Cha con lão Hoạch

29.04.2009

Cha con lão Hoạch

Truyện ngắn
 

T ôi có nhiều thói quen không tốt. Một trong những thói quen đó là, sáng nào mở mắt là ra quán café. Cái quán tôi thường ngồi mỗi buổi sáng nằm ở ngã ba một góc phố.

 Café ở đây thuộc loại tầm tầm, chẳng hề có nụ cười mời chào của các em chiêu đãi viên, cũng chẳng có bồn hoa cây cảnh, suối nước nhân tạo, nhạc cũ nhạc mới xập xình. Có lẽ vì không phải đầu tư vào cái khoản phí linh tinh ấy nên giá cả ở đây mềm hơn các quán khác rất nhiều. Khách ở đây đa phần là những người lao động đủ loại. Đồng tiền làm ra ở thời cơm áo khó, tiêu chuẩn hằng bữa đã được cân đối không lấy đâu ra mà trả cái khỏan phí vu vơ thường thì gấp đôi gấp ba lần ở đây. Tôi cũng vậy, ngoài những khi rảnh rỗi, cần tìm một cõi riêng để suy tư, nhâm nhi từng nỗi buồn vui riêng mình, thì dù có phải trả thêm cái khoản “lãng mạn phí” ấy cũng xứng, chẳng sao. Không thì tôi ra ngồi đây với người quen, kẻ lạ.

Sáng chủ nhật hôm nay tôi dậy trễ nên chỗ tôi thường ngồi đã bị người khác “chiếm” mất, đành phải vào phía bàn trong. Vừa mới định kéo chiếc ghế nhựa thì đám người cùng bàn nhao lên: “Lão Hoách đến, lão Hoách đến”. Chiếc xe máy Attila mới cứng chồm lên vỉa hè. Một người đàn ông mặc toàn đồ trắng, miệng ngậm cái tẩu có gắn điếu thuốc dài ngoằn, bồng theo con chó trắng phốc bước vào. Hai chiếc bàn đấu lại đã kín người, cực chẳng đã tôi phải nhích ghế để người đàn ông chen vào. Người đàn ông được gọi bằng cái tên “Lão Hoách” ấy búng tay ra hiệu cho chủ quán và vất gói thuốc con mèo ra bàn. Những bàn tay vừa bắt tay lão bây giờ chuyển qua “bắt” gói thuốc. Tôi chợt hiểu vì sao đám người trên bàn lại quan tâm đến lão như thế.

Tôi liếc nhìn lão, lão có mái tóc chải keo bóng mướt, nhưng chân tóc đã bạc trắng, đeo cái gương đen thui như người mù, đôi tay khoe những chiếc nhẫn vàng choé, cổ tòn ten sợi dây chuyền như sợi xích. Mùi nước hoa đậm đặc phát ra từ lão làm tôi suýt nhảy mũi. Nhìn cách chưng diện và điệu bộ nửa trâu, nửa nghé của lão cũng thật khó đoán tuổi. Gọi là lão, vậy chứ thực ra cũng chưa đúng lão. Cái đám người trong bàn gọi “lão” là gọi ở “sân sau” chứ khi ngồi vào bàn, trẻ già gì cũng một anh, hai anh, dù có đứa xem ra đáng tuổi cháu nội của lão. Từ đây tôi cũng xin được gọi lão bằng lão cho khỏi nhầm lẫn với người khác.

