HÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆ

04.09.2012

HÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆ

Audio CD "Hành khúc ngày bình yên” của Trần Bắc Hải

1.

Trong buổi café với những người bạn, một nhạc sĩ đã tặng tôi CD Hành khúc ngày bình yên và bảo "của một người ở xa, thử nghe xem sao nhé”. Tôi cầm CD trên tay ngắm nghía. Bìa 1, một bức tranh nhẹ nhàng: chỉ có chiếc nón lá và chiếc nón cối có đính huy hiệu sao vàng đặt gối vào nhau trên vạt cỏ xanh, xa mờ phía sau là dãy núi chập chùng sương mù, không có bóng người… Nét vẽ nhẹ nhàng mộc mạc chân phương ấy đã phát thảo những giây phút bình yên trong chuỗi ngày máu lửa, gợi lên bao câu chuyện tình lãng mạn nhưng sâu sắc của một thời chiến tranh.

Tôi lật bìa sau và lướt qua danh mục bài hát: Về lại rừng xưa, Hành khúc ngày bình yên, Đò lên Thạch Hãn, Vết thương, Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh, Hải đội Hoàng Sa… Những tựa đề đã khơi niềm xúc động. Giữa thời đại @, trong khi mọi người quay cuồng hối hả làm kinh tế, so đo đong đếm những được mất thời hội nhập mà tác giả Trần Bắc Hải – một cái tên lạ lẫm - lại chắt chiu gom nhặt những bài thơ cùng những câu chuyện đã lùi vào quá khứ vài mươi năm (mà người trong cuộc có khi giờ đã quên đi vì sự lẩm cẩm của tuổi tác) và vun vén cho những ca khúc viết về những anh hùng liệt sĩ – quả là một điều đáng trân trọng. Dòng chữ chùm ca khúc về những hy sinh có tên và không tên cho quê hương hôm nay bình yên - lời giới thiệu ở trang bìa CD "Hành khúc ngày bình yênđã nói lên tấm lòng của tác giả.

2.

Tôi bỏ CD vào ổ đĩa, không chỉ nghe 1 lần, mà mở lại lần 2, lần 3... để lắng nghe từng lời ca, từng giai điệu. Với tôi, ca từ chính là linh hồn của một ca khúc, nếu được chuyển tải bởi một giai điệu đẹp thì ca khúc ấy mới thăng hoa và đi vào lòng người. Cả 11 bài hát đều rất mới mẻ, trừ bài Đò lên Thạch Hãn tôi đã được nghe trên làn sóng FM đài phát thanh TPHCM. Mỗi bài hát có một giai điệu, một tiết tấu tạo nên sắc thái biểu cảm riêng, nhưng đã được sắp xếp và đan kết hài hòa làm thành một chuỗi cung bậc đi từ réo rắt đến trầm hùng, vui tươi đến lắng đọng, nêu lên lòng thương tiếc và kính trọng rất thiêng liêng đối với những người anh hùng đã ngả xuống - những hy sinh có tên và không tên cho quê hương hôm nay bình yên.

- …Đất chiến trường đạn bom như lá. Tuổi thanh xuân ai đã qua đây

Thân nằm xuống nhớ luống cày. Ngày ra đi chưa kịp reo cho mắt ai còn theo (à há)

Suối vẫn trong đầu nguồn rừng xưa. Suối vẫn trong đầu nguồn rừng xưa

…Tóc bạc đùa thời gian như gió. Còn tình yêu ta có với nhau

Sương lạnh xuống trắng mái đầu. Ngược thời gian đi tìm nhau ai vẫn nơi rừng sâu (à há)

Suối vẫn trong đầu nguồn rừng xưa. Suối vẫn trong đầu nguồn rừng xưa…

("Về lại rừng xưa” - nhạc và lời của Trần Bắc Hải)

Tôi không chỉ thích giọng ca trong trẻo của Trang Nhung qua những luyến láy mang âm hưởng dân ca Tây Bắc ở các đoạn phiên khúc mà còn rất thích câu điệp khúc "Suối vẫn trong đầu nguồn rừng xưa…” phần đệm của tốp nam - như một câu kết súc tích trong bài viết.

- Làng quê tôi chiều bình yên màu lá xanh xanh bao đời như tóc người ngày ra đi …

Tóc xanh đi mãi lưng trời. Để lại tóc bạc cho người vọng phu…

Tóc xanh 18 xuân ngời. Để lại bình yên một khúc quân hành…

Bài hát "Hành khúc ngày bình yên” (nhạc và lời của Trần Bắc Hải) với nhịp đi mạnh mẽ thúc giục lòng người đã được chọn làm tên CD đã tạo một dấu ấn đẹp.

- Xe tôi đợi thông đường nép dưới bụi tre gai,

- Tên tuổi nhau chúng mình chưa kịp hỏi,

- Bàn tay em níu vai tôi tin cậy,

- Bàn tay vuốt mắt bạn chiều nay!

