Giá trị nghệ thuật của hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam

05.05.2009

Giá trị nghệ thuật của hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam

Các dân tộc Việt Nam nói chung, cư dân ven biển Quảng Nam nói riêng còn bảo lưu được khá đậm nét yếu tố văn hoá cội nguồn từ tín ngưỡng tục thờ cá Ông trong Lễ hội Cầu Ngư - hát Bả trạo. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, họ đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hoá phi vật thể chứa đầy “chất biển” luôn phù hợp với mọi điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, đó là: Các thế ứng xử, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng...mang đậm sắc thái đặc trưng của văn hoá vùng, miền. Ngày hôm nay, chúng ta phải quét từng lớp bụi, lật từng lớp màn mỏng văn hoá tinh tuý ấy, để tìm ra một giá trị đích thực của giai điệu theo thời gian, giai điệu vượt qua thời đại.
 

 

Sự lồng ghép đan xen giữa các ngôn ngữ gốc Hán, chữ Nôm, nhiều nhất là tiếng Việt (quốc ngữ) trong kịch bản, sự cấu thành rất logich giữa các thể thơ, khá phong phú về làn điệu, đã làm nên kịch bản hát Bả Trạo mang một chỉnh thể thống nhất cao về kết cấu nội dung của vở diễn, hoàn thiện cả về giá trị nội dung lẫn giá trị nghệ thuật. Từ giá trị nội dung nghệ thuật của lời ca trong từng lối Hát - nói, tạo tính “thống nhất cao trong tính đa dạng” của ngôn ngữ, được kết hợp từ các kiểu nói lối, lối hát: Nam, Thán, Phú… trong nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống; các kiểu: Hò kéo neo, lý…của dân ca Quảng Nam; cũng như sử dụng các làn điệu: Tán, Kệ…trong âm nhạc Phật giáo, được tiếp biến, kế thừa, sáng tạo và vận dụng, tạo nên sự cá biệt cho một loại hình; đồng thời mang lại cho nghệ thuật diễn xướng dân gian - hát Bá Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam có một phong cách khác biệt, một giá trị nghệ thuật riêng biệt.

Tuy nhiên, phần nội dung kịch bản được chép đi chép lại nhiều lần nên có phần sai lệch, cũng như do phương ngữ, ngữ điệu của địa phương hòa lộn trong kịch bản rất nhiều (do tính đặc thù tất yếu của văn học nghệ thuật dân gian),…nhưng qua đó, chúng ta vẫn nhận ra được giá trị nhân văn, ý nghĩa sâu sắc hàm chứa đựng trong từng lời văn, từng câu hát.

Từ những yếu tố này, hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam, có những giá trị nghệ thuật:   

* Giá trị nội dung:

Sinh hoạt hát Bả Trạo không chỉ là một hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà nó là một sinh hoạt mang tính chất tâm thức tâm linh tín ngưỡng của ngư dân ven biển Quảng Nam. Từ nội dung ngôn ngữ của hát Bả Trạo; nếu như bỏ qua những yếu tố về nghi thức tôn giáo hàm chứa trong nội dung và ngôn ngữ của nó, chúng ta cảm nhận được ở đó tinh thần lạc quan, yêu nghề nghiệp, yêu cuộc sống và nguyện vọng của người dân sông nước trước cảnh đẹp của thiên nhiên, sự trù phú của biển cả; mặc dù từng giờ, từng phút luôn phải đối đầu với con sóng ngọn gió, đương đầu với những ác hải…Lời ca được viết trong kịch bản hát Bả Trạo như một triết lý chứa một giá trị nhân văn cao cả, như một hương ước để truyền tụng lại cho con cháu thế hệ sau những giá trị văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa, một giáo lý sâu sắc mà cần phải bảo lưu, gìn giữ và phát huy. Giá trị nội dung của ngôn ngữ Bả trạo là một bức tranh tuyệt đẹp, hoàn hảo của người lao động chứa đầy chất lãng mạng, thăng hoa của những người nghệ sĩ “vạn chài” trước cái đẹp, nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi:

Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt

Vạn lý vô vân vạn lý thiên…

 Từ ngữ ngôn ngữ gốc chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt (kể cả phương ngữ Quảng Nam) được sử dụng đan xen vào nhau trong các lối hát như:                   

