Nhật ký Lưu Quang Vũ - Một góc nhìn nghệ sĩ - Bùi Việt Thắng
1. Sự xuất hiện gần đây nhật ký của các nhà văn cũng như những người chân chính nổi tiếng khác (Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Minh Châu, Chu Cẩm Phong, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc,...) như những góc nhìn mới về đời sống văn chương và cuộc đời nghệ sĩ/ chiến sĩ/con người. Nhật ký có tính ưu trội về tính trung thực. Nó chứa đựng sự thật tâm hồn của chủ thể. Hẳn độc giả yêu văn chương còn nhớ tập nhật ký Ở rừng (1947-1948) của nhà văn - liệt sĩ Nam Cao (1915-1951). Trong đó ông viết chân thành và kỹ lưỡng về cuộc đấu tranh “nhận đường” mà bản thân và thế hệ mình trải qua trong Cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng cho độc giả và giới nghiên cứu văn học một bài học về tính trung thực của người nghệ sĩ ngôn từ. Gần hơn, trong Di cảo Nguyễn Minh Châu (Nhà xuất bản Hà Nội, 2009) độc giả và văn giới có cơ hội nhận biết tường tận hơn tấm lòng của nhà văn với đời, với người, với nghề. Đặc biệt là những trăn trở, thao thức, tìm tòi của người nghệ sĩ mong muốn tìm tòi con đường đổi mới văn chương nước nhà. Ngoài ra, qua những trang nhật ký của Nguyễn Minh Châu, chúng ta còn thấm nhuần được sâu sắc hơn tinh thần, cảm hứng hòa giải, hòa hợp dân tộc như một sứ mệnh của văn chương và người nghệ sĩ. Có thể nói, ông là “người mở đường tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn chương thời hậu chiến. Đã đành. Ông còn là người đi tiên phong bằng văn chương đề cao sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc. Miền cháy (tiểu thuyết, 1977) là một tác phẩm có tính đột phá trên chủ đề này. Nhưng trước đó, từ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, trên những trang nhật ký giàu tâm huyết, ông đã nói với chúng ta về sự sống còn của dân tộc chính là “ Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Nhật ký, vì thế có thể coi là một chỉ dụ, hay là một “từ khóa” để chúng ta soi mở đời sống tâm hồn của nhà văn cũng như những người được coi là “kiệt hiệt” khác. Hơn thế còn là cơ hội phát hiện những bí mật của “cái tôi” nghệ sĩ/cá nhân điển hình.
2. Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường (trong sách Lưu Quang Vũ-Di cảo (LQV - DC), Lưu Khánh Thơ tuyển soạn, Nxb Lao động, 2008), là một áng văn chương quý hiếm. Có thể nói, đây là một trong ba góc nhìn thấu đáo lịch trình sáng tạo văn chương Lưu Quang Vũ (Thơ-Kịch- Văn). Chỉ vỏn vẹn 200 trang nhật ký (ghi từ ngày 21/2/1963 đến ngày 8/10/1965), mới chỉ là một phần trích in, nhưng nó là một kho tài liệu sống, một cánh cửa dẫu hẹp, giúp chúng ta mở vào khám phá thế giới nội tâm của thi sĩ Lưu Quang Vũ.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Lưu Quang Vũ đã có ba niềm say mê lớn: ghi nhật ký, vẽ tranh và làm thơ. Có một phương pháp nghiên cứu văn học được gọi là “phương pháp tiểu sử”, hiện nay đôi khi bị bỏ qua, nhưng thực tế nó giúp người nghiên cứu một công cụ đắc lực để hiểu rõ hơn, thậm chí đến tận chân tơ kẽ tóc đường đi nước bước sáng tạo của nghệ sĩ. Một người thích ghi nhật ký từ tuổi thơ, một người sớm suy tư, hẳn người đó sớm tự ý thức, một người giàu cảm xúc, và cao hơn đánh dấu một nhân cách chín sớm. Lưu Quang Vũ, tôi nghĩ, thuộc vào kiểu người này. Bởi vì, suy cho cùng, với một nghệ sĩ thì tài năng và nhân cách là hai nhân tố căn cơ quyết định sự thành công của sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn Lưu Khánh Thơ (em gái thi sĩ Lưu Quang Vũ) trong Lời nói đầu đã viết: “Những trang nhật ký cho ta thấy tình cảm yêu thương da diết của anh đối với gia đình, quê hương, đất nước cũng như một thiên hướng và ý thức nghệ thuật rất cao, được vun đắp và xây dựng ngay từ thời thơ ấu”. Ở đây, theo tôi, cần nhấn mạnh một ý, nhà văn Lưu Khánh Thơ viết về thi sĩ Lưu Quang Vũ với tư cách một người nghiên cứu văn học, chị đứng từ góc nhìn khách quan và công tâm, không để cái chủ quan ám thị. Không ít trường hợp người trong một nhà thường hay đem cái chủ quan ra bình xét các hiện tượng văn chương, như dân gian vẫn thường nói “con hát mẹ khen hay” (?!). Đã có nhiều công trình nghiên cứu về thơ, kịch, truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Nhưng có lẽ nhật ký, cái phần “nhỏ nhoi” nhất trong văn sản của ông, thì ít người động bút. Khi tôi đang viết bài này, thì một “ông” cũng có “máu mặt” trong làng văn nói, đại ý, Lưu Quang Vũ thì còn gì để viết (!?). Tôi liền thưa lại, ấy thế mà tôi vừa viết một bài cho tạp chí Văn học & Tuổi trẻ dài đến 1.500 chữ chỉ để bình... một câu văn mở đầu gồm 5 chữ “Hắn vừa đi vừa chửi” trong kiệt tác Chí Phèo (1941) của văn hào Nam Cao. Ông nghĩ sao (?!). Người đó im lặng. Như người ta nói, im lặng là thừa nhận (!?). Đôi khi, như văn học sử đã chứng minh, chỉ một thiên nhật ký cũng đủ vinh danh tên tuổi một văn tài. Đó là trường hợp Viết dưới giá treo cổ (1943) của nhà văn/chiến sĩ Cộng sản Tiệp Khắc - J. Fuxik (1903-1943) đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn chương thế giới thời hiện đại.
3. Con người/nghệ sĩ: Như đã nói ở trên, sự trung thực là tính ưu trội của nhật ký. Thường thì người ta chỉ viết nhật ký cho riêng mình đọc. Đó là nói theo lẽ thông thường ở đời. Nhưng với nghệ sĩ thì viết nhật ký không chỉ riêng cho mình đọc, dù có ý thức hay không, cuối cùng nó cũng sẽ được chia sẻ, cộng hưởng bởi cộng đồng. Nhật ký Lưu Quang Vũ không nằm ngoài quy luật này. Ai đó nói quá rằng, đọc nhật ký khác nào “nhìn trộm” những bí mật đời tư người khác (!?). Có phần nào đúng nhưng chưa đủ lý lẽ. Có thể nói, nghệ sĩ có cái ý thức cho người khác muốn “nhìn trộm” đời tư của mình. Vì sao? Vì nghệ sĩ là người biết nói lên cái điều người khác nghĩ mà không diễn đạt được. Thứ hai, đôi khi dẫu không có ý “khiêu khích” người khác quan tâm nhưng sự thôi thúc nội tâm khiến nghệ sĩ cầm bút: “Vả lại không viết thì không chịu được vì những điều đó để ở tâm hồn mà không viết ra thì rất khó chịu” (LQV-DC, tr.11). Hóa ra cái lý do chính đáng duy nhất của sự cầm bút viết, không riêng gì Lưu Quang Vũ, là “không viết ra thì rất khó chịu”. Ngẫm ra, thời nay cái sự viết văn đôi khi lại vì những “lý do trên trời” (để có cơ vào Hội Nhà văn, để nổi tiếng, hoặc giả vì lợi nhuận,...). Nghệ sĩ, vì thế muôn đời là kẻ phiêu lãng, vô tư lự, thậm chí “tuẫn tiết” vì chữ nghĩa văn chương. Lê Quý Đôn từng viết “Thơ phát khởi tự trong lòng”. Nay Lưu Quang Vũ giải thích ngắn gọn cái nguyên cớ cầm bút viết (văn-thơ-kịch) là: “Không viết ra thì rất khó chịu”. Đó đích thị là sự giải phóng năng lượng sáng tạo, là sự thăng hoa, phóng chiếu của một cá thể bẩm sinh có năng khiếu nghệ thuật.
Nhưng trước hết tôi muốn nói đến sự hình thành nhân cách rất sớm sủa của Lưu Quang Vũ. Mới 15 tuổi mà, nhân ngày 8/3, thi sĩ tương lai đã biết: “Xin cúi chào tất cả những người mẹ, người chị, người vợ, người yêu, người bạn gái trên thế giới với tất cả niềm thương yêu và kính trọng” (LQV- DC, tr.13). Một danh nhân thế giới từng nói, đại ý, không có người Mẹ thì không có cả mặt trời, anh hùng và thi nhân. Mười lăm tuổi, ngày nay trẻ con chỉ biết ngoài đi học là cắm mặt vào điện thoại thông minh, chơi game, lên facebook,...Cũng tuổi ấy, thi sĩ tương lai của chúng ta đã thấu cảm: “Tháng 9 năm 1961. Tự nhiên mình lớn hẳn lên, từ một đứa bé mình đã trở thành một chàng thanh niên ít nói, yêu thương da diết và cũng buồn thiết tha. Chàng thanh niên đó gặp bao là bão tố. Một năm sau, mình trong sáng hơn và bình tĩnh hơn, và sau đó mình đã trở thành một người lớn, với nụ cười mỉa mai và chế riễu hết thảy, mình quá ư là ngông cuồng. Và đến bây giờ, từ tháng 5 trở lại đây, mình mới thực sự là một người, thực sự bước vào đời. Trầm tĩnh, già dặn và kín đáo” (LQV- DC, tr.36). Mười lăm tuổi mà đã sớm thấm thía: “Ta là một người nhiều đau khổ và hạnh phúc” (LQV-DC, tr.67). Có phải là anh tự tiên tri cho số phận của mình - một số phận vinh quang và cay đắng của một nhân tài nghệ thuật ngôn từ (!?). Nhưng cái căn cốt của nhân cách Lưu Quang Vũ là tình yêu thương cuộc đời và con người. Trong một cơn cao hứng tột cùng, thi sĩ tương lai lúc chỉ mới 15 tuổi đã run bật cảm xúc mà viết: “Cuộc đời ơi! Anh yêu em lắm lắm” (LQV- DC, tr. 76). Điệp khúc này lại ngân vang tiếp: “Cuộc đời ơi, ta yêu lắm lắm. Ta sẽ làm việc, sẽ cống hiến, sẽ chiến đấu vì tất cả”, và “Biết yêu thương, rung động với tất cả những gì đơn sơ nhất”. Thậm chí có người cho rằng Lưu Quang Vũ đã quá khích khi viết: “Chàng Quang Vũ này, có trái tim lớn quá, trái tim cứ muốn phá vỡ lồng ngực mà ra, nên lúc nào chàng cũng cảm thấy đau đớn và day dứt” (LQV - DC, tr.90). Đến tận hôm nay, chúng ta mới thấm thía tâm sự của thi sĩ: “Sức mạnh của chúng ta ở sự yêu thương” (LQV-DC, tr. 132). Có thể nói, con người hiện nay đang “yếu” đi khi tình yêu thương của nó đang bị bào mòn, hoang hóa, kiệt quệ. Tuổi mười bảy, ở ngưỡng cửa cuộc đời, Lưu Quang Vũ đã nhìn thấu: “Sao nhiều người mơ đi ngoại quốc thế nhỉ? (...). Mình thì không thể nào sống xa Tổ quốc đơn sơ, khổ nghèo này được, mình không thể sống xa màu trời xứ sở, ngọn rau muống, tà áo nâu, mình không thể sống xa ngôn ngữ nước nhà, xa những khúc ca và nhất là trong những lúc này, quê hương đang nằm trong chiến đấu” (LQV-DC, tr. 176). Gói lại phần nhật ký được trích, thi sĩ viết: “Có phải Paven gia nhập Hồng quân cũng mới 17 tuổi?” (LQV-DC, tr. 167). Thời học sinh, một trong những cuốn sách Lưu Quang Vũ đọc mê say là Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô-viết N. Ôtxtơrôpxki. Trong nhân cách và cốt cách Lưu Quang Vũ thời “hoa niên” rõ ràng có bóng dáng và khí phách của nhân vật Pa-ven Cooc-sa-ghin. Nhận xét như thế tôi không có ý gán ghép tùy tiện, mà xuất phát từ chính những gì thi sĩ viết không thể nào chân thành hơn.