Con chó mà lão ôm bên vai phải, nhằm phía tôi ngồi, chẳng biết có phải bị hen hay không mà cứ lè lưỡi thở khè khè sát mặt rất khó chịu, làm tôi cứ phải dè chừng. Trông nó cũng sạch sẽ nhưng lại phát ra cái mùi ngầy ngậy, tanh tanh thế nào, vì dù gì thì chó vẫn là chó!. Khi ly café và tô sữa bưng ra lão mới chịu thả con chó xuống bàn cùng với tô sữa và lột đôi kính đen bỏ vào túi. Tôi thoáng giật mình khi thấy đôi mắt trắng đục và hột nốt ruồi đen như hạt đậu lạc nằm chình ình trên đầu mắt phải của lão. Thì ra người đàn ông ngồi bên tôi là lão Hoạch tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hoạch còn cái tên Hoách mà tôi nghe nãy giờ có lẽ do đám người trên  bàn đọc trệch ra nghe cho nó hợp với lão chăng? Lâu nay tôi vẫn thường thấy người đàn ông khác lạ này đâu đó trên đường phố, nhưng không ngờ đó lại là lão Hoạch mà tôi đã từng biết gần mười năm trước, có liên quan ít nhiều đến những kỷ niệm của tôi. Lòng thấp thỏm mừng thầm làm tôi quên đi cái cảm giác khó chịu ban đầu. Hớp một ngụm café, sửa lại tư thế ngồi tôi chủ tâm gợi chuyện:

- Đua lúc nầy làm ăn sao bác?

- Thằng hai Đua của tôi lúc nầy…lão bỏ lửng câu nói lấy cái bóp chìa cho tôi xem tấm ảnh thằng Đua tay ôm cặp, đeo kính đen đứng cạnh chiếc ôtô đời mới. Tôi gật gù cho vừa lòng kiêu hãnh của lão, thực ra tôi đang nghĩ về một người khác và chỉ có Lão tôi mới hy vọng tìm được câu trả lời.

- Ngọc có hay về không bác. Tôi hỏi và hồi hộp chờ đợi.

- Ngọc hả. Nghe đâu đang đi dạy ở miền trong. Mẹ con nó chừ khá lắm. Tôi lại hỏi tiếp với hy vọng tìm ra cái địa chỉ của Ngọc.

- Cụ thể là ở đâu bác có biết?

- Làm sao tôi biết. Lão trả lời cụt ngủn và nhìn chăm hẳm tôi. Tôi định cố gắng hỏi vài câu nữa nhưng thấy lão chẳng mặn mà gì lại thôi. Vả lại tôi sợ hỏi kỹ rồi lão lại nhận ra tôi thêm rối rắm, nhưng nghe lão kể vậy tôi cảm thấy yên lòng cho Ngọc. Và tôi cũng có thể hiểu ra một phần. Những thắc mắc từ lâu về quan hệ vợ chồng, con cái trong gia đình lão.

Tôi biết lão Hoạch cách đây khá lâu, vì tôi và thằng Đua con lão có thời học cùng lớp ở trường cấp ba. Tôi vốn chẳng ưa gì hắn, chẳng phải hắn học bét lớp mà vì hắn lười lao động thuộc vào loại “trời sợ”, và bộ mặt lúc nào cũng vênh vênh váo váo. Nhưng vì hắn có cô em gái học sau tôi một lớp quá đỗi xinh xắn và hiền thục, tôi lân la với hắn để có dịp tiếp cận Ngọc, em gái hắn lúc giải giúp Ngọc bài toán, khi bài văn…Nhà lão Hoạch cũng bình thường thôi nhưng có khoảng sân rộng lát sỏi, đặc biệt có giàn thiên lý thường toả mùi hương thơm ngát. Lão Hoạch lúc bấy giờ độ khoảng trên sáu mươi tuổi, người trung trung, đầu luôn chúi về phía trước như đang tìm kiếm thứ gì ở dưới chân. Chẳng hiểu sao lúc nào gương mặt lão cũng quạy quọ, cay cú như bất mãn cái gì, và thường hay chưởi đổng giữa trời. Lão chưa khó dễ gì với tôi nhưng mỗi khi vào nhà gặp lão tôi cứ ngài ngại, nhất là từ cái hôm bọn trẻ con đánh cầu lông lỡ văng vào nhà lão, tôi định lượm quăng ra cho đám trẻ thì lão hầm hầm lấy trái cầu lông đem băm nát, nhìn thấy cảnh đó tôi vừa khiếp vừa tởn cho hành động của lão.

