CA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH

04.09.2012

CA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH

Từ ngàn xưa, trong những ca khúc dân gian như hò, lí, hát ru và ngay cả trong những bài hát đối đáp, giao duyên có tính cách ngẫu hứng ứng tác, ông bà ta đã tỏ ra vô cùng điệu nghệ, cực kì tài hoa trong việc dùng từ đặt câu cho tác phẩm âm nhạc của mình. Tôi đoan chắc rằng trong vô số những nhạc sĩ bình dân đó không mấy ai có bằng tú tài, cử nhân văn chương hay âm nhạc. Và họ cũng chẳng cần tra cứu một cuốn từ điển nào để tìm những ngôn từ hoa mĩ. Họ hát lên bằng thứ ngôn ngữ bình dị của làng mạc, bằng thanh giọng của cộng đồng cư dân ở xứ sở mình và bằng những tâm trạng có thực. Họ kết hợp các thanh điệu của tiếng Việt với sự chuyển động của giai điệu một cách hết sức tinh tế để làm nên những câu hát đạt tới cảnh giới của xúc cảm. Có rất nhiều bài bản dân ca mà mỗi tiếng vang lên đều lung linh như một viên ngọc. Và cả cấu tứ bài hát cũng chỉ thường cô đọng trong vài chục từ nhưng đều tinh túy như một chuỗi hạt đầy màu sắc, đời sau có giỏi giang đến đâu cũng khó lòng thay đổi bất cứ một hạt nào trong đó. Chẳng hạn với bài Ru con Nam bộ, dù đã từng nghe, từng hát đến cả trăm lần nhưng chúng ta dường như vẫn còn nguyên một sự cảm nhận về không gian, thời gian, tình yêu và nỗi buồn trong câu hát của người mẹ trẻ:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy, thức đủ vừa năm

Hỡi người người ơi, hỡi chàng chàng ơi

Em nhớ tới chàng.

Nhưng đó là dân ca, là trí tuệ và tâm hồn của cả một dân tộc.

Đến cuối những năm 30 của thế kỉ trước, thang âm – điệu thức cùng phương pháp sáng tác của phương Tây đã du nhập vào nước ta. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên của nền tân nhạc, dù với xu hướng, đề tài sáng tác nào, hùng ca hay trữ tình, niềm tin hay nỗi đau…, các nhạc sĩ ở giai đoạn này đều viết phần lời ca rất trau chuốt, giàu hình tượng và đậm chất thơ. Họ đã khai sinh nên một dòng âm nhạc mới của Việt Nam rất có giá trị nghệ thuật mà ta thường gọi là Ca khúc tiền chiến. Cho đến nay, khi nghe lại những bài hát này chúng ta vẫn cảm thấy tâm hồn như được thăng hoa, thoát tục:

Đêm nay thu sang mờ heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững xuôi theo dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…

( Đặng Thế Phong- Con thuyền không bến - 1941)

Trong hai cuộc kháng chiến, dù được sáng tác trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nhưng ca từ trong nhiều bài hát cách mạng vẫn chuyển tải được sức nặng của hiện thực bằng ngôn ngữ của thi ca. Mỗi câu hát trong giai đoạn này dù là một lời hiệu triệu hay tự sự đều rất hàm súc bởi thuộc tính ẩn dụ của văn chương bác học, và bởi phần lớn các ca khúc đó đã được phổ từ những bài thơ có giá trị:

…Em hỏi cây kơ nia

Gió mầy thổi về đâu?

Về phương mặt trời mọc.

Mẹ hỏi cây kơ nia

Rễ mầy uống nước đâu?

Uống nước nguồn miền Bắc.

