Một tài năng âm nhạc thời kháng chiến chống Pháp
Trai hùng Nam quốc quyết đem thân ra sa trường
Mau mài gươm báu đánh tan quân sài lang
Tác giả hướng về đề tài chiến đấu với chùm ca khúc Trai đất Việt (1945), Lửa chiến đấu (1950), Đường chiều (1950), “Lửa chiến đấu” nói đến truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam qua hình tượng ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc:
“Bùng bập bùng lửa hồng triều dâng lên cao
Lửa cười reo qua binh đao
Gió lốc cuốn lửa đốt cháy quân xâm lăng
Lửa chiêu anh hùng về trong vinh quang"
Ở "Đường chiều” tác giả khắc họa hình tượng anh bộ đội Liên khu V với bộ quân phục vải Xita màu xám:
“Trùng trúng áo xám màu tô sông núi”
Bài hát nói đến anh bộ đội, sau khi chiến thắng, về qua thôn xưa nhân dân chào đón:
“Nhạc chiều dâng lên câu ca ngợi tình quân dân thắm thiết".
Tác giả đi vào nội tâm nhân vật bộ đội nên hành khúc này đã đi vào lòng những người lính trẻ:
Tôi mơ dáng ai tươi cười nhắn lúc chia ly
Qua bao tháng năm đợi chờ hẹn ước còn ghi
Chen vào chùm ca khúc về đề tài chiến đấu nói trên, bài “Việt Nam quân hành ca” được các ban nhạc ở Liên khu V đưa vào chương trình hòa tấu của họ và bản khí nhạc này rất được yêu thích.
Về đề tài sản xuất Dương Minh Ninh cũng khá thành công. Ca khúc quần chúng “Bài ca tự túc” (âm nhạc : Dương Minh Ninh. Lời: Lưu Trùng Dương) được phổ biến sâu rộng ở Liên Khu V. Chẳng những thế, nó còn vào tận Nam Bộ. NS Trương Bĩnh Tòng đã dựng thành múa. Với 5 đoạn (couplet) và 1 điệp khúc (refrain) bài hát nói đến vấn đề sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp để có cái ăn, cái mặc, cái để dùng, phải sản xuất đồ dùng hằng ngày, chế tạo vũ khí để đáp ứng nhu cầu của chiến trường Liên khu V, có sản xuất và tiết kiệm mới có thể trường kỳ kháng chiến và thắng lợi.
“Bài ca tự túc” đã có đời sống sân khấu trong những năm kháng chiến chống Pháp và làm cho tên tuổi của tác giả được nhiều người biết đến.
Dương Minh Ninh rất quen tay với loại nhạc viết cho thiếu nhi. “Chim sơn ca” (1948) và “Trường làng tôi” (1950) là hai ca khúc hay, dễ phổ biến cho lứa tuổi thiếu niên. Các cháu học sinh rất yêu thích, nhất là bài “Chim sơn ca” vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác giả đã quán triệt phương châm “sáng tác hay nhưng mà dễ”. Đây là một việc làm không đơn giản vì có khi hay mà không dễ hoặc dễ mà không hay. Chữ dễ ở đây có nghĩa là dễ phổ cập cho quần chúng. Qua những chim sơn ca được nhân cách hóa, tác giả đưa lên hình ảnh những em thiếu niên Liên Khu V trong sinh hoạt đời thường:
Nào anh em cùng nhau nắm tay
Nô đùa tắm ánh nắng sớm
Đời ta luôn vui tươi
Quên hết bao sầu vấn vương
Bài “Trường làng tôi” nói về một ngôi trường làng thời kháng chiến chống Pháp với những hình ảnh nên thơ in trong ký ức của học sinh thời ấy:
Đời học sinh bao hồn thơ trắng trong
Đời học sinh với tương lai tươi sáng
Ngày ngày chăm chỉ bên thầy yêu bạn hiền
Cùng nhau vui sống dưới mái trường mến thương
Hành khúc “Thiếu niên Việt Nam" gói trọn chùm ca khúc về thiếu nhi. Đó là khúc ca lên đường của thiếu niên ba miền Bắc Trung Nam:
Qua bao trùng dương cho tầm mắt thêm ngời sáng
Khúc ca lên đàng chuyển âm rung ánh nắng vàng
Như nhiều nhạc sĩ, Dương Minh Ninh viết về quê hương với niềm thương nỗi nhớ của người con xa quê suốt chín năm kháng chiến. Bài “Trăng trên sông Hoài” (1948) gợi lên hình ảnh người xưa:
“Tìm đâu dáng em dịu hiền”
Cảnh cũ :
“Mưa lũ đò ghe ngược xuôi”…
“Chợ Hội đông trên bến”…
Hai mươi năm sau, tác giả viết “Chiều phố buồn” (1968)
“Một chiều trở về quê hương
Bước chân đi mà hồn nặng trĩu đau thương
Lang thang giữa phố quê
Tim thắt se
Qua bao năm xa quê, khi trở lại không tìm thấy người thân và những hình ảnh quen thuộc, người buồn nên cảnh có vui đâu:
Phố buồn ngã bóng cô đơn
Thẫn thờ tiếc nuối hương xưa
Phố gầy nhạt sắc phai hương
Mang nặng tình sâu khách tha phương
Trăng trên sông Hoài” theo vũ điệu tango ở cung La thứ (Am) và “Chiều phố buồn” theo vũ điệu boston cũng ở cung La thứ (Am) được trau chuốt về giai điệu và tiết tấu. Nhạc điệu của hai bài này có thể dùng cho khiêu vũ. Nói một cách khác, hai bài này có thể dùng làm khí nhạc. Phổ thơ là một phần hoạt động âm nhạc của Dương Minh Ninh. “Suối tóc Quỳnh Tiên” và “Đào hoa khúc” là hai vũ khúc mà ông viết cho Kịch thơ "Khói lửa Cảo Kinh” của nhà thơ Vũ Hân. Hai vũ khúc này được viết trong cùng năm 1947. Hơn hai mươi năm sau ông phổ thơ “Con chim nhỏ vườn đào” (1970) của Thy Nguyên và phổ thơ “Mùa xuân cho tuổi hồng (1980) của Vi An Dương. Trong việc phổ thơ ông đã giải quyết được hai mặt của vấn đề sáng tác ca khúc:
- Một mặt âm nhạc phải chuyển tải được nội dung của bài thơ
- Mặt khác âm nhạc phải có một cấu trúc hoàn chỉnh, nghĩa là phải đảm bảo tính độc lập tương đối cho sáng tạo âm nhạc.
Tác giả đã làm được hai việc:
- Thơ không làm nát nhạc
- Âm nhạc đề cao được giá trị của thơ
Thời kháng chiến chống Pháp Dương Minh Ninh viết nhiều ca khúc theo các thể loại. Có những tác phẩm giá trị. Từ đấy nổi lên một số vấn đề nghệ thuật:
Tính tư tưởng của ca khúc (viết về quân dân Liên Khu V trong cuộc kháng chiến trường kỳ). Các bài hát nói đến anh bộ đội trong chiến đấu và chiến thắng, nói về nhân dân trong sản xuất và tiết kiệm, nói về thiếu nhi trong học tập và vui chơi. Lời ca giàu hình ảnh - những hình ảnh sống động được chắt lọc từ cuộc sống mới của quân dân ở Liên khu. Cách chọn hình ảnh của nhạc sĩ khá đắt. Chính điểm này làm rõ tính nghệ thuật của các tác phẩm Dương Minh Ninh. Nhà văn Chí Trung ghi nhận hiện tượng sáng tạo ấy. Lời ca giàu chất thơ (thể hiện ở sự phong phú của vần điệu):
Băng qua rừng chiều nắng nghiêng sườn non chơi vơi
Suối hát quân đi năm tháng sống vui chân trời (Đường chiều)
Sự chú ý đến vần điệu làm tăng giá trị của lời ca. Giá trị văn học của "ca từ" tạo điều kiện cho sức sống của bài hát trong lòng quần chúng. Ngoài việc làm người hát dễ nhớ lời, vần điệu còn làm phong phú mỹ cảm của người ấy. Dương Minh Ninh rất chú trọng đến vấn đề cấu trúc giai điệu nên phần lớn giai điệu của các ca khúc đều đẹp. Chính vẻ đẹp này làm cho công chúng âm nhạc yêu thích nhạc phẩm của Dương Minh Ninh. Nói một cách khác, nhạc của ông hay- Hay nhưng mà dễ - Khi đưa ra tiêu chuẩn của một nhạc phẩm giá trị, một nhạc sư Pháp - Mácmông ten xác định “nhạc phải giản dị nhưng mà hay (simple mais belle). Đó là hai mặt tương phản của vấn đề giá trị nghệ thuật. Nhiều ca khúc của Dương Minh Ninh đạt được tiêu chuẩn ấy như “Đường chiều”, “Bài ca tự túc”, “Chim sơn ca”, “Trường làng tôi”. Vì dễ hát, ca khúc của ông được phổ biến trong bộ đội và thiếu nhi Liên Khu V.
