nâng xác bạn” (Viết lại một bài thơ Hà Nội). Viết về chiến tranh, Lưu Quang Vũ không hô hào căm thù theo kiểu khẩu hiệu rất phổ biến thời đó. Anh chỉ trầm tư triết lý về sự tàn nhẫn của chiến tranh: “Khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn/ Khi bước chân lầm lạc/ Khi con người giết nhau(...)/ Đêm phòng không tiếng đổ vỡ khắp trời/ Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực” (Lá thu). Với Lưu Quang Vũ, chiến tranh như một vở kịch. Trong vở “Tấn kịch chiến tranh khủng khiếp”, khi màn hạ, các nhân vật ở cả hai phe đều chết: “Xác kẻ giết người và người bị giết/ Đều đã tan thành bùn đất” (Hải Phòng mùa đông). Chiến tranh gắn liền với sự chết chóc. Nó là cơn ác mộng của loài người.
Bên cạnh nỗi đau chung của cả thời đại, Lưu Quang Vũ cũng có nỗi buồn mang tính cá nhân. Vốn là người nhạy cảm, anh thường quan tâm đến sự tồn tại của những sinh linh nhỏ bé. Đó có thể là Hoa tầm xuân: “Tầm xuân ơi hoa đã chết lâu rồi(...)/ Những chùm hoa ngày cũ chết lâu rồi”. Anh cảm thấy thân phận của mình giống như con ong nhỏ bé: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận”, “Đã chết rồi ơi chú ong nâu” (Bầy ong trong đêm sâu). Lưu Quang Vũ có lẽ cũng thấm thía quy luật: “Tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân”. Không chỉ than thở cho phận mình mà anh còn than thở cho phận “người dưng”. Ngồi nghe nhạc ở “Quán cà phê ngoại ô”, anh chỉ quan tâm đến cái chết của ca sĩ: “Chiếc máy hát rè rè/ Bài hát cũ nghẹn không thành tiếng được/ Cô danh ca nghe nói giờ đã chết”. Trong bài “Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)”, Lưu Quang Vũ cũng nói đến tác dụng của cái chết. Khi còn sống, có thể người ta không vừa lòng với nhau. Nhưng khi chết, mọi mâu thuẫn chấm dứt, người ta tha thứ và yêu thương nhau: “Cuộc sống chia rẽ chúng ta/ Chỉ cái chết là nối gần nhau lại/ (...) “Sau này chết đi, ở bên nhau mãi mãi/ Chấm dứt mọi đắng cay buồn tủi”. Nhìn cảnh “Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà”, Lưu Quang Vũ nhớ lại lời của Xuân Quỳnh: “Em bảo cần một lý do để sống/ Để gắn bó lòng mình yên ổn”. Sống mà cũng cần có lý do !!! Nếu không có lý do để tồn tại thì có lẽ con người sẽ đi về cõi vĩnh hằng. Trong Lời cuối, Lưu Quang Vũ ví đời người như một chuyến tàu, ai cũng sẽ đi tới đích cuối cùng: cõi chết. Vấn đề là đi với ai: “Người ta chết có một mình/ Đó là điều buồn nhất”. Lưu Quang Vũ đã bày tỏ mong muốn của mình có một cuộc sống hạnh phúc và ấm áp ở thế giới bên kia: “ở bên nhau, trước khi tàu đến/ (...) để nếu có linh hồn/ cũng sẽ không giá lạnh”. Và dự cảm đó đã trở thành sự thật: Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã ra đi cùng một lúc.
