Tìm lại dấu xưa - Trần Trung Sáng

29.08.2018

Tìm lại dấu xưa - Trần Trung Sáng

Sau 160 năm ngày Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất mở đầu trận đánh cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1884, đến nay, thành phố bên sông Hàn vẫn được xem là nơi lưu giữ những dấu vết lịch sử  oai hùng, tựa những trang sử quý hiếm minh chứng hùng hồn về công cuộc chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam suốt hơn một phần tư thế kỷ. 

TỪ THÀNH ĐIỆN HẢI

Sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, vua Gia Long năm thứ 12 (1813)  cho đắp đài Điện Hải và bảo An Hải, đài ở bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo ở bên hữu. Về sau các vị vua nối nghiệp đều tiếp tục thực thi tăng cường củng cố hai vị trí nói trên, đồng thời cho xây dựng các cứ điểm quân sự ven biển, hải cảng nhằm chống lại sự tấn công bằng đường biển của các thế lực ngoại bang.

Năm 1834, đài Điện Hải được gọi là Thành Điện Hải (người Pháp còn gọi là Fort de l’Ouest”, nghĩa là đài phía Tây). Theo tài liệu: “Đồ án thiết kế của thành được xây dựng theo kiểu Vauban, có dạng hình vuông với bốn góc  lồi hình cong, có tường cao hơn 5m, chu vi 556m, các hào sâu hơn 3m và có hai cổng ở phía Nam và phía Đông. Thành tọa lạc trên một mỏm đất cao”.

Vào năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm lược Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân giặc. Tuy nhiên khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp vào ngày 30/11/1888, Thành Điện Hải cũng thăng trầm từ dạo đó. Người Pháp biến nơi đây thành bệnh viện, rồi trường học. Sau ngày giải phóng 1975, thành Điện Hải được xưởng dược và Bệnh viện Da liễu Quảng - Đà tiếp quản, năm 1976 lại bàn giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1988, Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, song di tích vẫn chưa được quan tâm bảo quản đúng mức. Đến năm 2004, thành phố Đà Nẵng di dời Xí nghiệp Dược và cho xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng trong khuôn viên Thành Điện Hải. Trước đó, vào năm 1987, Kiến trúc sư Nguyễn Phan Trường trong tác phẩm tốt nghiệp của anh tại Đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đồ án “Nhà văn hóa thanh nhiên Thành Điện Hải”(1) với chủ đích: “góp phần bảo vệ, khôi phục di tích hiếm hoi còn sót lại ở Cửa Hàn xa xưa” bằng cách: “bảo tồn một di tích có hiệu quả nhất là đưa vào đó một nội dung mới thích hợp”, nhưng không được quan tâm. Hồi năm ngoái, trước khi qua đời (7/1/2018), Linh mục Nguyễn Trường Thăng - cũng là nhà nghiên cứu tâm huyết với các di sản văn hóa xứ Quảng cho chúng tôi biết, khi hay tin Thành Điện Hải bị phá bỏ để xây dựng lại thành Bảo tàng Đà Nẵng, ông đã viết thư gởi đến vị lãnh đạo cao nhất của thành phố thời điểm này, khẩn thiết đề nghị lưu giữ lại nhà thờ nguyện là di tích của người Pháp xây chồng lên khi làm bệnh viện, nhưng không được hồi đáp. PGS.TS Ngô Văn Minh cũng nói rằng: “Vào thời gian nói trên, tôi đã trực tiếp gặp các vị lãnh đạo thành phố đề nghị phải giữ nguyên hiện trạng Thành Điện Hải, nhưng họ cứ khăng khăng không nghe, thật không hiểu nổi!”. Chính vì vậy, nhiều năm liền, di tích Thành Điện Hải ngày càng một nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, từ năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã khẩn thiết đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của Thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích có một không hai này. Tháng 12/2017, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” với sự tham dự của nhiều nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu cả nước, trao đổi, góp phần đưa ra các giải pháp hữu hiệu bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải.

Đáng mừng vui, đến hiện nay, thành phố đã triển khai kế hoạch chuyển dời Bảo tàng Đà Nẵng về địa điểm trụ sở Hội đồng nhân dân, 42 Bạch Đằng  (theo chủ trương di dời bảo tàng khỏi di tích Thành Điện Hải đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất vào cuối năm 2016) và từng bước tôn tạo, với nỗ lực cao nhất để phục hồi trả lại nguyên trạng di tích Thành Điện Hải.

ĐẾN THÀNH AN HẢI

Cùng với Thành Điện Hải nằm bên tả ngạn sông Hàn, còn có Thành An Hải nằm bên phía hữu ngạn là 2 trấn sở quan trọng để bảo vệ Đà Nẵng được xây dựng cùng thời gian 1813. Người Pháp gọi thành này là “ Fort de l’Est” là pháo đài Đông. Theo Đại Nam nhất thống chí, “Thành An Hải chu vi 41 trượng 2 thước (khoảng 165m), cao 1 trượng 2 thước (4,5m) chung quanh có hào sâu 1 trượng (4m), mở 2 cửa, dựng 1 kỳ đài và 22 ụ pháo đài. Mới đầu đắp bằng đất gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành”. Ngoài ra còn có các pháo đài nằm trên bán đảo Sơn Trà như Phòng Hải, Trấn Dương và một hệ thống đồn nhỏ. Tuy nhiên, khác với Thành Điện Hải ở bên tả ngạn, về sau quân Pháp vẫn giữ nguyên, còn Thành An Hải đã bị phá ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng (2/1860).

Năm 2017, tình cờ trong một đề án Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống và bảo tồn làng biển xưa tại làng An Tân và An Đồn, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng do NSNA Mỹ Dũng (Nguyễn Văn Mỹ) đề xuất, chúng tôi lại có dịp tiếp cận hiểu rõ hơn những gì còn lại trên nền đất xưa nơi từng là Thành An Hải tọa lạc. Nhà nghiên cứu sử học Lê Duy Anh cho biết, ông sinh ra và lớn lên chính trên mảnh đất này. Ông khẳng định nơi đây, từng là Thành An Hải cùng góp mặt với Thành Điện Hải mở ra những trang sử oai hùng của quân và dân ta trong những trận đánh Pháp đầu tiên (1858). Tại đây, bên cạnh giếng nước hơn trăm năm tuổi cùng với Lăng Ông, Lăng Bà có từ khi lập làng, hồi còn nhỏ ông vẫn nhìn thấy bên cạnh cột cờ cao chừng 20m còn có cả hai súng thần công để hai bên (về sau, thời Pháp, họ gia cố cột cờ này dùng nó để báo hiệu cho tàu bè vào sông Hàn. Khi nghe tiếng còi tàu từ xa, có người trèo lên cột cờ đó quan sát, nếu thấy tàu của nước nào thì treo cờ của nước đó lên cho bờ bên kia biết. Còn những súng thần công đã chuyển đi đâu không ai biết). Do đó, nếu làng biển được bảo tồn và được phát huy vào việc phục vụ du lịch theo như đề án nói trên là một điều vô cùng ý nghĩa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về kế hoạch triển khai Đề án nói trên, mới đây, UBND Quận Sơn Trà đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để  tiến hành nghiên cứu, chỉnh trang hệ thống giao thông, điện chiếu sáng công cộng, thoát nước, môi trường vệ sinh, hệ thống chữa cháy..., trước mắt là với mục tiêu góp phần cải thiện an sinh xã hội của người dân khu vực và tạo điểm nhấn du lịch cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nếu có sự lưu ý, chú trọng hơn nữa vai trò của Thành An Hải xưa, thì Đề án này càng có ý nghĩa  song hành cùng việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải trong thời gian sắp đến.

NGHĨA TRANG LIỆT SĨ ĐỘC ĐÁO NHẤT CẢ NƯỚC

 Trong gần hai năm (1858 - 1860) chiến đấu chống quân ngoại xâm với hỏa lực mạnh hơn gấp bội lần, dân quân ta phải chịu nhiều mất mát, hy sinh. Các cuộc mai táng trong chiến tranh chỉ được tổ chức vội vàng, mãi về sau hài cốt các tướng sĩ vị quốc vong thân này mới được quy tập vào hai nghĩa trủng: Hòa Vang vào năm Tự Đức thứ 19 (1866) và Phước Ninh vào năm Tự Đức thứ 29 (1876).

Nghĩa trủng Khuê Trung ban đầu được lập ở Trủng Bò làng Nghi An, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Khoảng năm 1920, Pháp mở Sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trủng về vườn Bá làng Khuê Trung. Đến 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía Nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.  Phía trước nghĩa trủng hiện còn một tấm bia sa thạch được lập từ năm Tự Đức thứ 19 (1866) với 4 chữ Hán đại tự “Hòa Vinh nghĩa trủng” cho thấy lúc lập bia nơi đây còn gọi là Hòa Vinh, về sau mới đọc trại thành Hòa Vang. Như vậy, theo các nhà chuyên môn, phải gọi là Nghĩa trủng Hòa Vinh mới đúng với lịch sử. Tại trung tâm Nghĩa trủng Hòa Vang có một ngôi mộ lớn, trên bia có một hàng 7 chữ Hán: “Tiền triều đại tướng quý công mộ”.

Xưa kia, dưới chính sách hà khắc của thực dân Pháp, người dân Khuê Trung chỉ đơn giản gọi nấm mồ các anh hùng nghĩa sĩ là Âm linh cô mộ. Khi nghĩa trủng còn ở vườn Bá, làng trí riêng 1,7 mẫu ruộng dành cho việc tu tảo phần mộ và lo cúng tế Âm linh. Đến ngày 17/11 âm lịch hằng năm, dân làng lại tề tựu về trước các bàn án làm lễ dâng hương tưởng niệm vong linh nghĩa sĩ. Vẫn chưa ai giải thích được nguồn gốc ý nghĩa của ngày tế nghĩa sĩ 17/11 âm lịch, chỉ biết nó đã có từ lâu rồi. Về sau, do chiến tranh diễn ra ác liệt nên lệ này nhiều năm rơi vào quên lãng. Đến nay, lễ cúng tế vong linh nghĩa sĩ được tổ chức kết hợp với lễ tế Tiền hiền làng Khuê Trung vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm.

Trong khi Nghĩa trủng Hòa Vang nằm ở vùng thôn quê (làng Nghi An) cho đến năm 1926 lúc Pháp mở Sân bay Đà Nẵng mới phải di dời về làng Hóa Khuê, thì Nghĩa trủng Phước Ninh lại nằm trong địa phận 5 làng đầu tiên được vua Đồng Khánh ký đạo dụ ngày 3/10/1888, cắt cho Pháp để lập thành phố Tourane nhượng địa, trước sức ép của Toàn quyền Đông Dương Richaud. Các làng này nằm ở trung tâm thành phố, nay đều thuộc quận Hải Châu.

Theo bi ký của Nghĩa trủng Phước Ninh lập năm Tự Đức thứ 29 (1876), thì Án sát Quảng Nam Nguyễn Quý Linh và Lãnh binh Trương Tải Phú đã chọn đất ở làng Phước Ninh để làm nơi quy tập hơn 1.500 hài cốt của những nghĩa sĩ, nghĩa dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định... đã hy sinh trong trận Pháp đánh chiếm Đà Nẵng trong những năm 1858-1860. Mộ được chôn nhiều lớp theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, xây thành đất chung quanh, có chu vi 40 trượng, và đến tháng 7/1876 thì hoàn thành. Tại Nghĩa trủng Phước Ninh có tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,2m, rộng 0,8m ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ cùng mộ phần của hai vị tướng Nguyễn Thượng Chất và Nguyễn Việt Thứ. Theo người dân địa phương, xưa kia nghĩa trủng được bao quanh bởi một tường đắp bằng đất cao quá đầu người, chu vi mỗi cạnh 90m, phía trước giáp đường Huỳnh Thúc Kháng, phía sau giáp đường Hoàng Diệu, bên trái là đường Lê Đại Hành, bên phải là khu vực dân cư. Tường đất bị thực dân Pháp san bằng năm 1950. Ngoài việc hiến đất để chôn cất hài cốt, làng Phước Ninh còn trích ra 2 mẫu đất để lấy hoa lợi hằng năm chi cho việc giỗ chạp. Trong tập sách Người Quảng Nam (Nxb Trẻ, 2018) tác giả Lê Minh Quốc có đoạn: “Thuở tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mỗi chiều đi học về chúng tôi thường rủ vào trong Nghĩa trủng Phước Ninh chơi đá banh, bịt mắt bắt dê băng qua lô xô mộ bia nằm khuất dưới dấu cỏ. Những ngọn cỏ oằn mình trong nắng gắt, mưa dầm để che chở những hài cốt nằm trong đất mẹ”.