Dương Minh Ninh đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giai điệu với tiết tấu cho nên tạo được không khí âm nhạc như ở các hành khúc. Tiết tấu của bài “Việt Nam quân hành ca” mang hơi thở cuộc sống của bộ đội Liên Khu V thời kháng chiến chống Pháp. Hành khúc của ông khác hẳn với hành khúc phương Tây như Marseillaise, Hành khúc Nga (marche russe). Chính tiết tấu đã tạo nên sự hào hùng và khí thế cách mạng cho “Việt Nam quân hành ca”. Trong vấn đề tiết tấu, ông đã khéo dùng nhịp điệu nhảy như tango, valse, boston ở ca khúc của mình.
Dương Minh Ninh viết hai loại ca khúc:
- Loại phổ cập - ca khúc quần chúng- cho nhân dân hát như “Bài ca tự túc”. Nó mang phong cách dân ca.
- Loại nâng cao nhằm phục vụ cho đối tượng công chúng được giáo dục âm nhạc như bài “Lửa chiến đấu”. Ở đấy tác giả dùng những thủ pháp tác khúc như “hòa thanh”, “phức điệu” để diễn tả các khía cạnh của nội dung âm nhạc.
Vấn đề dân tộc được giải quyết một cách tinh tế trong nhạc phẩm của tác gia này. Ca khúc của ông đậm đà bản sắc dân tộc từ nửa cuối thập kỷ 50 (của thế kỷ XX) trong lúc nhiều nhạc sĩ không dễ tránh sự ngoại lai khi họ cầm bút viết nhạc. Tuy dùng thang âm bảy cung (gamme diatonique), ông vẫn phát triển giai điệu theo thang âm ngũ cung (gamme pentatonique) một cách sáng tạo làm cho người nghe cảm nhận được cái mới ở thang âm ngũ cung này. Ông biết cách dùng những biến âm (altération) âm dẫn (sensible) nên không gây cho người nghe cảm giác ngoại lai và vẫn thực hiện được mục đích biểu hiện của mình : (xem các biến âm “do thăng”, “sol thăng” và âm dẫn “mi” (trên 5 dòng kẻ). Tác giả dùng âm dẫn “mi” ở phần yếu của “phách nửa mạnh” để tạo một cái kết chưa trọn (cadence imparfaite). Ở vị trí này, âm dẫn không thể làm mất màu sắc dân tộc của giai điệu (chữ dân tộc ở đây được hiểu là dân tộc hiện đại).
Dương Minh Ninh đã từng viết nhạc hát và nhạc múa (vũ khúc). Hoạt động âm nhạc của ông trải ra trên các mặt:
- Biểu diễn (đánh đàn cho các ban nhạc)
- Sáng tác (như đã nói trên)
- Nghiên cứu (phương pháp đánh đàn măng đôlin)
- Giảng dạy (dạy đàn măng đô lin)