Những mẩu chuyện về Bác Hồ

05.05.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Công văn hỏa tốc

Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, các loại công văn, mệnh lệnh rất quan trọng và rất gấp, được đóng dấu riêng và trên phong bì ghi chữ "HỎA TỐC" thường là màu đỏ hoặc màu đen hình chữ nhật dài có mũi tên hoặc không có mũi tên. Do hoàn cảnh kháng chiến, các cơ quan như Phủ Chủ tịch, Văn phòng Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, các bộ, ngành,... ở rải rác trong các quả đồi cách xa nhau, có khi hàng chục cây số. Trước thực tế đó, Đội liên lạc Trung ương được thành lập. Các chiến sĩ trong Đội đưa công văn thường là chạy bộ, không có phương tiện nào khác.

Một hôm, gần chiều tối, Bác nhận được công văn có chữ HOẢ TỐC. Đọc xong, Bác mỉm cười lặng lẽ, bảo với đồng chí liên lạc xuống nhà nghỉ của đội bảo vệ đợi, Bác sẽ trả lời công văn. Lúc sau Bác cho gọi một đồng chí cảnh vệ lên dặn :

- Chú cầm cái công văn này đi cùng đồng chí liên lạc trở về Đội liên lạc, tối nay chú nghỉ tạm ở đó sớm mai hãy về. Chú nói với Ban lãnh đạo Đội là Bác gửi lời cảm ơn, hai chú đi khẩn trương không đơn vị chờ.

Trên đường đi  đồng chí liên lạc cứ thắc mắc mãi, vì theo lời dặn của Đội trưởng phải đón Bác cùng về trong chiều tối nay. Thế này thì khi về sẽ bị khiển trách. Đồng chí liên lạc có biết đâu công văn HỎA TỐC mà mình phải chạy hộc tốc chỉ là cái thư mời Bác đến đơn vị liên hoan.

Về đến đơn vị, đồng chí chỉ huy đội mở bì thư thấy Bác đã gạch chéo hai chữ HỎA TỐC, viết thay thế hai chữ THỦY TỐC. Mọi người nhìn nhau, không ai nói gì nhưng đều hiểu rằng Bác phê bình, cán bộ phụ trách phải thận trọng cân nhắc trước khi cầm con dấu HOẢ TỐC đóng vào công văn.

 

Việc nào dễ nhất

Thời gian ở Việt Bắc, cơ quan thường đóng trong rừng sâu. Thỉnh thoảng, anh chị em phải lấy gạo ở một kho nào đó. Một lần, có đoàn gồm các bác sĩ, giáo sư, kĩ sư và một số chị em văn nghệ sĩ tham gia chuyển gạo về cơ quan. Đi từ sáng đến chiều tối mới về. Người gánh, người gồng, người đeo ba lô đầy gạo, người quấn bao gạo qua vai, qua lưng, đủ kiểu. Mọi người mồ hôi ướt đầm.

Tình cờ gặp Bác đang ngồi nghỉ chân bên bờ suối, mọi người vui vẻ và sung sướng đi đến bên Bác. Ai cũng muốn khoe để Bác biết là giới trí thức cũng mang vác không kém gì ai.

Đang ngồi nói chuyện vui vẻ, thân mật, Bác quay sang hỏi mấy người bên cạnh :

- Đố các chú biết trong nghề nông việc nào làm dễ nhất ?

Nhiều người trả lời, nhưng không ai trả lời giống ai. Người thì cho rằng làm dễ nhất là gieo mạ, gặt hái. Người thì cho là xay lúa, giã gạo. Một đồng chí nữ liền hỏi :

- Thưa Bác, Bác chấm cho ai trả lời đúng ạ ?

Bác tươi cười nói :

- Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn.

Mọi người cười vui vẻ, nhưng cũng rất thấm thía trước câu nói của Bác.

 

Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi (1)

Chuyện xảy ra vào một buổi tối cuối năm, tại một thung lũng thuộc núi rừng Việt Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hôm ấy, khi đồng chí Tường đang ngâm mình dưới nước để đóng cọc chân cầu thì bỗng một cụ già đi ngang qua. Dưới ánh đuốc sáng, biết mọi người đang khẩn trương hoàn thành chiếc cầu phục vụ chiến dịch sắp tới, ông cụ dừng lại chăm chú quan sát và hướng về đồng chí Tường, đang ngâm mình dưới nước lạnh.

Khi Tường lên bờ nghỉ cho đỡ rét, cụ lại gần, nhìn bộ quần áo ướt anh đang mặc, hỏi :

- Đồng chí có quần áo thay chưa ?

Tường thật thà đáp chưa có. Thấy vậy, cụ liền lấy một chiếc áo trong gói đem theo, đưa cho Tường và nói :

- Đồng chí cầm lấy.

Từ chối không được, Tường ôm chầm lấy cụ và cảm ơn. Ông cụ chống gậy, theo con đường nhỏ khuất trong buổi tối mờ sương.

Sau đó ít lâu, Tường được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được nghe Bác Hồ nói chuyện…

Trong bản báo cáo thành tích, Tường đã kể lại câu chuyện gặp ông cụ già và được ông cụ tặng chiếc áo trong ngày lạnh giá ấy.

Lần đó, Bác Hồ thưởng huy hiệu cho nhiều đại biểu đến dự Đại hội. Đến lượt gắn huy hiệu cho Tường, Bác mỉm cười hỏi :

- Thế đồng chí không nhớ tên ông cụ nông dân mà đồng chí vừa kể à ?

- Cháu rất tiếc là đã quên không hỏi, nhưng hi vọng sẽ có ngày cháu gặp lại cụ ấy ! - Tường thưa với Bác.

Bác Hồ mỉm cười, xiết chặt tay anh và nói :

- Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi.

 

 

Ta cùng đi cho vui

Một lần Bác Hồ cùng một số cán bộ đi công tác. Vì đường xa, núi cao, mọi người mời Bác đi ngựa. Nhìn anh em Bác nói :

- Chúng ta có bảy người mà ngựa chỉ có một, bác cưỡi sao tiện.

Một chiến sĩ nhanh nhẩu thưa :

- Thưa Bác, chúng cháu còn trẻ, Bác tuổi cao, công việc nhiều, đường xa nên mời Bác lên ngựa ạ.

Bác cười vui rồi nói :

- Ừ, để rồi xem đi đường các chú có theo kịp Bác không ?

Thấy mọi người đang phân vân, Bác liền bảo :

- Thôi được, ta cho ngựa theo để nó thồ hộ ba lô, lương thực. Đi đường ai mệt thì cưỡi, Bác mệt Bác cũng sẽ cưỡi.

Ngày đầu đi chừng được ba mươi cây số và phải vượt hai con suối to. Ngày thứ hai ra đi từ bốn giờ sáng đến tối mịt mới nghỉ chân. Bữa cơm tối ngoài món thịt hộp Việt Minh"(1) mang theo, còn có bát canh rau tự túc. Đang ăn, Bác nói đùa :

- Rau tàu bay có khác. Ăn vào là thấy nhẹ cả người, lại như có cả mùi xăng.

Tất cả như quên hết mệt nhọc, cùng Bác cười vui.

Sang ngày thứ ba, để động viên chiến sĩ, Bác vừa đi vừa đọc và giảng giải Chinh phụ ngâm(2), kể chuyện kinh nghiệm công tác của bản thân. Câu chuyện lôi cuốn mọi người, nên Bác cháu đi đường không biết mỏi.

Gần chập tối, anh em ai cũng lo và thương Bác, nên cố nài nỉ Bác đi ngựa.

Hiểu lòng chiến sĩ, Bác lại động viên :

- Bác mệt thì các chú cũng mệt. Thôi, ta cùng đi cho vui.

 

(l) Thịt hộp Việt Minh là một loại thực phẩm chính chế biến sẵn mang theo trên con đường công tác của Bác Hồ. Thành phần gồm 3 phần bằng nhau : thịt (hoặc sườn băm nhỏ), muối, riềng.

(2) Tác phẩm vãn học Việt Nam (nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn) là một trong những tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX.

                             
(Trích trong cuốn “Chuyện kể về Bác Hồ”, NXB Giáo Dục)