Pháo hoa & kí ức sông Hàn
29.04.2009
Bút ký
Nếu cái đẹp là phẩm chất thẩm mĩ góp cho đời sống những phút giây thăng hoa,réo gọi mọi cảm xúc, hoặc giả gợi mở vô vàn những giấc mơ, thì những đêm tưng bừng cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng đã gieo cấy được vào tâm hồn của người thưởng ngoạn những hiệu quả thẩm mĩ như thế. Tôi gọi những đêm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời thành phố sông Hàn là đêm mưa ánh sáng và sắc màu, dìu dặt theo từng giai điệu âm nhạc quyến rũ đã làm xao xuyến hàng nghìn, hàng vạn trái tim của người thưởng ngoạn.
Khúc dạo
Từ vài năm nay,giới chức lãnh đạo và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã đưa ra một sáng kiến độc đáo : Tổ chức thi bắn pháo hoa Quốc tế tại Đà Nẵng. Vào những ngày tháng 3 năm 2009 này, Đà Nẵng đầy ắp những lễ hội và sự kiện lịch sử : Lễ hội Quán Thế Âm tại quận Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Đình làng tại quận Hải Châu, Lễ khánh thành tôn tạo di tích lịch sử (nhà thờ) Thoại Ngọc Hầu tại quận Sơn Trà, Kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng Đà Nẵng. Và dường như đỉnh của những âm vang ấy là “Âm vang sông Hàn” - chủ đề của cuộc thi bắn pháo hoa được tổ chức ngay trên khu vực cảng sông Hàn vào các đêm 27 và 28 tháng 3. Đông đủ những anh tài quốc tế góp mặt theo đúng kịch bản dàn dựng: Đội Pirotecnia Zamorano Caballer S.A đến từ Tây Ban Nha, Đội Dragon Fireworks Incorporated đến từ Philippines, Đội Liuyang Dancing đến từ Trung Quốc, Đội Howarrd & Sons Pyrotechnicss Displays đến từ Australia và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Đây mới là lần thứ hai Đà Nẵng tổ chức sự kiện nổi bật tầm cỡ quốc tế - Một Festival pháo hoa vừa lạ lẫm vừa qui mô, tưởng như còn chưa quen tay, còn bỡ ngỡ, vậy mà từ kịch bản đến tổ chức thực hiện hầu như tròn trịa kín kẽ, dẫu rằng đâu đó ý kiến từ Ban tổ chức vẫn khiêm tốn cho rằng: còn nằm trong vòng thử nghiệm, trước khi định vị sáng danh một thương hiệu.
Mới là những bước đi thử nghiệm, thế nhưng con số tạm thống kê, theo sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có trên 5 vạn lượt khách du lịch ở khắp nơi trong nước cùng với độ 2000 du khách quốc tế đổ về Đà Nẵng thưởng thức pháo hoa. Đó là chưa tính đến số người đông đến ngẹt thở ở các vùng lân cận thuộc hàng xóm láng giềng của Đà Nẵng như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, chờ sắp đến đêm khai mạc mới điệp trùng mô tô xe máy nối đuôi nhau kéo về Đà Nẵng. Những người khách láng giềng này cùng với người dân địa phương tại Đà Nẵng, trở thành đội quân diễu hành huyên náo nhất trên các đường phố kề cận bên hai bờ công viên ven sông Hàn. Đông đúc là vậy, nhưng từ an ninh trật tự đến an toàn giao thông đã được đảm bảo một cách tuyệt đối suốt quá trình diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa. Có thể nói, công tác giữ gìn an ninh trật tự và cả vệ sinh môi trường nữa, đã gieo được niềm tin và thiện cảm trong lòng du khách đến với Đà Nẵng. Đây cũng là tiếng nói có sức thuyết phục mời gọi du khách, góp phần vào sự thành công có tính bền vững trong việc quãng bá thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng.
