Ai lên xứ hoa đào...

29.04.2009

Ai lên xứ hoa đào...

1. Miền thẳm

Có một xứ sở đã tốn biết bao giấy mực của tao nhân mặc khách, nghệ sĩ đa tài, quan chức lãng du đã tình cờ hoặc một lần tìm đến - nhưng gần như người ta đành giận hờn, tủi thân, đau đáu nỗi buồn vì đã bất lực trước một thiên đường cổ tích sừng sững giữa trùng điệp non ngàn thảo nguyên hơn một thế kỷ qua, không diễn đạt, bày tỏ nỗi sự bất tuyệt tiềm ẩn của nó.

Một lần đến rồi xa, cũng như những ai đã sống cùng với thiên nhiên, đất trời, cỏ cây hoa lá, chim muông đều hạnh phúc thốt lên không tiếc lời.

Đà Lạt!

Thành phố mờ sương. Thành phố trong mây. Thành phố ngàn hoa. Thành phố ngàn thông. Thành phố rừng, rừng trong phố. Thành phố của thác và hồ. Thành phố hoa Anh đào, Mimôza, Dã quì. Thành phố buồn. Thành phố mộng mơ. Thành phố của thi ca, âm nhạc và những mối tình đẹp như tiểu thuyết diễm tình. Tiểu Paris với những con đường trong hoa, thấp thoáng bóng nhà trong lá cây, tháp chuông giáo đường ẩn hiện và liễu rũ bên hồ...

Đà Lạt!

Cái tên có ngọn nguồn từ một tộc người thiểu số lâu đời ở cao nguyên xinh đẹp này là “Đạ” - có nghĩa là Nước và Lạch - là tộc người Lạch. Sau rồi biến âm, Việt hoá với phương ngữ đáng yêu - Đà Lạt.

Cu-nhác, viên Công sứ Pháp đầu tiên đến Đà Lạt đã nói: “À la place du coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu"on appelait Da Lat” - có nghĩa “Ở hồ nước và dòng suối nhỏ của bộ tộc Lạch chảy qua người ta gọi là Đà Lạt”. Theo tiếng Thượng Da hay Dak nghĩa là nước1.

Khi nói về Đà Lạt, không một ai không nhớ đến cái tên Alexandre Yersin, người thầy thuốc nước Pháp đặt bước chân đầu tiên lên cao nguyên Lang Bian này từ những năm 1893 - để sau đó và đến nay là 115 năm Đà Lạt luôn thăng hoa lộng lẫy, huy hoàng và trầm mặc. Yersin kể lại tâm trạng của mình: “Cảm tưởng của tôi thật sống động, khi từ rừng thông bước ra, tôi đặt chân lên bờ cao nguyên rộng lớn trơ trụi và mấp mô, chế ngư bởi ba đỉnh núi Lang Bian. Những gợn sóng của nó làm tôi nhớ lại mặt biển bị dày vò do một đợt sóng vĩ đại như người ta thường thấy ở duyên hải An Nam tiếp theo một trận bão lớn. Sự mát lạnh của khí trời đã làm tôi quên đi sự mệt nhọc và tôi nhớ lại sự vui mừng mà tôi đã cảm thấy khi chạy hết tốc lực lên xuống những quả đồi y như một cậu học sinh trẻ trung học. Dãy Lang Bian sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đã đến gần ...”2.

Đà Lạt có diện tích tự nhiên chừng 491 cây số vuông. Phía Bắc và Tây giáp dãy Chorơni, Yo Đa Myut cao 1.861m, nghiêng phía Tây - Bắc dựa dãy Chư Yang Kal và Lang Bian cao 1.921m, phía Đông là dãy Bi Đúp 2.278m và Cho Prolin 1.629m, phía Nam bao bọc bởi núi Voi và Yàng Sơreng huyền thoại ... Đà Lạt có độ cao 1.500m so với mặt biển, chập chùng núi đồi, thung lũng và nhiều suối, hồ, thác như hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, hồ Vạn Kiếp, thác Gôga, thác Bơrem, thung lũng Tình Yêu, rừng Ái Ân, đồi Cù, đường Hoa Hồng, đường Mimoza... những cái tên nên thơ, mộng mị như hút hồn du khách.

Hỏi ra, con người Đà Lạt là sự trộn lẫn nét tế nhị, thanh lịch của người xứ Bắc, nét trầm mặc, suy tư, cần cù, gan góc của người miền Trung, vẻ thật thà, đôn hậu trọng lễ nghĩa của người phương Nam, sự giao tiếp khéo léo của người Hoa và lối ăn bận lịch sự của người Âu Tây; và cư dân bản địa - mà cho đến bây giờ chưa ai lý giải được 3 tộc người Lạch, Chil, Srê có mặt ở Đà Lạt tự lúc nào, có thể cách nay bốn, năm thế kỷ vào thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Chămpa.

