Sức sống mới của người dân Đà Nẵng

29.04.2009

Sức sống mới của người dân Đà Nẵng

Kể từ ba giờ chiều ngày 29 tháng 3 năm 1975 khi đại quân ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa thị chính báo hiệu sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn, đem lại độc lập  tự do cho người dân Đà Thành. Và từ đó mỗi khi mùa Xuân về, người dân Đà Nẵng lại hân hoan trong niềm vui khôn xiết chào đón ngày kỷ niệm trọng đại này. Nhưng chưa có năm nào thành phố Đà Nẵng kỷ niệm ngày giải phóng quê hương với qui mô hoành tráng, với lòng phấn khởi tột cùng bằng những công trình mang tầm cỡ quốc gia - quốc tế như ngày 29/3/2009 năm nay.
 
- 8 giờ sáng ngày 25 tháng 3 thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước, chiếc cầu dây võng dài nhất nước, chiếc cầu được xây dựng không chỉ bằng tiền của, mồ hôi, trí tuệ mà bằng cả quyết tâm sắt đá của lãnh đạo thành phố và lòng kiên nhẫn của nhân dân nếu ta biết được những khó khăn, diễn biến phức tạp không lường trước ở độ sâu 60 mét nước trong quá trình thi công.
 
- 9 giờ 30 phút cùng ngày khánh thành cáp treo Bà Nà với 2 kỷ lục ghi-nét thế giới về chiều dài 5000m và chênh lệch độ cao tính tròn 1300m.
 
- Ngày 27/3 khởi công xây dựng Bệnh viện Ung thư mà nhân dân ta đã đặt tên cho nó là “Bệnh viện của những tấm lòng vàng” mà người dân Miền Trung và Tây Nguyên bao năm mong đợi với kinh phí giai đoạn I là 500 tỉ đồng, với qui mô 500 giường với những trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên môn chất lượng cao - chưa hết trong tháng 4/2009 này, chào mừng 34 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước sẽ đưa vào sử dụng Bệnh viện phụ nữ chữa bệnh u bướu, phụ khoa nan y riêng cho chị em và Bệnh viện dành riêng cho chị em cũng xây dựng bằng “quà tặng của những trái tim” cũng là Bệnh viện độc nhất vô nhị trong cả nước. Và không xa nữa, sẽ khởi công xây dựng cầu Rồng - cây cầu thứ 7 từ khi chia tách tỉnh, nối liền sân bay Đà Nẵng với vùng biển mà vẻ đẹp được xếp hạng là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh với đường Sơn Trà  Điện Ngọc. Và cũng từ đó nối Đà Nẵng với 4 di sản thế giới về hướng đông và hướng nam là đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn tháp cổ; hướng ra Bắc là cố đô Huế và Phong Nha - Kẻ Bàng.
 
Tương lai không xa, thành phố sẽ có khu công nghiệp kỹ nghệ cao, trong đó hầu hết sản phẩm có hàm lượng chất xám, trí tuệ cao và có đầy đủ dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thành phố môi trường.
 
Đảng bộ và chính quyền thành phố đang phấn đấu đạt vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực Chính phủ điện tử và công nghệ tin học. Và vài ba năm nữa thôi, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Trung tâm hành chính thành phố cao 36 tầng bên bờ sông Hàn thơ mộng và đây cũng là Trung tâm hành chính có qui mô thành phố đầu tiên trong cả nước. Thành phố sẽ tiếp tục san núi, bạt đồi, lấn trời, lấn biển, để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị với tầm nhìn xuyên thế kỷ không những cho thế hệ hôm nay mà còn cho con cháu mai sau. Với 46 dự án đầu tư du lịch thu hút vốn đầu tư trên 1,8 tỉ USD cả trong và ngoài nước chắc chắc thành phố ta sẽ thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, công nông nghiệp.
 
Được như ngày nay, Đảng bộ nhân dân thành phố đâu dám quên những bậc tiền bối, tiền hiền, những đồng bào đồng chí đã ngã xuống để có ngày 29/3 lịch sử này. Vì vậy, cùng với việc khánh thành các công trình tầm cỡ quốc gia, quốc tế nói trên nhân dịp này thành phố đã tổ chức khánh thánh nhà thờ tiền hiền làng An Hải, đình làng Hải Châu, khu đền thờ Thoại Ngọc Hầu, đặt tượng chí sĩ Phan Châu Trinh, tổ chức lễ hội Quán Thế Âm  - Ngũ Hành Sơn.
 
Đặc biệt hơn cả trong năm nay là cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế cùng với đội chủ nhà có 4 đội từ 4 nước đại diện đến từ 3 châu lục tham dự với thế mạnh, chủ đề, nội dung khác nhau: Đội Tây Ban Nha với “Giai điệu hạnh phúc”; “Đội Úc với “Những ngôi sao Phương Nam” Đội Trung Quốc với Câu chuyện tình cảm động mà có lẽ hầu hết người Việt Nam ai cũng biết: “Lương Sơn Bá  - Chúc Anh Đài”;  Đội Việt Nam với “Âm vang sông Hàn”. Ánh sáng lung linh huyền ảo trên 2 cây cầu quay Sông Hàn và cầu Thuận Phước, cùng với vẻ đẹp huyền ảo của từng dãy, từng dãy đèn trang trí trên đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo với sông, với núi, với biển, với trời với lòng người, với hàng vạn vạn người dân thành phố và của các tỉnh bạn, của du khách nước ngoài đổ về đây để chiêm ngưỡng lễ hội pháo hoa lớn nhất nước ta và cũng là sản phẩm riêng có của Đà Nẵng. Tôi đoan chắc rằng không có nhà văn, nhà thơ nào tả hết được vẻ đẹp của 2 đêm đại tiệc pháo hóa này.
 
Nhớ lại một thời quá khứ chưa xa, thời kỳ khá dài mà Đà Nẵng lặng im đến nao lòng, thời kỳ an phận với tư tưởng ỷ lại theo cơ chế bao cấp “Xin  - Cho” khá nặng nề: Trung ương cho nhiều - làm nhiều, Trung ương cho ít làm ít, Trung ương không cho - không làm. Họp hành triền miên, “họp ngày không đủ tranh thủ họp đêm” họp cả ngày nghỉ và đi vào ngõ cụt: “Biết - Bàn - Bí - Bỏ”.
 
May thay cái gì qua đã qua, cái gì đến sẽ đến. Cũng trên mảnh đất nghèo cằn cỗi đầy sóng gió bão lũ này, cũng với những người dân giàu lòng yêu nước dám hy sinh trung dũng  kiên cường này, nhưng với tư duy mới nhất là tư duy về đổi mới kinh tế - “đổi mới hay là chết” Đảng bộ và nhân dân thành phố ta bằng việc làm của mình đã thực sự làm theo di chúc Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đến ngày thắng lợi hoàn toàn nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn - to đẹp hơn”. Với những chủ trương, Ý Đảng hợp lòng dân-  Đổi đất lấy công trình - Nhà nước và Nhân dân cùng làm - Trung ương và địa phương cùng làm - Năm không - Ba có… với sự đồng thuận của nhân dân qua sự vận động thấu tình đạt lý của cả hệ thống chính trị; Với đội ngũ cán bộ vừa có Đức vừa có Tài, vừa có Tâm vừa có Tầm; Với tinh thần Dám nghĩ  Dám làm-Quyết đoán-Dám chịu trách nhiệm, có sự rạch ròi giữa Tôi và Chúng ta; Với bài học muôn thở : cách mạng là sự nghiệp của quần chúng-  nhưng cán bộ là quyết định nhất là người cầm cờ và bao nhiêu chủ trương, biện pháp đúng đắn khác, mà nhất là từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và trở thành đô thị loại I - đã có một Đà Nẵng lột xác như ngày nay. Người dân Đà Nẵng hiểu về chính mình hơn - Cả nước và bạn bè nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới biết về Đà Nẵng nhiều hơn, nơi đầu tư có hiệu quả nhất, nơi yên bình nhất về an ninh chính trị - trật tư - an toàn xã hội. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước phát biểu ý kiến tại Lễ Khánh thành cáp treo Bà Nà ngày 25/3/2009, nhấn mạnh : “Sự phát triển của Bà Nà chính là sự phát triển của thành phố Đà Nẵng với những đổi thay rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mới mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Những thành quả mới trong sự nghiệp xây dựng thành phố, một phần nào đã xứng đáng với sự hy sinh to lớn của bao thế hệ vì độc lập - tự do thống nhất đất nước”. Để có sự phát triển vượt bậc này Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và Chính quyền thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng".
 

Tất cả những sự kiện trên dù rất khiêm tốn Đảng Bộ, chính quyền, và nhân dân thành phố ta trong niềm tự hào, phấn khởi kỷ niệm lần thứ 34 năm ngày giải phóng Đà Nẵng có quyền tự hào, chính đáng viết lên bốn chữ vàng : THƯƠNG HIỆU ĐÀ NẴNG”! Và tất nhiên tạo được thương hiệu đã khó, giữ vững và phát triển thương hiệu vươn cao vươn xa hơn là điều khó hơn nhiều!.

 
NGUYỄN THÀNH LONG