Nốt thăng
Tuyệt vời! Hay là còn trên cả tuyệt vời! Đấy là những thanh âm vỡ ra từ cao trào của mỗi nguồn cảm xúc. Hoặc là ai đó bỗng ngẫu hứng véo von ý thơ của Chế Lan Viên bằng cách gọi tên thành phố thân yêu của mình:- Đà Nẵng “có bao giờ đẹp như thế này chăng”. Dường như cái trạng huống tâm thế ấy không của riêng ai. Nó trở thành một cộng hưởng hoan lạc của tất cả vạn con người say sưa thưởng thức những màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục suốt cả hai đêm liền. Cho dù đêm thứ hai, trước giờ biểu diễn của Đội pháo hoa Trung Quốc, khán giả phải mặc áo mưa, đội dù ngồi chờ mưa tạnh suốt cả hàng tiếng đồng hồ. Tôi đã không chọn lựa cho mình một vị trí nào khá tốt để được quan sát trọn vẹn hết những vẻ đẹp của từng đội bắn pháo hoa biểu diễn. Hình như những lúc thơ mơ giữa cái triều biển người trẫy hội ấy, tôi đã bắt gặp cả những thứ pháo hoa sinh thành từ những con mắt đẹp ngước lên bầu trời tung bay những giấc mơ và khát vọng. Có thể đấy là màu sắc của sự hồn nhiên trong con mắt trẻ thơ nhưng cũng có thể là màu sắc nồng cháy đam mê và tình yêu trong từng ánh mắt. Hình như tắm táp dưới cơn mưa pháo hoa trên dòng sông Hàn ảo hoá, trí tưởng con người trở nên giàu có hơn, lung linh hơn! Những chùm ánh sáng nhuộm đủ các màu sắc lấp lánh réo gọi sức tưởng tượng lãng du cùng với những vì sao. Những chùm pháo hoa toả ra các hình dáng thác đổ, chim bay, liễu rũ... Hoặc siêu hình hơn, còn có những thiên thần xõa tóc thành những giang hà, những sông Ngân huyền hoặc cám dỗ con mắt lứa đôi hướng ánh nhìn về vô tận. Không có chỗ cho bất cứ ai tùy hứng thả bàn chân lang thang theo tiếng guitar cổ điển đầy sức quyến rũ của những nghệ sĩ xứ bò tót, hay rộn rả réo rắt, âm hưởng mê hoặc sắc màu truyền thuyết bất tử “Tự do cho tình yêu” của những người bạn Trung Quốc láng giềng. Có thể vì thế mà tiếng reo hò như xổ tung từ những lồng ngực cho tâm hồn của tất cả thỏa sức tung bay giữa bầu trời cao rộng. Diễn dịch ra như thế để thấy ý nghĩa nhân văn mới là cái đẹp lung linh tiềm ẩn gìn giữ trong tâm thức con người, từ đấy mà sinh thành tình yêu, thành khát vọng ươm mầm cho các sinh hoạt lễ hội. Hay nói một cách khác, hội hè hay những Festival được mở ra, không chỉ đơn giản là quãng bá thương hiệu cho đất, mà còn là sự bồi bổ thực đơn văn hóa, những món ăn tinh thần giàu chất dinh dưỡng, để từ đó lên xanh bát ngát cây đời. Như là diệu lực của một phóng nhiệm, tôi đi tìm cái đẹp của âm thanh hòa tan vào màu sắc pháo hoa, hòa tan vào hàng trăm hàng nghìn con mắt đẹp, hòa tan vào con sông Hàn siêu thực bồng bềnh những linh hồn nhỏ hồng hào ánh hoa đăng. “Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại” ! Câu nói có sức vang vọng xuyên thủng mọi vách tường thời gian của Dostoievsky, không chỉ là một ý niệm hướng tới siêu việt, mà trong chừng mực nào đó, ta có thể hiểu một cách gần gũi hơn, rằng từ cái đẹp đó, có thể mang những thông điệp vui tươi thanh bình vỗ yên mọi tâm hồn, mang đến cho chúng ta sự sẻ chia thanh thản, vun đắp những tình yêu và mở cửa mọi lồng ngực cho những giấc mơ tự do tung cánh. Một ý nghĩa như vậy, liệu có ấp ủ trong những đêm hội pháo hoa như thế này chăng. Trả lời tôi hay là gió đưa âm nhạc Đình Thậm - bạn tôi, từ phía bờ Tây - sông Hàn mênh mang theo nhịp sóng như tiếng ru hời “Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”…