Ngược lại cô Phương vợ lão là một người đàn bà trang nhã, đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn. Nếu không có những nếp nhăn khổ hạnh chạy dài trên vầng trán của bà thì tôi ước chừng bà chưa đến năm mươi. Mái tóc dài của bà bao giờ cũng được bới gọn tròn như quả cam bọc lưới vải. Từ lời nói đến cử chỉ của bà đều toát lên vẻ thanh tú đáng kính. Lâu lâu không thấy tôi đến bà lại trách khéo tôi. Có những lúc bà tiếp chuyện với tôi, bà nói chuyện gần chuyện xa, như muốn bày tôi về cách học làm người. Tuyệt nhiên bà không nhắc đến cuộc đời riêng của bà như tôi mong đợi, còn như trực tiếp hỏi bà thì tôi không dám. Nơi bà ở nếu gọi là một gia đình là chỉ vì có bốn thành viên trong một nhà. Nhưng phong cách sống hoàn toàn đối lập nhau. Như bóng tối và ánh sáng, chợ đời và tu viện. Tôi phân vân mãi với câu hỏi vì sao một người như bà mà lấy lão Hoạch?

Tôi và Ngọc nếu có thể gọi là tình yêu chỉ là mây với gió theo nhau vô vọng cuối chân trời. Một chiều cuối tuần tôi đến theo lời hẹn, đây là lần đầu tiên Ngọc hẹn tôi và còn nhắc như ra lệnh: “ Đức nhất định phải đến”. Khi tôi đẩy cánh cổng khép hờ đã thấy Ngọc ngồi trên chiếc bàn đá quen thuộc ở góc vườn dưới giàn hoa thiên lý. đảo mắt nhìn quanh, chiếc xe của lão Hoạch không còn ở góc hiên làm tôi yên tâm. Tôi ngồi xuống cạnh Ngọc, mùi hương quen thuộc của mái tóc hoà lẫn với mùi hoa thiên lý nhẹ nhàng và tinh khiết khiến lòng tôi cảm thấy lâng lâng. Ngọc ngồi lặng yên nhìn vào xa vắng, bờ tóc run run trong cơn gió nhẹ. Đốm nắng chiều xuyên qua kẽ lá như những cánh bướm trắng lượn lờ trên nền sỏi, đậu trên mái tóc nàng. Đã mấy lần tôi muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Ngọc nhìn thật sâu vào đôi mắt nàng. Nhưng rồi cũng như bao nhiêu lần khác tôi đành lỗi hẹn. Có thể các bạn trẻ bây giờ cho rằng tôi là kẻ “dại khờ” không biết nắm lấy cơ hội. Có thể các bạn có lý khi quan niệm tình yêu theo thời hiện đại. Dù chưa xa lắm đâu nhưng thời tôi yêu nó thế ! Phải chăng đó là sự khác biệt trong tình yêu theo từng thời đại và quan niệm về tình yêu nơi mỗi con người. Nhưng giả sử lúc bấy giờ tôi có đủ “can đảm” nắm lấy đôi tay, ôm lấy bờ vai và cứ thế... Thì có lẽ câu chuyện của tôi và nàng chẳng có gì để kể.

Tôi chẳng thể đếm thời gian Ngọc ngồi yên lặng như thế bao lâu cũng như không thể đếm có bao nhiêu chiếc lá vàng đã rụng xuống chân nàng trong thời gian đó. Đột nhiên nàng ngước nhìn tôi bằng đôi mắt nhuốm lệ:

- Có lẽ Ngọc và má phải xa anh, phải ra đi, đi thật xa. Chẳng thể ở lâu hơn trong ngôi nhà nầy nữa. Ngọc nói rồi nhìn đăm đăm vào tôi. Tôi chưa kịp phản ứng, Ngọc đã nói tiếp.

- Có khi rồi Ngọc phải nghỉ học để giúp má thôi, cuộc đời bà đã đau khổ quá nhiều rồi.