( Bóng cây kơ nia- Thơ Ngọc Anh- Nhạc Phan Huỳnh Điểu)

Đồng thời với dòng nhạc cách mạng trước năm 75, trong hàng ngàn ca khúc được sáng tác từ các đô thị ở miền Nam, những bản tình ca của Trịnh Công Sơn đã nổi lên như một ốc đảo đơn độc. Ngoài yếu tố giai điệu thường mang lại cảm giác xa xăm huyền ảo như một thứ men lạ, phần lời ca đã tách ông ra khỏi những nhạc sĩ cùng thời bởi dấu ấn của một cảm thức và cách diễn đạt không giống ai, đôi khi rất ước lệ nhưng vẫn gây nên ấn tượng, nhiều khi mông lung sâu thẳm mà vẫn ngọt ngào:

-…Gió sẽ mừng vì tóc em bay

Cho mây hờn ngủ quên trên vai

Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh vạc về chốn xa xôi...

( Như cánh vạc bay)

-…Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền

Để người về hát đêm hồng

Địa đàng còn in dấu chân bước quên.

( Dấu chân địa đàng)

Có thể nói, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ đã đạt đến bậc thượng thừa trong các ca khúc của mình. Rất nhiều câu hát của ông như một sự khai sinh từ trùng trùng duyên khởi:

-… Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.

( Biết đâu nguồn cội).

Ngay cả trong cách đặt tiêu đề cho bài hát, Trịnh Công Sơn cũng đã chọn lọc những âm tiết đắt giá nhất để tên tuổi của mỗi ca khúc trở thành một biệt danh, thậm chí thành thương hiệu, thành khẩu ngữ của cả thời đại . Có những tiêu đề dường như được chiết suất từ nội hàm của một khái niệm mới nào đó nhưng không thể tường minh được. Trước Trịnh, chúng ta chưa từng nghe ai đặt tên bài hát bằng những từ đầy ấn tượng như Hạ trắng, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm…hay những cụm từ phảng phất cảm thức của Thiền học như Dấu chân địa đàng, Rồi như đá ngây ngô, Đêm thấy ta là thác đổ…

Và đó là lối rẽ của Trịnh Công Sơn, một lối rẽ đã khai sáng một chuẩn mực mới cho ca từ, tôn vinh vẻ đẹp và khả năng biểu đạt của tiếng Việt chúng ta. Sau ông, một số nhạc sĩ đương đại đã có ý thức trau dồi vốn liếng ngôn ngữ, cẩn trọng hơn khi viết lời ca và đã tạo được những phong cách riêng cho mình. Tuy nhiên vẫn không ít người chưa chịu khó trong sáng tạo nên đã cho ra đời những tác phẩm mà ca từ đã quá cũ kĩ, sáo mòn hoặc thuộc hệ thống chữ nghĩa của phạm trù thông tin, hành chính, nhất là trong những ca khúc viết về một ngành nghề hay một địa phương nào đó. Chỉ xét riêng về tiêu đề bài hát, có lẽ trên khắp đất nước ta đã có hàng ngàn ca khúc có cái đuôi theo kiểu địa chỉ tin học như quê em, yêu thương, tự hào, đổi mới, đi lên… hoặc na ná như thế.

Nhưng đó không phải là lối rẽ. Đó là sự thụt lùi hoặc dậm chân tại chỗ.

Tôi muốn nói đến một lối rẽ khác chưa từng tồn tại trong ca từ tiếng Việt trước đây. Đó là xu hướng viết lời ca bằng thứ ngôn ngữ tổng hợp, trong đó nền tảng là những chữ nghĩa diễm tình, sướt mướt nhưng vô cảm, đại loại như lòng đắng cay, tình dối gian, xin đừng hờn trách... Cộng vào đó là một số từ ngữ của mail, chát, những câu cãi cọ thông tục hàng ngày, đôi khi lại thêm vào vài từ lóng tiếng Anh như oh,oh, yeah, yeah, wow…cho thêm phần sành điệu. Bên cạnh yếu tố nội dung nhảm nhí, điều đáng phàn nàn hơn là hầu hết những bài hát loại này đều thể hiện một sự suy đồi về nhân sinh quan, về tình yêu; một sự kém cõi về văn hóa, trí tuệ; một sự phỉ báng đối với ngôn ngữ mẹ đẻ. Một vài trích dẫn sau đây có thể sẽ khiến chúng ta vừa buồn cười vừa nổi giận:

-…Tình yêu ôi thơm ngát như cây cà rem mùi vanila, tình yêu ôi thơm ngát như cây cà rem mùi chocola…Anh hôn lên má em ôi mát rượi như cây cà rem …( Tình như cây cà rem- Sáng tác: Việt Dzũng).

-…Đâu cần anh nói hay gọi phone làm gì, cũng chỉ vậy thôi, anh đừng có nhiều lời. Anh cần phải nói, em hãy nghe anh đừng hiểu lầm

( Sao lại nhắn nhầm vào máy anh- Sáng tác: Nguyễn Minh Anh)

-…Nhìn nhau rất lâu anh đã đặt vào làn môi. Oh first kiss, you make me happy! Chẳng nói lên được tiếng chi, rồi chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss, you make me crazy!...( Nụ hôn bất ngờ- Sáng tác: Mỹ Tâm)

-…Có những chuyện nhỏ tưởng như là khó/ có những lúc thấy lo nhưng mọi chuyện lại chẳng nhằm nhò…Như chiếc áo mới hôm qua thơm phức/ Mới hôm nay lại tự nhiên dính mực/ Giận ơi giận! Đi giặt thật là cực/ Dù sao cũng là chuyện nhỏ đừng có bực. ( Chuyện nhỏ- Sáng tác: Tuấn Khanh)

Đọc những dòng ca từ trên đây, có lẽ chúng ta không khỏi giật mình mà thốt lên: Từ xưa đến nay, tiếng Việt đã được các thế hệ nhà văn, nhà thơ và các nhạc sĩ sử dụng như một thứ tơ sợi óng ả để dệt nên những tác phẩm đẹp như nhung lụa, sao bỗng dưng bây giờ lại có nhiều kẻ đem vò rối lên thành một đống bùi nhùi thế này! Nếu trước đây những ca khúc lãng mạn về tình yêu đã từng bị khai tử với tội danh nhạc vàng ủy mị thì loại nhạc này được gọi là gì? Phải chăng đây là một lối rẽ ngang để dẫn chúng ta đến một bãi chứa rác?

Tôi cũng xin nói thêm rằng số lượng những ca khúc tham gia vào lối rẽ này mỗi ngày một đông đúc. Chúng chiếm lĩnh hầu hết thị phần trong các tiệm băng đĩa, nhất là trên các trang web ca nhạc. Và điều đáng buồn là càng ngày chúng càng được giới trẻ của chúng ta hâm mộ cuồng nhiệt hơn.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin đặt vấn đề nên chăng cần có thêm một sự gác cổng về chất lượng lời ca từ các cơ quan hữu trách, ít ra là đối với những tác phẩm được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

P.V.M

Bài viết khác cùng số

GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNGTản mạn về sông - NGUYỄN VĂN TÁMNHỚ MẸ - HỒ DUY LỆĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ MÂY BIÊN GIỚI;TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM; NHỚ DÂN - LƯU TRÙNG DƯƠNGMột dòng thác Khôn; Phu Khẹt - NGÂN VỊNHThác Phapheng; Vạt Phu -LÊ ANH DŨNGSáng tác trẻ: Viết trong căn phòng thơm mùi gỗ mới - Nguyễn Quốc VIệtTìm em gội giấc mơ vàng; Em cũng tình cờ; Rưng rưng- DUNG THỊ VÂNVừa - NGUYỄN KIM HOÀNG NHƯ GIÓ LẺ - PHỤNG LAMĐÊM HÀ THÀNH THÁNG TƯ - PHÚ THIỆNANH ĐÂU - CẨM LỆKhi người nắm bàn tay - LÊ THANH MY VỀ BẰNG AN; THĂM MỘ NGUYỄN DU - TRẦN VĂN THỌGỬI TRƯỜNG SA - NGUYỄN BỘI NHIÊNCON TỔ QUỐC - NGUYỄN HOATỔ QUỐC VINH QUANG LÀ BIỂN RỘNG TRƯỚC MUI THUYỀN - LÊ ANH PHONG Mùa gọi ; Thông và đời - NGUYỄN HỒNG VINHBÀI CHÒI - