Thanh Quế - người đi “vé đứng” trên chuyến tàu văn xuôi - Đặng Thị Ngọc Phượng, Phạm Phú Phong

29.08.2018

Thanh Quế - người đi “vé đứng” trên chuyến tàu văn xuôi - Đặng Thị Ngọc Phượng, Phạm Phú Phong

Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945 tại Tuy An, Phú Yên. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam rồi vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp (1967), ông về công tác ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (Hà Nội), rồi tình nguyện vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam (9/1969), công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng khu Năm, làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Sau 1975, về trại viết Quân khu Năm. Từ đó, đã kinh qua nhiều cương vị công tác như biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội (1980), Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng (1983), Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập tạp chí Non nước (1997) cho đến lúc nghỉ hưu (2009).

Thanh Quế làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông rồi đại học và cả những năm ở chiến trường khu Năm, nhưng những tác phẩm được công bố sau năm 1975, mới được người đọc chú ý. Ông sáng tác nhiều thể loại, ngoài các tập sách in chung thời kỳ đầu, về thơ ông có các tập: Trong mỗi ngày đời tôi (1986), Giãi bày (1988), Khi ta giở sách ra (thơ thiếu nhi, 1988), Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi, 1991), Những năm tháng vay mượn (1993), Mé biển đời tôi (2000), Người lính đi đầu (trường ca, 2003), Thơ Thanh Quế với tuổi thơ (2004), Những tháng năm (2006), Một gạch và chuyển động (2006), Thơ Thanh Quế (2008), 72 bài thơ chọn (2012), Nơi phòng đợi (2016) Thanh Quế thơ tuyển (2016); gia tài đồ sộ và đáng chú ý hơn của ông là văn xuôi: Đọc sách thú vị lắm (1980), Cát cháy (1983), Trong lòng hồ (1984), Xa xa kia (1984), Rừng trụi (1987), Dì Út và người khách ấy (1988), Mai (1988), Người khách lạ (1990), Những đám mây kể chuyện (1991), Thủ lĩnh Nobu và cô bé làm xiếc (1992), Cuộc phiêu lưu của con chó nhỏ (1993), Những câu chuyện rút từ túi áo (1994), 11 truyện ngắn (1994), Về Nam (hồi ký, chân dung văn nghệ, 1996), Những gương mặt thân yêu (chân dung văn học, 1996), Bếp lửa làng Tà Băng (1998), Hai người bạn (1998), Những kỷ niệm, những gương mặt (hồi ký, chân dung văn nghệ, 2001), Từ những trang đời (hồi ký, chân dung văn nghệ, 2001), Bà mẹ vui tính (2002), Sao anh lại cảm ơn tôi (2002), Truyện và ký chọn lọc (2003), Dì Út (2003), Thị trấn em kết nghĩa (2005), Ở giữa thời gian (2007), Chuyện ở miền cát cháy (tuyển truyện, 2009), Kẻ đào ngũ (2011), Tuyển truyện ngắn Thanh Quế (2011), Gương mặt và cảm nhận (chân dung văn học, 2013) Bút ký và chân dung (2015), Hai người đàn ông và một người đàn bà (2016). Nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, nhiều truyện ngắn được dịch và phổ biến ở nước ngoài hoặc chuyển thể thành kịch bản sân khấu...

Có những câu thơ đã từng đánh thức quan niệm của Thanh Quế rằng: “Quê hương quê hương/ Không chỉ là nơi ta sinh ra/ Mà chính là nơi ta đổ máu, mồ hôi gìn giữ và xây dựng” [1, tr.8]. Quê ở Phú Yên, địa bàn hoạt động và miền quê sáng tác chủ yếu ở khu Năm, nhưng nơi Thanh Quế cắm sâu ngòi bút vào thâm canh để sinh sôi những sinh thể nghệ thuật là mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng, nơi người ta phải thừa nhận một cách khách quan là đã “nổi lên hình vẽ, vóc dáng, sức sống của một vùng đất (...), như một điểm tụ, do là chiến trường sôi động nhất, ác liệt nhất, do có sức hút của chiến trường trọng điểm” [2, tr. 275], đã tạo ra một lớp người viết được sinh ra hoặc tự nguyện và hào hứng tìm đến vùng đất này, đứng chung vào một đội ngũ, được gọi là “văn nghệ Liên khu Năm”, trong đó có Thanh Quế. Là người trong cuộc, nhà văn Nguyên Ngọc, người từng chứng kiến sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào xã Kỳ Liên, nơi sau này chúng lập nên căn cứ Chu Lai, cũng cho rằng, chính sự kiện ấy “đã quyết định con đường đi của hầu hết anh chị em cầm bút chúng tôi hồi bấy giờ. Những năm trước chúng tôi còn tản mác kẻ chiến trường này người chiến trường nọ. Từ nay như bị một sức hút kỳ lạ chúng tôi đổ về Quảng Nam, nơi ác liệt nhất. Đất lành chim đậu. Bấy giờ những người cầm bút tụ hội về nơi đất dữ này. Quảng Nam từ chiến tranh cục bộ là chiến trường ác liệt nhất khu Năm. Rất dễ hiểu: ở đấy có căn cứ liên hiệp hải lục không quân khổng lồ của Mỹ ở Đà Nẵng, Mỹ đông như kiến. Về sau lại thêm lính Nam Triều Tiên, nổi tiếng tàn ác (...). Mỹ cố quét sạch vùng chung quanh để bảo vệ căn cứ chiến lược của chúng. Còn ta, nhất định phải đến một ngày ta chiếm lại thành phố của ta. Cho nên bằng mọi giá phải trụ bám lại trên từng tấc đất quê hương. Không để cho kẻ thù đánh bật đi, trụ bám và tiến công. “Một tấc không đi, một ly không rời.” Khẩu hiệu sống mái ấy nảy ra từ chính những ngày này. Cuộc chiến đấu dai dẳng, đẫm máu suốt mười năm ở Quảng Nam, từ năm 1965 đến 1975 chính là cuộc chiến đấu đó: giành giật quyền đứng trên mảnh đất này. Chưa bao giờ như lúc này, một tấc đất là thiêng liêng đến thế. Anh trở thành anh hùng chỉ vì anh lấn thêm tới được một tấc đất. Anh bị kỷ luật, bị cách chức, thải hồi, khai trừ Đảng chỉ vì anh để mất một tấc đất. Trên mỗi tấc đất giành đi giật lại, tôi nói không ngoa đâu, hàng trăm lần, có bao nhiêu máu, bao nhiêu người ngã xuống, đông, nhiều đến nỗi dầu có cái cơ quan nào đó để ra hàng chục năm trời để sưu tầm, ghi chép lại tên tuổi những người anh hùng thì họ cũng sẽ là anh hùng vô danh thôi, bởi vì họ là vô số, là nhân dân” [3, tr.67-68].

Không rõ nét lắm, nhưng có thể nhận ra sáng tác của Thanh Quế, trong đó có văn xuôi, có sự vận động từ những tác phẩm ra đời trong chiến tranh (Mùa mưa, Những đứa con của Gò Nổi, Buổi trưa ở Điện Bàn, các tác phẩm ký Những em bé chăn bò Nhạn Phú, Mảnh đất không mất...), đến các tác phẩm ra đời sau khi hòa bình thống nhất đất nước và trước thềm đổi mới (Dốc dì Tâm, Ở nơi thẩm vấn, Bà mẹ vui tính, Trong lòng hồ, Dì Út, Hai chị em, Chị Ba Chẩn, hai tiểu thuyết Cát cháy, Rừng trụi) và giai đoạn sáng tác sung sức từ sau thời đổi mới, ông có hàng loạt các tập sách dày dặn ra đời kế tiếp nhau (Mai, Người khách lạ, Bếp lửa làng Tà Băng, Hai người bạn, Thị trấn em kết nghĩa, Ở giữa thời gian, Kẻ đào ngũ, Hai người đàn ông và một người đàn bà), nhất là những năm gần đây, ông cho ra đời nhiều tập hồi ký và chân dung văn học (Những gương mặt thân yêu, Từ những trang đời...). Cả một quãng đời cầm bút dài ngót nửa thế kỷ, đồng hành cùng với những thăng trầm của đất nước, với nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng ông nhất quán trước sau như một: cùng một quan niệm về văn chương, cùng một lối viết và cùng một đối tượng phản ánh là những con người bình thường, vô danh, khuất lấp trong đời sống. Cũng như những nhà văn cùng thế hệ đã từng trực tiếp cầm súng tham chiến, quan niệm ban đầu của Thanh Quế, văn chương là vũ khí chiến đấu, nhằm phản ánh và cổ vũ cuộc sống và chiến đấu của nhân dân, thậm chí là thứ văn chương chấp hành theo sự phân công của tổ chức: “Do yêu cầu của cuộc sống chiến đấu, từ 1971, Thanh Quế chuyển sang viết văn xuôi” [4, tr.2315]. Tiếp theo, chuyển sang thời bình, ông là một trong những người may mắn “được sống và kể lại”, văn chương trở thành món nợ cần phải trả, viết như là cách trả nợ với cuộc chiến, với quê hương, viết để tri ân nhân dân, đồng đội, đồng nghiệp, những người đã không còn trở về sau chiến tranh. Ông thấy mình có trách nhiệm cần phải nói về cuộc sống và chiến đấu của họ, hoặc chí ít cũng như nhà điêu khắc đồng hương Phú Yên với ông là Trần Luân Tín đã nói trong tác phẩm Được sống và kể lại rằng: “Tín viết, với mục đích giản dị ban đầu là kể cho hai đứa con của mình nghe về quãng đời cha đã trải qua...” [5, tr.6]. Từng hàng hàng lớp lớp những con chữ xếp hàng ra trận, rồi đến cũng chính những con chữ kể lại chuyện chiến tranh, tất nhiên, quan trọng hơn là tạo dựng chân dung và tính cách của những con người. Câu chuyện về những con người bình thường, vô danh, “bởi vì họ là vô số, là nhân dân”. Nhà văn đôi khi chỉ cần chọn đề tài, rồi tự nó sẽ bộc lộ chủ đề của tác phẩm, khi mà cảm hứng chủ đạo, sự nung nấu ý đồ của tác giả, đã tạo thành tư tưởng - nghệ thuật của từng tác phẩm. Bản thân chủ nghĩa anh hùng cách mạng thực sự đã trở thành một chủ đề lớn trong văn học viết về chiến tranh bảo vệ đất nước của chúng ta. Chính nó cũng trở thành nội dung mỹ cảm để nhà văn hướng đến để tạo thành hệ thống tư tưởng của nhà văn. Nội dung bên ngoài chỉ là ý thức của nhà văn về cuộc sống. Còn nội dung bên trong là cuộc sống đã được ý thức trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Có lần, có người hỏi về đề tài và chủ đề trong sáng tác của mình, Thanh Quế đã trả lời một cách giản đơn rằng: “Mình viết đủ thứ: chiến tranh, cuộc sống mới, thiếu nhi. Nhưng có lẽ đề tài chiến tranh là mình ưa thích và viết đạt hơn cả. Mình nghĩ ở lứa tuổi mình khó có dịp tìm hiểu sâu và kỹ để viết về đề tài mới... Còn chủ đề mà mình ưa thích là những con người vô danh, khuất mình, làm những công việc vô danh đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc” [6].

Viết về chiến tranh, ngay cả những sự kiện đang diễn ra hoặc đã xảy ra rồi, được suy ngẫm và kể lại, Thanh Quế đều quan tâm đến những sự kiện, con người bình thường như những em nhỏ giao liên, những cô du kích và những bà mẹ trụ bám - nơi nuôi nấng chở che cho sự sống cách mạng sinh sôi bất diệt. Đó là các nhân vật nếu có hy sinh cũng khó nêu thành tích để được truy tặng danh hiệu anh hùng hay liệt sĩ, trong các truyện ngắn như những mẹ Xoài, cô Mai, chú Đông, dì Tâm, cô Kỳ, cô Bốn hoặc những em bé như Một, Ba, Thấn, Tượng (Cát cháy), Hà, Rum (Rừng trụi), Toàn (Trong lòng hồ)...  Nhà văn không khao khát ngước nhìn lên ánh hào quang của những chiến công và sự ồn ào của chiến thắng mà thầm lặng cúi nhìn xuống những phận người bị bào mòn bởi tiếng nổ và khói súng, cùng cảm thông đồng cảm và đau với nỗi đau, với những sự thật đau lòng bởi chiến tranh gây ra. Nhà văn quan tâm đến mỗi cuộc đời, mỗi số phận của từng cá nhân riêng lẻ, xoáy sâu vào những số phận nghiệt ngã, những tình cảnh trớ trêu, phũ phàng của cuộc đời. Chiến tranh là đối lập với sự sống, nhất là cuộc sống của người già, phụ nữ, trẻ em. Họ là nạn nhân của cái ác. Nhưng bên trong vẻ yếu đuối là một nghị lực thép, do chiến tranh tôi luyện nên. Cô Ba, một thiếu nữ đôi mươi, trong Ở nơi thẩm vấn, cố nài nỉ mẹ để xin vào du kích chiến đấu trả thù cho cha, chẳng may bị kẻ thù bắt được, bị chúng tra tấn dã man còn hơn thời trung cổ: “trói hai tay, hai chân với nhau rồi cột hai sợi dây điện treo ngửa người (...) cứ đổ nước xà phòng vào miệng. Thằng to lớn cứ đè tay ép xuống bụng cô. Khi bụng cô phình lên, thằng mặt sắt sai hai tên to lớn lấy miếng ván đặt lên người cô, rồi ngồi hai đầu ván nhún qua, nhún lại. Nước vọt ra từ miệng, từ mũi cô. Bụng cô đau quặn. Nóng như có lửa đốt, cô ngất đi” [1, tr.161]. Cô vẫn khăng khăng không thừa nhận mình là du kích, nên chúng tiếp tục “một thằng buộc hai ống quần cô lại. Thằng mặt sắt thò vào thùng phuy nắm luôn hai con rắn bằng ngón chân cái, kéo lưng quần cô xuống thả vào” [1, tr.175]. Sau đó chúng dìm đầu cô vào thùng phuy, nước ngập tới ngực, cho đến khi gần như nghẹt thở, vẫn không moi được ở cô một lời khai nào có giá trị đối với chúng. Có khi cũng chẳng phải vì một lý tưởng cao xa, mà chỉ vì những thúc bách riết róng trước tội ác dã man của kẻ thù, Ba phải chứng kiến chồng bị giết ngay trước mặt, chúng xẻo mũi, xẻo tai của chồng “rồi đút vào miệng cô”, những đứa con nhỏ cũng lần lượt ra đi vì đuối sức, khi thoát ra được cô trở lại vị trí chiến đấu và khẳng định quyết tâm rằng: “Gia đình tôi khổ. Cha tôi chết, giờ chồng con tôi chết. Các anh không cho tôi cầm súng đánh đuổi hết bọn chúng thì làm sao nước mình có độc lập tự do, nhà tôi được hạnh phúc” [1, tr.164]. Phải đổ bao nhiêu máu, phải chiến đấu hy sinh, rồi hòa bình cũng đến, độc lập tự do cũng giành được, nhưng hạnh phúc dường như vẫn xa vời. Hóa ra “nỗi buồn chiến tranh”, hoặc cao hơn, nỗi đau đớn do chiến tranh gây ra có tuổi thọ lâu bền, có sức sống trường sanh bất lão so với đạn bom. Những cảnh tượng mênh mông như “là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [7, tr.32] tưởng như đã qua đi, nhưng mấy mươi năm sau vẫn còn hiện hữu trong đời sống và tâm tưởng con người. Chiến tranh trong tác phẩm của Thanh Quế không phải là những trận đánh lớn, đẫm máu, những đoàn quân ra trận điệp trùng mà là chiều sâu thăm thẳm của nó, những tia chớp thành nỗi ám ảnh, di chứng lâu dài, hội chứng của những chấn thương tinh thần khó nguôi ngoai. Không chỉ ngẫm lại những mất mát lớn lao do chiến tranh để lại trong hàng loạt các truyện ngắn như Dốc dì Tâm, Dì Út, Chị Ba Chẩn, Hai người bạn... mà Thanh Quế còn thể hiện cảm thức cô đơn của con người, những con người lạc loài, bị bỏ rơi sau cuộc chiến, trong đó có cả mặc cảm tội lỗi của chiến tranh như Chín Hượu trong Người khách lạ...

Văn xuôi Thanh Quế, cả trong hai tiểu thuyết Cát cháy Rừng trụi, mà nhất là trong truyện ngắn, thường không có độ dày về sự kiện, nhân vật mà chỉ là một lát cắt, có khi rất nhỏ trong cuộc đời một con người. Trong công trình lý thuyết văn chương đầu tiên ở nước ta Khảo về tiểu thuyết (1925), học giả Phạm Quỳnh cho rằng: “Tiểu thuyết đã là một truyện bịa đặt ra, thì phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu (...). Tài nhà làm tiểu thuyết phần nhiều ở tài kết cấu. Nếu kết cấu không thành truyện thì dẫu văn chương có hay đến đâu cũng không cảm được người đọc” [8, tr.76]. Vì vậy, dù cho tiểu thuyết Rừng trụi (dày 129 trang), đã từng đạt giải A giải thưởng văn học 10 năm (1985-1995) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, còn Cát cháy (203 trang) từng đạt giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1981), và nhất là với Cát cháy, là tác phẩm hay nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của Thanh Quế, có thể đặt cạnh những tác phẩm văn học thiếu nhi vào loại hàng đầu ở nước ta, nhưng nó vẫn thiếu tầm vóc của một tiểu thuyết viết về chiến tranh xuất sắc. Dung lượng hiện thực không thiếu, nhưng chất truyện vẫn lấn át chất tiểu thuyết, do kết cấu chưa đậm, chưa sâu, chưa thật nhuần nhuyễn. Ngược lại, với truyện ngắn, Thanh Quế viết một cách bình thường dung dị, nhưng lại thể hiện sự điêu luyện ở hầu hết các thành tố nghệ thuật. Ông sử dụng năng động nhiều kiểu cốt truyện và kết cấu như truyện lồng trong truyện, cốt truyện đa tuyến, kết cấu tuyến tính và phi tuyến tính, với một hệ thống ngôn từ đa giọng điệu, vừa trữ tình đằm thắm, chiêm nghiệm suy tư, xót xa thương cảm, lại vừa hài hước hóm hỉnh. Đặc biệt, là luôn có sự “thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan” [9, tr.46] để tạo nên một hệ thống ngôn từ trần thuật giàu chất thơ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ nhân vật mang tính khẩu ngữ, giàu màu sắc phương ngữ và những suy nghiệm của tác giả, với sự xuyên thấm các tư tưởng triết luận và nhân sinh. Nhà văn quan tâm đến việc thể hiện bi kịch của nhân vật, những trái ngang của cuộc đời hơn là trần thuật và miêu tả chi tiết diễn biến các sự kiện, nội tâm của nhân vật. Ông có biệt tài tạo nên độ sâu của suy ngẫm, sự lắng đọng của cảm xúc. Bởi lẽ, trước khi  đến với văn xuôi, ông là nhà thơ. Truyện của ông là truyện của một nhà thơ. Chất thơ bàng bạc trong các truyện, từ cách chọn lựa đề tài, chủ đề đến kết cấu, diễn biến truyện và tính cách nhân vật. Ở truyện của Thanh Quế, phần kịch tính của truyện thường nhường chỗ cho tiếng ngân nga đầy sức rung động của âm hưởng và nhịp điệu thơ ca, ngôn từ của truyện và ngôn từ nhân vật đan xen hài hòa giữa chất sinh động đời thường của truyện và sự êm dịu giàu biểu cảm của thơ. Các yếu tố lãng mạn, trữ tình, những đoạn văn giàu nhịp điệu được gia công đan xen với nội dung phản ánh hiện thực, để tạo nên một sinh thể nghệ thuật có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc. Tất nhiên, văn xuôi là văn xuôi và thơ là thơ. Nếu quá lạm dụng sự xuyên thấm và tích hợp về mặt thể loại, cũng dễ đưa đến nhược điểm, nhất là khi không ý thức được hết sức mạnh của các chi tiết trong đặc trưng của nghệ thuật văn xuôi. Chính Thanh Quế cũng thừa nhận điều này và vui vẻ nhận lấy lời khuyên cặn kẽ từ nhà văn đàn anh Phan Tứ, khi ông kể lại rằng: “Có lần anh nói với tôi: Văn cậu như thơ. Nhưng cậu phải chú ý đến những chi tiết. Khi viết về con chó, cậu chỉ nói con chó đó màu vàng thì chưa đủ, ai chẳng có con chó vàng, làm sao họ nhớ con chó của cậu. Cậu phải có chi tiết là nó có một chấm trắng trên đầu chẳng hạn...” [10, tr.206-207).

Hồi ký và chân dung văn nghệ là mảng văn xuôi ít có sự hư cấu, Thanh Quế cũng là người viết nhiều và thể hiện được cá tính sáng tạo. Cũng đã ngót một phần tư thế kỷ Thanh Quế “hối hả” viết hồi ký và chân dung, với hàng trăm chân dung về đứng chật năm tập sách dày hơn cả nghìn trang sách. Tiểu thuyết và truyện ngắn là ông viết để trả nợ lớn, nợ xa, viết về cả biển người rộng lớn, là nhân dân, là vô danh và vô số. Đến thể ký này, ông viết để trả nợ gần, trực tiếp, không phiếm chỉ mà có địa chỉ, có tên tuổi và cả hành trạng cuộc đời. Đó chủ yếu là những văn nghệ sĩ đã một thời cùng hoạt động và chiến đấu đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Ngọc Anh, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Hồng Tân, biên đạo múa Phương Thảo, nhạc sĩ Văn Cận, họa sĩ Hà Xuân Phong... Bên cạnh thế hệ các tác giả trưởng bối như Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Trinh Đường, Võ Quảng, Nguyễn Thành Long, còn có những người cũng thuộc thế hệ ấy, đã từng vào Nam chiến đấu cùng với Thanh Quế như Nguyễn Văn Bổng, Vương Linh, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Văn Công, Liên Nam, hoặc những người bạn thân một thuở chiến hào như Diệp Minh Tuyền, Trần Vũ Mai, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh,... và nhiều, đông hơn nữa, chỉ điểm tên thôi cũng khó mà đầy đủ. Và, có lẽ, Thanh Quế là một trong những người viết chân dung văn học vào loại nhiều, nếu không muốn nói là nhiều nhất ở nước ta.

Đặc điểm dễ nhận ra trong ký của Thanh Quế là có sự giao thoa, xuyên thấm và dung hợp giữa nhiều tiểu loại: hồi ký và ký chân dung, hồi ký và bút ký, ký sự, ký chân dung và phê bình văn học. Bởi lẽ, đối tượng thẩm mỹ của tác giả là những người bạn chiến đấu, những đồng nghiệp, những người đã nhiều lần gặp gỡ và ít nhiều có mối quan hệ. Ông lại là người, không chỉ có nhiều trải nghiệm trong môi trường đời sống văn nghệ, mà còn có nhiều mối quan hệ, gặp gỡ. Khi hình dung về họ, tự nhiên thôi, những trải nghiệm cùng nhau chia ngọt xẻ bùi đã vùi sâu trong ký ức được đánh thức, tràn ra trang viết. Nên với ông, viết hồi ký là hình dung về những người bạn thân quen, viết chân dung là tìm về hồi ức kỷ niệm đã trôi xa. Cũng như trong truyện ngắn và tiểu thuyết, ông không quan tâm nhiều đến những tác giả nổi tiếng, nhân vật trung tâm trong ký của ông có thể là con người bình thường, chưa từng được ai nhắc đến, miễn là đã từng có quan hệ, gặp gỡ, và nhất là, đó phải là một tài năng, một cá tính sáng tạo và là một nhân cách. Chẳng hạn, đọc ông ta mới biết được Hồng Tân, nhà phê bình văn học trẻ tuổi, người đã từng có những tiên cảm mạnh mẽ và chính xác về thơ Khương Hữu Dụng, Prékimalamak, Lê Anh Xuân... Không cần nói đến tài sản đồ sộ, đầy ắp những kỷ niệm và sự kiện đã xếp thành những ô ngăn trong ký ức của tác giả, chỉ cần nhìn cách khắc họa chân dung đầy màu sắc về cả ngoại hình, nội tâm và hành vi của nhân vật - mà đâu cũng mang nội dung mỹ cảm và vẻ đẹp lý tưởng của những con người một thời sống đẹp - cũng có thể nhận ra nét bút tài hoa của một “họa sĩ” vẽ bằng chất liệu chính văn là ngôn từ. Chỉ cần một nét vẽ ngoại hình thôi, cũng có thể hình dung ra tâm tính, nhân cách và tài năng của nhân vật: “Ca Lê Hiến là một người đẹp trai, dong dỏng cao, có đôi mắt xanh mơ màng và bộ tóc quăn dày rất đẹp. Anh lại lành tính, lúc nào cũng mỉm cười” (tr.98); hoặc vẻ bên ngoài nhưng cũng là tâm tính bên trong của Ngọc Anh, tác giả Bóng cây kơnia: “Trước mắt bạn bè, con người vốn đẹp trai có nước da trắng hồng ăn nói nhỏ nhẹ như con gái, lúc nào cũng khiêm nhường, cũng khuất mình sau người khác, nhẹ nhàng chăm lo cho đồng đội từng bữa ăn giấc ngủ” [10, tr.107-108]; còn đây mới là con người thực của Nguyễn Thi: “Anh vốn là một người dữ dội về đời sống bên trong dù bên ngoài có vẻ lặng lẽ khiêm nhường. Anh yêu tột cùng và ghét cũng tột cùng. Nói như người ta vẫn nói, anh là kẻ cực đoan: chỉ có hai cực yêu và ghét. Vì thế, đời anh chẳng mấy khi suôn sẻ, bình lặng. Mọi người nhớ đinh ninh rằng, bữa anh nghe người vợ yêu dấu của anh - họ đã có với nhau một đứa con gái - ở miền Nam đã đi lại với kẻ khác, anh đã lăn lộn từ trên giường xuống sàn nhà, vật vã đấm ngực, đấm đầu khóc và la hét làm ai cũng lo lắng. Thế rồi, khi cơn “điên” đã lên cao độ anh vội vã lấy vợ như để cắt đứt một quá khứ buồn đau. Hình như sau này, khi anh nghe tin vợ anh vì công tác mà phải “đóng kịch” như vậy thì anh lại lăn lộn vò đầu bứt tóc tự khinh mình là kẻ bội bạc, phản bội và chỉ muốn chết” [10, tr.121]... Đối với mỗi người, ông soi tìm trong suốt cả hành trạng cuộc đời và sự nghiệp, để tìm một điểm mấu chốt, căn cốt nhất, là phẩm chất làm nên sự sống ở đời của người đó, ông bám vào đó để làm tia chớp tỏa sáng cho danh phận cả đời người. Ngay ở tiêu đề của từng tác phẩm, cũng thể hiện sự chọn lựa của tác giả đối với từng nhân vật, để nói lên điều đó: Thu Bồn Người mang tên dòng sông, Nguyễn Mỹ Nhà thơ của những sắc màu, Trinh Đường Nhà thơ của những cuộc hành trình, Diệp Minh Tuyền Đời người như một khúc quân hành, Khương Hữu Dụng Có một nhà thơ mãi mãi tuổi thanh xuân,... Bên cạnh đó, những phác thảo chân dung của Thanh Quế còn thấm đẫm phẩm chất phê bình văn học. Tác giả không chỉ am hiểu con người, hành trạng cuộc đời mà còn là người đọc nhiều, cảm thụ tác phẩm một cách nhạy bén và tường tận về đóng góp của từng tác giả, đưa ra những nhận định mới mẻ, là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, nghiền ngẫm và quan trọng hơn, dám công bố thật những suy nghĩ có tính cách cá nhân của mình. Nhược và ưu điểm của tác giả Rét tháng giêng là: “Chu Cẩm Phong vốn là nhà nghiên cứu nên anh sáng tác rất chậm, chữ anh nhỏ li ti, viết rồi xóa, xóa rồi viết. Anh viết về một Người giữ ruộng trên núi Kông Dinh, về một Làng Tà Riềng như đang treo trên một triền núi cao. Chu Cẩm Phong quê ở Hội An, một thành phố cổ êm đềm, cây cối xanh tươi, ba bề sông nước. Ký ức tuổi nhỏ của anh đã tràn ngập màu xanh, đã cho anh những trang viết về Vườn cây của bà cụ Thám, của Gió lộng từ Cửa Đại, của Mặt biển, mặt trận...” [10, tr.165]; ở chỗ khác, ông “nhờ” Phan Tứ nhận xét một cách có lý về Nguyên Ngọc: “Viết tiểu thuyết thì không thể nói hết tính cách nhân vật ra từ đầu, mà phải nói từ từ mỗi lúc một tiến triển. Nguyên Ngọc chỉ viết được tập 1 Đất Quảng, khó viết tiếp tập 2, có lẽ vì tính cách của các nhân vật đã được bày ra hết ở tập 1 rồi. Nếu viết tiếp tập 2 thì đó chỉ là ký, là nói thêm sự việc mà thôi. Đất Quảng chỉ cần tập 1 kéo dài thêm một chút nữa kết thúc là vừa - Im lặng một lát rồi anh tiếp - Theo mình, Nguyên Ngọc sinh ra chỉ hợp với thể loại truyện ngắn, truyện vừa không hợp với tiểu thuyết. Đất nước đứng lên cũng chỉ là quy mô của một cái truyện vừa mà thôi” [10, tr.207]. Từ góc độ nghiên cứu phê bình, trong các chân dung văn học của Thanh Quế còn phát hiện những tư liệu mới, cung cấp cho lịch sử văn học những tư liệu quý như việc khẳng định bài hát Cô gái Lào là phổ nhạc bài thơ Cô gái Sầm Nưa của Phan Tứ [10, tr.198], Nguyễn Mỹ không chỉ có Cuộc chia ly màu đỏ mà còn có một chùm chín bài viết về màu sắc như Cánh đồng vàng, Hoa tím...[10, tr.152].

Người ta thường nói, các nhà làm lý thuyết văn chương hay vẽ chuyện. Người sáng tác không bao giờ quan tâm đến những phẩm chất đặc trưng của từng thể loại, tiểu loại. Họ luôn khao khát với một tâm thức sáng tạo là làm sao để trình bày được điều mình muốn nói thông qua hồn cốt của từng con chữ. Vì vậy, khi đọc ký của Thanh Quế, không nên tìm cách phân biệt một cách rạch ròi biên độ của từng thể, từng loại. Ngay cả trong những ký sự, bút ký chỉ đơn thuần phản ánh cũng ấm áp nỗi nhớ ký ức xa xưa hoặc phác thảo chân dung đất và người đang trải nghiệm: viết về Quảng Ngãi trong sâu thẳm lòng tôi, cũng nhớ về đường phèn, đường phổi thuở lên bảy, lên tám [10, tr.6]; Cảm nhận Điện Biên không quên khắc họa chân dung các vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái [10, tr.21]; Tản mạn về một cây cầu bắc qua sông Tranh, lại nhớ nhà thơ Bùi Minh Quốc, họa sĩ Hà Xuân Phong [10, tr. 28]; thậm chí đến tận Hàng Châu cũng nhớ Tế Hanh [10, tr.72],... Có thể nói, điểm mạnh của ký Thanh Quế chính là việc dung hợp được đặc trưng của nhiều thể, nhiều loại, nhưng nhược điểm cũng nảy sinh từ đó. Bởi lẽ, phải vận dụng đến nhiều phẩm chất của nhiều thể loại, nhốt chung vào một chỉnh thể, cho dù nhuần nhuyễn đến bao nhiêu, cũng không thể khai thác đến tận cùng đặc trưng thể loại, chỉ có thể tạo ra những tác phẩm hay, chứ không thể nào đạt đến tuyệt tác, nghĩa là chỉ dừng ở mức vun trồng cho cây đời xanh tươi, chứ không đem lại sự sống vĩnh cửu.

Thanh Quế đã bước vào tuổi người “xưa nay hiếm”. Không tính các tập in chung (kể cả chung hai, ba người), cho đến nay ông đã có 45 tập sách dày, mỏng khác nhau, trung bình đều đặn mỗi năm ra đời một cuốn sách và hàng chục giải thưởng đạt được ở trung ương và địa phương. Một sự nghiệp mơ ước của các nhà văn, không phải ai cũng có thể đạt được. Tất nhiên, vấn đề không dừng ở số lượng mà còn đòi hỏi ở chất lượng. Thái Bá Lợi, nhà văn cùng thời với Thanh Quế ở chiến trường khu Năm, đã từng thể hiện quan niệm về chất lượng văn chương qua nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Trùng tu: “Vừa rồi tao có gặp một thằng trước là y sĩ trên mặt trận, đã xuống Huế ngay từ những ngày đầu, sau bổ sung về đại đội quân y trung đoàn mình. Bây giờ nó chuyển sang viết văn. Hôm tao gặp, nó nói đang soạn một bộ tiểu thuyết ba tập dày nghìn trang về chiến dịch Mậu Thân ở Huế. Trên bàn nó bày các bản đồ Huế và nhiều chồng tài liệu. Nói chuyện với nó, tao cảm thấy nó đang mắc bệnh. Nhà văn cũng có bệnh nghề nghiệp chứ? Nó tưởng tượng ra nó hay hơn tưởng tượng ra các nhân vật (...) Khi gặp riêng nó tao nói: Ông muốn lưu danh phải không? Nếu muốn lưu danh cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được” [11, tr.56-57]. Nhưng với Thanh Quế, ngoài số trang đáng ngưỡng mộ, cần phải nhận diện và ghi nhận theo một hướng khác, đó là tấm lòng của ông đối với con người, trong đó có nhân dân, đồng đội, đồng nghiệp, những người đã ra đi nhưng không hề khuất bóng, vẫn sừng sững giữa những trang văn, kết nối quá khứ với hiện tại, để định hướng phát triển tương lai một cách vững bền, cả trong đời sống xã hội và trong sự vận động nội tại của văn chương trên bước đường hiện đại hóa. Mặt khác, như trong Lời nói đầu cho tuyển truyện đồ sộ gần như tổng kết cuộc đời cầm bút của ông là Chuyện ở miền cát cháy (dày 800 trang), nhà xuất bản Đà Nẵng có nói rằng, chính “Thanh Quế khiêm tốn tự nhận mình là cây bút “thường thường bậc trung” nhưng những gì ông sáng tác trên bốn mươi năm qua quả là những đóng góp đáng quý vào sự nghiệp văn học ở miền Trung và cả nước” [10, tr.6].

Trong Lời thưa trước của tập Tuyển thơ, Thanh Quế tự nhận mình “vốn là một nhà báo chiến trường, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, quan tâm nhiều vấn đề, những bài thơ tôi viết vào nhiều thời điểm với những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau, nội dung và cách diễn đạt cũng luôn thay đổi” [12, tr7]. Sau thơ, và thành tựu nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng, là văn xuôi, trong đó lần lượt có ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và chân dung văn học. Thanh Quế đã miêu tả sắc nét những hoàn cảnh điển hình trong cuộc chiến tranh đối đầu với một kẻ thù không cân sức, không khoan nhượng, trong đó, không chỉ là bức tranh sống động những tên đất như Gò Nổi, Cẩm Sa, Thanh Quýt, Trà My... tên người như dì Tâm, cô Ba, cô Bốn, em Một, em Hà... được coi là điển hình trong chiến tranh, mà còn lớn hơn, là hình tượng một đất nước kiêu hãnh và một nhân dân anh hùng, bất khuất sừng sững giữa trang văn, như là biểu tượng của lòng yêu nước và truyền thống văn hóa - nhân văn lâu đời của dân tộc. Bên cạnh đó, người viết còn rung cảm với ngòi bút khi vẽ lại đường đời của những đồng đội, đồng nghiệp, trong đó có những người đã đi xa nhưng không hề khuất bóng, họ dường như vẫn hiện hữu và đồng hành trong cuộc sống hôm nay, nhờ có những tình cảm thủy chung và tấm lòng ấm áp của một người sống có trước có sau như Thanh Quế.