Từ lâu tôi đã nhận thấy có một điều gì đó bất ổn trong cuộc sống của gia đình Ngọc, cụ thể hơn là của hai người đàn bà trong ngôi nhà này. Nhưng nghe Ngọc nói đến sự chia ly làm trái tim tôi thắt lại. Tôi chỉ là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, lo cho bản thân mình còn không nổi, tôi có thể giúp được gì cho Ngọc trong lúc này?

- Không Ngọc không thể bỏ học,đừng bỏ học. Tôi nói theo phản ứng tự nhiên một cách vô vọng …Có tiếng lạo xạo của sỏi đá, một bóng người lặng lẽ đi về phía chúng tôi.

- Thưa cô! Tôi đứng lên chào lễ phép, lần đầu tiên tôi thấy bà xoã mái tóc ngang lưng và mặc bộ đồ lụa màu tím than. Trông bà như một thiếu phụ quý phái trong những bức tranh xưa. Bà nhìn tôi và chìa bàn tay ra, nhưng không phải để tôi bắt mà ra hiệu cho tôi ngồi xuống, đồng thời bà cũng ngồi xuống đối diện với tôi. Tôi ngoan ngoãn làm theo như một con chiên trước Chúa. Sau khi hết nhìn Ngọc lại nhìn tôi, bà nói chậm rãi.

- Đức ! Sự xuất hiện của cô có thể là không phải lúc.

- Dạ ! Không dám. Tôi trả lời và không dám nhìn thẳng vào mắt bà.

- Hình như Ngọc vừa tâm sự với cháu… bà bỏ lửng câu nói nhìn tôi như dò xét và tiếp lời:

- Cô và Ngọc xem cháu như người trong nhà, chỉ có cháu là người thứ ba biết chuyện nầy, cháu hiểu không ?

- Dạ cháu hiểu. Tôi trả lời và lần nầy tôi nhìn thẳng vào đôi mắt sâu thẳm nỗi niềm của bà như muốn khẳng định tôi sẽ không phụ niềm tin của bà dành cho tôi, đồng thời bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ tình cảnh của bà.

- Cô quý mến Đức vì nhiều lẽ, trong đó một phần cô cũng có một người con trai đã ra đi vĩnh viễn vì một tai nạn sau chiến tranh. Nói đến đây bỗng bà im bặt. Tôi nghe có tiếng thở dài và hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xanh xao và thanh tú của bà.

Tôi nhìn qua Ngọc, đầu nàng gối lên hai tay, đôi bờ vai run run như cánh hoa trước gió. Tôi đứng dậy định đi quanh một vòng quanh sân để giải toả niềm xúc động đang đè nén trái tim, bỗng cánh cổng bật mở. Lão Hoạch khệnh khạng dắt xe vào, vừa đi vừa khịt mũi, gương mặt đỏ gay. Chẳng biết lão bị say rượu hay bị cảm? Lão như chẳng để ý đến chúng tôi, miệng cứ lẩm bẩm điều gì. Đột nhiên lão dừng lại thẳng chân đá vào chiếc chậu kiểng, bị đau, lão nhăn mặt đi cà nhắc vào nhà. Có tiếng quát tháo từ phía sau nhà làm tôi rùng mình khi nhớ lại cái cảnh lão bặm môi chặt trái cầu lông của bọn trẻ con hôm nào.