Quãng lặng
Các giải thưởng cuộc thi pháo hoa quốc tế rồi đến lúc được công bố. Đội Liuyang Dancing của Trung Quốc đã đoạt giải nhất một cách thuyết phục. Giải nhì thuộc về đội của Tây Ban Nha, giải ba thuộc về đội của Australia , đồng giải khuyến khích là hai đội của Philippines và Đà Nẵng(Việt Nam ). Quả đúng như lời hứa hẹn của đội Trung Quốc trước cuộc thi: “- Pháo hoa dự thi của đội Trung Quốc sẽ đẹp lộng lẫy không kém sự biểu diễn pháo hoa như ở Olympic Bắc Kinh 2008”. Vâng, mỗi người mỗi hoa, mỗi hương sắc, suy cho cùng bất cứ sự thành công nào, hiểu theo nghĩa thường nghiệm là tập hợp được tất thảy mọi cung bậc. Và vì thế phần thưởng cao nhất hơn mọi phần thưởng, ấy là tình yêu công chúng trao cho các đội tham dự giải, cho cả những người thai nghén và tổ chức ra sự kiện. Không sao chép mòn nhẵn, không rập khuôn theo những cung cách cũ càng của các lễ hội, thậm chí có nơi còn đồng bóng vẽ vời tạo nên sự phản cảm, Đà Nẵng đã xây dựng được hình ảnh độc đáo của mình trong mắt người muôn phương. Nghĩa là một nét rất riêng, một cái đẹp hoàn toàn mới mà người ta không thể tìm thấy ở những nơi khác. Không biết có phải vì sự lạ hóa này đã tạo ra những cảm xúc mới mẻ, mà ông Rusty Johnson (đội pháo hoa của Australia) đã bày tỏ tình cảm của mình cùng cánh phóng viên rằng: ông sẽ sớm trở lại viếng thăm và rong chơi với Đà Nẵng. Hy vọng lời của Rusty Johnson còn là lời của nhiều người bạn khác. Còn tôi, tôi không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần, sau bế mạc cuộc hội pháo hoa, chạy xe chầm chậm lang thang dọc theo các con đường bờ Đông rồi vòng qua bờ Tây sông Hàn. Cho mãi đến đêm hôm sau tôi vẫn còn chở một bạn từ quê ra Đà Nẵng đi lòng vòng một cách không địa chỉ như thế. Hình như cái quãng lặng sau những náo động hội hè đã cám dỗ, đã lên tiếng gọi câm thúc giục những bước đi vô thức như thế. Có nhiều lúc ngừng xe lại, ra ngồi trên ghế đá công viên ngắm sông khuya. Ngớ ngẩn, nuối tiếc hay là gì tôi không rõ, nhưng có một điều tôi chắc rằng, con sông Hàn kể từ sau những đêm hội pháo hoa ấy, đã ấp ủ trong lòng nó thêm một ký ức. Hễ nhắm mắt lại nhìn, là tôi có thể thấy vô vàn màu sắc pháo hoa xếp hình thác đổ, từ bầu trời xối xả tuôn như trút từng cơn mưa hoa xuống sông Hàn!
NGUYỄN NHÃ NHIÊN
Bài viết khác cùng số
Những mẩu chuyện về Bác HồPháo hoa & kí ức sông HànSức sống mới của người dân Đà NẵngHồn trầmNgười con gái sông TrườngÚt SươngAi lên xứ hoa đào...Cha con lão HoạchNgười đi tìm thuốc trường sanhThay mùaGặp gỡNgày xuân đọc tiểu thanh ký nhớ Nguyễn DuGửi Trương ChiCầu Rồng bayBuốt bỏngAi kiaTỉnh thức trong đêmVô đềChợt nhớBăng giáMùa cỏBên chiều tháng baBắc NinhNhà thơ CAO HỮU THANHSáng mãi sao Khuê buổi sớmTập thơ "Ta đi tìm ta" của Đào Quang ĐợiTinh hoa thơ ViệtĐàm Thùy Dương và những trang viết đầu tayMọi tác phẩm văn học đều dang dở - Nguyễn Thanh TuấnNhững họa tiết hoa văn trong điêu khắc ChămNghe thấy màuMột tài năng âm nhạc thời kháng chiến chống PhápBữa cơm chiều trong dinh Độc LậpGiá trị nghệ thuật của hát Bả Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam