Người đi tìm thuốc trường sanh
Truyện ngắn
1/
Nhìn mặt, khách cỡ tuổi năm mươi, nhìn bụng hơi ái ngại, bởi hình như bụng khách đã lớn trước tuổi, dây nịt quần nới đến lỗ cuối cùng vẫn không chịu nổi. Nếu thi hoa hậu thì như thế là không cân xứng giữa ba vòng, còn nếu qui chụp nghiệt ngã thì bụng nở là do đầu teo, đầu có teo thì bụng mới nở. Khách chìa name card in hai mặt, chủ không biết tiếng Anh nên chỉ đọc được mặt tiếng Việt: "Vương Gia Phú, Giám đốc Công Ty liên doanh,...". Chủ ấn nhẹ chiếc card xinh xắn sang một bên, liếc mắt nhanh tấm áo bằng lụa ngoại, cái dây chuyền vàng to bằng cây đũa, rồi chiếc nhẫn kim cương lóng lánh nơi ngón tay ngắn mum múp to của khách:
- Ngài vừa từ Sài Gòn ra?
- Vâng thưa ông, nghe tiếng đồn về ông đã lâu, nay mới có dịp tìm đến, Chủ rót nước mời khách. Một thoáng yên lặng. Sau đó khi ngước lên, mặt chủ bỗng sáng trưng:
- Thưa ngài, thương hiệu của chúng tôi chỉ bán độc một phương thuốc gia truyền, lấy chữ tín làm đầu nên không tiếp thị, quảng cáo nhiều. Chỉ những người quen biết giới thiệu nhau tìm đến thôi.
- Vâng thưa ông, hẳn là phúc đức bảy đời nhà tôi mới được bạn bè chỉ cho sanh lộ. Không giấu gì ông, đời tôi khổ thì cũng đã tận cùng khổ giờ được sướng thì cũng đã hết chỗ sướng. Khi đã không còn cách đế tiêu cho hết những đồng tiền, cứ mọc ra từ tiền, tôi lại thấy lo sợ phải chết sớm... Nếu mà được ông tận tình giúp cho thì công này bao nhiêu tôi cũng chiều, ơn này nghìn năm tôi xin đội.
- Thưa ngài, thần dược có căn duyên từ phước chủ, Lương y là từ mẫu, không riêng gì ngài mà với ai tôi cũng phải biết giữ cái gốc y đức. Y đức không giữ được thì linh ngã cũng tiêu tan. Còn ngài, ngài đã tìm đến được đây từ hàng nghìn cây số, chẳng phải là do cội nguồn ân đức lớn lắm đó sao?
Hình như chủ còn nói rất nhiều, rất hay, nhưng với cái vốn sở học bổ túc văn hoá cấp hai, cộng thêm một ít thực tế thương trường lăn lộn, nghe một lúc, khách đã thấy ù tai, chẳng nhớ mà cũng chẳng hiểu. Chỉ thấy sướng tai, càng nghe càng sướng tai, càng yên tâm. Lần này mình đã gặp được thân chủ khả tín rồi đây. Ôi, cái bóng, cái bóng đuổi bắt hàng chục năm nay, mày trốn đâu cho khỏi.
- Cám ơn ông, cám ơn ông - Khách rối rít cám ơn.
Chủ bốc thuốc, như người nội trợ tỉ mẫn, chỗ này thêm một ít muối, chỗ kia một chút đường, rồi tiêu tỏi, mắm ớt... Vừa thoắt đôi tay, vừa liếng thoắt miệng lưỡi. Ông nói về vị thuốc trường sanh bất tử, cải lão hoàn đồng mà dòng tộc ông đã độc quyền sở hữu từ mấy trăm năm nay. Nào là sự bảo dưỡng qua nhiều cuộc chiến tranh cháy nhà chết người. Nào là công phu tìm kiếm từng vị thuốc tận nơi sơn cùng thuỷ tận, nào là khó khăn phải tìm mua từ bên Tàu bên Tây... Khách nghe chán lại rảo mắt quanh ngôi nhà nông thôn thường thường bậc trung, có giàn hoa giấy đỏ rực và những mảng tường quét vôi màu xanh da trời.
"Tội nghiệp, những người sống chân chính trên đời bao giờ cũng nghèo" Khách thầm nghĩ.
Chiếc xe ngoại, đời đầu thế kỷ XXI, chạy như không có tiếng máy trên mặt đường lót nệm. Thường ngày vào giờ này ông khách đã có gái đẹp mở nhạc nhẹ, mang nước ấm ngâm chân, bóp nắn cơ bắp để ru giấc ngủ. Đúng hơn là cố dỗ một giấc ngủ sâu cho đến khi giật mình la hoảng vì mơ thấy mình bị chết sớm. Giấc mơ đã trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm, còn giờ thì ông đang vui nỗi vui đã khiến ông còn đủ tỉnh táo để ra lệnh cho tài xế, dù rằng cái bụng cái đầu đã trì níu hai mí mắt: "Về phố biển". Phố biển nào ? Tài xế hỏi lại cho cụ thể hơn vì ở đâu ông cũng có nhà riêng, và mỗi phố biển như thế có biết bao điểm ông thường nghỉ chân. Còn ông khách thì mãi theo đuổi ý nghĩ. "Rồi ta sẽ được trường sanh", ý nghĩ thú vị đó đã làm cho ông mỉm cười trước khi bay vào cõi mê của một giấc ngủ không tài nào cưỡng được. Chỉ còn lại tiếng ngáy, nghe có tiếng ngáy, tài xế cho xe chạy vừa tốc độ và cố giữ thật êm khi qua mấy chỗ cao thấp.
Cho đến lúc này vị lương y vẫn chưa hề ăn nghỉ được. Ông chắp hai tay sau đít, đầu hơi cúi, qua qua lại lại trong khu vườn nhá nhem bóng tối. "Quái lạ, người đâu có thứ người nhiều tiền của đến thế. Ông đã hô với giá cắt cổ bén ngọt nhất vẫn được thưởng thêm tiền là sao? Càng nghĩ ông càng thấy tiếc vu vơ một cái gì đó vừa tụt khỏi tầm tay. Càng tiếc càng mong có một ngày nào đó, ông khách sẽ trở lại.
Và ông đã trở lại thật. Lần đó ông đòi bổ thêm cho mấy vị thuốc giữ tóc không rụng. Bởi, từ khi uống thuốc, hình như không hợp sao đó, đầu ông đã hói mà mỗi lần gội, dù với loại dầu gội xịn nhất vẫn thấy rụng cả núm tóc. Tiếc vô cùng. Lần tiếp sau, ông khách lắc đầu: "Không thấy hiệu quả mà thấy sức khỏe suy giảm". Chủ ôn tồn khuyên: "Không nên vội, thuốc cốt cải tạo sinh khí từ căn nguyên lục phủ ngũ tạng, không thể một sáng một chiều mà phải đôi ba năm mới thấy được tác dụng. Vả lại, ngài là người từng đi đây đi đó nhiều, ăn đủ thứ của lạ, uống đủ thứ thuốc lạ, thích nghi với cái mới, không dễ!"
Sự bất quá tam, sau lần đó, khách đi biệt, chẳng biết là đi đâu. Hay đã chết vì quá sợ chết?
2/
Dường như vẫn ông khách ấy - người đàn ông có bụng to đầu nhỏ, những ngón tay mum múp ngắn đeo chiếc nhẫn kim cương óng ánh và dây chuyền vàng to bằng cây đũa. Sau hai năm vắng bóng, hôm nay lại thấy ông xuất hiện. Cũng với chiếc ô tô đời mới láng bóng và tấm áo bằng lụa ngoại. Xe được gửi tại một ngôi biệt thự sang trọng, tường cao cổng kín, rồi đổi ngựa, đi ngược lên những đồi dốc đất đá lòng vòng. Hộ tống bên ông là một thanh niên râu tóc dài, đi ngựa trắng, đội mũ kiểu dân cao bồi Texa. Vó câu gõ nhịp khẩn trương. Cát bụi đuổi theo chân ngựa bị gió núi thổi tạt về phía sau, xoáy vòng như vẫn còn lưu luyến chút phong lưu phố thị.
Đến chỗ tận cùng đường, hai con ngựa đứng trước một ngôi chùa cổ có đề ba chữ Hán chân phương "Bạch Vân Tự". Người thanh niên thầm thì điều gì đó với chủ rồi ngồi lại cùng hai con ngựa tốt giống. Khách nhìn quanh cảnh lạ, ngớ ra giây lát rồi rón rén băng qua lối cỏ xanh mềm, lên thềm gạch. Tiếng mõ lốc cốc đều nhịp nâng giọng tụng kinh bỗng trầm mỗi lúc gần hơn. Khách ríu chân, chệch choạc nhịp tim. Một đời ngược xuôi đông tây nam bắc, chẳng biết sợ ai, sao bỗng dưng giờ lại sợ tiếng tụng kinh gõ mõ. Chờ cho hết đoạn kinh nhật tụng, ông mới bước tiếp. Vị sư già tay cầm chuỗi tràng hạt, hơi cúi đầu để chào khách: "A di đà phật".
Bàn tiếp khách kê gần cửa sổ có thể nhìn thấy trùng điệp núi không biết về đâu. Đỉnh núi này chồng lên đỉnh núi kia mà không đỉnh nào giống đỉnh nào. Đứng trước chúng mới thấy hết sự bé nhỏ, hữu hạn của con người. Vị sư già rót nước chè xanh từ chiếc ấm cổ mời khách. Nhấp vội tí nước như một thủ tục bản năng, khách hồ hởi trình bày yêu cầu, giọng mỗi lúc một phấn khích hơn. Khách nói xong từ lâu, vị sư vẫn ngồi lặng thinh, bất động. Một lúc sau ông mới lên tiếng: "A di đà phật".
Có cảm giác sư đã ngấm đủ những điều tâm niệm thiết tha của mình, khách vui vẻ tiếp.
- Bạch thầy, bệnh gì có bệnh lạ. Cứ nửa đêm là tôi nằm mơ giấc mơ thật hãi hùng: thấy mình chết sớm. Xung quanh mình, người khóc người cười loạn xạ. Người khóc không rõ ràng là khóc hay nhăn nhó điều gì. Người cười, hả hê cười bằng mọi nụ cười có trên nhân gian, dưới âm phủ. Mỗi lần như thế khi tỉnh giấc, sợ đến toát mồ hôi. Sau đó, dù uống sâm, ăn yến hay ru mình bằng nhạc, bằng gái cũng không tài nào ngủ được. Sáng ra, lại một ít tóc rụng.
Vẫn ngồi lặng lẽ bất động, mắt vị sư già như mắc kẹt ở một cành cây hốc núi nào đó, xa xăm. Khách hơi cụt hứng nhưng vẫn kiên trì thuyết phục:
- Chừng nầy tuổi trên đầu trên lưng, tôi mới hiểu ra rằng tiền bạc thật vô nghĩa. Không biết tiêu cách nào cho hết tiền nhưng tôi vẫn không mua nổi một giấc ngủ bình yên, không xoa dịu được nỗi khiếp hãi đêm đêm. Bạch thầy, giờ thì trăm sự gửi nhờ nơi thầy…
- Mô phật, sinh tử tử sinh đều từ chính con người mà ra. Cửa thiền chỉ giúp con người ngộ ra cái lẽ huyền vi ấy. Nếu gọi đó là thuốc, hay thuốc trường sanh bất tử vẫn được…
Khách há hốc mồm ngồi nghe, với cảm giác rằng sư đã quá kiệm lời. Yên lặng chen vào giữa hai người, một khoảng yên lặng đủ để ý nghĩ riêng tư ở mỗi người vùng quẫy, chồm lên và tự tách về một phương xa. Sau đó mới giảng giải thêm:
- Nguyên nhân của sự khổ là lòng tham sống - tham sống, tham sướng, tham mạnh…
Khách vẫn như người đang trôi giữa mây, xôm xốp bay bổng, nhìn quanh chẳng thấy gì ngoài sương khói.
- Cho nên muốn diệt khổ, trước hết phải tiêu trừ, giải thoát cho hết lòng tham dục. Dục tiêu là hãi tan. Khi ấy thí chủ sẽ thấy không còn sợ bất kỳ điều gì, và đó là cái chết hay một thế lực nào khác. Chẳng phải như thế là bất tử hay sao?
Vẻ mặt khách chuyển từ hứng khởi lúc đầu sang thất vọng. Khi ấy nhìn kỹ sẽ thấy một mảng thịt phía dưới mắt trái rung giần giật. Đuôi mắt như kéo thêm một vệt dài ra thái dương, man dại và hiểm tướng.
- Bạch thầy, bằng cách nào đó cũng tốt, xin thầy mở lòng giúp cho… Tôi không còn con đường nào khác. Dẫu phải đánh đổi công của cả nửa đời làm giàu, tôi vẫn vui, miễn sao đêm đêm được ngủ yên vì không còn mơ thấy mình chết sớm.
Vị sư già không nói gì thêm. Ông nêu lý do đã đến giờ ngồi thiên để cáo lui. Khách ngồi nán thêm một chút, nhìn trân mấy chữ Hán viết thảo bằng mực đen khá đẹp, được lồng kính treo ở phòng khách "Vô cầu phẩm tự cao". Lát sau, buồn ý ông lại đứng lên đi về phía hai con ngựa. Ông và chàng thanh niên hộ tống nói với nhau điều gì đó rồi hai con ngựa lại xuống núi, đầu hơi chúi về phía trước. Ngày cũng đổ dốc ở đằng tây.