4. Tiếng vọng thời đại: M. Gorky viết: “Nghệ sĩ là tai, là mắt của nhân dân”. Mười lăm tuổi nhưng thi sĩ tương lai đã sớm chín muồi ý thức công dân, biết tìm ra mối quan hệ máu thịt giữa mình với quê hương đất nước. Các sự kiện lịch sử trọng đại đã không “vụt qua” như cách tuổi trẻ bây giờ ít người quan tâm đến: “Tự nhiên, muốn viết một cuốn hồi ký dài về tuổi thơ của mình và những người thân, có lẽ là lấy tên Ký ức ngày thơ. Cuốn hồi ký mình không có ý định sáng tác, chỉ ghi lại cho mình những kỷ niệm và những tài liệu sáng tác rất quý. Kẻo sau này lớn lên, quên hết những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống” (LQV-DC, tr.11). Ngày nay, có lẽ rất ít thanh thiếu niên sớm có cái ý thức: “Đi xem phim ở Bảo tàng Cách mạng- nghe trình bày ở sa bàn Điện Biên Phủ: Đứng trước niềm tự hào của dân tộc đây. Vĩ đại thật. Rất kiêu hãnh được làm dân của một đất nước anh hùng, của Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ” (LQV - DC, tr.13). Khi thi sĩ tương lai còn là một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú nhưng đã sớm biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với đồng bào mình, nhất là đồng bào của một nửa nước còn bị chia cắt - đồng bào miền Nam đi trước về sau: “Mấy hôm nay, tin đấu tranh của miền Nam thân yêu dồn dập bay ra, đem lửa vào lòng mình, ngày 10, một nhà sư tự thiêu mình giữa Sài Gòn, người nữ phát thanh viên vừa báo tin này vừa nức nở khóc. Cả miền Nam đang sôi lên. Trong lòng rạo rực vô cùng. Đất nước ơi! Sao mà rung chuyển lòng ta: nước mắt và lửa cháy, lửa cháy, lửa cháy! (LQV-DC, tr. 20). Thi sĩ tương lai lúc nào cũng trải lòng mình với đồng bào, đất nước, quê hương: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: Nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới đang bị giày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy đang có những thằng giặc Mỹ! Ôi, Đà Nẵng. Tuy ta chưa về Đà Nằng, nhưng gió biển, nắng biển, trời xanh Đà Nẵng đã ở trong tâm hồn ta, qua người bố Đà Nẵng của ta. Quê hương ơi! Bao giờ ta gặp nhau? Ngày ấy không xa nữa. Lòng ta bỗng lớn lên, cao lên, vì nỗi căm giận này” (LQV-DC, tr.96). Những dòng nhật ký này được viết ngày 14/12/1964. “Ngày ấy không xa nữa” là trong lòng thi sĩ. Còn hiện thực lịch sử thì phải chờ đến 11 năm sau (ngày 29, tháng 3/1975) Đà Nẵng thân yêu mới được giải phóng. Thanh thiếu niên ngày nay ít người quan tâm đến lịch sử nước nhà, thế nhưng lại nhớ lịch sử của nước khác (!?). Đó là một nghịch lý. Nên khi đọc nhật ký Lưu Quang Vũ lại càng trân quý chàng thiếu niên 16 tuổi nhưng đã biết lưu giữ ký ức - một kiểu ký ức lương thiện trở nên hiếm hoi trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay: “Thứ bảy, 19-12. Ngày toàn quốc kháng chiến. Cũng ngày hôm nay 18 năm về trước, Hà Nội chặt ngã cây làm chiến lũy, đem giường, đem tủ, piano ra chặn bước quân thù... Từ đó bắt đầu những ngày chiến đấu oanh liệt và gian khổ. “Dân tộc ta một dân tộc anh hùng”. Cảm ơn tất cả, nhờ đất nước, nhờ nhân dân, ta sinh ra đời không phải sống ngày nô lệ. Hứa với những người đã khuất, hứa với những người đang còn sống, suốt đời tôi, tôi sẽ làm việc và chiến đấu” (LQV-DC, tr.97). Thi sĩ tương lai không hứa suông. Mười bảy tuổi anh đã “xếp bút nghiên ”. Mười bảy tuổi mặc áo lính. Mười bảy tuổi đã thực sự hiên ngang khí phách: “Quân thù đã tới rồi đó Hà Nội ơi! Và ta lại ra đi rồi đó, ta chỉ xuống sông Hồng cuộn sóng mà một lần nữa thề rằng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (LQV- DC, tr. 200). Những dòng nhật ký cuối cùng này ghi ngày 8/10/1965. Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, liên hệ với những cây bút trẻ hiện nay, thấy có một độ chênh quá lớn. Tôi ghi nhớ phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - về văn trẻ, đại ý ông nói, văn trẻ chỉ giỏi thêu thùa cho bản thân mà kém vá may cho người đời. Hiểu là, trong văn trẻ, hiếm thấy những đường nét, hơi thở, vang hưởng thời đại. Trái lại, không ít những “nỉ non” sầu não, cô đơn, bế tắc trong một thế giới hỗn mang theo phép “mê lộ”.