Cũng như nhiều nhà văn viết về chiến tranh, những nhân vật của Thanh Quế thường bước ra từ ký ức của ông. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: “Không ai có thể nhớ mọi thứ, kể cả nhà văn. Nhưng những khoảng “bất chợt nhớ” của nhà văn có vẻ nhiều hơn người thường” [11, tr.7]. Như đã nói, với văn xuôi, Thanh Quế không chỉ thành công trong việc khắc họa chân dung những người dân thường, người lính chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bên cạnh đó còn phác thảo chân dung những bạn bè, đồng nghiệp, nối dài cuộc sống của họ còn mãi với thời gian, nhưng chưa bao giờ ông tự họa chân dung mình. Trong Quảng Ngãi trong sâu thẳm lòng tôi, có nhắc lướt qua “tôi nhớ thuở lên bảy, tám, một hôm có một người đến nhà tôi, tặng ba tôi, một y sĩ, bọc gì đó để tạ ơn ba tôi đã chữa cho ông ấy khỏi bệnh” [10, tr.6], đến Tôi gặp lại em gái, có nói rõ hơn hoàn cảnh gia đình hai cha con đi tập kết, mẹ và các em ở nhà đều tham gia cách mạng, nhưng Thanh Quế hiện ra cũng chỉ là cậu bé “cùng bạn bè đi lấy củi và hái sim” [10, tr.62]. Phác thảo sau đây về Thanh Quế của nhà thơ Văn Công Hùng là tương đối đầy đủ và thật lòng mà nói, “giống lắm”: “Thoạt nhìn, ông giống bác đưa thư hơn là nhà văn. Xuề xòa, vui tính, nói to, đi lệt xệt, hay cười, cả nể, luôn luôn cố hữu một cái mũ trên đầu vì ông bị hói. Ai cũng biết ông hói nhưng ông lại luôn luôn muốn giấu cái đầu hói ấy, nhưng lại giấu đầu hở đuôi, bởi khi sướng lên, nhất là khi uống, ông thường giật mũ ra khỏi đầu để rồi lại giật mình len lén đội lại (...) Đặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là ông... không biết đi xe máy. Giữa phố phường Đà Nẵng đông đúc, hiện đại bậc nhất miền Trung, cứ thấy ông treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, mà cái xe đạp cũng còn ít phụ tùng nguyên vẹn lắm, đầu đội bê-rê hoặc mũ lưỡi trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế. Có lần tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bay từ Hà Nội về, phải transit ở ga Đà Nẵng hai tiếng, thế là đi taxi vào tìm Thanh Quế. Nhưng ông không cho chúng tôi đi taxi tiếp mà kêu một cái xích lô để tôi và Nguyễn Thanh Mừng ngồi, còn ông nhấp nhổm đạp xe bên cạnh, nói chuyện oang oang, nhiều người đi đường ngoái nhìn, chắc tưởng ba lão... gàn. Vài năm nay ông được trang bị điện thoại di động, mà cái cách ông dùng cũng có một không hai. Ấy là ông chỉ biết ai gọi tới thì bấm cái nút xanh rồi quát lên rất to “ai đấy”. Còn gọi cho ai thì ông rất cẩn trọng tay trái giữ máy, dùng ngón trỏ tay phải chọc từng số trên bàn phím, tất nhiên trước mặt là cuốn sổ ghi số điện thoại...” [13, tr.441-442]. Thanh Quế còn là người sống tận tình và chân tình với bạn bè, đã giúp ai, trong khả năng có thể, là giúp đến cùng. Cũng như văn chương ông, hay dở tùy “gu” thẩm mỹ và cảm nhận của mỗi người, ông cứ viết đến tận cùng, rốt ráo những điều ông nghiệm sinh. Có thể coi Bản thảo, một bài thơ ngắn chỉ có mấy câu của ông, là kiểu chân dung tự họa với thái độ sẵn sàng chấp nhận và cũng là phép ứng xử của ông đối với người đời: “Tôi gạch xóa những trang bản thảo/ Và điền thêm những câu chữ bên lề/ Cuộc đời tôi chắc sau này cũng vậy/ Người gạch xóa đoạn này, người thêm bớt đoạn kia...”.

Đ.T.N.P - P.P.P

[1] Thanh Quế (2009), Chuyện ở miền cát cháy, Nxb Đà Nẵng.

[2] Phong Lê (1983), “Sự khởi đầu từ một trang sách”, Về một vùng văn học, Nxb Viện Văn học - Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng.

[3] Nguyên Ngọc (1983), “Chiến trường những năm tháng ấy, sống và viết”, Về một vùng văn học, Nxb Viện Văn học - Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng.

[4] Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[5] Trần Luân Tín (2014), Lời tựa của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho tác phẩm Được sống và kể lại, Nxb Văn hóa văn nghệ tp Hồ Chí Minh.

[6] Nguyễn Kim Huy “Nhà thơ Thanh Quế: Chuyển động trong sự đa dạng thể loại” http//nhavantphcm.vn/ chan-dung-phong-van/ thanh-que-chuyen-dong-trong-su-da-dang-the-loai.html.

[7] Bảo Ninh (2013), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, tp Hồ Chí Minh.

[8] Phạm Quỳnh (1996), Khảo về tiểu thuyết, tái bản, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[9] Hà Minh Đức (1972), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[10] Thanh Quế (2015), Bút ký và chân dung, Nxb Văn học, Hà Nội.

[11] Thái Bá Lợi (2017), Trùng tu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[12] Thanh Quế (2016), Tuyển thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.

[13] Văn Công Hùng (2009), Nhà văn vùng “Cát cháy” Quảng Đà, in trong Văn nghệ sĩ Liên khu Năm, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.