Bà Phương đứng dậy thản nhiên vấn lại mái tóc như không có chuyện gì xảy ra, có lẽ bà đã quá quen với cảnh tượng này. Tôi thương cho bà nhưng chẳng biết làm sao! Khi thấy tôi vẫn cứ đứng nhìn bà lo ngại, bà đưa tay ấn vai tôi như bảo ngồi xuống, nhưng lần này tôi không làm theo ý bà. Cho đến khi bóng người đàn bà đáng thương đáng kính ấy khuất sau cửa, tôi bỗng nhận ra sự hiện diện của mình có khi sẽ mang lại sự rắc rối cho cả Ngọc và bà. Ngọc vẫn gối đầu trong tư thế cũ, sau một thoáng phân vân tôi khe khẽ bước như sợ sự va chạm của những viên sỏi trong vườn sẽ đánh thức nàng. Tôi muốn ra về trong thầm lặng, nhưng trước khi khép lại cánh cửa tôi còn thấy đôi mắt ấy dõi theo tôi. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Ngọc! Những tuần sau, những tháng sau cánh cửa ngôi nhà ấy đã khép chặt, chiếc dây phơi nơi góc vườn không còn thấy những tà áo đàn bà. Trên vuông sân và chiếc bàn xưa phủ đầy lá vàng, mùi hoa thiên lý vẫn dịu dàng như thầm gọi nhớ thương... Tôi như muốn khóc! Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là nỗi buồn biệt ly.

Mùa xuân năm sau tôi đi làm nghĩa vụ quân sự ở một miền đảo xa. Ba năm sau trở về, dù biết Ngọc không còn ở nơi ấy, nhưng mỗi khi tản bộ qua ngôi nhà ngày cũ tôi vẫn hy vọng gặp lại nàng. Thèm được ngồi dưới giàn hoa thiên lý, để nói với nàng những điều ngày xưa tôi chưa kịp tỏ bày, và nó cứ lãng đãng theo tôi suốt những tháng năm dài. Nhưng rồi những ước mơ đó mãi mãi là vô vọng...

  Ngày còn ở bộ đội tôi có nghe bạn bè kể, thằng Đua được ông chú họ “lo” cho hắn khỏi đi nghĩa vụ và “chạy” cho hắn vào làm một cơ quan nhà nước. Mãi đến sau này tôi mới tình cờ gặp hắn. Đó là một lần, hắn với tư cách là cấp trên về kiểm tra chỉ đạo cơ quan tôi. Thằng Đua ngày nào là thế mà bây giờ trông oai ra phết, hắn bắt tay tôi với thái độ của kẻ bề trên và với vẻ dương dương tự đắc. Tôi chẳng hơi sức đâu mà để ý đến bộ tịch của hắn, sở dĩ tôi nấn ná chưa quay lưng là vì tôi muốn hỏi thăm Ngọc em gái hắn, nhưng chưa kịp thì hắn đã ôm cặp bước ra chiếc xe hơi bóng loáng đang trờ tới.

- Thôi “ Toa” còn phải đi họp. Hắn nói lạnh lùng lại còn pha tiếng Tây tiếng Tàu! Nghe nói hắn có căn nhà to đùng giữa phố, và nâng cấp lại căn nhà cũ giao cho lão Hoạch cai quản, để thỉnh thoảng hắn kéo đám bầu bạn về ăn nhậu nghỉ ngơi. Mỗi tháng hắn cấp cho lão Hoạch cả tiền gọi là “ Hiếu nghĩa” và tiền trông coi dọn dẹp nhà cửa gấp mấy lần lương tháng của người lao động bình thường, để lão tha hồ tiêu pha cho xứng với cái “Tầm” của hắn. Và tôi còn nghe nói hắn khoe hắn có đến hai bằng đại học và còn đang tiếp tục ghi tên học cao học gì đó nữa. Tôi chẳng ngạc nhiên gì điều này, cả về tốc độ học và sự thông minh vượt bậc của hắn (!)

Trở lại chuyện lão Hoạch. Sau này tôi còn thấy lão nhiều lần, lúc thì trên bãi biển, khi thì trên đường phố, lúc nào lão cũng mang theo chó. Và kể ra lão cũng khá đồng bộ, khi lão mặc đồ đen thì lão dắt theo con chó màu đen và ngược lại.

Thời lão còn cơ hàn, mỗi khi lão buông lời chọc ghẹo các bà goá lỡ mùa đều nhận được cái trề môi lườm mắt. Bây giờ cũng những người đàn bà ấy tươi cười với lão, lão lại chẳng thèm chơi. Kể ở đâu xa ngay như bà bán bánh mì ở đầu đường cạnh nhà lão một thời lão mê như điếu đổ mà bây giờ lão cũng lơ. Đừng nhầm lão Hoạch bây giờ với lão Hoạch ngày xưa. Bây giờ lão có nhiều em đời mới săm se, thế hệ cũ như các bà thì… còn lâu.

Bạn đọc sẽ cho rằng tôi tọc mạch, cứ chúi mũi vào chuyện của lão làm gì? Nhưng bởi vì lão là một phần câu chuyện của tôi. Trước đây tôi có nghe người ta đồn rằng: Ngọc không phải con ruột của lão Hoạch. Sau này tôi có đủ cơ sở để tin rằng giữa lão Hoạch và bà Phương chỉ là sự chắp vá lỡ làng, nên thằng Đua cũng chẳng máu mủ ruột rà gì với nhỏ Ngọc. Suy luận là vậy, nhưng mãi đến gần đây trong một lần đến thăm cô giáo cũ của tôi - cũng là cô giáo cũ của Ngọc- qua cô tôi được biết trước đây bà Phương mẹ Ngọc là bạn dạy cùng trường với cô, quê ở tận miền Nam. Chồng bà là một công chức nhà nước chế độ cũ. Sau năm một chín bảy lăm ông và người con trai đã bị tai nạn, trên một chuyến xe về phương Nam, ông chết, người con trai bị thương nặng và cũng mất sau ông một năm.

Mất chồng mất con, thân cô thế cô, bà như điên như dại, nên đành xin nghỉ dạy vì không đủ sức đứng lớp. Sau này bà gặp lão Hoạch, lão cũng đang thân gà trống nuôi con. Hai người nối vào nhau bằng cái sợi dây vốn đã han gỉ, thì cũng chẳng ngạc nhiên chi khi nó bị đứt vô phương hàn gắn. Tôi tiếc cho cuộc đời bà và Ngọc, tôi tiếc cho tôi đã không còn được nghe bà kể về hoàn cảnh của bà. Giá như buổi chiều cuối cùng hôm ấy lão Hoạch không xuất hiện bất ngờ thì  rất có thể câu chuyện này sẽ được kể một cách khác đi.

Thời gian sau này lão Hoạch ít xuất hiện và người ta cũng chẳng thấy lão dắt chó đi chơi. Nghe nói rằng có lần lão bị bọn đập chó trộm, cướp con chó của lão giữa thiên thanh bạch nhật. Từ đó lão không dắt mà lão ẵm chó như người ta ẵm con mỗi khi ra đường.

Nhưng rồi cũng có người làm cho lão bỏ cái tật đi đâu cũng mang theo chó. Không phải vì bọn trộm chó cũng chẳng phải ai khác mà là một mụ hàng cá ở chợ. Phải nói chó của lão Hoạch là loại chó xài sang, hễ lão ăn gì thì chó ăn nấy. Một buổi sáng lão dẫn hai con chó đến quán bún góc chợ nơi những người lao động tụ tập ăn sáng, mới đầu cảnh người ăn chung với chó, chó ăn sang hơn người, làm lắm kẻ khó chịu nhưng nhiều lần rồi quen chẳng ai còn để ý đến.

Hôm nay hai con chó của lão động đực hay sao mà chúng lao vào nhau cắn xé tranh ăn loạn đả. Lão Hoạch hò hét đến mấy chúng cũng chẳng chịu buông nhau. Chúng làm văng tung chiếc bàn nhựa mụ bán cá đang ngồi làm chén ly rơi loảng choảng, văng cả nước lèo lên mặt, lên áo của mụ làm mụ nổi xung thiên lấy cây thép cạnh lò than đá bặm môi quất lia quất lịa và hét: Chó này…chó này, lũ chó bị tấn công bất ngờ kêu ăng ẳng chạy trối chết. Đám người ngồi trong quán được thể phụ hoạ: đánh chết nó đi, đánh chết nó đi…Thừa thắng xông lên, mụ rượt theo truy đuổi. Lão Hoạch xót, định mắng mụ nhưng thấy vẻ mặt bặm trợn điên tiết của mụ, đâm ngán, chỉ còn biết chạy đi tìm chó. Sau lần đó lão chẳng còn dám mang chó ra quán chợ này.

Lẽ ra tôi nên chấm dứt câu chuyện tại đây, chẳng nên kể về phần hậu của cha con lão Hoạch, vì nó bi đát quá. Nhưng mọi chuyện ở đời có mở đầu phải có kết thúc. Tôi chẳng ghét ghơ trù ám hay bi thảm hoá cuộc đời của cha con lão, tôi chỉ kể một cách trung thực với những gì tôi biết.

Thằng Đua đang lên hơn diều gặp gió, vậy mà đùng một cái nó bị bắt bỏ tù vì tội tham ô tham nhũng, toàn bộ nhà cửa đất đai phương tiện đều bị tịch biên, căn nhà lão Hoạch đang ở vì mang tên thằng Đua nên cũng bị kiểm kê. Bây giờ lão Hoạch mới té ngửa, giấy tờ nhà cửa lão hắn tự sang tên hắn tự lúc nào! Hoá ra lâu nay thằng Đua chu cấp tiền bạc hậu hĩnh cho lão cũng đã có sự tính toán cả rồi! Lão thì còn sống được bao lâu! Người ta còn đồn đại nhỏ to nhiều chuyện chướng tai gai mắt về hắn. Chuyện đồn đại thì đúng sai biết đâu mà lần. Nhưng việc hắn bị toà án tuyên phạt tám năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản thì các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin rõ cả.

Lão Hoạch. Sau khi con lão bị tù. Xét vì hoàn cảnh tuổi cao sức yếu và căn bệnh đãng trí của lão, nhà nước cho lão tạm ở nơi căn nhà cũ và toàn bộ những trang bị trong nhà không bị tịch thu, để tạo cho lão một con đường sống trong những ngày cuối đời. Nhưng hơn một năm sau thì lão chết. Nhưng nghiệt ngã thay lão lại chết... vì chó!

Vào một đêm trăng khuyết người ta nghe tiếng chó tru thảm thiết liên hồi trong căn nhà của lão. Sáng ra bà con hàng xóm nghi ngờ có điều gì bất thường từ căn nhà, nên thống nhất phá cửa thì phát hiện…lão đã chết cứng đờ. Hai cánh tay đầy những vết răng chó vừa mới liền da. Theo những người có kinh nghiệm thì lão chết vì bệnh chó dại.

Đám tang của lão mới tủi làm sao. Ngày thằng Đua còn quyền thế, tuần nào nhà lão cũng có khách khứa với đủ các loại xe đời mới vào ra inh ỏi, nhậu nhẹt lu bù, nhưng khi lão chết chẳng thấy có mống nào đến viếng, và hình như lão cũng chẳng có ai bà con thân thích. Thôi từ nghĩa tử là nghĩa tận, chính quyền, tổ, xóm vận động bà con đóng góp lo chôn cất cho lão cũng tương đối đàng hoàng, cũng lập cho lão một chiếc bàn thờ dù chỉ để bà con hàng xóm thắp cho lão một lần hương trước khi cánh cửa nhà lão đóng sập lại. Thằng Đua cũng kịp xin về vào cái đêm hôm trước ngày di quan cha hắn. Hắn mặc bộ đồ tang duy nhất mà bà con làng xóm sắm cho, gục đầu trên cổ quan tài khóc đến húp cả mắt, làm những người có mặt không giấu được nỗi ngậm ngùi. Hắn khóc vì tình nghĩa cha con, vì nỗi cô độc, sự hối lỗi muộn màng… và rất có thể hắn khóc vì nghĩa cử cao đẹp của những người hàng xóm láng giềng, trong đó có những người mà trước đây hắn chưa bao giờ giao tiếp, đã tận tình vì cha hắn vào những giờ phút cuối đời.

 
PHAN MINH MẪN