3/
Không lạ gì người đàn ông ấy. Dạo nầy ông rất hay xuất hiện ở vùng đất ít dân, nhiều đồi núi nầy. Có người dễ dàng nhận ra ông ta là vị khách lạ từng đi tìm thuốc trường sanh mấy năm về trước. "Cái nốt ruồi có sợi lông dài quăn ấy, con mắt đuôi dài như lá tre ấy, còn ai vào đó nữa...". Nhưng vẫn có người chưa tin vì thấy ông gầy rạc đi lạ lắm. Trên đầu chỉ lưa thưa sợi tóc trông càng ốm yếu. Chiếc nhẫn kim cương và những ngón tay to mà ngắn, dây chuyền vàng to tướng vòng quanh ngấn cổ nung núc thịt, chiếc áo lụa ngoại dềnh dàng hoa lớn cũng biến đâu mất. Đôi khi thấy ông dạo bộ chân trần, vô hồn như người bị ma ám. Thấy lũ con nít chơi trò "bí bò, bí bô", ông đứng nhìn ngây người.
Ông già - cứ gọi thế, dù ông chỉ mới ở tuổi ngộ ra thiên mệnh - dừng lại giỡn đùa với đám con nít cởi trần nhồng nhổng ngoài rừng. Hết bứt cỏ ngắm nghía, ông lại bốc cát sỏi đưa lên mũi ngửi. "Thuốc trường sanh", ông nói một mình. Cách hành xử nửa người nửa ma của ông đã trở thành quá quen với mọi người ở đây nên việc trêu chọc cũng không thành vấn đề, từ lũ con nít. Chán, ông lại băng đồng, lên đồi, qua suối ...
Một đám nữ sinh gặp ông già, dừng ngay cười đùa, co cụm lại với nhau, nín thở bước. “Thuốc trường sanh ở đâu” ông già hỏi. Đám nữ sinh chỉ tay về phía trước, đi như chạy rồi ngoái cổ cười toe. "Coi chừng lây si - đa ", một đứa lấy lời cha mẹ dặn để nhắc nhở bạn. Mẹ tao bảo: "Gặp cái ông trường sanh ấy thì phải tránh xa ngay".
Ông già vẫn đi về hướng thị trấn, vừa đi vừa lẩm nhẩm điều gì đó. Có lúc trông ông giống một triết gia, lúc lại như đứa trẻ. Qua khỏi vùng rừng đồi, lọt vào giữa thị trấn nhốn nháo, ông vẫn đi như chỗ không người "Lâu lắm không được tắm sông. Hoá ra lâu lắm mình không phải mình", giọng đọc thơ âm ấm của một người đàn ông vang vang từ chiếc loa phóng thanh nghe lạ tai, ông già đứng lại nhìn trân hàng chữ lớn: "Câu lạc bộ thơ Trường Sanh", rồi nhe răng cười. "Thuốc Trường Sanh trong đó!", một thổ dân chỉ tay về phía hội trường đang oang oang tiếng giới thiệu, đọc thơ. Ông già băng đường, một chiếc xe thắng gấp, âm thanh rít trên mặt đường nhựa như xát nóng vào da thịt, rát bỏng. Ông già nép mình trên cánh cửa đứng nhìn đông đảo những người già trẻ, gái trai chúc mừng, tranh luận, mời mọc nhau. Thức ăn đồ uống ngổn ngang, la liệt. Như vừa gặp cái cần tìm, ông già bước xuống nhanh vào phòng. Cái ly bia trên bàn được nhấc bổng: "zô, một trăm phần trăm zô!" ông uống ực và cười toe. Một người đàn ông râu xồm, mặt đỏ đứng cạnh đó cầm chai rót. "Tiếp, tiếp nữa đi, một trăm phần trăm. Thuốc trường sanh đấy! ". Đám người nhốn nháo cười, ly lại chạm ly : "zô"
Một bàn tay khô rắn như thép vừa ấn vừa đẩy bờ vai ông già: "Đi ra ngoài, đây không phải chỗ của mày". Mắt ông già mở rộng, lòng trắng dựng ngược. Một cánh tay khác giơ lên, chặt vào khoảng không giữa hai người: "Cứ để ông ta uống, cho vui. Nào uống đi rồi về ngủ, tội gì..." Lại cười vang.
Nhưng rồi ông già vẫn bị ấn đẩy ra ngoài hiên. Người ta sợ ông say, sợ hoen ố một nơi thánh thiện hay sợ một đầu ngón tay vô tình chảy máu? Không ai rõ. Nhưng càng bị xô đẩy, ông già càng sấn tới, như con cá rô ức nước đầu mùa, như cuộc đua sắp về đích mà bị chặn lại. Người can ngăn, người đùn đẩy, cuối cùng ông già bị vây kín giữa một đám người lố nhố, tới không xong, lùi chẳng được. ông già hét lên giữa ồn áo cuộc chơi: “Thuốc trường sanh ta đâu?" "Tội nghiệp, khùng không ra khùng, điên không ra điên", một người nào đó tỏ ý tiếc thương.
TIÊU ĐÌNH