Còn Đà Lạt hôm nay là hòn ngọc đa sắc màu trong con mắt của du khách thập phương, bên cạnh nét cổ sơ nguyên thuỷ là sự lộng lẫy của những phương tiện văn minh, tiến bộ khoa học kỹ thuật đi vào sinh hoạt, đời sống của cộng đồng người ở miền đất “cao nguyên vàng” này.

2. Ai lên xứ hoa đào

Trên thế giới, rất hiếm có những đất nước mang tên một loài hoa nào đó như xứ hoa Anh Đào (Nhật Bản), Hoa Hồng (Bungari), hoa Chăm-pa (Lào), hoa Tuy-líp (Hà Lan)..., còn thành phố mang tên hoa có lẽ duy nhất ở Việt Nam như hoa Ban (Tây Bắc), Phượng Vỹ (Hải Phòng), hoa Sấu (Hà Nội), hoa Đào (Đà Lạt), còn làng hoa thì nhiều. Rất đặc trưng và cũng đặc biệt, bất luận chỉ cần gọi tên hoa là biết ngay quê hương, bản quán, xứ sở đó ở những nơi đâu.

Ở Đà Lạt đâu chỉ có hoa Đào, mà là nơi bốn mùa cây lành trái ngọt, ngàn hoa đua sắc ngát hương. Đất đai màu mỡ, khí hậu thuần khiết đã nuôi dưỡng các loài hoa dọc các ngả đường, sân vườn đến tầng cao tầng thấp nhà ở, khách sạn, nhà hàng, quán bar, hiện diện trong ngày Tết, giỗ chạp, lễ hội, chúc thọ, sinh nhật, tiệc cưới, chúc mừng, đưa tiễn, vào tận phòng ăn phòng ngủ. Hoa có loại cây trồng, chăm sóc, cắt tỉa, nhân giống lai tạo, có loại tự sinh sôi đều mượt xanh, ăm ắp sắc màu.

Người Đà Lạt tự hào là xứ sở của những loài hoa tiêu biểu, lại tập trung như Anh đào có hai màu đậm nhạt, Mai trắng, Mai xanh, Phượng tím, Hồng vàng, Hồng phấn, Hồng chàm, Hồng nhung đại đoá màu đỏ sẩm, Xác pháo, hoa Quỳnh, Trà my trắng nõn, đỏ tươi, Lồng đèn, Thông xà, Nhất chi mai, Đỗ quyên tím. Rồi có những cái tên như Lay-ơn vàng, đỏ nhạt, tím, hoa Lys, Mimoza, Dã quỳ và Forget-me-not (Đừng quên tôi nhé), Immortelle (Bất tử) sống mãi trong lòng du khách và người yêu hoa, người giữ được giống hoa hơn một trăm năm qua.

Chưa có một công trình nghiên cứu tỷ mỷ về lai lịch từng loại hoa để hệ thống được các thế hệ hoa, thứ nào biết được, người ta cho rằng có nguồn gốc từ các nước Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Ốt-xtralia và cả miền Bắc miền Trung Việt Nam mang vào bằng nhiều con đường, còn các giống loài tự nhiên trong thiên nhiên chưa biết tên, tất thảy đều phù hợp với đất đai, khí hậu miền cao nguyên tuyệt vời này.

Tôi có đọc một tài liệu, mới rõ là ở cao nguyên Lâm Viên Đà Lạt có hoa Anh đào bản địa, được gọi là Mai anh đào, vì hoa có 5 cánh giống hoa Mai (Cerasus), màu hồng thắm và có dáng của cây Đào (Prunus) miền Bắc nước ta. Cây Phượng tím (Jacaranda) gốc Brazil, Bolivia du nhập vào Đà Lạt những năm 1962, ươm giống khó, trồng một năm thì ra hoa từ cuối đông cho đến suốt mùa Xuân, nở từng chùm màu tím rực rỡ. Còn hoa Pencée được đưa từ Pháp đến đây từ đầu thế kỷ XX, hoa có cánh mỏng như cánh bướm ba màu, còn được gọi là Violatricolor. Tuy nhiên được tích hợp, cấy mô, Pencée cho ra nhiều màu sắc lạ. Pencée là “sứ thần” của tình yêu, khi một người đàn ông tặng hoa gửi gắm, bày tỏ tình cảm hy vọng và người phụ nữ nhận hoa, là cô ấy muốn nói “Tôi mong chờ một điều gì đó...”. Lứa tuổi “mực tím” thường hay ép Pencée vào trang sách, nhật ký làm kỷ niệm, vì thế có tên là “Hoa học trò”. Ở Đà Lạt Pencée nở quanh năm, nhưng đẹp nhất là khi trời nắng hanh, se lạnh dễ làm ngơ ngẩn du khách.

