Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục trong tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

29.08.2018

Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục trong tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện còn lưu giữ khá nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam cho các vị nhiên thần cũng như nhân thần trong tín ngưỡng dân gian được thờ tự tại các đình làng như thiên Y A Na, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Cao Các Quản Độ Tôn Thần, Phước Đức Thổ Địa Chánh Thần, Ngũ Hành Nương Nương, Quan Công, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bùi Tá Hán, Hoàng tử Lý Nhật Quang,... trong đó có Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục. Vậy Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục là ai? Và Vì sao người dân Đà Nẵng lại thờ phụng ông?

Thân thế và sự nghiệp

Theo các nguồn sử liệu còn lưu lại, Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục là một danh thần nhà Lê đã có nhiều đóng góp cho công cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông (trị vì: 1460 - 1497) vào thế kỷ XV.

Theo sách Ô châu cận lục của Tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn An viết từ năm 1553, sửa chữa và ấn hành vào năm 1555, dưới triều vua Mạc Tuyên Tông (trị vì: 1546 - 1561) cho biết, Nguyễn Phục họ Nguyễn, tên Phục, người xã Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc (nguyên xưa là xã Đoàn Lâm, huyện Trường Tân, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu (1453), sau được phong làm Chuyển vận sứ và Hành khiển ở đạo Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Khi Lê Thánh Tông còn Tiềm Long (tức chưa lên ngôi vua), ông là Vương phó, đến lúc Lê Thánh Tông tức vị, ông được phong làm Hàn Lâm Viện Tham Chưởng. Ông ba lần phụng mệnh đi sứ phương Bắc, khi trở về được phong làm Đại Lý Tự Khanh trông coi việc xét xử án kiện trong nước, rồi lại làm Hữu Tham Nghị tại viện Tri Binh Chính và giữ chức Đô Chỉ huy sứ Thiêm Sự của Cẩm Y Vệ thuộc Thân quân (là lực lượng võ trang làm nhiệm vụ bảo vệ vua). Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông phụng mệnh làm Phi vận Tướng quân, Tán lý của đội Chuyển lương. Lúc tới cửa biển Tư Khách, gió biển lớn khiến cho đường tiến quân rất gian nan. Mọi người sợ bị tội (nếu vận chuyển lương chậm) nên cứ thúc giục ông đi. Ông nói: “Thà tấm thân bé nhỏ này phải chịu tội chết chứ không thể nào để của cải nhà nông có hạn bị nhận chìm dưới sóng lớn, không thể đem người vô tội làm mồi cho cá”. Vì thiếu quân lương nên vua giận sai tống giam ông. Cung nhân hầu cận do thù ghét nhân đó gièm pha xin vua giết ông đi. Khi vua nghĩ lại tuyên chỉ tha tội thì ông đã bị hành quyết rồi. Nhân dân trong xứ thấy hồn thiêng của ông rất linh ứng bèn lập đền thờ tự. Khoảng năm Cảnh Thống (niên hiệu của Hoàng đế Lê Hiến Tông 1497 - 1504), triều đình tặng hàm Trung Chính Nghị. Hoàng đế (Lê Thánh Tông) gia phong thêm bốn chữ Minh Đạo Hiển Ứng(1).

Sau này, trong sử liệu của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng nhắc đến ông, nhưng phần lớn là tóm lược lại thân thế, sự nghiệp của ông như Ô châu cận lục của Dương Văn An đã viết. Ở đây tôi xin dẫn lại hai tư liệu là Đại Việt lịch triều đăng khoa lụcĐại Nam nhất thống chí để chúng ta có cái nhìn rõ hơn:

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục do các Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên, Võ Miên viết vào tháng ba, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 năm Kỷ Hợi (1779) cho biết: “Nguyễn Phục, người hạt Trường-tân làng Đoạn-tùng, làm đến Hàn-lâm kiêm Vương-phó. Khi vua Thánh-tông đánh Chiêm-thành, giữ chức đốc lương, gặp gió ngược, thuyền lương trễ, bị luận tội theo quân luật. Sau phong làm Phước-thần. Thân-phụ của ông Đạm. Cha con đều đăng khoa”(2).

Còn sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Nguyễn Phục: Người huyện Gia Lộc, đậu Hoàng giáp năm Thái Hòa đời Lê (1443 - 1453), vào làm quan ở Hàn lâm viện, kiêm chức Sư phó dạy Thân vương. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông đốc vận lương thực, gặp bão, sai kỳ hẹn, bị xử theo quân pháp. Sau vua biết ông chết oan, truy phong làm Phúc thần. Nay dân ở dọc bờ biển đều phụng thờ, gọi là đền Tùng Giang. Xã Phương Đỗ ở huyện quê ông cũng có đền thờ. Con ông là Nguyễn Đạm đậu Tiến sĩ năm Hồng Thuận triều Lê (1509 - 1515)(3).

Lần giở lại Đại Việt sử ký toàn thư thì ta biết rằng, sau nhiều lần quân Chiêm Thành sang quấy phá Đại Việt, nhất là tháng 8 năm 1470, quốc vương Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy ở Châu Hóa là Phạm Văn Hiển đánh không nổi phải dồn dân cả vào thành rồi cho chạy thư cấp báo. Trong Chiếu bình Chiêm, vua Lê Thánh Tông đã liệt kê tội trạng của Champa là “đánh cướp Hóa Châu, giết người đồn trí,... Đàn ông, đàn bà của ta thì bắt làm nô lệ; tù tội của ta thì hết thảy bao dung. Dân lưu vong phải chụm chân mà chịu oan; suốt cả nước muốn kêu trời mà không thấu”. Đến ngày mồng 6 tháng 11 năm 1470, vua cho gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành(4). Vào tháng giêng năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đến cửa biển Đà Nẵng thì xảy ra một sự cố đặc biệt, cả hai đạo quân thủy bộ với hàng chục vạn người phải mỏi mắt trông chờ đoàn vận lương. Và đoàn quân vận chuyển lương do Nguyễn Phục dẫn đầu vì gặp thời tiết xấu mà cập bến muộn nên ông bị hành quyết.

Nguyễn Phục trong tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng

Sau khi mất, ông rất hiển linh và người dân tưởng nhớ công đức của ông nên lập miếu thờ. Theo Ô châu cận lục, có hai ngôi miếu thờ ông, một ngôi miếu ở đền Tùng Giang, cửa biển Tư Khách (nay thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) và một ngôi miếu ở cửa biển Đà Nẵng.

Theo các nhà nghiên cứu thì ông bị xử trảm ngay tại cửa biển Đà Nẵng? Trong công trình Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306 - 2006) của các tác giả Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh đã cho rằng, nơi ông thọ hình là làng Nước Mặn, thuộc xã Khuê Bắc (nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Sau khi ông qua đời, người dân đã lập miếu tại nơi ông thọ hình (tục gọi là Miễu Một cây da quỳ) để thờ phụng ông và chọn ông làm thần Thành hoàng của làng(5). Còn trong biên khảo Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975) được Nam Việt xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 2007, nhà nghiên cứu Võ Văn Dật cũng cho biết nơi ông thọ hình là Đà Nẵng: “Ô Châu cận lục viết năm 1553, nhưng kể lại chuyện liên quan đến Đà Nẵng vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497). Theo tinh thần câu chuyện đã kể, lại theo tiết lộ có đến hai đền thờ Nguyễn Phục làm thần - một ở Thừa Thiên và một ở Đà Nẵng - ta có thể hiểu rằng Nguyễn Phục đã bị giết ở Đà Nẵng. Chính ông thọ tử ở nơi này trong một tinh thần khẳng khái nên đã hiển linh ở đây và cũng từng hiển linh cả nơi đã từng trú quân khiến dân hai nơi đều cảm phục mà thờ phượng. Việc này chắc phải được đương thời truyền tụng dữ lắm nên mới có chuyện một tác giả vô danh của non một trăm năm sau biết đến và ghi chép khá ngọn ngành với đầy đủ yếu tố thời gian và nơi chốn”(6).

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện còn lưu giữ trên 20 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc cho các làng xã ở Đà Nẵng được thờ vị Phúc thần của làng mình là Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục. Điển hình như trong sắc phong vào ngày mười một, tháng hai, năm Minh Mạng thứ 2 (1822) cho xã Hóa Khuê Đông đã cho chúng ta thấy, ông là vị thần phò nước, giúp dân, công đức sáng ngời:

- Phiên âm:

“Sắc Kỷ Mùi(?) khoa tiến sĩ Phi vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung tôn Thần. Hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, kinh luân xã dân phụng sự. Ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải võ, khánh bị thần nhân, Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miếu niệm thần hựu, nghi long hiển hiệu, khả gia tăng Hiển Văn Chiêu Tiết Trung Đẳng Thần, nhưng chuẩn hứa Diên Phước huyện, Hóa Khuê Đông xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bão ngã lê dân. Khâm tại. Minh Mạng nhị niên, nhị nguyệt, thập nhất nhật”.

- Dịch nghĩa:

“Sắc tặng ngài Phi vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi(7), là vị thần phò nước giúp dân, công đức rất sáng ngời, đã được các nơi phụng thờ. Từ khi Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta thống nhất bờ cõi đem lại phúc lớn cho cả thần linh và con người. Nay ta vâng mệnh sang lên nối ngôi, chạnh nghĩ đến đức tốt của các bậc thần linh, phải trân trọng nêu lên những danh hiệu sáng ngời nên gia tặng ngài thần hiệu: Hiển Văn Chiêu Tiết đứng ở bậc Trung Đẳng Thần. Nhưng chuẩn cho xã Hóa Khuê Đông, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Người hãy phù trì bảo hộ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh! Ngày mười một, tháng hai, năm Minh Mạng thứ hai”.

Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) lại có sắc phong gia tặng thần Nguyễn Phục mỹ hiệu Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du Trung Đẳng Thần. Hơn một tháng sau đó, ngày 14 tháng 5, lại gia tặng mỹ hiệu Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du Tuấn Vọng Trung Đẳng Thần.

Ở Đà Nẵng có hai ngôi miếu thờ Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục. Một ngôi miếu ở Bãi Nam (quận Sơn Trà) mà theo nhà nghiên cứu Lê Duy Anh trong Tập tài liệu Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà, đó là nơi quan Bộ Hình gông cổ ông(8) và một ngôi miếu tại Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) - nơi ông thọ hình. Ngôi miếu ở Bãi Nam thì có tên là miếu cổ Cao Các có cấu trúc một gian thờ đơn giản. Còn ngôi miếu ở phường Khuê Mỹ thì lớn hơn, gồm có ba gian, chính giữa thờ thần, hai bên thờ Tả ban, Hữu ban, nhìn ra sông Cổ Cò thơ mộng. Theo hồi cố của các bậc cao niên làng Khuê Mỹ thì ngôi miếu thờ Nguyễn Phục đã có từ hàng trăm năm trước, nằm ở ngoài bờ sông Cổ Cò, còn có tên là Miễu Một, sau này bờ sông sạt lở, ngôi miếu bị đổ nên năm 1997 người dân làng Khuê Bắc, Khuê Tây, Khuê Nam, Khuê Trung dời tạm về trong khuôn viên của khu vực Nhà Bia liệt sĩ và Nhà Truyền thống K20 và thỉnh thần vào thờ phụng một thời gian. Nay ngôi miếu thờ thần đã được người dân địa phương xây dựng lại ngoài bờ sông Cổ Cò và thỉnh thần ra ngự trị. Trong khuôn viên ngôi miếu mới còn lưu giữ ba bia đá khắc bằng chữ Hán ghi lại danh tánh những mạnh thường quân đã đóng góp cho làng để tôn tạo miếu.

Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, người dân Ngũ Hành Sơn cùng nhau đóng góp tài lực, vật lực để làm lễ cúng ở miếu. Lễ vật dâng cúng thần có hương hoa trà quả, còn có đồ chay, đồ mặn. Đây là dịp để con dân trong làng đến để tưởng nhớ tới vị Phúc thần đã bảo hộ cho người dân trong làng được bình yên, và cầu mong thần ban cho sức khỏe, công việc làm ăn được thuận lợi.

Thay lời kết

Có thể thấy, tín ngưỡng thờ Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục là một dạng thức tín ngưỡng thờ nhân thần phổ biến được các làng xã vùng ven biển, đầm phá trong cả nước thờ cúng. Theo Nguyễn Thế trong bài viết “Thần tích vị tướng tải lương nơi cửa biển Tư Hiền, Thừa Thiên Huế” đăng trên tạp chí Sông Hương số 295 (tháng 9/2013) thì chỉ tính riêng từ Đà Nẵng trở ra đã thống kê được 72 đền thờ ông. Riêng đối với miền Trung (từ vùng Quảng Trị) trở vào Nam, không những các làng ven biển mà cả các vùng đồng bằng, bán sơn địa... đều thờ cúng ông. Vì tất cả đều xem ông là vị Phúc thần đã từng phù hộ cho người đi biển và những lưu dân theo đường biển vào Nam lập nghiệp(9).

Tín ngưỡng thờ Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục trên mảnh đất Đà Nẵng đã trải qua hàng trăm năm và còn được lưu giữ, tồn tại đến ngày nay đã góp phần làm phong phú đời sống tâm linh của người dân Đà Nẵng. Đồng thời nâng cao tính cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của thế hệ sau, góp phần bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đ.T.T.

(1) Dương Văn An (1553), Ô châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải), (Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2009), 98-100.

(2) Nguyễn Hoàng - Uông Sĩ Lãng - Phan Trọng Phiên - Võ Miên, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (Tạ Thúc Khải dịch), (Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1963), 40.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Hoàng Văn Lâu dịch), (Hà Nội: Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông - Tây, 2012), Tập 2, 1270.

(4) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, (Hà Nội: Thời đại, 2011).

(5) Lê Duy Anh - Lê Hoàng Vinh, Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306 - 2006), (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2006), 137.

(6) Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), (California, Hoa Kỳ: Nam Việt, 2007), 19-20.

(7) Sắc ghi ông đỗ tiến sĩ năm Kỷ Mùi, nhưng Ô châu cận lục lại cho biết ông đỗ tiến sĩ năm Kỷ Dậu?

(8) Lê Duy Anh, “Lăng tiến sĩ tại bãi Nam”, Tập tài liệu Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà, (UBND quận Sơn Trà - Phòng Văn hóa - Thông tin, 2008), 47.

(9) http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c141/ n12683/Than-tich-vi-tuong-tai-luong-noi-cua-bien-Tu- Hien-Thua-Thien-Hue.html.