Ác vàng đà khuất núi, Thỏ ngọc ló đầu non

Dặm Tây thiên đường hỡi chon von

Dòng Bắc Hải nước còn săn quá…

hoặc: Nguyệt lãng thanh phong dạ khứ hào

Minh minh thôi chúc chiếu dương gian

và hoặc là:    Còn ở thế như thuyền dồi sóng dập

Đã thoát (thác) rồi như bể lặng trời thanh

Dặm Tây thiên trời cũng để dành

Miền cực lạc Phật còn làm phước…

* Giá trị nghệ thuật:

Có thể cho rằng, hát Bả Trạo trong lễ hội Cầu Ngư ở các xã ven biển Quảng Nam được xem là một hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian có kết cấu nội dung, quy trình chặt chẽ, với một hệ thống phong phú các làn điệu được kết hợp logich, đã xây dựng thành một kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao. Sự tổng hợp và gắn kết độc đáo giữa các làn điệu, các lối hát với những mảng âm nhạc khác nhau “Các lối hát có nguồn gốc trong âm nhạc Phật giáo, các lối hát có nguồn gốc trong hát Tuồng truyền thống(), các làn điệu dân ca, được sử dụng trong hát Bả Trạo” đã tạo sắc thái đặc hữu của âm nhạc của hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư.   

Theo như ý kiến của Lê Mạnh Thát, âm nhạc Phật Giáo không đơn giản chỉ là tụng, niệm như hiện nay. Bằng những tư liệu về âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, xuất phát từ nền nghệ thuật Tiên Sơn (vào thế kỷ thứ V) đã có một thể chế nhạc lễ bao gồm: Ca tán và Tụng vịnh. Trong đó, cũng có thể truy tìm mối quan hệ giữa Ca vịnh với Nhạc chương, Tán tụng với Nhạc khí.

Nếu như Kệ trong nghệ thuật âm nhạc Phật giáo nó được các sư sãi thể hiện như một hình thức Tán, Tụng… và sử dụng nhạc cụ Mõ làm tiết tấu; thì trong nghệ thuật diễn xướng dân gian hát Bả Trạo - Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam được thay thế bằng cặp “sinh tiền” của ông Tổng Tiền,…các lối hát vận dụng này được thể hiện như một thể loại Hò: Có vế Kể, vế Xô theo động tác nhịp chèo, với tiết tấu (mỗi phách tương ứng với nhịp tay đưa lên + chân bước lên hoặc ngược lại) là một quá trình cách điệu hóa, làm cho Kệ không còn mang chất nguyên thể của nó như khi còn nằm trong lĩnh vực âm nhạc của Phật giáo. Cũng giống như Kệ; làn điệu Tán nó cũng được vận dụng sử dụng và thoát ra khỏi âm nhạc Phật giáo, để trở thành một chủ thể độc lập riêng biệt mà không còn dáng dấp nguyên thể của nó. Đây chính là cái riêng độc đáo, minh chứng ở sự giàu có về giai điệu, đa dạng về tiết tấu và nghệ thuật của các làn điệu Kệ, Tán được dùng trong hát Bá Trạo - Lễ hội Cầu Ngư.

Lời ca của Kệ được lấy hoàn toàn trong kinh Phật. Câu Kệ do Tổng Tiền hát tiết tấu thường không ổn định, nhịp điệu chậm, màu sắc âm nhạc của Kệ gần giống với Tán. So với phần xướng của Tổng Tiền (nhịp điệu không ổn định) thì phần xô tiếp nối của tập thể Trạo, nhịp điệu rất đều, chậm, dứt khoát, mỗi phách là một nhịp chèo (tay đưa lên + chân bước lên hoặc ngược lại).

(Tổng Tiền)   Vô lượng thẩm thẩm vi diệu pháp

(Trạo Xô)      Nam mô A di đà Phật

… Bách thiên vạn kiếp năng tao ngộ

Nam mô A di đà Phật

Ngã kiêm kiến văn đắc đạo trì

Nam mô A di đà Phật

Nguyện giả Như Lai chơn thiệt nghĩa (ngã)

Tham khảo một số tư liệu âm nhạc thì Tán; có nghĩa là ca ngợi, khen tặng, tán dương,…Nghệ thuật Tán bắt nguồn trong kinh Phật, sau đó dần dần được đi vào trong các loại hình diễn xướng dân gian, các nghi lễ cúng bái, và đặc biệt được sử dụng rất độc đáo trong nghệ thuật sân khấu Tuồng. Theo nghiên cứu của các nhà âm nhạc Phật học thì Tán; được chia thành hai hình thức chính là Tán Xắp (Xấp) và Tán Rơi, chủ yếu được xây dựng trên điệu thức Bắc - hơi Thiền. Ngoài ra, Tán còn được xây dựng trên điệu thức Nam - Ai buồn man mác, bi luỵ,…đó là Tán Trạo.