Lên xứ hoa, khó biết loài hoa nào đẹp nhất. Tôi lân la hỏi một người chăm sóc cây cảnh ở Nhà sáng tác Văn học nghệ thuật Đà Lạt, nơi chúng tôi có dịp nghỉ ở đó vài mươi ngày. Ông cười:

- Cũng khó trả lời, vì còn tuỳ sự yêu thích của từng người. Tuy nhiên, tôi thấy có ba loại hoa được khách ưa chuộng, đó là Huệ tây, mỗi năm chỉ nở một vài tuần vào mùa thu, cái màu vàng sẩm của những cánh hoa ôm các nhị hoa cánh gián mượt mà, cứ đếm từng cánh mà tính tiền mỗi bông hoa. Thứ đến là hoa Hồng và Lay-ơn. Hồng và Lay-ơn bây giờ có nhiều màu lắm, bông lại to, đặc biệt là Hồng vàng, ít có hoa nào sánh nổi.

Tôi có cô bạn gái sống lâu năm ở Đà Lạt, vốn yêu hoa như bố cô nên cũng thả đắm tâm hồn mình, buồn vui, tỉnh thức cùng những loài hoa quý hiếm, mang những cái tên xa lạ hư hoa Cô-cơ-li-cơ, cánh mỏng nhiều màu, có vẻ đẹp quý phái, nhưng bừng nở không quá vài giờ là tàn phai nhan sắc. Hoa Cốt-mốt, cũng rực rỡ, sống tự nhiên, nếu cắt cắm vào lọ là héo xàu trong chốc lác. Hoa Xu -xi cánh đơn, màu vàng nhạt, chẳng có gì đáng gọi là hoa “Bâng khuâng” cả, người trồng hoa, làm vườn gọi nó là Cúc Nhật có lẽ hay hơn. Hoa Păng-xê, thuộc họ Lan, trong tự điển tiếng Việt gọi là Tử la lan, phớt hồng, cánh hoa e ấp, vì thế được mang tên hoa “Tương tư” như những người trong tâm trạng mơ mộng, bời bời nhớ thương nhau. Hoa Đỗ quyên, cánh đơn, màu đỏ pha vàng, lâu tàn. Còn Mimôza, vào cuối Đông sang Xuân, nở vàng khắp các lối đi, luôn làm du khách đắm đuối. Còn muốn thưởng ngoạn, say đắm mùa hoa Anh đào thì phải vào mùa Giáng Sinh, kéo dài đến Tết âm lịch, sang Xuân mới cảm nhận hết vẻ đẹp của loài hoa cũng là tên của xứ sở này - Xứ hoa Đào.

Ở Đà Lạt có rất nhiều trại hoa lớn nhỏ. Đi vào thế giới hoa, mà tên gọi của mỗi loài hoa có tiếng Việt, La tinh, chữ Nôm, chữ Nho, Anh, Pháp, Nhật ... khó mà nhớ hết được. Tỉ như hoa Cô-cơ-li-cơ, còn gọi là hoa Nha phiến, người Tàu thì gọi là Mỹ nhân thảo (cây người đẹp). Hoa Giê-ra-mi-um, hay để trên thành cửa sổ, treo ở bờ tường, gọi nôm na là hoa Tai tượng, lại có tên khác khá gợi cảm hoa Phong lữ thảo (phất phơ trong gió)...

3. Chơi hoa biết luỵ vì hoa.

Chơi hoa, ngắm hoa, thưởng thức sự lộng lẫy, kiêu sa hay u buồn, uẩn khúc của hoa tưởng cũng nên biết đôi chút về sự khổ công của người chăm chút nó như cây Trà my, trồng hàng chục năm mới cao được 1 đến 1,5 mét. Cây Thông xà, vừa mắt, phải mất 15 đến 20 năm mới toả ngọn. Cây Hồng vàng, bên Châu Âu thuộc loại được yêu quí, gọi nó là Giô- sếp-phin (Joséphin) nữ hoàng thời Pi-e đại đế Nga, ở ta có giá, nhưng nhiều người chê, vì hoa hay cụp cánh. Hoa Hồng bạch được dùng cho cô dâu trong lễ cưới. Hoa Hồng phấn, lại khoác tên Gra Mô-na-cô, màu áo của nữ hoàng tiểu vương quốc Bắc Phi. Rồi có loại Hồng BB, mang tên nữ tài tử điện ảnh lừng danh Pháp, Bri-gít Bác-đô.

Ở ta có bốn loại hoa được dùng phổ biến là Hồng, Cúc, Lay-ơn và Cẩm chướng, dễ trồng lại có nhiều màu để chọn. Hồng bụ bẩm, cành cứng, nở cánh to là tốt nhất. Hoa Thu hải đường, loại Bê-gô-ni-a Rex của Ý, lá có đốm phủ lớp lông tơ mịn như tuyết rất đẹp, lại đổi màu, nắng lên thì lá thắm, rồi huyết dụ, mưa thì lá tím, hoa có ba khía và nhiều màu.

Còn Lan, khó mà kể tên, màu, cành, lá. Lan chỉ có hai loài là nuôi treo trên cành cây, dưới giàn, dọc tường, ký sinh vào các cây cổ thụ và loại trồng trong đất (địa lan), đều gọi là Phong lan. Hàng triệu triệu người trên thế giới từ trước đến nay chơi Lan, đều bị vẻ đẹp và sự quyến rũ hào hoa, sang trọng của nó mê hoặc, bởi nó sống lâu, da dạng về màu sắc, hương thơm thầm kín, dịu êm.

Ông Thanh Minh, một chủ trại hoa cạnh chân đồi Cù Đà Lạt, có trên 400 loại hoa Lan, chỉ cho tôi xem một chùm Cẩm báo có màu vàng nhạt lốm đốm nâu toả ra mùi thơm như gỗ trầm; gần đấy là mấy chục giò Giáng hương sực nức mùi hoa dủ dẻ. Ông bảo, ở cao nguyên này còn nhiều tập đoàn Phong lan, chúng ta chưa được biết đến như loài Đổ quyên trên dãy Lang Bian cao 2.200 mét, lá cứng bông sây, có màu nâu rất lạ. Ở Châu Âu, ngay như bên chân tháp Ép-phen (Pháp) trồng toàn Đổ quyên, hoa rực rỡ quanh năm. Còn cây Hồng tràm, có người gọi là Khuynh diệp, có dáng liễu rũ, ra hoa bốn mùa. Loại đẹp hiếm, như trước đây ở biệt thự ông Trần Trung Dung (Bộ trưởng Bộ ngoại giao thời Ngô Đình Diệm) có duy nhất cây Lan mang tên Jade Wine (cây Móng hổ), hoặc cây Muguet (Linh lan) chỉ dành cho giới thượng lưu, các bà các cô quý phái chơi Lan nâng niu.

Tôi đặc biệt sững sờ trước ao hoa Súng của ông Minh, vì từ trước tới nay tôi chỉ thấy có hoa Súng tím, còn đây là Súng hồng, tím, trắng, mỡ gà. Tôi chợt nhớ nhà báo Phan Quang có nhắc lại mấy câu thơ của Chế Lan Viên (trong một bài viết của ông):

 Sáng nay ra đường gặp ai?

Gặp đóa hoa Súng hồng

Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy!

Rất tiếc, đến Đà Lạt lần này chưa có dịp diện kiến người kỹ sư già Lương Văn Sáu, một chuyên gia về hoa, người đầu tiên trực tiếp tham gia kiến lập Công viên hoa Đà Lạt và suốt đời tìm kiếm những loài hoa lạ cho thành phố này. Có những cây như Chuông vàng (Sò cam), mỗi chùm hoa từ 40 đến 50 bông hình quả chuông nở suốt bốn mùa, nghe đâu chỉ còn được 3 cây ở Đà Lạt, Trảng Bom và Thảo cầm viên (Sài Gòn); cây Đậu tía, hoa có hai màu xanh, trắng và rất thơm có nguồn gốc từ Đài Loan, cây hoa Vông kê, ở cổng Khách sạn Palace, gốc Trung Đông và Châu Úc, khi mùa Xuân về hoa nở bung, theo gió bay trắng xoá như tuyết.

4.

Ai lên xứ hoa Đào, đối với tôi chỉ là dịp “cỡi ngựa xem hoa.”. Dễ gì một người trần mắt thịt như tôi mà dám sành sỏi, am hiểu được “thiên đường hoa Đà Lạt”. Có chăng tôi và các bạn tôi chỉ biết lần theo đường hoa ngắm nhìn rồi ồ lên đôi tiếng thô mộc “Đẹp quá, lạ quá!”, rồi hát vu vơ đứt quãng ca khúc trữ tình bất hủ của Hoàng Nguyên để ngập ngụa trong hoa với chút kỷ niệm một lần trở lại, và không thể

Ai lên xứ hoa Đào, đừng quên mang về một cành hoa./.

 
 Hạ Đông 2008              
HOÀNG HƯƠNG VIỆT