- Thương vội vàng chẳng ai nỡ tiếc nhau,

- Nụ hôn thời chiến tranh nửa ngọt ngào, nửa đắng,

- Phút hòa nhập diệu kì hai mảnh đời trong trắng,

- Rừng chuyển gió ngả nghiêng, sao băng vạch ngang trời.


Anh vừa 20. Em chắc cũng 20

Dãy đồi ấy tên gì? Cánh rừng bao nhiêu tuổi?

Tóc mình giữ cỏ mềm. Nước mắt mình nóng hổi

Nửa đêm thông đường tay đành gỡ tay nhau

Trong bài "Chuyện tình không tên” (thơ Nguyễn Thái Sơn), các đoạn nhạc với nhịp điệu khoan nhặt và không trở về chủ âm - cứ như dòng suối róc rách miên man cuốn theo tiếng guitar réo rắt. Tiếng hát ca sĩ Y Jang Tuyn thì thầm như một lời kể chuyện, một câu chuyện lan man, không dứt và nhẹ tênh.

Vâng, bài hát sẽ nhẹ tênh nếu như không có những đoạn lặp lại, với câu Kỷ niệm cũ bao năm còn đau nhói… xuống thấp rồi cất lên cao "đau nhói” tạo một vết cứa trong trái tim:

Đêm ấy rồi xa, còn gặp nữa đâu?!

Dãy đồi ấy tên gì? Cánh rừng bao nhiêu tuổi?

Tóc mình giữ cỏ mềm. Nước mắt mình nóng hổi

Kỷ niệm cũ bao năm còn đau nhói…

Vâng, sẽ nhẹ tênh nếu như không có câu kết lửng lơ: Cuộc đời mình bao chuyện hóa không không tên! Tưởng nhẹ tênh mà cứ đọng lại một nỗi buồn day dứt, sâu thẳm.

- Bài "Hải đội Hoàng Sa”, được mở đầu bằng tiếng kèn vang rền như tiếng sấm động. Tiết tấu vừa, nhịp điệu dứt khoát. Và lời ca rất nhẹ nhàng - lại một câu chuyện - nhưng ngắn gọn, khúc chiếc, kể về những năm tháng xưa xa của một làng chài lưới có những chiến binh anh dũng "có đi không về, vong thân vì nước”…

Sóng xô mạn thuyền gỗ. Gió bay vạt buồm nâu. Nước xanh cát vàng. Mênh mang Hoàng Sa. (Huầy dô huầy. Dô huầy dô)

Lý Sơn làng chài lưới. Tráng đinh đội Hoàng Sa. Tháng 2 buồm căng gió. Dứt áo ra khơi

(Huây dô huây. Dô huậy dô)

Xa xa khơi trùng khơi, sao mà mắt cay, như là cát bay

Gió những nấm mộ gió, xếp hàng trên bờ, nhớ Hoàng Sa.

(Huầy dô huầy. Dô huầy dô)

Tháng 2 phụng mệnh vua. Chiếu manh cùng nẹp tre. Có đi không về. Vong thân vì nước

(Huây dô huây. Dô huậy dô)

Lý Sơn làng chài lưới. Đã đi vào sử sách. Chiến binh đội Hoàng Sa. Dứt áo ra khơi.

(Huầy dô huầy. Dô huầy dô)

Tôi nghe đi, nghe lại bài cuối cùng của đĩa nhạc. Âm thanh trầm hùng của câu đệm"Huầy dô huầy. Dô huầy dô” không còn là tiếng hò dô của những tráng đinh dân chài để cho những mái chèo cùng nhịp nhàng lướt sóng ra khơi, mà đó là âm ba của tiếng gió hú gào, tiếng sóng xô dạt, như lời truy điệu những cảm tử quân "có đi không về” - như tiếng linh hồn người xưa trở về từ cõi hư vô đang kêu gọi chúng ta "phải làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

3.

Sau khi chiêm nghiệm những bài hát và thấy số bài mình thích chiếm hơn phân nửa, tôi bổng dưng tò mò về tác giả nên mở google và gõ "Trần Bắc Hải”. Tôi thật ngạc nhiên khi thu thập được một số thông tin khá thú vị:

- Trần Bắc Hải (sinh năm 1953), tiến sĩ y học, hiện đang công tác tại Úc.

- Ông nguyên là cựu học viên trường Văn hóa quân đội Nguyễn văn Trỗi, là cựu chiến binh QĐNDVN, là tiến sĩ miễn dịch học, nguyên là đại úy, giảng viên Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng.