Trong hát Bả Trạo, Tán; được sử dụng ở hình thức “Tán Trạo”, âm nhạc mang màu sắc buồn man mác, tán dương đức phật Bồ Tát, thần Nam Hải Ngọc Lân Tôn Thần,…Trong nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống, theo cách phân loại về các làn điệu thì Tán; được xếp vào loại làn điệu không có nhịp ổn định. Còn theo Gs Trần Văn Khê thì “Trong bài Tán nhịp phức tạp, chữ quan trọng trong câu kinh thường được xướng theo nhịp ngoại,…”.

Trong kịch bản hát Bả Trạo, làn điệu Tán chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở đầu vở diễn. Đây cũng là lời tán dương, cầu cúng thần thánh, đức Phật,…đầu tiên trước khi diễn ra đối với một cuộc hát trước lăng, miếu, dinh Ông Nam Hải Ngọc Lân Tôn thần. Giai điệu của Tán chậm rãi, mang màu sắc cúng bái tâm linh, cao độ phụ thuộc chủ yếu vào vần điệu của câu Tán. Âm nhạc của mỗi câu Tán được tách riêng độc lập, không liên quan đến câu trước và sau nó, sau mỗi câu Tán thường có phần rung hơi bằng hư từ “ư” như đang thể hiện lời cầu khẩn.

(hát Tán)      Lò hương ngui (nghi) ngút, cửa Phật thảnh thơi

Biển Đông minh, giúp đỡ nơi nơi

Thần Nam Hải, qai phong lẫm lẫm

Công tế độ, dán theo bia gấm

Cõi vô thường còn đọng lòng vàng

Cảnh án diên có vạn có làng

Kiêm chúng đẳng chỉnh tề bái yết

Về thể loại nghệ thuật Tuồng truyền thống; nếu làn điệu hát Nam trong hát Tuồng là phải “xuống Nam” sau phần nói lối, và ngữ điệu của câu chữ cuối cùng phải là vần “bằng” (dấu huyền). Thì hát Nam trong hát Bả Trạo lại có phần đa dạng hơn; cụ thể là kiểu Hát Nam giống như một thể loại Hò, sau phần hát Kể của Tổng và nối tiếp theo là phần Xô của các con trạo bằng vế câu chữ “hò hầu Ông” hay “hò hầu linh”, câu hát Nam về bậc V, chữ thơ cuối cùng lại là “không dấu”,...Chính vì vậy, hát Nam trong hát Bá Trạo nó đã trở thành một dạng làn điệu mang những yếu tố khác biệt như: Về thang âm, điệu thức, cấu trúc ngôn ngữ, thể thơ…so với nguyên thể của nó trong hát Tuồng truyền thống.

Thuyền nan gặp sóng ba đào

Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con

Hơn nữa, do sự chuyển đổi sắc thái tình cảm của nhân vật trong vở diễn một cách nhanh chóng, liên tục bằng cách đan xen, lồng ghép các lối hát “Ngâm - Kẻ, Xướng - Kẻ, Tẩu Mã - Kẻ, Phú - Kẻ,…”, mà từ một loại hình của “nghệ thuật diễn xướng” đã nâng tính sôi nổi tạo cao trào, hấp dẫn, để trở thành một hình thức “nghệ thuật dân gian”. Cho nên, với diện mạo, đặc tính và giá trị của nghệ thuật diễn xướng trong hát Bả Trạo, cũng như tính “dân gian” càng được trội nổi rõ hơn so với một số loại hình nghệ thuật dân gian khác.

Bên cạnh đó, sự đa dạng và đặc hữu của nền âm nhạc dân gian xứ Quảng mặn mà, sâu nặng này chính là do một quá trình giao thoa nhiều luồng văn hoá qua nhiều thời đại, sự tích tụ nhiều lớp trầm tích văn hoá qua thời gian đã để lại cho vùng đất này ngày hôm nay. Tuy nhiên, cách sử dụng và vận dụng các làn điệu dân ca đuợc xem là “bản địa” xứ Quảng Nam trong hát Bả trạo - Lễ hội Cầu ngư trong kịch bản có một vị trí còn quá khiêm tốn, cụ thể là:

* Hò kéo neo:

Đây là làn điệu được sử dụng trong lúc nhổ neo để đưa thuyền trở lại bờ lánh nạn. Ở phần hát này, chúng tôi xin được chia thành hai nhịp điệu kéo neo.                

