Người con gái sông Trường

29.04.2009

Người con gái sông Trường

BÙI TỰ LỰC

 

Truyện ngắn

1.

Đứng bên bờ ấp Tây nhìn vượt qua mặt nước dòng Trường Giang là thấy Cồn Dừa. Không cần phải tìm căn nguyên lí giải về cái tên ấy, cứ nhìn cảnh vật là biết ngay: Một cồn cát nhô ra có sông nước ba bên, vài ba nóc nhà núp trong bóng tre xanh mát, mấy cây dừa vút cao trong thế đứng bạt gió, như những nét kí hoạ giữa bầu trời. Phía xa xa thấp thoáng mấy luỹ tre xanh đậm như một đường viền cuối chân trời là vùng Duy Nghĩa. Nhìn từ xa, Cồn Dừa giống như một bức tranh phong thuỷ. Không phải giống mà đó là một phong cảnh sống, là nguyên mẫu của mấy bức tranh trương lên làm phông cảnh tại mấy hiệu ảnh trên thị trấn. Không chỉ Cồn Dừa phong cảnh nên thơ, mà nơi ấy còn gắn liền với thân phận một người con gái rất đẹp-cô Sáu "sót".

Trong một ngày đen tối của những năm 1950, cả gia đình cô bị giặc Pháp “làm cỏ" trong vụ thảm sát đẫm máu. Ngày ấy dân làng may mắn nhặt được cô lên từ trong vũng máu chỗ chợ Bà, khi cô đang đói lả ôm bầu vú còn loang máu trên thi thể của người mẹ. Cô được ông Ba Phi ở Cồn Dừa đem về nuôi. Cô bé là người thứ sáu trong gia đình còn sót lại, nên ông đặt tên như thế. Ngày ấy cơ cực lắm, ông Ba Phi nghèo, sống đơn chiếc nhưng tốt bụng. Hằng ngày, ông bế ẵm bé "sót" đi xin bú nhờ khắp làng trên xóm dưới; nuôi bằng khoai lang với canh hến mà cô bé vẫn cứ thắm thịt hồng da, khôn lớn từng ngày.

Giữa sông nước mơn man, Sáu "sót" vượt lớn lên thành cô thôn nữ, trông non tươi như bông hoa súng giữa đầm. Nắng gò bãi, gió triền sông cũng biết chừa con gái ra, để cô có được mái tóc dài óng mượt như suối, làn da trắng ngần, đôi mắt đen láy long lanh. Với dáng người thon thả, vú nở, mông cao, Sáu "sót" đứng chân trước chân sau khoan nhặt chèo đò, khiến cả một vùng sông nước ngả nghiêng theo. Con trai xóm Đông, ấp Tây anh nào lơ ngơ đểnh đoảng lập tức bị gán cho một câu cửa miệng rằng, "Cái hồn thằng ni còn mắc cạn ở Cồn Dừa".

Cồn Dừa nổi tiếng còn vì một lí do khác rất oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ: Năm 1965, Quân Giải phóng bắn cháy hai chiếc xe lội nước của bọn Thuỷ quân lục chiến Mỹ ngay tại bên sông; bẻ gãy cuộc đổ bộ của chúng vào vùng Đông Thăng Bình. Cũng trong trận ấy, ông Ba Phi bị xe lội nước cán chết. Một cái chết thê thảm không toàn thây.

Sau khi ông Ba Phi chết, Sáu "sót" vào du kích rồi sung quân lên chủ lực huyện. Trai làng xóm Đông, ấp Tây tiếc ngẩn ngơ vì vắng bóng cô Sáu "sót". Người đã đẹp rồi thì cái gì cũng đẹp, ông trời lại hào phóng ban thêm những nét tài hoa, cô Sáu có một giọng ca ngọt lịm như đường phèn. Nhờ giọng ca ấy mà cô được chuyển qua đội quân Binh địch vận, đêm đêm đi bắt loa phóng thanh chĩa vào đồn giặc hát Bài chòi, ca cải lương "Những bài thơ Binh địch vận" kêu gọi nguỵ quân bỏ súng trở về. Nhiều tên lính bảo an, dân vệ đã buông súng, bỏ ngũ vì mê giọng ca của cô Sáu. Đêm hôm trước cởi áo giương cờ ra hàng, ngày hôm sau mon men hỏi thăm đường, tìm đến coi người ca bài "Mấy dòng tâm sự" giữa đêm khuya nghe đến não lòng ấy là người như thế nào. Trong số đó có Thượng sĩ nhất kiêm thông ngôn Tôn Thất Bảo Ninh người xứ Huế. Sau khi qui hàng, anh ta tình nguyện gia nhập quân chủ lực V15 của Huyện đội và khi có dịp là bám theo làm hậu đài cho tổ ba ba "Quân tóc dài" để được làm vệ sĩ cho cô Sáu. Động cơ duy nhất của anh chàng là được nhìn cô gái xứ Cồn Dừa và được nghe tiếng hát. Nguyên gốc của Tôn Thất Bảo Ninh là sinh viên Văn khoa của Đại học Huế, bị bắt trong một cuộc xuống đường của phong trào sinh viên phản đối chiến tranh, khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965. Sau đó anh bị đôn vào trại huấn luyện ở Nam Vang, rồi bổ sung vào lính bảo an và chuyển vào đóng quân tại đồn Tuần Dưỡng, làm thông ngôn cho tên cố vấn Mỹ Giôn-sơ-mít-lơ. Anh được gắn lon Thượng sĩ thông ngôn là nhờ cái mác Cử nhân Văn khoa, biết thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Anh chàng thượng sĩ thông ngôn Bảo Ninh ấy khá điển trai, dáng thư sinh và nói năng lưu loát đúng kiểu dân văn khoa, nhưng khi đi chống càn, làm trinh sát, anh ta cũng lì lợm chẳng kém ai. Dù đã chiêu hàng và thành lính chủ lực quân V15 rồi, nhưng mọi người vẫn cứ gọi anh là "Thượng sĩ Thông ngôn Bảo Ninh". Anh không thích như thế, đề nghị mọi người hãy vất cái lon thượng sĩ ấy đi, chỉ gọi là Thông ngôn Bảo Ninh cho vui thôi. Mọi người nghe theo, chỉ có mỗi mình cô Sáu không chịu. Cô bảo rằng mình không cần "Thông ngôn", gọi là "Thượng sĩ Bảo Ninh" nghe oai hơn. Lúc đầu Thượng sĩ Bảo Ninh đi với tổ nữ Binh vận để mong được làm lính hậu đài, nhưng dần dần anh trở thành cộng tác viên và là tác giả của những bài thơ, lời ca mới. Với công việc nầy e chừng rất phù hợp với một chàng có gốc sinh viên Văn khoa như Thượng sĩ Bảo Ninh. Anh viết cho chính mình, cho bạn bè ở bên kia chiến tuyến, viết cho người đang cất lời ca. Những bài ca lúc dỗi hờn trách cứ, khi dồn nén nhớ nhung, cả gửi gắm hẹn hò, hy vọng... cứ trải dài ngân nga trong khuya vắng có sức lay động tâm can, thức tỉnh lòng người . Có hôm đang ca, cô Sáu ngừng lại đọc lời kêu gọi, lập tức loa phóng thanh trong đồn vọng ra: "Hãy ca tiếp đi! Đọc lời kêu gọi chúng tôi sẽ bắn." Cô Sáu lại ca tiếp nghe mê mẩn hơn.

Còn có một điều gì đó nữa cứ gợn sóng lăn tăn rồi lắng lại, không biết người ngoài cuộc có nhận thấy hay không? Những đêm đi gọi loa đồn giặc mà có Thượng sĩ Bảo Ninh, hình như cô Sáu ca say sưa hơn, những cung luyến láy nghe chừng mượt mà hơn. Rất có thể tâm hồn cô gái sông Trường với chàng trai Cố đô ấy dễ dàng rung lên và giao thoa ở góc độ cung đàn nghệ sĩ. Giữa chiến trường sự sống và cái chết li lai trong tấc gang, ranh giới giữa ta và thù cũng mỏng manh như sống chết; huống chi bên mình là hơi ấm đồng đội, một tình yêu thuần tuý sẽ bất chợt thăng hoa. Biết hái hoa giắt lên đầu súng, cài lên mũ tai bèo, sao lại nỡ chèn ép con tim!

2.

Vào mùa khô năm 1968, sau Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, vùng giải phóng của ta mở rộng; Mỹ nguỵ tăng cường các cuộc hành quân càn quét vùng giải phóng nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Từng đoàn, từng đoàn xe tăng thiết giáp chà xát, cày xới ruộng đồng vườn tược. Cô Sáu về lại vùng hạ lưu sông Trường công tác. Nhiệm vụ của chuyến đi ấy là xây dựng phong trào đấu tranh hợp pháp của đồng bào chống việc càn quét bắn phá cướp bóc của địch. Nòng cốt là lực lượng "Quân tóc dài".

Giữa lúc ấy, vùng hạ lưu sông Trường bị một cuộc càn quét lớn của thuỷ quân lục chiến Mỹ. Cô Sáu không thoát kịp, đành ở lại hợp pháp với dân làng ấp Tây, nhờ các mẹ các chị bao bọc. Mọi người lo lắm. Người đẹp như thế bọn Mỹ mà nhìn thấy được thì khó bề thoát khỏi tai hoạ. Các mẹ các chị tìm cách bôi cô Sáu thành một con lọ lem xấu xí, áo quần nhớp nhúa, mặt mũi lem luốc. Nhưng không ngờ chính vì vậy mà vô tình gây sự chú ý cho bọn lính Mỹ và chúng đã phát hiện ra cô lọ lem ấy lại là một cô gái đẹp cải trang.

Một thằng Mỹ râu xồm xông vào chộp tay cô Sáu lôi ra, hai bà mẹ lăn ra giằng lại. Ngay lập tức cuộc đấu tranh giành giật cô Sáu giữa các mẹ các chị với bọn Mỹ đã xảy ra ngay tại ấp Tây. Bọn Mỹ kéo nhau đến quây vòng tròn, giương súng, chĩa lê bao vây vòng ngoài; ở vòng trong các mẹ các chị, các ông bà xúm nhau lại dang tay quây tròn giữ rịt cô Sáu. Một cuộc khẩu chiến tiếng tây, tiếng bồi lẫn với tiếng ta inh ỏi:

- Vi-xi?

- Nô vi-xi.

- Không được bắt người lương thiện!

- Không được bắt người vô cớ!

Bỗng dưng một giọng đàn ông khàn và đục vọt lên:

- Đả đảo Đế quốc Mỹ xâm lược. Đả đảo bắt người!

Ngay tức thì những tiếng hô vang dội kéo theo:

- Đả đảo ! Đả đảo ! Đả đảo !...

Bọn Mỹ bắn chỉ thiên trấn áp. Những loạt súng AR 15 nổ chát chúa, vãi đạn lên trời. Một cuộc đối đầu không cân sức đang xảy ra, có thể châm ngòi cho một cuộc đấu tranh chính trị tự phát giữa một nhóm dân làng ấp Tây tay không với hàng trăm lính Mỹ thiện chiến súng đạn dư thừa.

Những ánh mắt mèo hoang xanh lè xoi mói thèm thuồng. Những bộ mặt khát máu hằm hè và đói khát dục vọng. Những ngón tay sát nhân đang lăm le siết cò súng. Chỉ cần chờ một tên Mỹ nào đó hô "Bắn" là ngay lập nhân dân lương thiện ấp Tây tắm máu.

Hình như cô Sáu nhận thấy trước những tai họa khủng khiếp sắp giáng xuống dân lành vô tội. Bọn ngoại bang xâm lược khác máu tanh lòng, bất đồng ngôn ngữ, không thể lý lẽ phải trái được; sẵn súng đạn trong tay, chúng sẵn sàng thực hiện những cuộc thảm sát không run tay. Người già, phụ nữ, trẻ em,... tất cả với chúng nó đều có thể trở thành mục tiêu là Vi-xi (Việt cộng) hết. Sáu từng là một nhân chứng sống và cả gia đình mình là nạn nhân. Vụ thảm sát Hà Lam-Chợ Được vào đầu Thu 1 954, đến nay nhắc lại vẫn còn rưng rưng sắc máu.

Mắt cô Sáu ánh lên sáng quắc như gươm, giọng nói nhỏ nhẹ và bình tĩnh đến lạnh lùng. Cô Sáu không nói với riêng ai mà muốn nói với tất cả mọi người:

- Đã đến nước nầy rồi thì để mình con Sáu lo liệu, cuộc đấu tranh còn dài, bà con mình đừng đổ máu lúc nầy vô ích, chưa cần thiết.

Vừa nói dứt câu, cô Sáu rứt ra khỏi tay các mẹ, môi mím chặt tiến thẳng đến trước bọn Mỹ. Chúng nó xồ lên quây lại. Các mẹ các chị nhào theo nhưng lập tức bị những miếng đòn báng súng quại thốc vào sườn, những cánh tay lông lá to bè như cánh tay hộ pháp xô ngược trở lại. Những loạt súng AR15 chát chúa lại rít lên, khói súng xanh lè tuôn ra khét lẹt.

Tên Mỹ râu xồm lúc nãy túm hai tay cô Sáu giật ngược ra phía sau xô đi. Cô Sáu bị Mỹ bắt đưa về phía Cồn Dương.

Trưa mùa khô miền Trung mà bầu trời xám xịt âm u, không khí oi ả khó thở. Bọn Mỹ kéo ra khỏi làng rồi mà lẫn khuất đâu đây vẫn còn phảng phất một thứ mùi nghe rất lạ, khó đặt tên, không thể gọi là thơm mà cũng chưa phải thối đến khó ngửi, nghe cứ ngai ngái, khê khê, khen khét. Mùa nầy, rất có thể về chiều trời sẽ chuyển cơn giông để rửa trôi đi cái mùi... Thôi, ta cứ tạm gọi là mùi lính Mỹ vậy.

Bọn Mỹ lưu quân lại chỗ Cồn Dương khá lâu. Cuối buổi chiều, biết chúng nó rút hết quân, bọn nhỏ trong làng hú nhau "Đi lượm đồ Mỹ" và chạy túa lên cồn. Bọn nhỏ chạy đáo ngược về làng hớt hải báo tin dữ: Cô Sáu đã bị Mỹ giết bỏ phơi xác trên cồn.

Đúng như thế thật. Xác cô Sáu bị bỏ lại trên một bãi đất trống giữa cồn, được phủ một tấm vải bạt nhà binh màu cỏ úa; cỏ cây chung quanh bị xéo giày bầm nát. Chứng tỏ trước khi chết, cô Sáu đã chống cự quyết liệt, một trận vật lộn, giãy dụa tử sinh. Tấm bạt được lật lên! Một tấm thân lõa lồ, lấm láp và hằn lên những vết cấu cào bầm tím, có vết rỉ máu thẫm đen. Miệng cô Sáu còn cắn chặt một xếp lá bài ni-lon in hình con át xì bích đen sì.

Thường thường trong lúc hành quân, khi bắn chết một ai, bọn Mỹ lại nhét vào miệng nạn nhân một con bài át xì bích. Trong miệng cô Sáu có đến bảy con. Một loại bùa chú gì đó để giải hạn của quân giết người chăng? Chắc có lẽ theo quan niệm của người phương Tây thì, con chủ bài át xì bích đến là mang lại vận đen đủi rủi ro.

Mọi người chết lặng. Các mẹ các chị quây lại bế cô Sáu lên. Toàn thân cô Sáu không hề có vết đạn bắn hay dao đâm. Nhưng mềm nhũn, ướt nhọt, tanh tưởi như vừa bị một con trăn quấn siết mà chưa kịp nuốt chửng miếng mồi ngon.

Giọng một chị nào đó gào lên, rồi vỡ oà cùng với tiếng nức nở:

- Trời ơi là trời ! Chúng nó xúm nhau lại thi nhau hiếp con bé đến chết đây nề... Ác chi mà ác dữ rứa hỡi trời... Bà con ới... là bà con ơi...!

- Chúng nó là loài cáo chồn mắt xanh mũi lõ, những con quỷ ăn thịt người, quân dã man ăn thịt n...g...ư...ờ...i... Để bà con mình khỏi chết mà thân con nên nông nỗi thế nầy đây hả... Sáu ơi !

Tiếng khóc vốn có sự truyền cảm vô hình. Những tiếng khóc than ấy có thêm sức lan toả đến kì lạ. Nó rào lên xối xả như một cơn mưa.

Bỗng có ai đó la lên thất thanh:

- Tay chân còn ấm! Hình như tim còn đập đây nè!

Mọi người tức tốc đưa cô Sáu về làng. Các mẹ các chị vơ vội lá chanh lá sả nấu nước thơm lau rửa, xông hơ, sơ cứu; phái người đi tìm gấp y tá, gọi thầy lang lo thuốc thang. Từng gáo nước ấm và thơm hương lá quê mình hoà cùng nước mắt các mẹ các chị chan xuống thân thể bầm đau của cô Sáu. Một tấm thân thiếu nữ non tơ như thế mà bị vò xé đến nát nhàu, để thoả cơn đói khát dục vọng của lũ quỷ mũi lõ mắt xanh ấy thì còn chi là thân người. Mọi cử chỉ phải thật nhẹ thật êm, không được chạm thêm vào nỗi đau đang khô quánh lại trong cơ thể. Lau rửa sạch sẽ đến đâu làn da của cô Sáu cứ như được vén dần ra đến đó, cứ lồ lộ non tươi, trắng nõn nà. Những vết tím bầm như cái câu liêm, lưỡi liềm; những vệt trầy xước như mũi chông, nhát cắt lại càng hiện rõ hơn trên thịt da cô Sáu như cứa vào gan ruột mọi người.