Cũng như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ có giọng thơ đầy bi cảm. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận xét: “Thơ anh có phần ngả sang giọng xót xa, tê tái(...) đôi khi, người ta còn bắt gặp nơi anh một nỗi buồn mạnh mẽ, gần giống như sự phẫn uất”(4). Như vậy, ta có thể nói rằng: “Sự buồn rầu và chán đời luôn thường trực trong tâm trạng anh”. Đến khi nổi tiếng trong làng kịch “Anh vẫn buồn. Phải chăng là định mệnh” (Nguyễn Thị Hồng Ngát)(5). Vào những năm 1980, Lưu Quang Vũ trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu kịch trường Việt Nam. Anh đã thổi một luồng gió mới vào đời sống nghệ thuật nước nhà và nhiều vở kịch của anh đã có tác dụng rất lớn đến xã hội Việt Nam lúc đó. Tên tuổi lừng danh như vậy, đáng lẽ anh phải vui nhưng rất nhiều vở kịch của anh vẫn thể hiện sự ám ảnh về cái chết. Trong bài “Phép ứng xử với cái chết trong kịch Lưu Quang Vũ”, nhà phê bình Phan Trọng Thưởng viết: “Hầu như ít vở kịch nào của Lưu Quang Vũ cái chết không được nhắc đến”(6), “Sự ra đi của anh có gì như huyền bí, như là có sự chuẩn bị trước ở đâu đó rồi, ngay cả trong linh cảm của anh”(7). Trong tác phẩm cuối cùng mà anh đang viết dở dang là “Chim sâm cầm đã chết”, anh ví mình như một loài chim quý hiếm, tuy đã được hóa thân nhưng những gì đã làm được cho đời vẫn còn sống mãi. Đấy là “Điều không thể mất” (tên vở kịch hoàn chỉnh cuối cùng của đời anh).
3. Dự cảm về cái chết trong cuộc đời của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ
Sự ra đi đột ngột của một nhà thơ và một nhà soạn kịch nổi tiếng đã gây chấn động cả nước. Hàng triệu con tim yêu thích nghệ thuật đã thổn thức đau buồn và luyến tiếc cho hai tài năng lớn đã ra đi trong khi sức sáng tạo vẫn còn dồi dào và hứa hẹn sẽ cống hiến nhiều hơn cho đất nước. “Sự phi thường và tài năng nở rộ như huyền thoại đã đem đến sự giải thích về cái chết của anh màu sắc huyền bí”(8). Ta hãy theo dòng dư luận để thử xem cái chết của họ có được báo trước như thế nào. Theo Lưu Quang Định, thì thời còn đi học phổ thông, Lưu Quang Vũ đã ghi nhật ký (ngày 8/11/1964) như sau: “Thần chết ơi, ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy, chỉ tiêu của ta có ngắn ngủi không?”(9). Trước khi chết mấy ngày, Lưu Quang Vũ có tâm sự với nhà phê bình Phan Trọng Thưởng: “Người ta bảo mình không thọ lâu, chẳng biết đúng hay sai”(10). Còn Nguyễn Thụy Kha thì kể lại: “Hôm được tin Vũ mất, trước nửa giờ, ở giữa sân khấu lớn Hà Nội, cả một tràng pháo dài trang trí cho kịch “Bệnh sĩ” của Vũ đã rơi xuống tôi và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Cái áo trắng tôi mặc bị hoen đầy màu đỏ, đỏ như máu (...) tôi vẫn nghĩ đó là thông báo cuối cùng của Vũ với bạn bè trước lúc đi xa mãi mãi”(11). Họa sĩ Doãn Châu, người thân cuối cùng chứng kiến cái chết của họ, đã kể lại như sau: Hôm ấy là ngày 29/8/1988, chiếc Com-măng-ca chở 6 người: Vũ - Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi), Doãn Châu cùng vợ và con nhỏ. Xe đang đi từ Hải Phòng về Hà Nội, ngang qua địa phận Hải Dương thì bị chiếc xe ô tô chở than phóng với tốc độ lớn đâm vào phía sau. Điều lạ thường là gia đình họa sĩ Doãn Châu đều bình yên vô sự. “Hình như số phận đã sẵn lòng ghen ghét, đố kỵ với tài hoa nên cả 6 người cùng ngồi trên một xe, cùng một khoảnh khắc nghiệt ngã mà Vũ, Quỳnh, cháu Mí thì đã vĩnh viễn bị cướp đi...” (Doãn Châu - “Niềm bí ẩn của sáng tạo và sự chết”)(12). Đó là thời điểm tháng 7 âm lịch (tháng cao điểm của tai nạn giao thông hằng năm). Và cái chết của họ chỉ diễn ra sau ngày rằm xá tội vong ân có mấy hôm (rất tiếc là hiện nay, có quá nhiều người thờ ơ với lễ tục đầy tính nhân văn này).
