UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY

04.09.2012

UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY

(Đọc "Uẩn khúc Truông Bò” - Tiểu thuyết Đỗ Xuân Đồng, Nxb Hội Nhà văn - 2012)

Là cuốn văn xuôi thứ ba sau Cây dừng thiêng (tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng 2008, Nxb Quân đội nhân dân tái bản 2008) và Hạnh phúc của con cá rô đồng (truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn 2010) gây ấn tượng trong lòng bạn đọc, đoạt các Giải thưởng VHNT của LH các Hội VHNT TP Đà Nẵng và Giải thưởng VHNT UBND TP Đà Nẵng lần thứ II (2005 - 2010), Đỗ Xuân Đồng đã thể hiện một thế mạnh về văn rất đáng ghi nhận của anh sau khi anh đã tỏ rõ niềm đam mê văn chương và một bản năng thơ tinh tế với 6 tập thơ và trường ca đã xuất bản từ năm 1996 đến nay, trong đó hai tập Bập bẹ (thơ thiếu nhi) và Cát trở dạ (trường ca) đã đoạt các giải thưởng VHNT của Nhà xuất bản Đà Nằng 1999 và UBND TP Đà Nẵng lần thứ nhất (1998 – 2000).

Tiếp tục nguồn cảm hứng chủ đạo với đề tài chiến tranh cách mạng từ nơi quê nghèo Ngọc Mỹ (Quảng Nam) của mình, chung thủy trong sự gắn bó gan ruột với từng vùng đất, từng con người, từng giá trị văn hóa trong các truyền thuyết dân gian, Uẩn khúc Truông Bò dẫn dắt người đọc đi miên man từ quá khứ đến hiện tại, từ chiến tranh đến hòa bình, từ tình yêu đến thân phận con người trong bao nhiêu biến động, thử thách, trong những tột cùng nỗi đau và hạnh phúc, trong dồn nén những yêu thương, trăn trở, chiêm nghiệm... suốt 341 trang sách được chia thành 6 chương mà mỗi tên gọi đã chứa đựng những nội dung được dồn nén tối đa: Lối rẽ, Chập chững, Nỗi đau thời gian, Đau đáu kiếp người, Mùi hương đắng, Thời gian không muộn.

Mở đầu và kết thúc câu chuyện, Đỗ Xuân Đồng đã khá gọn và chắc khi sử dụng một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc: hồi ức đan xen hiện tại, cho toàn bộ nội dung câu chuyện trải dài suốt gần 30 năm chiến tranh và hòa bình tái hiện chân thực, sinh động trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính Tư Hòa khi ông đang trải qua những giờ phút cuối đời trên giường bệnh tại đảo quốc Singapore xa lạ. Tư Hòa - người con đất Truông Bò nghèo khổ này mang đầy đủ những tính cách tiêu biểu, có một số phận rất đặc trưng có thể đại diện cho một thế hệ người Đất Quảng trong chiến tranh: Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở một miền quê hẻo lánh nghèo khó, tuổi ấu thơ theo ghe bầu làm cu ly để có cơ hội theo học trung học, vừa học vừa tham gia phong trào sinh viên - học sinh yêu nước, đóng vai con một nhà tư sản để ra thành phố học và hoạt động đến khi cơ sở bị tan rã, thoát ly lên núi chiến đấu và bị thương, bị bắt, được thả lại tiếp tục chiến đấu rồi được đưa ra Bắc học tập. Sau hòa bình, với bản tính của người xứ Quảng và người lính sống chết đã từng, Tư Hòa lại đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ cơ hội cho đến khi gục ngã vì bệnh mà lòng còn mang bao "uẩn khúc chưa được thời gian giải mã”. Qua cuộc đời Tư Hòa, người đọc có thể nhận ra một giai đoạn lịch sử đầy biến động với những nét tráng ca và bi kịch đã diễn ra dồn dập, đan xen, lồng vào nhau để toát lên những gì tác giả muốn khắc họa: chân dung chân thực và đầy đủ nhất những con người xứ Quảng, vùng đất xứ Quảng như cây kơnia kiên dũng vươn thẳng lên trời giữa bao khốc liệt của chiến tranh và "yên ấm” trong hòa bình, vẫn xanh ngời tình yêu và sức sống mãnh liệt sau bao biến động của dòng chảy lịch sử.

Lấy không gian và thời gian chiến tranh làm bối cảnh chủ đạo, Uẩn khúc Truông Bò như một cuốn phim sinh động được gắn kết với nhau mạch lạc. Ở đó, có đầy đủ những cảnh huống của chiến tranh (tàn khốc, man rợ, thủ đoạn, phản bội, đau thương, anh hùng…) Nhưng hình như đó chưa phải là những điều cốt lõi mà ngòi bút Đỗ Xuân Đồng muốn đề cập đến. Phía sau khuôn mặt của chiến tranh là những điều thiêng liêng muôn thuở của cuộc đời: tình yêu con người, tinh thần vị tha nhân văn của con người - nguồn cội và là cái neo giữ cho cuộc sống tiếp tục vươn lên tươi đẹp hơn trong vô vàn thử thách khắc nghiệt của bom đạn, của uẩn khúc thời gian và cuộc đời. Uẩn khúc Truông Bò, dù trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, vẫn toát lên một tình yêu lãng mạn đầy tinh thần dâng hiến "rất người” làm nền cho tác phẩm: tình yêu của Bình dành cho Tư Hòa giữa cảnh đạn bom trong đêm gặp lại nhau ở bệnh viện Trường Sơn; tình mẫu tử thiêng liêng, sự hy sinh thầm lặng của Bình - Lệ Hòa dành cho con gái mình; tình đồng đội - cha con tri kỷ, tâm đắc giữa ông Mười và Tư Hòa; tình bạn đồng môn, bạn chiến đấu gắn bó thân thiết giữa Quang và Tư Hòa... và sau này là tình yêu có ẩn ý gợi mở sâu xa giữa chàng trai người Mỹ tên John và bác sĩ An - vốn là con trai và con gái của những người cha từng đối đầu nhau ở hai chiến tuyến…cứ bàng bạc qua từng trang viết và xuyên suốt tác phẩm. Đó là những yếu tố làm mềm hóa đi sự xơ cứng, ác liệt của chiến tranh. Và cũng chính những yếu tố này đã nhen nhóm lên ngọn lửa của niềm tin yêu, hy vọng vào cuộc sống mà các nhân vật luôn trăn trở hướng tới. Tác giả đã dành những ngôn từ đẹp nhất, nhiều chất thơ nhất cho những trang viết về tình yêu với suy nghĩ: "Phải chăng, trong sự khốc liệt của chiến tranh, tình yêu vẫn thổn thức, vẫn đắm say, mầm sống vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn âm thầm đâm chồi. kết trái? " (tr 98). Ngay cả sự dằn vặt, mâu thuẫn giữa lòng yêu thương và sự căm ghét của Tư Hòa đối với ông cậu ruột uy quyền, đầy cá tính, một Chi khu trưởng cảnh sát ác ôn hay tình bạn đồng môn giữa ông Trưởng ban an ninh Khu Giải phóng và ngài Tỉnh trưởng ngụy quyền cũng là những nét rất người, rất nên thông cảm và cũng dễ hiểu đối với những ai từng sống trong xã hội miền Nam hỗn loạn lúc bấy giờ.

Không chỉ đề cao, ca ngợi tình yêu, Đỗ Xuân Đồng đã mạnh dạn biện minh cho quan hệ "bản năng” của con người vốn luôn bị kiêng kỵ, ức chế trong chiến tranh, khi anh sử dụng những ngôn từ thơ mộng và nồng nàn để viết về đêm hòa thân mê đắm tột cùng giữa Tư Hòa và Bình. Cũng rất độc đáo khi anh cho một cán bộ Mặt trận Giải phóng kỳ cựu như ông Mười có cách ứng xử rất lạ, rất liều khi đồng thuận để người bạn chiến đấu lén đi gặp người yêu của mình trong chuyến công tác bị địch phục kích. Cuộc gặp diễn ra chớp nhoáng "Không biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Mình thì đứng canh chừng cho lão, nghe tiếng rên khe khẽ làm mình cứ nao nao...” (tr 126) đã để lại cho người bạn ông một đứa con sau khi hy sinh cũng trong đêm đó... để rồi sau này, khi gặp lại người con gái ấy (Hồng Hạnh), ông Mười càng thấm thía hơn đạo lý, nhân nghĩa làm người và muốn "truyền lại cho con cháu” mai sau (tr 300).

Trong Uẩn khúc Truông Bò, Đỗ Xuân Đồng đã cố gắng phản ánh cái hiện thực ngồn ngộn của một giai đoạn lịch sử trên quê hương mình và đã xây dựng nên một hệ thống nhân vật phong phú, có tính cách riêng, không lẫn lộn: ngoài nhân vật chính Tư Hòa, các cán bộ cựu trào Việt Minh như ông Mười, giới trí thức tư sản yêu nước như bố mẹ Thuận, sinh viên học sinh như Quang, Bình, Thi, Thùy Mai, Hai Chỉnh, sĩ quan chế độ cũ như Tỉnh trưởng, Chi khu trưởng cảnh sát, lính Mỹ viễn chinh như Thomas, Robert, những nhân vật trong hòa bình như John, bác sĩ An... Nhiều vấn đề sau chiến tranh cũng được tác giả khéo léo đề cập đến như việc sử dụng cán bộ lưu dung chế độ cũ và mối quan hệ của họ với những cán bộ từ Bắc về; việc học hỏi kiên trì trong chiến tranh để chuẩn bị cho cuộc sống hòa bình của Tư Hòa, Năm Dớn...; cuộc đấu tranh giữa Tư Hòa và Giám đốc Hai Giởn lươn lẹo cơ hội, dã tâm ở phần cuối cuốn sách cũng gợi mở rất nhiều vấn đề để người đọc suy ngẫm...