Hình như sự sống đang trở lại. Cơ thể ấm dần, hơi thở yếu nhưng đều, tim đập rõ hơn, nhịp mạch nghe mạnh hơn. Nhưng cô Sáu vẫn cứ nằm thiêm thiếp bất động như đang chìm vào một cơn hôn mê sâu. Những mũi thuốc Pê-ni-xi-in liều cao tiêm đau tưởng như xé thịt như thế mà cô Sáu vẫn không hề cảm nhận thấy. Chắc có lẽ sau một tai biến khủng khiếp như vừa qua của cô Sáu, cơ thể người ta cần có một thời gian cần thiết ở trạng thái tĩnh như thế. Đó là khả năng tự hồi phục bẩm sinh để người ta có đủ sức lực chịu đựng một nỗi đau thực tại sẽ vò xé cả về thể xác và tâm hồn.

Tin cô Sáu Cồn Dừa bị Mỹ bắt, Mỹ hiếp lan nhanh trong vùng sông Trường như một cơn bão dữ. Cả đêm hôm ấy nhà nhà ấp Tây thao thức chong đèn đợi tin. Người già thắp hương khấn vái tứ phương. Các mẹ các chị thay phiên nhau túc trực bên cô Sáu. Cánh trai tráng du kích trong thôn ấp sau khi đi “lánh càn" về nghe tin, mắt long lên sòng sọc, máu sôi sùng sục. Anh nào cũng muốn vào thăm cô Sáu nhưng bị Hội mẹ chị cấm cửa. Có mấy anh tò mò bạo gan vạch phên nhìn vào, bị các mẹ mắng như tát nước, đuổi đi:

- Còn thương nó, căm thù bọn Mỹ, giỏi thì rượt theo xẻ thịt phanh thây quân khát máu ấy đi! Tao cấm tụi bay xớ ở đây! Nó còn đau đớn hơn một lần sinh sẩy!

Rạng sáng hôm sau, cô Sáu có dấu hiệu hồi tỉnh, chân tay khẽ cử động, môi mấp máy nhưng không thành lời. Sau mấy cái lắc đầu vật vã, mắt cô Sáu hé mở rồi khép lại. Cứ lặp đi lặp nhiều lần như thế vài ba lần rồi mắt cô Sáu mở to với cái nhìn hoang dại vô hồn. Bỗng toàn thân cô Sáu oằn lên cùng với một tiếng thét kinh hoàng rồi ngất lịm, chỉ còn nghe những tiếng thở hắt ra mệt nhọc cùng với những tiếng nấc tắc nghẹn.

- Ơn trời phù hộ! Tỉnh lại rồi! Sống lại rồi! -Những tiếng thì thào truyền nhau qua ánh mắt, cái bấm tay từ trong buồng ra ngoài ngõ, loan đi cả xóm.

Những tiếng thở hắt ra và tiếng nấc thưa dần rồi hết hẳn. Đôi môi khô cong mấp máy, hình như đôi môi ấy muốn nói điều gì . Hiểu ra rồi! Từ hôm qua đến nay cô Sáu có ăn uống được gì đâu ngoài mấy muỗng nước lá nhân sâm rừng hoà với ngãi cứu, cứ đổ vào lại ựa ra.

- Đứa mô chạy u đi gọi ngay hai chị em con Tư, con Bước!

Trong chốc lát, không chỉ có "con Tư, con Bước" mà những bốn năm chị hối hả chạy đến.

Giọng nói lúc nãy từ trong buồng lại vọng ra thúc giục:

- Con Tư, con Bước lấy cái chén cầm vô đây mau!

Trong vô thức môi cô Sáu ngoan ngoãn nuốt từng muỗng... từng muỗng... những muỗng sữa từ tay các mẹ các chị- Những giọt sữa ngọt ngào được vắt ra từ bầu vú của dì Bước, dì Tư.

Đến nửa buổi, cô Sáu tỉnh hẳn. Nhưng vẫn nằm im, tất cả gần như bất động, duy chỉ có đôi mắt, lúc nhắm nghiền tĩnh lặng như đang ngủ say; lúc lại mở to, vẫn vô hồn man dại nhìn chăm chăm lên trần nhà như dõi theo một chiếc bóng vô hình.

- Qua cơn hiểm nghèo rồi! Con có biết những ai đang ở bên con không?

Cô Sáu đưa tay nắm chặt lấy bàn tay thô ráp và khô gầy vừa đặt lên trán mình. Từ đôi mắt vô hồn và man dại ấy, hai ngấn nước trong vắt từ từ ứa ra, lăn dài, rồi tuôn trào chảy tràn ra tưởng chừng như vô tận. Hình như tất cả những uất hận, căm hờn, đau đớn... trong tâm can người con gái trinh nguyên vừa trải qua một cơn bạo hành nhục dục đã được nung chảy tan thành nước và tuôn xối ra từ khoé mắt.

Vài ngày sau, cô Sáu tỉnh hẳn, cố gắng lắm mỗi bữa mới húp được lưng chén nước cơm đánh với trứng gà. Theo như kinh nghiệm nuôi con của các mẹ, nồi cơm đang sôi đem chắt lấy nước đánh với lòng đỏ trứng gà là nguồn bổ dưỡng tốt nhất đối với người ở cử hoặc ốm đau mới dậy. Cô Sáu đã gượng dậy đi lại được nhưng rất sợ gặp mọi người, chỉ vào ra loanh quanh trong nhà như một chiếc bóng. Trông thấy như thế, mọi người thương lắm nhưng không ai dám đến thăm hỏi, chỉ cần nghe một lời nhắn gửi cô Sáu đã khóc oà.

Có tin trên căn cứ xuống cho các mẹ các chị ở ấp Tây rằng, chuẩn bị đưa cô Sáu về Trạm xá dân y. Cô Sáu không chịu. Các mẹ các chị bàn nhau, nếu tình hình cứ yên ổn như mấy hôm nay, cứ để thư thả ít bữa, khi cô Sáu đi lại cứng cáp rồi sẽ tính. Giữa địch tình bom đạn biết đâu mà tiên lường, hôm nay bình yên trời quang mây tạnh, ngày mai lại loạn lạc bom đạn mù trời; hết trận càn nầy lại đến trận càn khác cô Sáu không thể ở lại mãi với ấp Tây được.

Nghe tin cô Sáu đã khá hơn, đang đêm Thượng sĩ Bảo Ninh từ huyện đội, đóng tận trên núi Trụ Cờ cắt đường dây xuống thăm. Được biết Bảo Ninh là người đã từng gắn bó bóng hình với cô Sáu trong những đêm "đi binh địch vận" gọi loa đồn giặc; là người đã viết những lời thơ có cánh, thổn thức đêm khuya, lay động lòng người cho cô Sáu ca. Mọi người hy vọng khi gặp Bảo Ninh, cô Sáu sẽ cảm thấy lòng mình vợi bớt; biết đâu lại thuận lòng trở về căn cứ. Các mẹ các chị sẽ nhớ con, thương em, nhưng ở trên ấy cô Sáu sẽ bình yên và có điều kiện bình phục tốt hơn.

Nhưng không ngờ, vừa mới nghe "có Thượng sĩ Bảo Ninh" lập tức cô Sáu đã té xỉu. Khi hồi tỉnh lại, cô Sáu nói dứt khoát, giọng lạnh như băng:

- Anh ấy mà tới đây, Sáu sẽ chết!

Thượng sĩ Bảo Ninh buồn rầu cuộn gửi lại mấy lời ca mới viết, đành bấm lòng trở về đơn vị.

3.

Vừa mới tang tảng sáng, một tin không lành lan nhanh như lửa cháy: Mất cô Sáu.

Cả ấp Tây nháo nhác chạy ngược xuôi kiếm tìm, cả vùng sông Trường xôn xao hướng về ấp Tây. Cô Sáu đi đâu? Nhiều người nhôn nhao phỏng đoán:

- Hay là nó lên trên ấy rồi?

- Chắc là không về căn cứ, nó đã tránh mặt ngay cả Thượng sĩ Bảo Ninh kia mà.

- Đang đêm đi lên trên ấy đâu phải như chuyện dạo chơi, muốn vượt quốc lộ số I phải đi qua đường dây, không có giao liên dẫn đường thì vướng phải lựu đạn gài hoặc lọt ở phục kích liền.

- Đối với nó việc qua lộ nhằm nhò gì, hồi làm du kích nó đi về như cơm bữa.

- À... đúng rồi! Chắc là nó ra ngoài mả ông Tư Phi. Đứa mô chạy ra ngoài nớ coi.

Không có! Mọi phán đoán đều sai.

Người ta tìm thấy đôi dép của cô Sáu cùng với một bím tóc vừa mới cắt ra còn bỏ lại trên bờ Bến Lở, nơi sông Trường Giang uốn khúc quặn dòng trước khi mở lòng ra hoà lưu cùng sông Ly Ly để nhập với sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại.

Chao ơi! Cô Sáu đã trẫm mình! Dòng Trường Giang dáng chiều dài dải lụa chảy dọc miền Duyên Hải, bao đời hiền hoà không ghềnh thác, nay phải quặn lòng đón nhận một số kiếp bạc mệnh hồng nhan.

Tất cả mọi người, mọi phương tiện thúng, mủng, ghe, xuồng, lưới, chài... đều đổ ra dọc đoạn Sông Trường quanh Bến Lở. Người trên bờ phân công cảnh giới máy bay địch; ở dưới bến, trên sông người kéo lưới, quăng chài, kẻ bơi lặn sục sạo khắp hang hờm, ngóc ngách. Ơn trời, thân con gái chân quê phận mỏng còn lặn lẫn đâu đây.

Hy vọng vớt được cô Sáu đã tắt cùng bóng chiều chạng vạng. Sông Trường Giang đang mùa nước ngược, cả khúc sông đục ngầu lên rồi dần dần thẫm đen lại cùng với trời đêm. Các mẹ các chị thương nhớ khóc sụt sùi, dựng hương án ngay tại Bến Lở khấn vái, "Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh", cầu mong tìm được cô Sáu về cho đỡ tủi.

Đến ngày thứ mười, tin về cô Sáu vẫn biệt tăm âm tín. Bà con ấp Tây tổ chức lễ truy điệu cho cô, rồi đem những tư trang ít ỏi còn lại chôn thành cái mả gió và đặt án thờ bên cạnh bụi tre ngay tại Bến Lở. Riêng cái bím tóc được các mẹ các chị giữ lại trao tặng cho Thượng sĩ Bảo Ninh. Cuối năm ấy, Thượng sĩ Bảo Ninh được rút hẳn về Bộ chỉ huy Quân khu V làm công tác khai thác tù binh Mỹ. Anh mang theo hình bóng người con gái Sông Trường trong tâm khảm cùng với "bím tóc thề" như một nhát chém hằn sâu. Với anh, đó là một kỷ vật về một tình yêu không giới tuyến chưa cất nên lời. Một kỷ niệm buồn để tiếng lòng lắng lại gửi hồn cho câu hò, điệu lý ngân nga.

4.

Vào đầu năm 1970 (khoảng hai năm sau sự kiện cô Sáu trẫm mình), cả vùng Sông Trường cũng như các xã vùng Đông rơi vào cảnh lập ấp gom dân cá chậu chim lồng; ruộng đất, xóm làng thành vành đai trắng. Quân Mỹ tăng cường lùng sục vùng giải phóng của ta bằng những tiểu đội nhỏ lẻ. Chúng nó cũng biết chiến thuật nghi binh, đánh du kích, kéo quân ồ ạt đi qua rồi lén vòng trở lại mai phục; lợi dụng trời mưa mỗi tên đi cõng theo một tên khác rồi bỏ lại dọc đường ẩn nấp bụi bờ rình rập... Đội công tác của quân chủ lực huyện được biệt phái về vùng Đông. Những toán quân Mỹ lết, Mỹ cõng lần mò trên nổng, ngoài gò thường bị hốt trọn ổ. Cách đánh địch thiên biến vạn hoá xuất quỷ nhập thần của bộ đội đặc công, chiến sĩ biệt động thành đã về làng. Lại có một tin đồn nửa hư nửa thực rằng: Chỉ huy Đội công tác ấy là một cô gái còn trẻ, nhưng mưu trí, dũng cảm và gan dạ phi thường. Có người còn khẳng định thêm, "Trông giống nhau lắm, y hệt như cô Sáu Sông Trường sống dậy !?”

Tin đồn ấy không sai. Cô Sáu đã sống dậy thật, hay nói đúng hơn là "cô Sáu đã trở về với những trận đánh Mỹ rửa hận và trả thù." Cả vùng Sông Trường chuyển động cơn sóng ngầm diệt trừ Mỹ lết. Phương châm cô Sáu đưa ra là: Đối với bọn lính Mỹ là tiêu diệt hết chứ không được bắt sống, diệt hết Mỹ là vui.

Suốt ngày đêm cô Sáu mải mê với những kế hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng du kích địa phương, với những trận đánh bất ngờ. Cô Sáu của ngày nào đã được lột xác, vẫn đẹp nhưng là vẻ đẹp lạnh lùng sắc sảo của đô hội, ánh mắt nhìn sắc lẻm, hay cười nhưng cười không thành tiếng. Dáng cô Sáu có vẻ đầy đặn hơn, sức sống đang bốc lên hừng hực; hình như trong con người ấy đang chứa đựng một kho trái nổ có sức công phá ngàn cân đang đợi châm ngòi. Cô Sáu coi việc đụng đầu với lính Mỹ là một trò đùa tàn bạo, thời gian không còn đủ cho một cuộc chơi. Không có thì giờ để biết cụ thể những năm tháng vừa qua cô Sáu đã sống như thế nào; đại khái rằng, trước khi về chỉ huy Đội công tác vùng Đông, cô Sáu là biệt động thành ở Đà Nẵng. Mọi người chỉ biết có vậy thôi.

Hơn hai năm ở Đội công tác, hỏi trên mình có bao nhiêu vết sẹo, đánh bao nhiêu trận, diệt được bao nhiêu Mỹ rồi, cô Sáu không thể nhớ hết. Anh em trong Đội công tác thường nhận xét về cô Sáu rằng, "Đàn bà con gái dễ thương như rứa lại có máu chiến trường, chai lì trước súng đạn và càng đánh càng hăng".

Chỉ huy ở chiến trường mà hăng quá, hăng đến mức "say máu” có khi đổ máu không cần thiết; thậm chí đem "nướng" quân. Mấy lần Huyện đội định rút cô Sáu lên nhưng chưa được. Đầu năm 1973, Sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết, cô Sáu được điều về căn cứ, đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Quân khu và được giữ lại trên ấy, với lí do là hết Mỹ. Thời gian ở Quân khu, cô Sáu nghe tin Thượng sĩ Bảo Ninh đã được chuyển ra miền Bắc. Cô đưa tay vuốt ngực thở dài. Hình như giữa hai người có một điều gì đó còn vương nợ với nhau.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cô Sáu trở lại quê hương với cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ, là một cán bộ trẻ chưa đến tuổi ba mươi. Năm năm sau cô trở thành một lãnh đạo cao cấp của huyện và đường công danh rộng mở như chân trời. Đó là một sự sắp đặt tất yếu.

Quê hương sạch bóng quân thù, non sông hoà bình thống nhất rồi, ngoài công việc chung, mỗi người cần phải lo cho riêng mình một điều gì đó. Nhất là với một người phụ nữ như cô Sáu, được nhìn nhận là một "Nữ hoàng Việt cộng" có vẻ đẹp trang trọng và cao sang trên chính trường. Thấy cô Sáu đẹp, còn đi về lẻ loi, nhiều người đàn ông có ý định mon men nhìn ngó, những người bạn đồng sàn, cùng giới lãnh đạo cấp tỉnh cấp huyện, có cả những người đàn ông bạo gan đạp qua rào cản tuổi tác, quyền lực và chức tước. Những người phụ nữ đẹp, từng trải và địa vị người ta thường có giác quan riêng, cô Sáu biết hết. Không cần gì đến nỗi phải lợi dụng nhau, tất cả vì sự yêu thương, muốn đánh thức con tim, nhen nhóm lại ngọn lửa tình yêu đôi lứa, chắp nối lương duyên. Nhưng tất cả đều bị chặn lại, dập tắt bởi một câu nói thường trực nghe đến phũ phàng của cô Sáu, "Tôi rất sợ?".

Hình như cô Sáu đang lãng quên chính mình. Ngày trước trong chiến tranh người ta say chiến công, nay hoà bình rồi người ta mê quyền lực. Điều đó rất có thể đúng với cô Sáu.

5.

Nghĩ cũng lạ! Càng lớn tuổi trông cô Sáu càng sang trọng và quý phái hơn, và hình như thời gian cũng lãng quên tính tuổi, không ai tin rằng người phụ nữ ấy đã bước qua tuổi năm mươi nhẹ như lông hồng. Càng lạ lùng hơn, khi còn đến những ba năm nữa mới đến tuổi quy định nghỉ hưu, nhưng cô Sáu lại gửi đơn xin nghỉ trước.

Thời thế chuyển xoay, cơ chế mở ra, đất nước quê hương đang đổi thay từng ngày; với cương vị là một nữ Bí thư Huyện ủy đang được ái mộ như vậy, đáng lẽ cô Sáu phải đâm đơn xin giảm tuổi để làm tiếp dài hơi hơn. Biết đâu nay mai hết nhiệm kỳ sẽ được luân chuyển lên tỉnh, rồi lên Trung ương, còn hưởng tiếp nhiều đặc ân và quyền lợi. Thế thời hội nhập khu vực, ban giao toàn cầu đang mở ra, trên chính trường, trên bàn tiệc rất cần những mỹ nhân chính khách. Đằng nầy cô Sáu lại đi xin nghỉ trước tuổi?

Lý do cô Sáu viết trong Đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, lời lẽ rất giản dị: "Lo việc chung lâu quá rồi, đã thấm mệt, nghỉ để còn lo cho cái riêng; học hành chắp vá, ngoại ngữ mù mờ, vi tính lem nhem không theo kịp thời đại.". Khi nghe tin nầy, người ta cho rằng, cô Sáu là người có văn hoá-"Văn hoá nghỉ hưu”; lại có người phỏng đoán rằng, cô Sáu đã "hết sợ”, trở về thường dân để cưới chồng? ! Cô Sáu không quan tâm đến những điều ấy, ai hiểu thế nào cũng mặc kệ họ. Mà nếu được như thế thì hạnh phúc biết bao nhiêu! Cô Sáu vui vì được tự do, thoát khỏi lịch trình hội họp hoạch định kế hoạch vi mô, vĩ mô; muốn đi đâu tuỳ thích, được trở lại chính mình.

Cô Sáu tổ chức đón nhận quyết định nghỉ hưu vui và đầm ấm như một bữa tiệc mừng sinh nhật, chỉ mời một số ít bạn bè thân cẩn cật ruột. Trong đó có một vị khách rất đặc biệt từ Hà Nội mới vào: Thượng sĩ Bảo Ninh. Hiện tại Bảo Ninh đang là chuyên viên cao cấp của Bộ Ngoại giao.

Trước khi vào cuộc vui, cô Sáu xin phép mọi người được thắp hương đèn trên bàn thờ. Chắc có một điều gì đó rất hệ trọng! Tấm màn nhung màu huyết dụ được kéo ra, hệ thống đèn bật sáng, một khoảng không gian sáng trưng, lung linh... làm mọi người chú ý. Cô Sáu thờ cúng ông bà, cha mẹ là bình thường, nhưng tại sao bên cánh gà lại có thêm một cái bệ thờ chân dung một vị thầy tu cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, cổ đeo tràng hạt?

Cô Sáu thành kính chắp tay hướng về phía chân dung vị thầy tu:

- Thưa các bạn! Đây là Nhà sư Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Bảo An ở Đà Nẵng năm xưa, là ân nhân của hai mẹ con tôi. Thầy đã mất cách đây vài năm!

Tất cả ngơ ngác. Hình như cô Sáu đang nói với ai khác và nói những gì như thế nhỉ? Thích Thiện Tâm nào là ân nhân? "hai mẹ con tôi" là những ai?

Cô Sáu quay lại nhìn khắp lượt mọi người. Ánh mắt nhìn điềm tĩnh, nồng hậu. Hình như cô đang kể chuyện cổ tích! Không gian lặng tịch. Giọng nói thân quen nhỏ nhẹ như vọng về từ cõi xa xăm:

"Đêm ấy, sau khi để lại bím tóc và đôi dép trên Bến Lở, tôi ngược lên quốc lộ ngồi chờ trời sáng rồi đón xe ra Đà Nẵng. Tôi làm tất cả mọi công việc từ rửa chén thuê, phụ bán hàng, đẩy xe nước mía, đến đứng quầy Bar, chạy bàn... với mục đích duy nhất là phải sống để được trả thù. Nhờ những công việc như thế mà tôi nhanh chóng gia nhập được Đội Biệt động thành. Và cũng vào thời điểm ấy tôi biết chính xác mình đã có thai, đang cưu mang một giọt máu của kẻ thù. Gọi là con tôi nhưng bị đầu thai từ bầy quỷ sứ, cần phải bóp chết ngay từ trong trứng nước. Nhiều lần tôi định rứt bỏ đi nhưng không đủ tâm sức, nó cứ lớn dần lên cùng khối oan thù. Với chút nhan sắc trời cho tự dưng trổ mã, tôi mặc sức lôi kéo, mồi chài và hạ sát nhiều tên lính Mỹ trong các hẻm phố, mé sông, có khi ngay trong khách sạn chuẩn bị vào cuộc mây mưa.

Ngày gần sinh, tôi tìm đến chùa Bảo An, kể rõ sự tình uẩn khúc về cái bào thai. Thấu hiểu nỗi oan khuất, thầy Thích Thiện Tâm mở lòng cưu mang cho nương nhờ cửa Phật. Riêng về gốc tích biệt động thành tôi giấu biệt. Một sinh linh da trắng mũi lõ mắt xanh ra đời tại đó. Thầy Thích Thiện Tâm đặt cho thằng bé cái tên theo kiểu Mỹ lai nghe hay hay: Mother Việt. Hình như thầy muốn nói đến một điều gì đó về mẹ.

Thằng bé háu ăn, mau lớn, gần như nó không biết khóc, chắc nó cũng biết dấu nhẹm đi thân phận mình. Công bằng mà nói, thằng bé đẹp như một thiên thần. Nó là con tôi là máu thịt của tôi, nhưng tôi chỉ dám ôm hôn khi nó còn đang ngủ.  Cái màu xanh của đôi mắt mèo ấy cứ làm tôi rờn rợn, chờn vờn. Nhìn cái bớt màu nâu bên ngực trái của nó giống như một vệt máu khô.

Ngày thằng Việt độ chừng một tuổi, đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định đến quỳ lạy thầy Thích Thiện Tâm và thú nhận:

- Con lạy tạ ơn thầy đã giúp đỡ cưu mang! Con là một Việt Cộng nòi, là Biệt động thành Đà Nẵng, lính Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Thằng Việt là cốt nhục của lính Mỹ nhưng là một sinh linh vô tội, con xin gửi lại và nhờ thầy tìm cách trả nó về bên Mỹ. Mong rằng sau nầy lớn lên, đôi mắt xanh của nó là màu hy vọng, là bầu trời hòa bình, chứ không phải của lũ chó sói, mèo hoang.

Tôi xén một bím tóc để lại và ra đi ngay, tìm về tỉnh đội rồi được biệt phái xuống Đội công tác vùng Đông năm ấy.

Sau ngày thành phố Đà Nẵng giải phóng, tôi trở lại chùa Bảo An và gặp thầy Thích Thiện Tâm. Thầy cho tôi biết rằng, sau khi tôi đi rồi, thầy đứng tên gửi thằng Việt vào cô nhi viện Sài Gòn cùng với kỷ vật của mẹ là cái bím tóc và nó được đưa về Mỹ trong chuyến chuyên cơ cuối cùng di tản những đứa con lai ra khỏi Việt Nam, năm 1975. Những năm sau nầy, thông qua kênh các tổ chức Phật giáo cùng các tổ chức nhân đạo quốc tế, thầy Thích Thiện Tâm đã xác định được thằng Việt hiện đang ở New York (Mỹ).

Kể đến đây, giọng cô Sáu se lại như độc thoại với bóng mình:

- Nước Mỹ với Việt Nam ta ân oán nợ máu xương nhiều như thế, dài lâu như thế, xa nhau đến nửa vòng quả địa cầu, mà không ngờ có được ngày nay. Mẹ con tôi sẽ gặp nhau. Mới đó mà... như một giấc mơ dài. Thằng Việt bây giờ đã ba mươi bảy tuổi rồi... Dù sao đi nữa, tôi cũng đã một lần được mang nặng đẻ đau, chăm ẵm bú bồng thuở nó còn trứng nước nằm nôi! Dù sao đi nữa nó vẫn là đứa con tôi rứt ruột sinh ra. Chiến tranh là tàn bạo, là khốc liệt, là đớn đau đến tận cùng mọi nỗi đau! Tôi tự nguyện hiến dâng, tôi bị cướp đoạt; tủi nhục và vinh quang, yêu thương và thù hận... Tôi đã có tất cả. Nay vào lớp tuổi ông tuổi bà rồi, tôi cần thêm những gì nhỉ ? Bổng lộc, chức quyền rồi cũng bỏ lại sau lưng, có ai đó đã gọi tôi là "bà cô trơ khấc" hay người đàn bà đẹp "có trái tim mạ kẽm". Không phải thế! Tôi còn có một giọt máu rơi, thầy Thích Thiện Tâm đem gửi qua phía bên kia trái đất. Tôi phải đi tìm. Không biết thằng Việt, nó có còn là của tôi? Bước cuối đời, một tia hy vọng còn ở phía bên kia chân trời!".

Hình như có những đợt sóng đang dâng lên trong lòng, Cô Sáu cúi đầu, tay đặt lên ngực, lặng im. Không một ai dám hỏi gì thêm. Sợ sẽ có một điều gì đó vỡ oà ra cuốn phăng đi tất cả.

Giọng cô Sáu hơi run run:

- Đúng là trái đất tròn, sau đó tôi tìm và gặp lại Thượng sĩ Bảo Ninh nhờ anh giúp tôi đi Mỹ tìm thằng Việt... Anh Bảo Ninh nói tiếp giúp tôi đi !

- Chúng tôi bặt tin nhau những hơn hai mươi năm, tất cả tưởng như đã an bài theo số phận, nhưng vòng đời còn duyên nợ gặp lại o Sáu; không bén được duyên nhau cũng ấm nồng tình đồng đội. Qua hai chuyến đi công tác đến nước Mỹ vừa qua, tôi đã xác định chắc chắn như vậy: Cậu ta vẫn tên là Mother Việt, hiện là Tiến sỹ y khoa, đang công tác tại một bệnh viện lớn tại New York. Mọi việc cần thiết tôi đã chuẩn bị cho o Sáu xong rồi. Sáu sẽ đi tour du lịch trọn gói tham quan Tokyo-New York-Philadelphia-Washington DC vào cuối tháng mười này. Thời gian ấy tôi cũng đang tháp tùng đoàn học sinh Việt Nam đi dự Hội nghị Thượng đỉnh những nhà lãnh đạo trẻ tại New York.

Bảo Ninh kết thúc chuyện kể khá đột ngột theo phong cách của người làm công tác ngoại giao:

- Thôi chuyện cũ! Niềm vui đang rộng mở. Xin nâng cốc chúc mừng!

"Bốp!" Tiếng chai Sâm-banh trong tay Bảo Ninh nổ giòn tan, tiếng chạm cốc leng keng xen lẫn lời chúc tụng mời chào. "Xin chúc mừng!", "Xin mời!", "Xin chúc mừng!"... Niềm vui lớn đến bất ngờ cứ chảy tràn ra.

- Xin cảm ơn mọi người ! Chính chúng ta là người trong cuộc, hiểu hơn ai hết việc khép lại quá khứ, mở ra bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ là để cho ai. Tin rằng Mother Việt sẽ trở về. Khái niệm Tổ quốc là Mẹ không chỉ có ở đất nước Việt Nam. Có phải như thế không Thượng sĩ Bảo Ninh?

Mặt cô Sáu hồng tươi như nắng chín, ngất ngây say trong vòng tay bạn bè.

                                                                        Đà Nẵng, tháng 9 năm 2006

                                                                                            B.T.L