- Ông vừa phát hành album "Hành khúc ngày bình yên” vào đầu tháng 7/2012 nhằm hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng thành cổ Quảng Trị và 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2012). Toàn bộ tiền bán album và quyên góp thêm của bạn bè, người thân nhân dịp này sẽ dùng để gây quỹ đền ơn đáp nghĩa các thương binh, liệt sĩ hải quân và thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Đặc biệt với sự hỗ trợ của các thành viên trang web Hoangsa.org, một phần quà sẽ được gửi đến một gia đình liệt sĩ/thương binh trận Gạc Ma - Trường Sa, chiến dịch CQ 1988 đang có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

- Ca khúc "Hải đội Hoàng Sa” viết về những đơn vị thủy binh Việt Nam đã giữ gìn lãnh thổ quốc gia trên vùng biển Hoàng Sa trong vòng mấy trăm năm gần đây. Bài hát đã đạt giải C – Cuộc thi sáng sáng tác ca khúc về biển, đảo quê hương do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức năm 2010.

- Ca từ của các ca khúc trong album một phần được chính Trần Bắc Hải viết, phần khác được lấy từ các bài thơ của các cựu chiến binh. "Đò lên Thạch Hãn”, một bài thơ đã được khắc trên tường Thành Cổ Quảng Trị, là tác phẩm xuất thần của Lê Bá Dương, cựu chiến binh Thành Cổ, khi lặn lội đến bờ sông Thạch Hãn thả hoa nhớ về các đồng đội còn nằm dưới đáy sông. "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”, một bài thơ được khắc trên bia của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, là tác phẩm của Văn Hiền, người cựu phóng viên mặt trận Quảng Trị đã chứng kiến nhiều đồng đội nằm lại chiến trường và chính anh có người cha liệt sĩ cũng phải nhiều năm sau hòa bình gia đình mới tìm lại được mộ. Người lính lái xe trong "Chuyện tình không tên” là hình ảnh của chính tác giả Nguyễn Thái Sơn, vốn là một người lính lái xe, thương binh chiến trường Lào. "Hành khúc ngày bình yên”, ca khúc được lấy tên cho album, đã được Trần Bắc Hải viết nhân ngày giỗ 30 năm của người bạn học cùng trường, trung úy pháo binh Nguyễn Tiến Quân, hy sinh tại mặt trận Lạng Sơn trong chiến tranh biên giới.

(Tôi mở máy và nghe thêm lần nữa. Âm thanh trầm hùng của câu đệm"Huầy dô huầy. Dô huầy dô” không còn là tiếng hò dô của những tráng đinh dân chài để cho những mái chèo cùng nhịp nhàng lướt sóng ra khơi, mà đó là âm ba của tiếng gió hú gào, tiếng sóng xô dạt, như lời truy điệu những cảm tử quân "có đi không về” - như tiếng linh hồn người xưa từ cõi hư vô đang kêu gọi chúng ta "phải làm gì cho Tổ quốc hôm nay”… Tôi muốn gửi lời cảm ơn tác giả Trần Bắc Hải, vì từ nước Úc xa xôi ông đã thắp một nén hương thơm thảo cho ngày 27 tháng 7 năm nay với CD "Hành khúc ngày bình yên).

Tháng 7/2012

Q.L

Bài viết khác cùng số

GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNGTản mạn về sông - NGUYỄN VĂN TÁMNHỚ MẸ - HỒ DUY LỆĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ MÂY BIÊN GIỚI;TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM; NHỚ DÂN - LƯU TRÙNG DƯƠNGMột dòng thác Khôn; Phu Khẹt - NGÂN VỊNHThác Phapheng; Vạt Phu -LÊ ANH DŨNGSáng tác trẻ: Viết trong căn phòng thơm mùi gỗ mới - Nguyễn Quốc VIệtTìm em gội giấc mơ vàng; Em cũng tình cờ; Rưng rưng- DUNG THỊ VÂNVừa - NGUYỄN KIM HOÀNG NHƯ GIÓ LẺ - PHỤNG LAMĐÊM HÀ THÀNH THÁNG TƯ - PHÚ THIỆNANH ĐÂU - CẨM LỆKhi người nắm bàn tay - LÊ THANH MY VỀ BẰNG AN; THĂM MỘ NGUYỄN DU - TRẦN VĂN THỌGỬI TRƯỜNG SA - NGUYỄN BỘI NHIÊNCON TỔ QUỐC - NGUYỄN HOATỔ QUỐC VINH QUANG LÀ BIỂN RỘNG TRƯỚC MUI THUYỀN - LÊ ANH PHONG Mùa gọi ; Thông và đời - NGUYỄN HỒNG VINHBÀI CHÒI - Nhà nghiên cứu TRẦN HỒNG UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh - T.S NGUYỄN THỊ THU TRANGHÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆCÓ MỘT “CHÚ ẾCH CON”….GIÀ NHẤT NƯỚC VIỆT NAM - THU HƯỜNGPHẠM THIÊN THƯ – NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN - TRƯƠNG VĂN KHOABẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀNGHI Ở CHIẾN TRƯỜNG C (Lưu Trùng Dương, NXB Đà Nẵng, 2012)SÁCH MỚI: Cảm thụ và tư duy văn học(Nguyễn Thuận, NXB Văn học, 2012)NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANGCA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH