Út Sương
TRẦN QUỐC CƯỠNG
Truyện ngắn
Chị ra Hà Nội công tác, quà tặng cho anh là bao cá lóc khô rúm và quyển Bút ký "Mắt bão" ghi lại cảnh tàn phá khốc liệt và sự mất mát, đau thương của người dân Kiên Giang trong cơn bão số 5 có cái tên mỹ miều: Linda.
Anh đến ga Hàng Cỏ trước lúc tàu đậu khoảng hai mươi phút, ngồi phì phèo đốt thuốc lá, bâng quơ nhìn hành khách đang đứng, ngồi nhộn nhạo trong nhà ga, mường tượng đến cảnh chị cũng ở nhà ga ồn ã mà cười thầm: Người gì đâu kỹ tánh như cái máy không sai chạy "Đúng 15 giờ 20 anh ra ga Hàng Cỏ, dừng lại ở toa số 3, tàu DS5, màu xanh lá cây, em mặc choàng màu đỏ". Chốc chốc anh đưa tay lên xem giờ. Nhớ cái thời trai trẻ yêu đương, chờ đợi, giận hờn, anh nghe tiếng chim kêu cảm nhận đó là tiếng chim đơn côi, xa bạn mà chạnh lòng. Thời gian sao trôi qua mau vậy? Mới đấy mà tóc anh đã luốm nhuốm bạc, có sui gia và chuẩn bị vui thú điền viên. Kim đồng hồ chỉ phút nhích dần về phía bên phải đến cái nấc thứ tư cũng là lúc tiếng còi tàu vang lên xé nát không gian, làm tăng thêm sự hồi hộp, xúc cảm của bao cảnh đón-đưa. Anh lọc xọc chạy theo con tàu lúc nó bắt đầu rùng mình dừng lại. Trúng phóc toa số 3, chị hiện ra với tiếng gọi tha thiết:
- Anh Tư! Em đây! Út Sương đây!
Anh nhìn sững chị, ồ lên một tiếng kinh ngạc:
- Út Sương! Trời ơi! Em đấy ư?
Như có phép thần thông biến hóa, cô bé Sương năm nào lam lũ trong rừng U Minh giờ thay da đổi thịt. Mái tóc uốn cao kiêu kỳ, sang trọng, làn da nõn nà, mắt, môi mọng nước như hạt lựu chín cây, thân hình thon thả, giọng nói ngọt như mía lùi. Anh bước tới, một tay xách hộ chị chiếc va li, một tay vỗ vỗ vào vai chị, vẻ mặt hiện lên niềm vui ngập tràn trong ánh mắt:
- Anh không ngờ em còn trẻ, đẹp đến như vầy!
Chị cười giòn tan, véo khẽ vào vai anh:
- Anh Tư chọc quê Út nha! Em làm sao đẹp bằng gái Hà Nội nhất dáng, nhì da, đúng không?
Anh cười hì hì:
- Chẳng có cái đẹp nào giống cái đẹp nào đâu cô bé. Con gái Hà Nội thanh lịch, hiếu khách, còn con gái miền Tây duyên dáng, cởi mở. Sông nước phương
Chị nhớ đến quà tặng anh, cứ tưởng sẽ làm cho anh bất ngờ, sung sướng, té ra các nữ sĩ đất phương
Trong tâm trí anh, những hình ảnh của quá khứ chợt hiện về. Rừng tràm U Minh bạt ngàn, ngút xanh. Những con kênh rạch ngang dọc, nước vàng ệch như mạch máu của cơ thể rừng tuôn chảy nuôi sống vạn vật, con người. Mùa hạ lá tràm rơi xuống đất cong lại như những con mực khô và dây bòng bong chằng chịt tạo nên lớp bùi nhùi thấm chất dầu tràm xôm xốp bén lửa không biết lúc nào. Khi những cánh đồng, kênh xáng rốc ráo nước, cá rô, cá lóc rút về những con kênh trong rừng tràm nhiều vô kể. Người ta dùng một chiếc xuồng bó chà đằng sau, chống dọc theo những con kênh, cá nhảy phóc lên xuồng ba lá cũng đủ dùng qua ngày. Dân U Minh cứ việc nướng trui cá lóc nhậu rượu đế, hoặc bắt rùa vàng, rắn hổ làm món nhậu, người chết nghe mùi thơm cũng muốn đội mồ mà dậy nói chi người sống.
Rừng U Minh còn là Đại bản doanh của lực lượng kháng chiến với bao chiến tích lẫy lừng đi vào huyền thoại. Anh không sao quên được một lần địch đổ quân đi càn vào rừng. Anh và Út Sương bị kẹt phải nhảy đại xuống cái hầm tròn mà người ta đào sẵn, nắp hầm là cái sàng đựng cá, anh phủ lá tràm khô lên trên xóa đi dấu vết. Không ngờ cái lần anh và Út Sương trốn chung một hầm lại gây nên tai họa cho cô bé đáng thương ấy. Chẳng biết kẻ nào mách lẻo với Thiện-Người yêu của Út Sương. Anh chàng đùng đùng nổi giận, tìm vào căn cứ gặp Út Sương. Câu đầu tiên như gáo nước lạnh dội vào mặt người tình:
- Ờ! Hai người hạnh phúc quá mà! Hai ngày đêm ở chung một hầm còn gì nữa!
Cô gái tội nghiệp kia nghèn nghẹn ở cổ họng, nước mắt chực trào ra:
- Anh bảo sao? Em với anh Tư? Anh nghi ngờ lòng dạ của em? Hôm ấy em mà không nhào ào xuống hầm với anh Tư thì giặc đã giết chết em rồi!
Mặc cho Út Sương hết lời giải bày, Thiện tiếp tục đay nghiến không chút thương tiếc:
- Tôi đâu dám nghi ngờ ai. Người ta làm gì với nhau chỉ có đất biết.
Nước mắt của Út Sương như cơn mưa vỡ òa:
- Anh không tin lòng chung thủy của em thì anh… "thử đi!" em có còn nguyên vẹn không?
Lời nói tuột ra nhanh như mối dây đang kéo thẳng, không chụp lại được. Cô thẹn thùng lau nước mắt, vậy mà người tình của cô không chịu buông tha. Cái thói ghen tuông của anh ta có khi còn hơn cả Hoạn Thư dẫu anh ta không phải là đàn bà:
- Việc gì mà thử, từ đây tôi với cô mỗi người đi một con đường !
Út Sương khụy xuống như cây chuối đổ trong cơn bão. Và người con trai cố chấp, mù quáng ấy bỏ út Sương thật sự.
Từ khi biết vì mình mà Út Sương lở dở chuyện tình duyên, anh sống trong nỗi dày vò khôn cùng! Anh cứ tự trách mình, ngày ấy giá như anh lộ diện, đối mặt với quân thù thì Út Sương đâu mang tiếng chịu lời oan ức. Cứ mỗi lần thấy cô bé héo sầu, tuyệt vọng là lòng anh lại day dứt, ân hận. Nhiều khi nỗi đau về tinh thần làm cho con người ta sa sút thể lực còn hơn nỗi đau về thể xác. Đến khi nhận được tin Thiện đi cưới vợ, Út Sương đứng dậy bước đi cứng cáp, vững chãi hơn bao giờ hết. Cô thừa hiểu Thiện đi lấy vợ là để trả thù cô. Cái hạng đàn ông, con trai hèn nhát như vậy đâu đáng để Út Sương tôn thờ. Người con gái một lần dang dở ấy lao vào công tác không kể ngày đêm, không màng đến chuyện lập gia đình dẫu xung quanh cô có biết bao chàng trai thầm thương, trộm nhớ.
Anh đưa cô em gái tinh thần, người đồng đội cũ về nhà trong trạng thái lâng lâng niềm vui sướng. Nhưng với Út Sương thì trải qua sự bồn chồn, ngỡ ngàng cùng cực! Vợ anh là một người đẹp hoàn hảo, đón tiếp khách không chê vào đâu được. Vậy mà trong ánh mắt ấy, Út Sương đọc được một chút soi mói, ngờ vực, một chút ghen tuông, buồn phiền. Nụ cười ấy, giọng nói ấy có cái gì gượng gạo, che đậy sự giả dối ở bên trong:
- Em ở lại chơi với anh chị lâu lâu nhé! Anh Tư lúc nào cũng nhắc đến em!
Khách cố giữ vẻ thăng bằng dẫu lòng đã bị tổn thương:
- Em đã hẹn trước với người bà con là chiều nay em đến thăm nên mong anh chị thông cảm!
Anh như đỉa mắc phải vôi:
- Ơ! Không được ! Nhất định không được ! Mấy mươi năm rồi anh em mình mới gặp lại nhau, còn có bao nhiêu điều muốn nói.
Anh vẫn vô tư, trong sáng như ngày nào, đâu hiểu được sóng ngầm đang dâng lên trong lòng vợ. Út Sương rất dị ứng với những người dùng câu chữ, lời lẽ bọc nhung làm sang để giấu nhẹm sự ích kỷ, dối trá của mình. Thà ghen ghét cứ nói thẳng tuột ra mọi điều còn dễ chịu hơn, đằng này cứ vờ vịt khó ưa. Vợ Thiện cũng ghen tuông với Út Sương, nhưng để hết ra ngoài. Thiện đã sai lầm khi lấy một người để trả thù một người chỉ vì sự ngộ nhận mù quáng. Chiến tranh Cách mạng đã kết thúc từ lâu rồi, còn chiến tranh lạnh của gia đình Thiện cứ âm ỉ, âm ỉ từng ngày. Út Sương giữ vẹn lời thề: "Em mà không làm vợ anh thì suốt cuộc đời nguyện sống đơn côi!". Những tưởng câu thề lúc còn tuổi trẻ bồng bột không ngờ nó ứng với Út Sương đến tận bây giờ. Chị ở vậy không chỉ làm tổn thương, day dứt đối với Thiện mà còn đối với vợ Thiện nữa: "Tôi biết mà! Con Út Sương nó còn yêu ông, chung tình với ông nên đâu chịu lấy chồng!".
Một lần tình cờ Thiện gặp Út Sương, anh rên rỉ:
- Út lấy chồng đi cho tôi nhờ! Em mà cứ ở vậy tôi thấy mình càng có tội !
Người con gái lỡ thì nhan sắc còn mặn mòi, giọng nói quyến rũ chất chứa sự phẫn uất:
- Anh còn nghi ngờ lòng chung thủy của em nữa hay thôi? Đến bây giờ em vẫn còn trong trắng... Bao nhiêu năm qua cũng có lúc em nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng không thể! Em già rồi ai lấy? Lấy ai để có hạnh phúc thật sự?
Và người đàn bà quý phái vợ của người anh tinh thần đang ngồi đối diện với Út Sương ngay bây giờ đây chắc cũng không khỏi ghen ngầm với chồng, đại loại: "Anh và cô ấy ở chung một hầm. Một người con trai đang độ cường tráng mặt đối mặt, ngực đối ngực với một cô gái xinh đẹp suốt mấy ngày làm sao khỏi xảy ra chuyện này, điều nọ...".
Mấy mươi năm qua, tiếng súng nổ, tiếng hò hét của bọn lính đi càn và cái hầm tròn chật chội, bức bối với hai con người cứ ám ảnh Út Sương không thôi. Tuổi xuân của chị đã đi qua theo chiến tranh, chị sống đơn côi mà cũng là cái tội ư?
Một bữa tiệc nho nhỏ khách và chủ ăn uống, chuyện trò vội vã diễn ra trước lúc Út Sương chia tay với anh đến khách sạn mà cô nói dối với anh đến nhà người quen ngay sau đó. Nhìn ánh mắt anh buồn vời vợi, Út Sương muốn ứa nước mắt, nhưng cô kịp kiềm lại Nước mắt của chị trong lúc này càng gieo rắt sự hoài nghi về lòng chung thủy của anh đối với vợ chứ chẳng ích gì. Chị muốn nói hết nguyên nhân vì sao chị không thể ở lại nhà anh, tâm sự với anh sau những năm dài xa cách, song chị cứ nghèn nghẹn. Đâu phải chuyện gì cũng có thể nói ra. Có những chuyện mà con người ta suốt đời giữ trong im lặng mãi mãi.
Đến khách sạn, Út Sương nhận phòng, đóng vội cửa, lăn ra nệm òa khóc trong tức tưởi đau buồn về thân phận đen bạc của mình. Nửa đêm chị bật dậy đọc tin nhắn của một người bạn gái từ Kiên Giang: "Út Sương ơi! Sáng nay Tòa xử ly hôn anh Thiện với con Loan rồi! Hai người nhiều năm sống không hạnh phúc, theo tao ly hôn là thượng sách!".
Chị bật dậy, ngồi thẫn thờ. Trong đầu chị chợt lóe lên ý nghĩ: "Mình phải lấy chồng thôi! Lấy ai cũng được, nhưng người ấy nhất định không phải là anh Thiện!".
T.Q.C