Uẩn khúc Truông Bò còn có sự cuốn hút người đọc bởi chính tình yêu đất nước, quê hương được tác giả tinh tế lồng vào những nhân vật của mình. Đoạn đối thoại giữa ông Mười và Quang về "chống xâm lược”: "Yêu nước có nhiều cách, nhưng Tổ quốc chỉ có một!” hay đoạn kể của Năm Dớn với Tư Hòa về biên giới làm người đọc cảm thấy xót xa về sự tàn phá thiên nhiên của con người. Sự khéo dẫn chuyện để minh chứng cho tình yêu đất nước như một "bản năng sống” của những con người "quê mùa” ở "sơn cùng thủy tận”, gắn liền với đất: "Khi gặp các anh bộ đội biên phòng, ông nhà báo hỏi: "Làm cách nào để các anh biết được biên giới?”. Anh chỉ huy trả lời: "Cột mốc! Chỉ có cột mốc thôi anh ạ!”. Ông nhà báo hỏi tiếp: "Thế, những nơi không có cột mốc thì sao?”. Im lặng. Cười. Đoàn chúng tôi đi tiếp và gặp một cô gái người dân tộc - dân bản địa đi hái măng rừng. Ông nhà báo cũng hỏi cô gái câu hỏi ấy. Cô gái không cần suy nghĩ, trả lời ngay: "Em nhận ra nó từ mỗi bước chân, từ cái mùi đất, mùi không khí ở đây anh ạ” (tr 257). Người đọc có thể bắt gặp những tình tiết, những chiêm nghiệm, triết lý sâu và thú vị như vậy ở nhiều trang viết trong tác phẩm.

Uẩn khúc Truông Bò – đó chính là uẩn khúc của thời gian và đời người. Xuyên suốt tác phẩm, Đỗ Xuân Đồng đã có những trang viết thành công, trung thực với lối dẫn chuyện tự nhiên, không khiên cưỡng, gò bó mà lại gây được sự bất ngờ thú vị cuốn hút người đọc. Những trang viết của anh chân thành với quan điểm nghệ thuật mà anh đã để cho một nhân vật tuyên ngôn thay mình: "Những nhà văn chân chính bao giờ cũng là sứ giả của tình yêu và thiện chí” (tr 52), với quan niệm về cuộc sống: "Hãy sống với tư thế đích thực của một Con Người, dù Thời gian có muôn điều trắc ẩn và uẩn khúc!” (tr 296) trên tinh thần nhân văn sâu rộng "Con người, dù ở thế giới nào rồi cũng sẽ đến với nhau” (tr 226). Khép lại cuốn sách, bạn đọc có thể tin được những điều ấy ở anh...

Đà Nẵng tháng 7- 2012

N.K.H

Bài viết khác cùng số

GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNGTản mạn về sông - NGUYỄN VĂN TÁMNHỚ MẸ - HỒ DUY LỆĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ MÂY BIÊN GIỚI;TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM; NHỚ DÂN - LƯU TRÙNG DƯƠNGMột dòng thác Khôn; Phu Khẹt - NGÂN VỊNHThác Phapheng; Vạt Phu -LÊ ANH DŨNGSáng tác trẻ: Viết trong căn phòng thơm mùi gỗ mới - Nguyễn Quốc VIệtTìm em gội giấc mơ vàng; Em cũng tình cờ; Rưng rưng- DUNG THỊ VÂNVừa - NGUYỄN KIM HOÀNG NHƯ GIÓ LẺ - PHỤNG LAMĐÊM HÀ THÀNH THÁNG TƯ - PHÚ THIỆNANH ĐÂU - CẨM LỆKhi người nắm bàn tay - LÊ THANH MY VỀ BẰNG AN; THĂM MỘ NGUYỄN DU - TRẦN VĂN THỌGỬI TRƯỜNG SA - NGUYỄN BỘI NHIÊNCON TỔ QUỐC - NGUYỄN HOATỔ QUỐC VINH QUANG LÀ BIỂN RỘNG TRƯỚC MUI THUYỀN - LÊ ANH PHONG Mùa gọi ; Thông và đời - NGUYỄN HỒNG VINHBÀI CHÒI - Nhà nghiên cứu TRẦN HỒNG UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh - T.S NGUYỄN THỊ THU TRANGHÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆCÓ MỘT “CHÚ ẾCH CON”….GIÀ NHẤT NƯỚC VIỆT NAM - THU HƯỜNGPHẠM THIÊN THƯ – NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN - TRƯƠNG VĂN KHOABẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀNGHI Ở CHIẾN TRƯỜNG C (Lưu Trùng Dương, NXB Đà Nẵng, 2012)SÁCH MỚI: Cảm thụ và tư duy văn học(Nguyễn Thuận, NXB Văn học, 2012)NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANGCA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH