GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ
Nhà văn Bounthanong Xomxayphaol
- Anh có đúng là Thanh Quế ở Đà Nẵng không? Anh ấy hỏi.
- Đúng rồi, đúng rồi! Tôi nói.
Tôi gặp lại Bounthanong vào phút giây ít ngờ nhất.
Tháng 6-1989, tôi cùng nhà văn Hà Ân đi dự Hội nghị nhà văn các nước Xã hội chủ nghĩa lần cuối cùng ở Minxcơ với chủ đề: "Văn học các nước Xã hội chủ nghĩa thống nhất và đa dạng”. Ngay ngày đầu tiên tới Mátxcơva, tôi và Hà Ân được Irina (cán bộ Ban đối ngoại Hội Nhà văn Liên Xô) đưa đến làm việc tại một căn phòng của Hội Nhà văn Liên xô ở phố Ácbát. Tại đây, dội ra từ các phòng khác những tiếng tranh cãi ồn ào. Tôi hỏi Platôn Thành, người phiên dịch thì anh đưa hai ngón tay lên miệng suỵt suỵt nói: "Kệ họ. Các nhà văn tranh luận nhau về việc giải tán Hội Nhà văn Liên Xô ấy mà”. Hai năm sau, năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Hội Nhà văn Liên Xô cũng giải tán theo. Tại căn phòng chúng tôi làm việc, tôi gặp hai anh nhà văn Lào và hai anh nhà văn Campuchia. Chúng tôi trao đổi cac-vi-dit cho nhau (nhưng vì sau này, do di chuyển nhiều, tôi để lộn đâu mất những cái cạc ấy nên mới khó tìm lại các anh).
Hai nhà văn Lào-Bây giờ Bounthanong nhắc lại-là anh với Bounlái. Tôi rút thuốc lá ra mời, hai anh cầm hút tự nhiên. Tôi hỏi:
- Hai anh có biết tiếng Việt không?
- Ít ít. Bounthanong nói.
- Các anh đã sang Việt Nam chưa?
Hai anh lắc đầu.
- Lúc nào sang Việt Nam, tới Đà Nẵng, mình đưa các anh đi thăm Mỹ Sơn, Hội An, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm… Quảng Nam-Đà Nẵng đẹp lắm.
Hai anh gật đầu.
- Anh viết được nhiều không? Tôi hỏi Bounthanong.
Anh giơ 5 ngón tay (ý nói 5 quyển sách).
- Còn anh? Tôi hỏi Bounlái.
Anh giơ hai ngón tay.
Ngày đó hình như Lào chưa lập Hội Nhà văn. Các anh được Bộ Văn hóa cử đi dự Hội nghị. Bounthanong là người Viêngchăn còn Bounlái hình như ở Thà Khẹt.
Bounthanong chỉ tay vào tôi:
- Sách.
Tôi giơ 10 ngón tay.
Hai anh trầm trồ, cười, cùng giơ tay bắt tay tôi.
- Tuổi anh? Bounlái hỏi.
- 45. Tôi nói-còn anh?
- 40 thôi. Nhỏ em anh.
Cứ cái kiểu nửa nói tiếng Việt nửa giơ tay ra hiệu, chúng tôi nói chuyện với nhau.
- Anh sang Lào chưa-Bounthanong hỏi.
- Chỉ đi ven ven Savanakhét hồi chiến tranh thôi.
Bounthanong chỉ vào mình:
- Nếu anh sang Viêngchăn mình sẽ đưa đi thăm ThatLuang và các chùa, thăm thành phố.
- Còn mình sẽ dẫn thăm quê mình. Bounlái nói.
Cuối buổi gặp gỡ, Bounthanong lấy máy ảnh, lên phim rồi cùng đứng chụp với chúng tôi. Tôi tiếc ngày ấy hai anh em tôi không có máy ảnh.
Ở Minxcơ chúng tôi họp 3 ngày. Trong 3 ngày ấy, anh Hà Ân lớn tuổi được tôi cử thay mặt đoàn phát biểu về văn học Việt Nam. Còn ở Lào, Bounthanong phát biểu chính. Có lúc, tôi thấy anh được đài truyền hình Bêlarút phỏng vấn. Anh nói và đọc thơ dõng dạc lắm. Chiều ấy, giữa buổi họp, chúng tôi ngồi giải lao, uống trà Nga, Bounthanong rút từ trong xắc ra mấy thanh sôcôla đưa chúng tôi:
- Mời ăn-Nhuận bút đài-anh chỉ sang Bounlái-Có nhuận bút 2 bài thơ dịch.
Sau cuộc họp, chúng tôi có một ngày đi tham quan ở làng Kha Tưn và ngôi nhà của nhà thơ, nhà cách mạng Beelarút: Kôlax Iacúp.
Kha Tưn là ngôi làng bọn phát xít Đức đã giết hàng trăm người. Bây giờ chính phủ Beelarút đã xây dựng một nghĩa trang lớn. Tại đây, dựng lên những tấm bia khắc tên những người chết do chiến tranh ở mọi nơi trên đất nước. Bước vào nghĩa trang, người tham qua kính cẩn đi giữa tiếng chuông, cứ 1 phút ngân lên 1 tiếng. Ra khỏi nghĩa trang Bounthanong kéo tay tôi:
- Lào chưa có nơi như thế này, Việt Nam có không?
- Chưa có.
- Anh về đề nghị chính phú làm đi.
Tôi cười:
- Anh cũng đề nghị đi.
- Mình sẽ viết báo đó.
Tại ngôi nhà của nhà thơ Kôlax Iacúp, Bounthanong đi qua đi lại nơi giới thiệu những tác phẩm của nhà thơ. Anh nói:
- Ông bận viêc chính trị mà viết nhiều quá.
- Bouthanong viết nhiều hơn chứ.
Anh cười:
- Mình sao bằng. Mình nhà thơ nhỏ mà (Vậy mà khi tôi gặp lại anh đã có 15 tập thơ).
Sau khi tham quan xong, trên đường về, chúng tôi được ghé thăm một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Có hai con nhỏ nên tôi háo hức mua quà cho con lắm. Khi quay ra xe, xe đã chạy rồi. Tôi phải vừa bập bẹ nói tiếng Nga, vừa ra dấu mới được một xe chở các em đi tham quan giúp cho. Khi thấy tôi, Bounthanong reo lên:
- Mình bảo còn anh, họ bảo cứ về, cho xe con tìm sau.
- Họ có phàn nàn gì không?
- Có người mặt khó, mình bảo anh ấy có con nhỏ mà.
Quay lại Matxcơva, chúng tôi cùng ở sát phòng nhau ở khách sạn Raxia (Châu Âu). Khách sạn này sang hơn khách sạn Ucraina chúng tôi ở lúc mới sang. Có nhiều thang máy lên các tầng, nếu không chú ý dễ bị lạc phòng. Tôi đã lạc vài ba lần rồi.
Tôi nhớ hôm gần cuối ở Mátxcơva, Irina nói:
- Mai anh Ân và anh Quế về Hà Nội trước. Ngày kia anh Bounthanong và anh Bounlái cũng về Hà Nội rồi đi Viêngchăn, không có máy bay bay thẳng Viêngchăn.
- Tôi không về Hà Nội-Bounthanong nói.
- Anh ghé Hà Nội chơi cho biết. Tôi nói.
Bounthanong cười:
- Nhớ nhà hung, nhớ vợ. Muốn về Viêngchăn ngay.
Về Đà Nẵng suốt hai mốt năm qua, tôi rất mong gặp lại hai anh. Gặp nhà văn Lào nào sang Hà Nội hay Đà Nẵng tôi đều hỏi thăm, tất nhiên vì mất cac-vi-dit nên chỉ nói năm 2 anh đi Liên Xô và tả hình dáng thôi. Nhưng chẳng ai biết các anh cả.
Lần này đến Lào, tôi quyết tìm gặp lại hai anh. Tại Pắc xế, tôi hỏi nhà thơ Hong Huen, người được Hội Nhà văn Lào cử từ Viêngchăn xuống đón chúng tôi, về hai anh. Hong Huen lắc đầu.
Tại Viêngchăn, tôi hỏi nhà văn Phiulavanh, chủ tịch Hội Nhà văn Lào. Chị nói:
- Có thể đó là anh Uthoong chăng?-Tối nay gặp nhau anh nhìn thử.
Không phải Uthoong!
Ngày cuối cùng ở Lào, chị Phiulavanh nói:
- Mai các anh về Việt Nam rồi. Tối nay Hội Nhà văn Lào mời cơm, gặp gỡ chia tay tại nhà tôi.
Tại nhà chị, chúng tôi được ông cụ chị làm lễ buộc chỉ cổ tay, được giới thiệu với các nhà văn Lào. Nhưng tôi vẫn chưa thấy ai giống hai nhà thơ Lào tôi đã gặp ở Liên Xô.
Gần cuối bữa tiệc, chúng tôi nhảy múa, đọc thơ. Một tốp nhà văn Lào lại đến. Một anh người tầm thước, tóc xoăn xin lên đọc thơ rồi đem sách đến tặng các bạn Việt Nam ở từng bàn. Tôi có cảm giác ngờ ngợ, đó là một trong hai anh nhà thơ tôi đã gặp. Tôi đến bên anh:
- Anh chưa tặng sách cho mình?
- Anh tên chi?
- Thanh Quế.
Lập tức, anh để rơi sách và bút, ôm chầm lấy tôi:
- Thanh Quế ở Đà Nẵng phải không?
- Đúng rồi, đúng rồi. Tôi nói.
- Bounthanong đây (vì anh xưng tên, tôi mới nhớ lại để viết về anh từ đầu đến giờ), cùng đi họp ở Minxcơ với Thanh Quế ở Đà Nẵng, Hà Ân ở Hà Nội đây.
- Còn anh nữa đâu?
- Bounlái hả? Đang dạy, ở xa. Nhà mình có treo ảnh mình cùng chụp với anh, mới gặp mình nhớ anh liền. Mình không nói. Mình thử anh có nhớ mình không?
- Dạo này anh nói tiếng Việt khá hung.
- Đúng. Mình gặp nhiều bạn Việt Nam mà.
Chúng tôi lại ôm hôn nhau. Một chị nhà văn Lào đề nghị chúng tôi chụp ảnh chung. Lần này cả Lào, cả Việt, ai có máy ảnh đều đem ra chụp cả. Bởi vậy, tôi không sợ phải lạc Bounthanong lần nữa. Anh đứng cạnh, đặt tay lên vai tôi. Kìa, nhà văn Bùi Tự Lực đang giơ máy ngắm…
Đà Nẵng 14-12-2010
T.Q