5. Suy nghĩ về nghề văn: Hạt giống văn chương sớm được gieo mầm trong tâm hồn chàng thiếu niên Lưu Quang Vũ. Bắt đầu làm thơ từ khi mười tuổi, mới học lớp 4. Những vần thơ trong trẻo, thơ ngây, hồn nhiên và vô tư. Năm mười lăm tuổi thì bắt đầu có ý thức nghề nghiệp: “Thơ lớp 4 thì viết rất trẻ con, chưa biết làm. Lớp 5 sôi nổi hơn, lớp 6 cũng vậy, nhưng ít hơn. Lớp 7 bắt đầu có cảm xúc, có tứ thơ nhưng còn rất non, lớp 8 thì vững hơn. Sang năm 63 thì tứ thơ càng già hơn nữa (già: già dặn)” (LQV-DC, tr.12). Những “tổng kết sớm” này được viết vào ngày 26/2/1963. Mười lăm tuổi đầu, tóc còn xanh, nhưng đã sớm tự ý thức về nghề văn rất nghiêm túc: “Muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời mến yêu” (LQV-DC, tr.13). Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, liên hệ tới quan niệm văn chương của một số nhà văn đương thời coi văn chương rốt cuộc chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”, hay là “cuộc chơi chữ nghĩa” thuần túy để thấy sự khác nhau một trời một vực giữa một nhà văn chân chính và một nhà văn thời thượng. Nhưng như người ta nói, không có sự trưởng thành nào, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, hoàn toàn có tính bột phát, ngẫu nhiên, chỉ dựa thuần túy vào bản năng và năng khiếu “Trời cho”. Trái lại là sự rèn đúc từ sớm, là sự tiếp biến sáng tạo truyền thống, là sự học hỏi không mệt mỏi tiền nhân. Trước hết, với Lưu Quang Vũ, là ảnh hưởng to lớn không thể chối cãi từ bậc sinh thành - nhà văn/ kịch gia Lưu Quang Thuận. Đây là một mẫu hình “cha và con” những người nổi tiếng mà nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ (chủ biên) đã thể hiện trong tác phẩm khảo cứu chân dung Cha và con. Thi sĩ tương lai Lưu Quang Vũ suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình đinh ninh lời người cha dặn dò: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, hay nhà thơ, thì trước nhất, con hãy làm Người đi đã” (LQV-DC, tr.45). “Làm Người”. Hai tiếng đó vang lên thiêng liêng và thiết tha biết nhường nào trong tâm can chàng thiếu niên Lưu Quang Vũ, khi anh chỉ mới 15 tuổi tròn. Từ bấy cho đến ngày ra đi vĩnh viễn (1988), thi sĩ Lưu Quang Vũ nguyện phấn đấu làm Người trước khi làm nghệ sĩ, nghệ thuật. Người ta nói, với nghệ sĩ sáng tác quan trọng nhất chính là quan niệm về cái Đẹp (hay là lý tưởng thẩm mỹ). Từ rất sớm, Lưu Quang Vũ đã xác tín: “Trước kia mình quan niệm cái đẹp thật là bề ngoài. Sáng nay, mình thấy tất cả mọi cái đều đẹp cả: từng cái lá, nóc nhà, hòn đất, bức tường, đều đẹp” (LQV- DC, tr. 21). Mười lăm tuổi mà thi sĩ tương lai đã chín chắn như một cây bút đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh: “Mình không rút lui vào tháp ngà nghệ thuật đâu, nhưng mình sẽ để tâm hồn vào những việc khác kia: vào những cái cao đẹp hơn. Nghĩa là sẽ để dành một nửa bộ óc cho các việc xã hội, xã giao. 1/10 trái tim cho tình yêu còn 9/10 trái tim và một nửa bộ óc còn lại cho nghệ thuật” (LQV-DC, tr. 160). Đó là những bước đi đầu tiên nhưng đã không còn run rẩy, loạng choạng của một người “lính mới” trên văn đàn. Bởi con đường anh đi đã được lát bằng những tín điều vững chãi: “Tôi nói chuyện và đi chơi với Bùi Vũ Hiển, người bạn văn thơ. Hai thằng tranh luận về vấn đề sáng tác, ý kiến không thống nhất. Mình không đồng ý với cậu ta ở chỗ: cậu ta cho cái quan trọng nhất của người viết văn là óc tưởng tượng (tư duy trừu tượng). Còn mình thì cho là: quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết: ví dụ như một nhành khô đâm chồi, người khác thì không để ý tới nhưng người viết văn thì phải thấy rung động, phải có một tâm hồn nhạy cảm đối với cả từng mùi hương” (LQV-DC, tr.18-19). Những rung động, cảm