- Kéo neo nhịp lơi

- Kéo neo nhịp một

+ Kéo neo nhịp lơi:

Điệu hò kéo neo này do Tổng Tiền hát và ra hiệu chỉ đạo con trạo hai bên ở tư thế quì() và hai tay thực hiện động tác kéo neo. Nội dung lời ca trong làn điệu kéo neo chứa đầy ý nghĩa cầu xin, ca ngợi đức Ông Nam Hải Ngọc Lân, thần, Phật,…mong cho việc kéo neo được nhanh chóng, để quay chèo lánh nạn.

Làn điệu được thể hiện hết sức rập ràng, chắc, khỏe và dứt khoát giống như động tác chèo. Phần mạnh được nhấn vào phách đầu của ô nhịp và chữ đầu trong nhịp thơ hai (chữ), tiết nhịp được ngắt đều trong hai phách, ở trong từng ô nhịp rõ ràng. Lời ca được xây dựng trên câu thơ 6/8, nhịp hai (chữ), sau mỗi tiết nhạc(2 phách, tương ứng với nhịp thơ 2 chữ) là phần Xô của tập thể bằng động từ hết sức mạnh mẽ “hụi” và kèm theo động tác kéo neo rất rập ràng.

Thuyền trình vào lộng ra khơi

Sông sâu sóng dập biển ngời nước săn

Một điều đặc biệt trong nhịp kéo neo này, là hai chữ cuối cùng trong mỗi câu thơ nhịp điệu được kéo giãn ra và hát ở giai điệu mền mại, thường không có tiết tấu ổn định và nối tiếp thườngcó vế “Xô” của con trạo là “Hô là hố lơ”.

+ Kéo neo nhịp một: Theo một số kịch bản thì có tên gọi cho kiểu hát này là Bắt Bài (), qua quá trình nghiên cứu cũng như tham khảo một số tư liệu, chúng tôi bước đầu xin đặt cho kiểu hát này là “Kéo neo nhịp một”. Để giải thích điều này chúng tôi có mấy ý sau: Đây là kiểu hát nằm trong giai đoạn kéo neo, là phần hát của tập thể con trạo, họ vừa hát vừa thực hiện động tác kéo neo rất rập ràng(), hay do một Tổng Tiền hát và tập thể Trạo xô vào()Sau vế Kể đều có phần Xô của tập thể. Do mỗi nhịp kéo neo (đổi tay) ứng với một phách, nên chúng tôi gọi là “Kéo neo nhịp một”.

Mặc dầu, ở nhịp kéo neo này nhịp độ được nâng lên nhanh hơn, rộn ràng, liên tục, sôi nổi và có tính cao trào hơn trong cuộc diễn,… nhưng lại không chắc, khỏe như nhịp Lơi. Nhịp kéo neo này, động tác được thể hiện luôn phiên, đều đặn, nhịp nhàng và tính chất giai điệu âm nhạc mềm mại hơn.

Có hai dạng kéo neo nhịp một:

Hò và kéo neo theo thể thơ 6/8;

Đây là một làn điệu kéo neo được hát lúc neo đã có phần nhẹ nhàng, lúc này người kéo không phải dùng sức nhiều nữa.

Tuy rằng ôm gốc cây khô

Gặp cơn nước lớn gió to liệu dừng.

Lời ca ở làn điệu này không còn căng thẳng, nặng nề như ở nhịp lơi nữa, mà nghiêng hẳn về chủ đề tươi sáng và tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, lãng mạn hơn,...Ở nhịp kéo neo này sử dụng thể thơ 6/8 đều đặn, phách mạnh được rơi vào chữ thứ hai của nhịp thơ hai (chữ).

Ở dạng kéo neo này, phần Xô là động từ “hụi” của tập thể con Trạo sau câu lục bát 6/8 và được kết hợp rập ràng với nhịp điệu kéo neo, được thể hiện, như sau:

Hò và kéo neo theo thể thơ 6/4/4: Thể thơ sử dụng trong nhịp kéo neo này là 6/4/4, sau mỗi câu hát có phần Xô “ớ là hò khoan hò (ở hai câu đầu 6/4), và ớ là hò khoan hò/hò hỡi hố khoan (ở câu cuối)”. Phách mạnh được rơi vào chữ thứ hai trong câu thơ, chữ đầu tiên được rơi vào phần lấy đà cho tiết nhịp kế tiếp, tiết nhịp cũng được phân theo nhịp thơ hai (chữ). Đây là phần hát do cả tập thể (các Tổng và con Trạo) đồng thanh vừa hò vừa kéo neo. Nhịp kéo neo này thường hát xen kẽ với hát Nam do Tổng Tiền đảm nhiệm.

Đố ai qua biển làm bè

Thuyền Rồng rước Thánh đua về cõi Tiên.

* Lý: Nền văn hoá nghệ thuật xứ Quảng là sự kết tinh tiềm ẩn những tinh hoa của hai nền văn hoá Việt - Champa. Trong đó, Lý là một trong những loại hình âm nhạc gánh trọng trách mang trong mình nét đặc trưng chung ấy. Cho nên theo những nghệ nhân ở Quảng Nam và Đà Nẵng, họ nói đây là điệu “Lý Mọi”, chúng tôi cũng nhận thấy có lý khi họ nói như vậy.

Nếu như ở thể Lý trong dân ca người Việt (Kinh) được xem là “ca khúc dân gian”, thì trong hát Bá Trạo nó là một chuỗi những câu thơ 6/8 được hát đều đặn theo nhịp chèo, không mở rộng câu nhạc bằng cách sử dụng hư từ, điệp từ,…Màu sắc thể Lý, được vận dụng và sử dụng trong kịch bản Bả trạo ở đây có lối gần giống như ngâm (thơ) bằng giọng Huế (thường hay gọi kiểu này là Ngâm thơ Huế mà các kịch bản Bả Trạo ghi). Tuy nhiên, Lý trong nghệ thuật hát Bả Trạo không có sự hoàn chỉnh về hình thức, tiết nhịp phụ thuộc vào nhịp thơ hai (chữ). Giai điệu dựa trên ngữ điệu của câu chữ, hình thức được xây dựng trên thể thơ 6/8. Màu sắc âm nhạc của Lý trong hát Bả Trạo buồn man mác, nhẹ nhàng, than vãn,…gần giống như làn điệu Thán hoặc Ngâm trong hát Tuồng.

Ngó lên Bắc Đẩu Nam Tào

Kìa con cá Liệt (nọ sao) Ông Chài

Ngó lên hòn núi Thiên Thai

Dưới gành Lữ Vọng (trên đài) Nghiêm lăng

Ngó ra biển bạc nước săn

Mồi neo sửa lót (neo quen) dừng chèo

 Giai điệu của Lý rất phong phú, đa dạng. Nét độc đáo của Lý là quãng bốn đúng luyến xuống rồi bước qua quãng hai trưởng về chủ âm. Đây là yếu tố tương đồng của Lý trong hát Bả trạo và bài Lý Vọng Phu. Nếu thử so sánh bài Lý Vọng Phu() và giai điệu Lý trong hát Bả Trạo, chúng ta sẽ thấy tính chất và màu sắc âm nhạc có những nét tương đồng. Phải chăng, đây là một trong những màu sắc âm nhạc đặc trưng của Lý ở vùng nam Trung bộ ? Có thể cho rằng: Hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư là một màn diễn - xướng được biểu diễn trên cạn vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa chứa đựng yếu tố sôi nổi, kịch tính, cao trào,…về “tính dân gian” - là một tác phẩm có lời ca mang một giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật diễn xướng cao trong vai trò âm nhạc. Bởi vì, từ sân khấu tự nhiên đã nuôi dưỡng chất diễn xướng dân gian của hát Bả Trạo trong lễ hội Cầu Ngư lớn mạnh, phát triển, biểu lộ nét đẹp chân chất và sự cảm hoá qua những sáng tạo độc đáo, phong phú trên cái nền không gian quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của dân vạn chài. Cho nên, tất cả những yếu tố đó đã hợp thành một loại hình diễn xướng dân gian; xứng đáng đại diện cho một miền văn hóa “văn hóa miền Biển” - Xứ Quảng Nam, hàm chứa một giá trị văn hóa - âm nhạc đích thực một loại hình.     

Hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư là một hiện tượng văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu tinh thần- tình cảm không thể thiếu được của nhân dân, được nảy sinh, bén rễ từ sinh hoạt “văn hoá Biển”, nhân tố cổ truyền đó không ngừng vận động, biến thiên, bồi đắp theo tiến trình lịch sử văn hoá, trở thành một đối tượng nghệ thuật thể loại “diễn xướng dân gian” đầy tính hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của con người qua các thời đại. Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta cần phải có sự chuẩn bị định hướng, phân kỳ tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu một cách cụ thể, khoa học nhằm mục đích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tiến trình bước dần ra khỏi khuôn mẫu văn hoá của tỉnh, vùng, miền… để hội nhập vào không gian văn hoá Đông Nam Á (Khơmer, Mã Lai, Inđônêxia).
 

XA VĂN HÙNG