Ngày 16/11/1988, Nghĩa trủng Phước Ninh được Bộ Văn hóa - Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1990, khi xây dựng Trung tâm Thể dục - Thể thao Nguyễn Tri Phương, các nấm mộ đã được cải táng vào nghĩa trang Sơn Gà ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), riêng nhà bia, tấm bia đá sa thạch cùng mộ của hai vị tướng vẫn giữ lại tại chỗ. Đến năm 2009, hài cốt của hai vị tướng Nguyễn Thượng Chất và Nguyễn Việt Thứ lại tiếp tục được chuyển đến Nghĩa trủng Hòa Vang để mở tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài. Tuy nhiên, điều may mắn, lãnh đạo Đà Nẵng đã dành lại trên nền nghĩa trủng cũ khu đất hai mặt tiền Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Thúc Kháng rộng hơn 600m2 để lưu giữ tấm bia ký của Nghĩa trủng Phước Ninh.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận định: “Cái độc đáo nhất chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta, hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - Nghĩa trủng Phước Ninh quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ, còn Nghĩa trủng Hòa Vang chừng 1.300 - được thành lập để làm nơi yên nghỉ cho các quan quân triều đình cùng không ít thường dân Đà Nẵng đã vị quốc vong thân. Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, dẫu cái nghĩa trủng xưa có thể chỉ còn một chút dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo (thơ Bà Huyện Thanh Quan), người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng một trăm năm mươi lăm năm trước mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng hôm nay đối với đất nước, với những người vì đất nước và với các bậc tiền nhân của chính Đà Nẵng quê mình”(2).

ĐỒI HÀI CỐT

“Có thể nói đây là cái duy nhất, quan trọng nhất chưa hề có trên toàn cõi Đông Dương này, và cũng là một chiến dịch mà nước Pháp đã thất bại một cách thê thảm! Từ Phó Đô đốc Rigault de Genouilly đến sau đó là Tướng François Page ra đây,  hai chỉ huy quân đội Pháp đều thất bại và phải rút lui vào miền Nam. Đi ngang qua Đà Nẵng phải nên ghé nơi đây để biết chắc chắn rằng đã thật sự có một trận chiến như thế trong lịch sử, chứ không phải mơ hồ. Và Toàn quyền Paul Doumer, Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Pháp và ông thị trưởng của thành phố này (GC: thời điểm 1895, lúc này đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý do Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm) đến dự lễ khánh thành khu bia mộ này, đã chứng minh sự kiện này của ta trong lịch sử ngàn năm về sau”, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đứng bên Đồi hài cốt (còn gọi là nghĩa trang Tây Ban Nha), đã nhấn mạnh như vậy trong câu chuyện giới thiệu về lịch sử Đà Nẵng trong bộ phim tài liệu “Thầy Nguyễn Văn Xuân” do đạo diễn Nguyễn Hải Anh thực hiện (Cánh diều bạc Liên hoan phim Hội Điện Ảnh Việt Nam 2001).   

Nằm sát bên ven đường kề cận ngã ba xuống bãi  biển Tiên Sa, Đồi hài cốt chính là nghĩa địa tập thể chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn từ cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng năm 1858 đến năm 1860. Đầu tiên, có thể nhìn thấy rất rõ một cây thánh giá màu trắng nhô cao ẩn hiện trong những tán lá xanh, phía dưới có dòng chữ trắng “OSSUAIRE” (Đồi hài cốt). Bước lên những bậc đá xanh lên trên chừng 2m, qua tấm bình phong, bức tường thành, cổng sắt nhỏ là một ngôi nhà nguyện có khắc chữ “SPES UNICA” (ý từ câu “O Crux, ave spes unica!” - Ôi kính chào Thánh Giá là hy vọng duy nhất của chúng tôi!). Nhà nguyện cao khoảng 3,5m, bề ngang khoảng 3m, dài khoảng 12m, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức công giáo, phía trên là những phiến đá khắc dòng chữ Latin chạy uốn lượn phía trên bệ thờ theo hình vòm đối xứng, cân đối với bàn thờ. Trên bức tường bên trái có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: “A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de I’Expédition Rigault de Genoiilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux” (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault Genuoilly. Tử nạn những năm 1858 - 59 - 60 và được an táng ở đây). Có tài liệu cho rằng nhà nguyện này là mồ chôn tập thể của hàng ngàn binh lính Pháp - Tây Ban Nha được tập trung về đây trong 3 năm 1858 - 1860.

Xung quanh khuôn viên ngôi nhà nguyện là 32 ngôi mộ nằm ngang dọc được đắp bằng xi măng. Những ngôi mộ cùng bia mộ lớn nhỏ không đều nhau hoặc không có bia, không thể đoán được thứ tự sắp xếp theo thời gian chôn cất hay chức vị của người nằm bên dưới. Đọc những dòng chữ ghi trên bia có thể thấy những người nằm đây rải rác từ năm 1858 đến 1860 (trong đó có mộ của Trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 8/11/1859).

Quả nhiên, Đồi hài cốt là một di tích lịch sử đặc biệt của Đà Nẵng, đánh dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của đội quân viễn chinh phương Tây tại Việt Nam. Hằng năm vào ngày 25/12, nhiều đoàn khách phương Tây thường tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người nằm lại nơi Đồi hài cốt. Hiện nay, bên cạnh việc tu bổ, phục hồi và tôn tạo riêng di tích Thành Điện Hải, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng đưa luôn khu di tích “Đồi hài cốt” trên bán đảo Sơn Trà vào dự án này? Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng nói rằng: “Do một số tư duy cũ kỹ trước đây, cho đây là nơi chôn cất kẻ thù nên không xếp hạng di tích. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là chứng tích hùng hồn và là bộ phận quan trọng kết hợp cùng Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang cho thấy tổng thể cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta chống xâm lược cách đây gần 160 năm!”.

VÀ CÂU CHUYỆN DỞ DANG VỀ NGÔI MỘ WILLIAM COOK

Những năm gần đây, khi đến thăm di tích Đồi hài cốt, du khách phương Tây, đặc biệt là người Mỹ thường hay thăm hỏi về một thông tin thú vị đã diễn ra tại Đà Nẵng: ngôi mộ của William Cook - một người Mỹ đầu tiên du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu biển được tìm thấy  tại bán đảo Sơn Trà.

Trên thực tế, gần 20 năm trước, thông tin này từng được loan tải rộng rãi trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước, sau khi nhà báo Peter Kneisel có bài viết kể về cuộc hành trình của một cựu chiến binh Mỹ tìm gặp “ngôi mộ cổ William Cook”. Các tour du lịch giới thiệu về Đà Nẵng đã nhanh chóng đưa “ngôi mộ cổ William Cook” trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn thuộc bán đảo Sơn Trà.  Bởi, đây là dấu  vết  về cái chết đầu tiên của một người Mỹ nằm lại Việt Nam còn được lưu giữ, trước cả thời gian  hơn 1.500 người lính phương Tây an nghỉ tại Đồi hài cốt trong cuộc chiến 1858 - 1860 cũng tại vùng ven biển Đà Nẵng.

Vậy William Cook là ai? Bí ẩn nào ông đã chôn chặt dưới nấm mồ bên bờ biển Tiên Sa suốt hơn 160 năm qua? Ngôi mộ “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam” này bây giờ ra sao?

Câu chuyện khởi đầu thật bất ngờ, từ lúc Dennis M. ÓBrien, một cựu Thủy Quân Lục Chiến trong chiến tranh Việt Nam đóng ở Ðà Nẵng, tình cờ bắt gặp một đoạn kể ngắn về chuyến ghé lại 16 ngày của Constitution tại Việt Nam trong biên niên sử sinh động của Tyrone Martin, Thành Sắc Cổ, Chiến Hạm May Mắn Nhất (Old Ironsides, A most Fortunate Ship), viết về chiến hạm Constitution(3). Nội dung đoạn văn nêu rõ: Ngày 10 tháng 5 năm 1845, thủy thủ William Cook chết trên chiến hạm Constitution vì bịnh kiết lỵ. Chàng thanh niên William Cook gia nhập hải quân tháng 3 năm 1844, lãnh lương 10 Mỹ kim một tháng với nhiệm vụ chơi nhạc trên ban nhạc của chiến hạm. Ðó là tất cả những gì các văn khố hải quân Hoa Kỳ còn ghi lại về đoạn đời hải quân ngắn ngủi của William Cook. George Thomas, thợ mộc trên USS Constitution ghi lại trong nhật ký của ông hiện còn lưu giữ: “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Ðêm xuống nhiều tàu lớn [Việt Nam] thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần, để có thể đổ bộ sang Constitution. Hạm trưởng John Percival trước khi rời cảng đã tặng cho các tu sĩ Phật Giáo tại địa phương 2 Mỹ kim để lo chăm sóc phần mộ của thủy thủ Cook”.

Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau, ngược với mục đích thiện chí chiến hạm Constitution đang thực hiện, hạm trưởng Constitution đã đưa chiến hạm vào cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam, vì một lý do tôn giáo không cần biết cặn kẽ căn nguyên. Lúc ấy, sau công hàm ngoại giao phản đối của triều đình Huế gửi tới tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Singapore, Tổng thống Hoa Kỳ Zachary Taylor đã phải gửi một thư xin lỗi đến vua Thiệu Trị và cho đây là một hành động ngoại giao bất thường trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ...

Hành trình nói trên của Ó Brien đã được nhà báo Peter Kneisel của Tạp chí Boston Globe ghi lại qua phóng sự “The Search For Seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook). Đó là ngày 16/4/2000, ngày đã đi vào những dòng đầy cảm xúc của ký giả Peter Kneisel: “Chúng tôi, cuối cùng, đã được một phút yên lặng với William Cook”, sau khi phát hiện ra “một ngôi mộ được chôn cất đúng vào nơi đã được ghi nhận. Tấm bia khắc tên Cook được đặt trong một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp”. Ngôi miếu nhỏ có khắc hình chiếc ghe buồm được dân làng gọi là “chùa Mỹ”.

Trong cuốn Globe Guidebook dành hẳn một trang viết của Peter Kneisel, nêu kế hoạch, năm 2001, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện một đài tưởng niệm khắc chữ bằng hai thứ tiếng, Anh và Việt, đánh dấu sự hợp tác giữa quốc gia William Cook đã phục vụ và đất nước đã dành cho ông nơi an nghỉ cuối cùng. Điều đó, góp phần  giúp  khách du lịch quan tâm hơn tới Đà Nẵng, vào thời điểm thành phố này gắn với sự kiện USS Constitution năm 1845. Bởi lâu nay, những diễn tiến chung quanh sự kiện chiến hạm Constitution vào vịnh Đà Nẵng năm 1845 bắn phát súng đầu tiên (của người Mỹ và phương Tây) vào Việt Nam và nhạc công William Cook trở thành người lính Mỹ đầu tiên được chôn cất trên đất Việt Nam chỉ là cái bóng mờ  bên cạnh sự kiện liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng cũng tại Vũng Thùng 13 năm sau đó.

Thế nhưng, sau những thông tin về ngôi mộ của “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam” (vốn được biết trên các trang web quảng bá du lịch Đà Nẵng là ở bãi Tiên Sa, gần Đồi hài cốt), thì hầu như không một ai biết được vị trí về ngôi mộ nói trên. Cuối cùng, qua nhiều cuộc điện thoại dây chuyền với những người công tác trong ngành văn hóa du lịch, chúng tôi mới tìm gặp ông Đặng Hòa - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang - người đã trực tiếp đưa tàu chở nhóm  bạn  Ó Brien đi tìm mộ William Cook vào gần 20 năm trước, cũng là người duy nhất còn biết được ngôi mộ này bây giờ ra sao.

Ông Hòa nói: “mộ William Cook, đã bị dự án quy hoạch xóa bỏ từ mấy năm nay. Nếu có thể chỉ được, thì tôi sẽ chỉ một khoảng đất trống, chứ chẳng còn dấu vết gì!”. Và ông bất ngờ tiết lộ: Hồi đó, khi đưa tàu chở nhóm người Mỹ tấp vào cảng Tiên Sa thăm một ngôi mộ, ông chưa hiểu rõ là việc gì, nhưng vẫn chụp vài bức ảnh (in trong tập sách Du lịch sông nước Đà Nẵng, do chính ông Đặng Hòa là tác giả). Về sau, ông đọc được nhiều bài báo viết về sự kiện này, mới hiểu rõ đây là ngôi mộ của “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam”, đồng thời có rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến tìm ông để thăm hỏi thêm. Chính vì vậy, vào khoảng năm 2007, khi được tin dự án Tiên Sa quy hoạch, xóa bỏ toàn bộ vết tích ngôi mộ, mà không có một cơ quan chức năng nào hay biết, can thiệp, ông Hòa đã vội vã thu hốt tất cả những gì còn lại tại ngôi mộ bỏ lên tàu, và chở về dựng tạm lại tại bãi Đá Đen (cách vị trí cũ chừng 1km).