xúc tươi mới, dồi dào ấy thi sĩ tương lai biết tìm ra ngay chính từ đời sống. Cái đẹp chính là cuộc sống. Theo cách diễn đạt của Lưu Quang Vũ, thì anh biết ơn cuộc đời đã đem lại thi hứng, thi liệu, thi ảnh cho thơ ca nói riêng, cho văn chương nói chung: “Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn đất nước đã đem đến cho tôi bao nhiêu cảm xúc” (LQV-DC, tr.57). Thử đọc văn trẻ hôm nay, sẽ thấy rất khác khi họ lấy cái bản ngã làm trung tâm (tự kỷ trung tâm), đào bới cái “tôi” đôi khi mờ nhạt, lại còn có ý nâng nó lên thành “trung tâm vũ trụ”. Một lần đi xem bộ phim Nga Phục sinh (dựa theo tiểu thuyết của văn hào Nga vĩ đại L.Tolstoy), thi sĩ tương lai đã viết vào nhật ký: “Chúng ta không những phê phán cái xấu mà phải cứu vớt con người” (LQV-DC, tr. 60). Cứu vớt con người chính là cứu vớt linh hồn họ, để họ được sống đầy đủ nhất theo nghĩa rộng của hai chữ TỰ DO. Đó là tư tưởng căn bản chi phối toàn bộ sáng tác của Lưu Quang Vũ về sau (hãy cùng nhớ lại vở kịch đã được đưa vào SGK - THPT Hồn Trương Ba da Hàng thịt). Như đã nói ở trên, Lưu Quang Vũ không phải “kém” về trí tưởng tượng, trái lại trí tưởng tượng của thi sĩ tương lai rất phong phú, giàu có. Nhưng anh vẫn đề cao sự sống, coi đó là nguồn sữa dinh dưỡng/ nuôi dưỡng sáng tác. Người nghệ sĩ không chỉ sống trọn vẹn cuộc đời mình mà cao hơn phải sống cả đời sống bao la của “thiên hạ”. Anh xác tín: “Người cầm bút phải sống gấp nhiều lần người thường. Vì anh ta không chỉ phải sống cho anh mà còn sống cho muôn vạn sáng tác của anh, của bao nhiêu người. Thật là “đêm thẳm ngày trường” (LQV-DC, tr.68). Không biết thi sĩ tương lai có phải là một “nhà chiêm tinh” cho chính số phận của mình hay không, nhưng khi chỉ mới 16 tuổi đời mà đã tiên cảm đau đớn: “Vậy cho nên, cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua một cuộc đời, rất ngắn, 10 năm sống thêm không phải là vấn đề chính (...). cho nên: “Ý nghĩa của cuộc đời không phải là sống nhiều năm mà là làm việc nhiều” (LQV-DC, tr.92-93). Có lẽ vì thế mà sống trên thế gian ngày nào là ngày đó thi sĩ tương lai đã làm việc quần quật, không mệt mỏi. Và anh không hão huyền, hoang đường khi chọn nghệ thuật làm lẽ sống, đã ý thức được rất sớm: “Nghệ thuật là một con đường gian lao, nhưng như lời bố nói tối nay: “người nghệ sĩ phải tìm ra cái đẹp trong mỗi sự việc của cuộc đời” (LQV-DC, tr. 71-72). Mười bảy tuổi Lưu Quang Vũ đã ý thức được sâu sắc sứ mệnh của nhà thơ: “Thi sĩ ơi! Anh đâu phải là người đi theo chiến sĩ để làm thơ. Anh phải là người cầm súng trên trận tiền. Những lời thơ và viên đạn của anh phải có một sức mạnh diệu kỳ để góp vào chiến thắng” (LQV-DC, tr. 143). Tiểu sử của thi sĩ Lưu Quang Vũ còn ghi rõ ràng: ngày 3/6/1965 anh nhập ngũ, mặc bộ quân phục mới, một trang đời mới của một CON NGƯỜI viết hoa.
6. Ngôn từ văn chương: Chất thơ của văn xuôi: Là người có năng khiếu thơ từ nhỏ, như đã phân tích ở trên, nên dễ hiểu nhật ký của Lưu Quang Vũ cũng đậm chất thơ, nếu xét chỉ riêng về ngôn từ biểu đạt. Nhật ký, thông thường người viết chỉ cốt ghi việc, nếu có ghi lại cảm xúc thì cũng chỉ chú ý đến sắc màu và cường độ của nó mà thôi. Ít ai chăm sóc câu chữ chu đáo như Lưu Quang Vũ. Hãy xem thi sĩ tương lai viết về những cây cơm nguội ở phố phường Hà Nội: “Những cây cơm nguội thật là lạ. Mùa thu lá cây chuyển dần sang màu vàng, đến mùa đông thì rụng gần hết, chỉ còn lại một ít lá khô héo màu nâu. Gần tới mùa xuân, những chồi non bé nhỏ bắt đầu nẩy ra, nhưng chúng cũng có một màu nâu non, ươn ướt, làm cho người ta không biết cứ tưởng đó vẫn chỉ là những lá khô như cũ. Thế rồi, thoắt một cái, một sáng hôm nào đó, ta bỗng thấy những chồi non kia đổi thành màu xanh