Tản văn Trần Nguyên Hạnh

29.08.2018

Tản văn Trần Nguyên Hạnh

Trần Nguyên Hạnh, tên thật là Nguyễn Thị Hạnh, sinh ngày 7/6/1992. Quê quán ở thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Hiện đang sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Bắt đầu viết văn 2013, đã có các bài đăng trên các báo địa phương, các tạp chí và tạp chí văn nghệ.

Trần Nguyên Hạnh tâm sự: “Tôi đến với văn chương một cách rất tình cờ. Ở tuổi 15 tôi cũng như những bạn cùng trang lứa có xu hướng muốn bộc lộ mình nhiều hơn. Tuy nhiên là một người trầm tính, thay vì tụ tập, vui chơi cùng bạn bè, tôi chọn viết như một cách giãy bày suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Sau này tôi may mắn gặp được các thầy cô tâm huyết, đã gieo vào tôi rất nhiều cảm xúc khiến tôi say sưa với văn học. Và những cơ duyên trong đời, những cuộc gặp gỡ thú vị giữa những người viết cũng đã kết nối và đưa tôi đến với con đường sáng tác...”

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu chùm tản văn mới của Trần Nguyên Hạnh vừa gửi tới cho ban biên tập.

Mây trắng ngang trời

 

Ai đó nói rằng, trí nhớ như một cái kho ngổn ngang vô số thứ. Khi ta muốn tìm thứ mình cần lại không tìm thấy. Nhưng khi ta không kiếm tìm, nó bỗng xuất hiện. Giống như hôm nay, khi tôi mơ màng ngắm bầu trời mùa hè xanh trong vời vợi, như một sự xâu chuỗi, trí nhớ với những liên tưởng kỳ lạ tạo ra một mắt xích kết nối quá khứ với hiện tại, vô tình gợi nhắc tôi về một khoảng trời lơ lửng những quả gòn trắng xóa, như những đám mây đang in hình trên nền trời trong vắt. Chúng thuộc về một tháng ngày thơ ấu đã trôi xa. Khi đó tôi là một học sinh cấp một, giờ giải lao cùng chúng bạn đi nhặt những quả gòn.

Ngày ấy, nơi tôi học là một căn phòng nhỏ thuộc ủy ban xã. Căn phòng được tận dụng làm nơi giảng dạy nên không có tiếng trống vào lớp, tiếng trống ra về, hay vào giờ ra chơi; cũng không có những loài cây như bằng lăng, phượng vĩ. Ở căn phòng này, cửa sổ nhìn ra là một khoảng trời trong xanh với những cây gòn thân to xù xì. Dù vậy, nó lại là khoảng trời yêu thích của tôi.

Bọn trẻ là chúng tôi ngày ấy, giờ ra chơi vẫn thường chạy quanh gốc gòn. Con gái thường tụ tập chơi nhảy dây và kéo co. Bọn con trai thường chơi đuổi bắt, bắn bi. Chơi chán chê bọn con trai rủ nhau leo trèo quanh những nhánh cây gòn hái quả. Bọn con gái thường túm tụm quanh gốc cây reo hò, đợi chờ đám con trai thả những quả gòn từ trên cao xuống. Đứa nào cũng hăm hở bóc tách quả nhưng quả gòn thường khá cứng, con gái chẳng thể nào tách vỏ được. Ngay cả bọn con trai cũng phải dùng hết sức mới đập vỡ được vỏ quả. Quả gòn có vị chan chát nhưng đám trẻ là chúng tôi ngày ấy vẫn hăm hở chia nhau ăn. Cái hương vị ấy cứ khiến người ta nhớ mãi. Đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến, tôi vẫn có thể cảm nhận được vị của nó thoang thoảng trên đầu lưỡi.

Theo những mùa gòn, tháng ngày cứ thế đi qua, khung cửa sổ của lớp học vẫn là nơi để chúng tôi quan sát. Cây gòn sau những ngày quả non chuyển sang già, vỏ nứt vỡ để lộ những chùm bông trắng xóa. Nhìn từ xa chúng như những đám mây đang lơ lửng giữa trời cao vời vợi. Những đứa con gái mộng mơ  thi thoảng vẫn để tâm trí rời khỏi lớp học, mê mẩn nhìn khung trời ấy. Tuổi thơ ngày ấy tưởng chừng rất thiệt thòi, nhưng đám trẻ chúng tôi vẫn tìm thấy niềm vui và sự thơ mộng cho tâm hồn mình. Những điều hồn nhiên tưởng chừng giản đơn là vậy đó, nhưng ở một lứa tuổi khác, nó bỗng thật khó khăn bởi những xô bồ, hối hả cuốn lấy.

Ngày còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi đã biết nhặt những bông gòn về nhà để phòng khi đứt tay, té ngã. Chúng tôi cũng biết tự làm cho mình một chiếc gối từ bông gòn. Với tụi con gái, chiếc gối là vật không thể thiếu bởi vì mỗi khi dụi vào chiếc gối yêu thích, cuộc sống này như chỉ còn lại sự an yên. Khi lớn lên, chúng tôi lao vào cuộc sống. Ngày và đêm như tách biệt. Ban ngày có thể cười vui vì cuộc sống nhộn nhịp và tươi mới cuốn lấy mình. Nhưng khi đêm về chỉ có màn đêm đen thẳm và sự mỏi mệt bao vây. Những khi ấy, tôi thường chỉ biết dụi đầu vào chiếc gối để những êm dịu của bông gòn thoảng đưa mình vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ êm dịu ấy, tôi cứ mong mình sẽ được lạc trong  khoảng trời với những đám mây bông gòn bay ngang trời.

Tuổi thơ khốn khó nhưng chúng tôi vẫn lớn lên vui vẻ. Những món quà của tuổi thơ thiếu thốn khiến chúng tôi trân quý những gì đang có trong hiện tại. Dù vậy, chúng tôi vẫn mãi là những đứa trẻ của ngày xưa. Một ngày trở về nhìn thấy cây gòn bung nở những chùm bông trắng xóa. Như thể gặp được người bạn nhỏ ngày xưa, tôi níu tay mẹ trầm trồ trước những bông gòn. Với mẹ - một người nông dân quen với lam lũ ruộng đồng, những loại cây quen thuộc như gòn chẳng có gì là đẹp đẽ. Nhưng mẹ nào biết rằng, có một khoảng trời thơ ấu ngập tràn bông gòn chất chứa biết bao kỷ niệm của tôi và chúng bạn. Những thứ tưởng như bình thường với mẹ lại là điều khiến bọn trẻ chúng tôi mừng vui khôn xiết.

Khi tôi lớn lên, cuộc sống khấm khá hơn, tôi được học những ngôi trường mới với các trang thiết bị tiện nghi và hiện đại. Tôi cũng được đi nhiều nơi hơn để biết rằng thế giới rộng lớn bao la có biết bao nhiêu điều xinh đẹp. Dù vậy, căn phòng học chật chội của ngày xưa, khung trời có mây trắng ngang trời ấy vẫn luôn là một góc yêu thương trong tôi - như đã ghi dấu một quãng đời mà ở đó tôi cùng những người bạn của mình đã cùng nhau vui cười giữa những tháng ngày ấu thơ tươi đẹp.

 

Những dòng sông trôi

 

Chúng ta, ai cũng có một nơi chốn của riêng mình để thương nhớ, để hoài niệm và để trở về. Riêng tôi, mỗi khi thấy lòng rã rời, như một thói quen - tôi thường tìm về sông, nghe con nước yên bình khua khoắng cho nỗi lòng nguôi ngoai. Tuổi 15 biết buồn biết vui chuyện cuộc đời, dòng sông là nơi tôi gửi gắm nỗi lòng của mình. An yên và bình lặng, dòng sông nhỏ tháng năm đã lặng thầm lắng nghe, sẻ chia bao nỗi lòng của kẻ mới lớn.

Khi lớn lên tôi đã có sông ngay bên cạnh mình. Yên bình trôi chảy, sông mang con nước đến với xóm làng như góp thêm chút êm dịu của đời sống vào dòng chảy vốn đã nghèo nàn của quê hương. Chúng tôi từ bé đã lớn lên bằng những dòng nước êm ái từ sông, bằng con cá con tôm mà sông nuôi lớn. Cuộc sống mưu sinh gắn bó cùng sông cũng đã nuôi nấng tâm hồn của những đứa trẻ sống trên miền sông nước để rồi đi đâu cũng thiết tha nhung nhớ, hướng về một miền quê.

Trong nỗi niềm của kẻ nhà quê, chẳng có gì thiết tha bằng con sông quê hương. Sông là một người bạn mà mỗi lần gặp gỡ đều đánh thức trong tôi những ký ức xưa cũ. Tôi luôn tìm lại được mình của một thời hồn nhiên đa cảm. Kỷ niệm ngày nào như phù sa, năm tháng chỉ ẩn sâu dưới lòng sông chứ không hề cuồn cuộn theo con nước mà trôi chảy.

Mỗi lần nghĩ về sông, tôi nhớ vẹn nguyên từng ký ức cũ. Chẳng hạn như ở khúc sông này tôi đã cùng thằng Bin lội sông bắt ốc, đã từng cùng cái Hằng kéo lưới bắt tôm, đã từng ra sông ngồi khóc khi không được múa trong đội văn nghệ. Khi bố trở về sau thời gian dài mưu sinh nơi phố thị, lòng ngập tràn niềm vui  tôi cũng ra thủ thỉ sông nghe. Dòng sông đã lưu giữ giúp tôi những buồn vui ngày thơ bé, để mỗi lần trở về cùng sông tôi lại hồi tưởng biết bao kỷ niệm êm đềm.

Thuở nhỏ, tôi đau ốm dặt dẹo nên chẳng được đi đâu nhiều, chỉ loanh quanh trong xóm nhỏ. Niềm ước ao được biết đến những vùng đất mới vẫn thường trực hiện lên trong tâm trí tôi. Những khi ấy, tôi thường ra sông ngắm nhìn những dòng chảy của sông và mường tượng nhiều điều. Tôi để mình tha hồ nghĩ về những miền đất nơi dòng sông chảy qua. Tôi mường tượng những cánh đồng xanh ngát, những chân trời thăm thẳm, nghĩ đến những ngôi làng trù phú, những xóm nhỏ trẻ con tinh nghịch nô đùa. Trong tâm trí tôi bao giờ cũng dành một góc nhỏ cho những vùng đất xinh đẹp trú ngụ. Đôi lúc tôi mơ màng nghĩ rằng, đâu đó trong những vùng đất xinh đẹp tôi đang nghĩ tới, liệu ba tôi có từng đi qua? Khi là một đứa trẻ luôn bị cảm giác ốm đau vây bủa, những nghĩ suy cũng thật khác lạ. Tôi luôn cảm thấy có một sức hút đặc biệt với những vùng đất mình chưa từng đến bao giờ.

Có một lần, ước muốn được biết rõ dòng sông của tôi đã trôi về nơi đâu, tôi được chúng bạn dắt lên non cao để nhìn rõ hơn cách dòng sông trôi chảy. Tôi nhìn thấy những khoảng xanh mướt cây cối um tùm, nghe thấy tiếng gió hát rì rào bên tai, tận mắt thấy những xóm làng mái ngói nhấp nhô,  trời xanh trong vắt dịu vời. Tôi nghe thấy lòng mình đang ngân lên những nhịp rộn ràng. Đứa trẻ là tôi ngày ấy đôi mắt cứ nhìn xa xăm, thơ thẩn hướng về dòng chảy của sông mà ao ước một lần được bước tới.

Có những nỗi nhớ không bao giờ kể hết về dòng sông quê dù luôn thường trực trong lòng. Đó là nỗi nhớ về những bóng hình thân thương đã gắn bó cùng sông trong những cuộc mưu sinh. Tôi nhớ dáng chị lặn lội sớm hôm trên sông kiếm con cá, con tôm. Nhớ bóng mẹ tảo tần trên những chiếc thuyền ngang, quanh năm chuyên chở những sản vật của quê hương nghèo nàn xuống phố thị. Chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ là buồng chuối, bó rau, bó chè, bó củi, cân khoai,.. thuyền mẹ lênh đênh từ sáng sớm, chiều muộn mới trở về gom góp chút hàng quê đợi sáng mai tiếp tục mang lên phố. Năm tháng trên con thuyền bộp bẹp, dáng mẹ lại ngày càng nhỏ bé chỉ một con sóng nhỏ cũng đã khiến lòng tôi ngập tràn những âu lo. Tôi lại nhớ ông tôi, ngày nhỏ tôi thường cùng ông ra sông thả lưới. Mỗi khi mặt trời xuống núi, ánh chiều vàng vọt lấp loáng trên sông phản chiếu  trên gương mặt ông một nụ cười hiền hậu vốn đặc trưng vùng sông nước. Nụ cười ấy năm tháng đã in hằn trong trí nhớ tôi để mỗi khi nghĩ về sông, lòng lại nghẹn ngào trong nỗi nhớ  ông.

Ai rồi cũng sẽ lớn lên, chẳng thể sống mãi cùng năm tháng, chỉ có ký ức vẫn ngưng đọng ở đó. Theo tháng năm, con người ta lại tìm về với ký ức ngày cũ để nhớ nhung một đoạn đời nhỏ. Dòng sông vẫn mải miết trôi như tháng năm chẳng đợi chờ ai bao giờ. Nhưng ký ức xưa cũ vẫn vẹn nguyên tươi mới như thưở nào. Dường như những dòng chảy của sông chẳng bao giờ đủ sức cuốn trôi ký ức cũ, chỉ có thể cuộn nó vào lòng để tháng năm qua, người trở về lục tìm rồi hoài niệm.

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng sông, rời sông quê, có biết bao kỷ niệm cất giấu trong lòng. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng cái gì êm dịu nhất, tôi sẽ trả lời là: Sông. Nếu có ai đó hỏi tôi, cái gì thiết tha nhất, tôi cũng sẽ trả lời là: Sông. Yêu sông, tôi yêu làng quê nhỏ, yêu những con người ngày ngày miệt mài mưu sinh trên sông, yêu dáng người tảo tần của mẹ, yêu tiếng cười giòn tan của đám trẻ quê trong những buổi chiều hoàng hôn đổ bóng. Mỗi lần trở về là một lần tôi được sống lại vẹn nguyên cảm xúc ngày thơ bé, đôi chân nhỏ mải miết tìm tới sông - lặng nghe con nước lăn tăn khuấy động trong lòng.

Mỗi con sông đều có một dòng chảy. Chúng thuộc về một nơi chốn riêng, có một tình yêu riêng, một thế giới tâm hồn riêng dù nơi đổ về vẫn là biển cả. Cũng như những đứa trẻ tắm mát trên dòng chảy ấy, mỗi người tuy có một góc nhớ của riêng mình nhưng lòng vẫn mải miết hướng về dòng sông quê...

T.N.H