Cần nói thêm, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang của ông Đặng Hòa là đơn vị  kinh doanh du lịch đường sông tại Đà Nẵng. Thời điểm đó, ông Hòa dự định sẽ mua lại tàu đánh cá xa bờ đang nằm bờ, sau đó chỉnh trang thành chiếc tàu lớn có sức chứa từ 50-100 người để chở khách ra biển, thăm thú bán đảo Sơn Trà. Hầu hết các bãi biển ở khu vực bán đảo Sơn Trà lúc này đều đã có chủ, ngoại trừ bãi Đá Đen (khoảng 4 ha) là một trong những bãi còn bỏ trống. Nơi đây, có một di tích lịch sử rất quan trọng là Căn cứ Thành ủy Đà Nẵng từ năm 1954-1958. Do đó, khi chuyển những dấu vết của ngôi mộ William Cook về bãi Đá Đen, ông Hòa nuôi ý tưởng sẽ kết hợp thực hiện một biểu tượng chiến hạm Constitution (như dự tính ban đầu của  Thành phố Đà Nẵng), để có thể đưa khách tới tham quan, cùng việc  tổ chức leo núi tại  khu di tích trên.

Hiện nay, ông Đặng Hòa là Chủ tịch Chi hội Vận chuyển du lịch đường thủy thành phố Đà Nẵng. Hỏi thăm lại câu chuyện cũ, ông Hòa cho biết, dù vậy, ông vẫn  đầu tư mua 2ha tại bãi Đá Đen và nếu được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố và các cơ quan chức năng, ông sẽ tiếp tục thực hiện ý tưởng như ban đầu. Tuy nhiên, điều ông Hòa băn khoăn, là bãi Đá Đen sẽ bị quy hoạch nữa hay không?

Như vậy, sau 155 năm gìn giữ cho đến khi được tìm thấy (1845-2000), chỉ trong một thời gian ngắn, di tích ngôi mộ William Cook đã không còn nằm ở vị trí xưa. Dẫu sao, trong sự rủi ro đó, ở trường hợp này, chúng ta vẫn còn niềm hy vọng  cuối cùng từ bàn tay ân cần, đầy trách nhiệm của người lái tàu Đặng Hòa. Rất mong sao, từ bài viết này, những người có trách nhiệm cần có sự quan tâm tìm hiểu, để bằng hình thức nào đó, mai kia khi những người khách bên kia nửa vòng trái đất quay lại tìm câu chuyện kỷ niệm về “chiến hạm Thành sắt Cổ và thủy thủ Cook” của họ, chúng ta sẽ có câu trả lời tốt đẹp, đừng bỏ dở dang...

T.T.S

(1) Bài “KTS Nguyễn Phan Trường và đồ án Nhà văn hóa thanh niên Thành Điện Hải” (Đặc san Đối thoại, ấn phẩm chào mừng Đại hội đoàn TP Đà Nẵng lần thứ 3, 1987).

(2) Bài “Cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải - 155 năm sau nhìn lại” trong cuốn Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860 (NXB Giáo dục VN 2014).

(3) “Việc tàu Constitution đến cảng Đà Nẵng năm 1845 là một sự kiện mở đầu cho trang sử triều Nguyễn đương đầu với đạo Thiên chúa và thực dân phương Tây. Vì thế, mới đây (2007) có dịp sang Boston (Massachusetts, Hoa Kỳ) tôi đã đến tìm hiểu thêm về con tàu gây hấn “lịch sử” Constitution này (còn gọi là Old Ironsides). Bến tàu Constitution trong khu vực Công viên Lịch sử quốc gia Boston (Boston National Historical Park). Đấy là một chiếc tàu với ba cái cột buồm cao ngất. Tôi không tưởng tượng được chiếc tàu đã gây hấn ở Đà Nẵng năm 1845 lại lớn đến vậy”. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Kiến thức ngày nay số 712, ngày 20/5/2010).