Màu sắc không phát ra âm thanh, khiến cho ta nhắm mắt mà vẫn nghe thấy. Nhưng âm thanh có thể gợi cho chúng ta những cảm nhận về màu sắc. Ví dụ, khi ta nghe một bài hát hay một bản nhạc, bên cạnh độ cao thấp, trầm bổng, tính chất êm dịu hay rộn ràng, ta còn cảm nhận sự trong sáng hay cái ảm đạm. Chính sự trong sáng hay cái ảm đạm ấy gây ấn tượng cho chúng ta về màu sắc sáng hay tối, trắng hay đen. Đó là điều mà ai cũng dễ nhận thấy.
Nhiều nhạc sĩ muốn giai điệu của họ thể hiện cái tốt thắng cái xấu, điều lành thắng điều dữ, ánh sáng đè bẹp bóng tối. Ý muốn này đưa chất liệu và phương tiện diễn tả âm nhạc đến gần với màu sắc và lối dùng chúng trong hội họa của họa sĩ.
Chỉ nói đến hai màu trắng đen, thế còn các màu khác như xanh, đỏ, tím, vàng, thì nghe thấy như thế nào. Cũng có đấy, nhưng không phải ai cũng nghe được. Người đầu tiên có thể nghe và nhìn được màu sắc trong giai điệu là Rimxki Corxacôp(1). Đối với ông, mỗi tính điệu đều có màu sắc riêng biệt. Chẳng hạn giọng C (Đô trưởng) mang tính chất giản dị, trong trắng, có màu trắng giọng Eb (Mib trưởng) vững chắc, đồ sộ, có màu xám - màu của các thành quách cổ, giọng F (Fa trưởng) dùng diễn tả cảnh đồng ruộng, làm ta nhớ màu lá cây, giọng a (La thứ) phảng phất màu hoàng hôn ảm đạm, giọng A (La trưởng) màu rực rỡ, màu của tuổi trẻ, của mùa xuân với nhiều hoa lá sặc sỡ v.v… Nhưng đấy là, hoàn toàn dựa trên cảm nhận có tính chất cá nhân.
Vì vậy, Xcriabin (2) lại dựa vào các nhạc phẩm cổ điển và sự cảm nhận riêng, để khẳng định rằng giọng C có tính chất mạnh mẽ, anh hùng, tương xứng với màu đỏ thắm, còn giọng F cũng là màu đỏ, nhưng nhạt hơn. Ông suy nghĩ, nghiên cứu về các giọng khác nhau, để ghép cho chúng một màu tương đương. Muốn cho người nghe cũng cảm thấy như mình, nên trong giao hưởng Prômêtê, ngoài các nhạc khí thường thấy, ông còn dùng chiếc đàn màu. Đó là tấm bảng có nhiều công tắc điều khiển đèn điện màu trong phòng hòa nhạc, cho phù hợp với giọng của từng đoạn nhạc.
Đến năm 1913, Khmennhixti cho in một cuốn sách, trong đó ông chứng minh rằng mỗi âm trong giọng C tự nhiên tương ứng với 7 màu trong cầu vồng, đây là sự phát triển của học thuyết Niutơn trước kia. Đô màu đỏ, Rê da cam, Mi vàng, Fa xanh lá cây, Sol xanh da trời, La xám tím, Si tím đen. Đem hai hay nhiều âm hòa hợp với nhau, thì ta sẽ có 1 âm mới tương xứng với sự pha màu trong hội họa.
Từ ấy đến nay, ngày càng có nhiều người nói đến tính chất màu sắc của âm thanh. Có những nhạc sĩ, khi sáng tác, đã có dụng ý gây cho người nghe sự liên tưởng, tưởng tượng đến một phong cảnh nào đó với màu sắc của nó. Chẳng hạn, với Mutxorxki, Đơbuytxi, Raven, Khasa turian(3) v.v… Sự ra đời của phim màu ở nghệ thuật điện ảnh, buộc nhạc sĩ phải lựa chọn những giọng và màu âm cho phù hợp với cảnh và màu trên màn ảnh. Chính nhờ điện ảnh mà hàng triệu người xem phim đã quen và thấm dần với lối liên tưởng giữa âm thanh và màu sắc, giữa tai nghe và mắt thấy.
Nhiều nhạc sĩ mơ ước có một cây đàn màu để minh họa cho nhạc phẩm của mình. Song đó phải là cây đàn hoàn hảo hơn cây đàn xưa kia của Xcriabin, bởi vì, theo hệ thống công tắc, người ta không thể nhanh chóng thay đổi nhiều màu trong một khoảng thời gian ngắn, và số lượng màu dùng chỉ có hạn, chúng sẽ nghèo nàn so với âm thanh của dàn nhạc giao hưởng.
Các nhà khoa học đã tạo cho các nhạc sĩ 1 cây đàn màu. Đó là 1 bộ máy phức tạp. Chiếc máy thu toàn bộ âm thanh rồi phân tích những âm thanh này tương ứng với những màu sắc nhất định. Một bộ phận khác của chiếc máy đem tổng hợp những màu sắc này và phát ra trong phòng hòa nhạc, trên sân khấu hoặc trên màn ảnh. Quá trình này hoàn toàn tự động, nên nó có đủ khả năng theo kịp tốc độ âm thanh của dàn nhạc.
Người ta gọi đó là nhạc màu. Loại nhạc này đã được phát triển tương đối rộng rãi. Có màu sắc minh họa, âm nhạc trở nên dễ hiểu, tạo được nhiều hiệu quả hơn. Cùng lúc, nó cũng giúp người nghe biết nghe âm thanh, giai điệu, mà tưởng tượng ra sắc màu, dần dần, tai nghe âm nhạc sẽ nhạy cảm và chính xác hơn. Khi đó, chắc nhạc sĩ viết nhạc cho phim màu phải thật tài hoa và khéo léo chọn giọng và màu âm, vì nếu chọn không hợp, thì dễ dẫn đến âm thanh chống lại màu sắc, làm hỏng nội dung của phim.
PHAN LÝ LỆ VÂN
(Viết theo báo Đời sống âm nhạc - Nga)
(1) Rimxki Corxacôp : Nicolai Andreievitch Rimxky Korsakov (1844-1908) nhạc sĩ Nga.
(2) Xcriabin : Alexanđre Nicolaievitch Scriabine (1872-1915) nhạc sĩ Nga.
(3) Mutxorxki : Modeste Petrovitch Moussorgski (1839-1881) nhạc sĩ Nga. Khasaturian : Aram Ylyitch Khachatourian (1903-1978) nhạc sĩ Nga. Đơbuytxi : Achille Claude Debussi (1862-1918) nhạc sĩ Pháp.Raven : Maurice Ravel (1875-1937) nhạc sĩ Pháp.