mướt, cả cây cơm nguội mát rượi một màu xanh ấy, ta có cảm tưởng như có một phép tiên thần diệu của nàng xuân đã biến tất cả những lá khô ra những lá xanh phơi phới ấy” (LQV-DC, tr.115). Đó là cảm xúc tuyệt vời trong sáng trước tạo vật của một chàng thanh niên tuấn tú, vẫn còn là học trò trung học. Ngay cả khi khoác bộ quân phục xanh ngời, đã rắn rỏi thêm biết bao nhiêu lần, nhưng tâm hồn Lưu Quang Vũ vẫn trong veo như ngày nào còn cắp sách tới trường khi mùa thu về: “Cái cảm giác thu về, hôm nay mới thấm hết cái buồn của nó. Trời mưa dầm, cánh đồng nằm trong sương, không gian hơi lành lạnh, ẩm ướt, lòng man mác những ý thơ. Mùa thu vốn là mùa sáng tác của mình. Mùa hè là mùa đi vào cuộc sống, còn mùa thu sẽ là mùa sẽ nảy nở bao trang tâm hồn. Giờ mình đi bộ đội, mà vẫn nguyên vẹn cái quy luật ấy, cả mùa hè qua, sống nhiều, không viết mấy. Giờ đã về rồi thu ơi! Viết nhiều nhé! Đêm nay gác về gần sáng, rét quá! Trăng thu sắp tròn nghiêng lạnh một góc trời” (LQV-DC, tr. 169). Người ta nói mùa thu gợi tình, gợi hứng cho thi nhân quả không sai (Nguyễn Khuyến có cả một chùm thơ thu nức tiếng, các thi sĩ lãng mạn trước 1945 hầu như đều động bút thành công về mùa thu). Không có gì ngạc nhiên khi Lưu Quang Vũ cứ trở đi trở lại với cảm hứng thu như một hoài niệm: “Sáng nay, giữa giờ nghỉ, mình đứng bên bờ ao ngắm cánh đồng lúa xanh mờ dần với những làng xóm phía chân trời, bầu trời xam xám, ẩm ướt với những đám mây bạc vẩn đục, gió thổi lành lạnh và cảnh vật thì trong sáng với những nét cắt rất rõ ràng, với những màu sắc rất bâng khuâng, trên đồng, lác đác một vài vạt ba giăng dưới ruộng đã có người cấy, mấy ông nông dân đang đặt bẫy chim rẽ lúi húi ngoài ruộng...Thu ở nơi xa này sao gợi bao bâng khuâng cho khách xa nhà, cho tâm hồn anh bộ đội và cho niềm rung cảm thi nhân” (LQV-DC, tr.171). Nếu chúng ta để ý sẽ thấy, chỉ một danh từ “ba giăng” thôi, thi sĩ đã thể hiện sự hiểu biết, làm chủ tiếng Việt đến mức thành thục (theo Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển - Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học, H.,1992/ tr.35 giải thích: “Ba giăng: Giống lúa thường cấy vụ thu thời gian từ lúc gieo mạ đến lúc chín chỉ khoảng ba tháng”). Vào một phiên gác đêm, thi sĩ bỗng nhận ra trong thinh không tuyệt đối yên tĩnh: “Đêm gác, gặp một “hạt bụi vàng” của tâm hồn rất quý và đáng nhớ: Trên mặt đường, mấy hôm nọ trời mưa bùn nhão, bánh xe ô tô hằn lõm thành hố sâu trên đường, bữa nay, bùn đã khô, đất đã cứng lại, nhưng những vệt xe hãy còn, chứa nước thành những vũng. Ánh trăng làm mặt nước bạc lóng lánh, soi cả nửa vành trăng trong vũng nước, lá vàng đầu thu rải quanh và nổi trên mặt nước, một cơn gió hiu lạnh làm những chiếc lá bay rào rào quanh vũng và mặt nước rung động, trăng vỡ làm trăm mảnh...” (LQV-DC, tr. 172). Ai nói, nhật ký chỉ có ghi và chép? Ai nói nhật ký chỉ có việc và sự vụ? Trên hết, nhật ký là con người, khung cảnh, tạo vật cảm xúc, suy tư, tâm hồn, tâm linh,...Ít nhất với thi sĩ Lưu Quang Vũ, theo tôi, nhật ký là một “văn sản” của nghệ sĩ truyền lại cho các thế hệ sau một “từ khóa” để khám phá đời sống tâm hồn của một con người cao cả nhân cách, tài năng sáng tạo. Ai đã đọc Bông hồng vàng của nhà văn Nga thời hiện đại C. Paustovsky sẽ hiểu thấu cái cách Lưu Quang Vũ viết gặp một “hạt bụi vàng” (trong nhật ký ghi ngày 26/2/1963, Lưu Quang Vũ đã nhắc đến nhà văn này: “Chưa viết được Lá thu và Mùa xuân (nhờ Pautốpxki)”. Điều đó giải thích vì sao sau này Lưu Quang Vũ đã viết bài thơ Tiếng Việt nổi tiếng, trong đó có một câu thơ gây tranh cãi khi nó được đưa vào đề thi môn Ngữ văn THPT, năm 2016 (Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa).