Sau tai nạn thảm khốc đó, người ta đã đưa ra nhiều giả thiết khác nhau để chứng minh rằng, số phận nghiệt ngã của Xuân Quỳnh đã được báo trước trong cuộc đời và tác phẩm của chị. Có người đã “xem tướng số” qua đôi mắt và giọng nói của chị như sau: Đôi mắt “Vừa chăm chắm, vừa phiền muộn và đâu đó hình như có những giọt nước mắt ngấp nghé chỉ muốn trào qua bờ mi. Đặc biệt nhất là giọng nói, bao giờ giọng nói của Quỳnh cũng run rẩy nghẹn ngào như có tiếng khóc ở bên trong. Bằng vào hai thông số đặc biệt ấy của chân dung, người ta không thể đoán định một số phận tốt hơn cho Xuân Quỳnh”(13). Vì sao Xuân Quỳnh phải chịu một số phận nghiệt ngã như vậy, bởi chị có tài sắc hơn người. “Thật hiếm có người đàn bà vừa có tài, có sắc đẹp, lại có trí tuệ sắc sảo như Xuân Quỳnh”(14). Bởi vậy, nói như Nguyễn Du: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, “Rằng hồng nhan tự nghìn xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”... Có lẽ dự cảm được số phận của mình như vậy nên Xuân Quỳnh đến với thơ để giải thoát bớt niềm đau. Lưu Khánh Thơ thừa nhận: “Có cái gì như là định mệnh khi chị kết thúc cuộc đời cùng chồng con vào một ngày tháng 8 đau xót. Chị vĩnh biệt chúng ta vào mùa thu. Những bông hoa cúc vàng mà chị đã từng yêu, từng nói đến trong các bài thơ đã phủ kín ngôi mộ. Những bông hoa phúng điếu, tưởng niệm rồi sẽ tàn”(15).
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ có nhiều điểm tương đồng nhau: từng có một lần hôn nhân dang dở và mỗi người có một con riêng. Từng đứng trên trận tuyến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và đối diện thường xuyên với cái chết. Thơ của hai người đều thể hiện sự ám ảnh về cái chết và mang âm hưởng buồn. Từ khi hai người đến với nhau, hai nỗi buồn được cộng lại tạo ra nỗi buồn lớn hơn. Và cũng từ đây, sự nghiệp của họ đạt tới đỉnh cao. Nói như thi sĩ Pháp Musset: “Không có gì làm cho ta lớn bằng một nỗi đau lớn. Tiếng hát tuyệt vọng là tiếng hát tuyệt vời nhất”.
P.N.H
(1) Ngân Hà (biên soạn), Nữ sĩ Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại, NXB Văn hóa thông tin, H. 2001.
(2) Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (biên soạn), Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại, Đà Nẵng, 1989.
(3) Vân Long (biên soạn), Xuân Quỳnh, thơ và đời, NXB Văn hóa, H. 1995.
(4) Vương Trí Nhàn (giới thiệu, tuyển chọn), Thơ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, NXB Giáo dục. H. 2002.
(5) Vũ Tiến Quỳnh (biên soạn), Phê bình, bình luận văn học: Quang Dũng, Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, NXB Văn nghệ, 1995.
(6) Lưu Khánh Thơ (biên soạn), Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp, NXB Hội nhà văn, H. 1994
(7) Lưu Quang Vũ, Thơ và truyện ngắn, (Lưu Khánh Thơ biên soạn), NXB Hội nhà văn, H. 1998.