Thay lời kết
Bài học về nhân cách nghệ sĩ: Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ không khó nhận ra trên từng trang viết những suy tư, trăn trở của nhà thơ về tu dưỡng, bồi dưỡng nhân cách như một nhiệm vụ đầu tiên và cuối cùng của một nghệ sĩ chân chính. Nhưng nhân cách không tự dưng mà có (theo kiểu tự nhiên nhi nhiên), mà là cả một quá trình khổ công đào luyện. Người nghệ sĩ chân chính không được phép buông lơi dù chỉ một giây việc “nhúng” mình vào lửa đỏ và nước lạnh, để “thép đã tôi thế đấy”. Trong một trang nhật ký cuối cùng (ngày 25/9/1965), Lưu Quang Vũ viết: “Chiến tranh làm người ta lớn hơn” (LQV-DC, tr.190). Nếu biết Lưu Quang Vũ chỉ mới nhập ngũ ngày 3/6/1965, thì trong vòng hơn 6 tháng trời, trong bộ quân phục còn thơm mùi vải, có thể nói anh đã thực sự lớn lên vượt bậc cả thể xác, cả tâm hồn, tính cách, bản lĩnh. Ngòi bút của thi sĩ từ đây, nói theo cách của Nguyễn Minh Châu là “một ngòi bút đứng bật dậy”, và do đó “một trang sách đứng bật dậy” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, H., 2009, tr.321).
Bài học về lao động nghệ thuật: Lao động nghệ thuật trong trường hợp này hiểu là lao động câu chữ. Cái định đề “văn chương là nghệ thuật ngôn từ” được ứng dụng để nghiên cứu nhật ký Lưu Quang Vũ, góp thêm một cách hiểu con đường sáng tạo của một nhà văn tài danh, có nhiều cống hiến cho sự phát triển văn chương nước nhà (nhà văn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt II, năm 2000). Nhưng nếu hiểu lao động nghệ thuật chỉ thuần túy là lao động câu chữ thì có lẽ còn phiến diện. Lao động nghệ thuật, từ một phương diện khác, thiết nghĩ còn là “sống đã rồi hãy viết” được coi như một phương châm hành động của người cầm bút chân chính trong bất kỳ tình huống lịch sử nào. Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, chúng ta thấy người nghệ sĩ ngôn từ đã thực sự sống cuộc đời của mình và hơn thế sống thêm cuộc đời của cả “thiên hạ”. Sống chứ không phải tồn tại. Vì thế cái điệp khúc “Cuộc đời ơi! Anh yêu em lắm lắm” vang lên như một nốt nhạc vui, làm nền cho những cảm xúc, suy tư sâu sắc về cuộc đời, con người, tự nhiên. Lao động nghệ thuật nghiêm túc của Lưu Quang Vũ còn thể hiện trong tinh thần cầu thị, ham học, ham hiểu biết: “Từ nay, ngoài nhật ký là để ghi chuyện riêng tư, mình sẽ viết thêm một cuốn ghi chép, nội dung sẽ là ghi những tài liệu, những điều mình suy nghĩ, những mẫu, những ý sáng tác về văn học, cuộc đời, triết học, v.v” (LQV-DC, tr.199). Ngày nay người viết văn ỷ lại vào internet, vào mạng xã hội, nên cái gọi là lao động nghệ thuật đã biến dạng. Người viết văn chui sâu leo cao vào thế giới ảo, không thèm đếm xỉa đến đời sống thực bao la và vĩ đại. Vì thế những gì họ viết ra bị độc giả coi là hoang đường. Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ thấy người nghệ sĩ “bấu chặt” lấy đời sống để viết nên trang sách có hồn. Tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và hiệu quả cao của Lưu Quang Vũ xuất phát từ tín điều “Thiên tài là một chuỗi dài kiên nhẫn”.
B.V.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lưu Khánh thơ (tuyển chọn và giới thiệu): Lưu Quang Vũ về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H., 2007.
2. Lưu Khánh Thơ (tuyển soạn): Lưu Quang Vũ - Di cảo, Nxb Lao động, H,2008.
3. Lưu Khánh Thơ (tuyển chọn và giới thiệu): Lưu Quang Vũ - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, H., 2010.
4. Lưu Khánh thơ (chủ biên): Cha và con, Nxb Trẻ, 2017.
5. Đỗ Ngọc Yên (biên soạn): Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996-2016), Nxb Quân đội nhân dân, H., 2017.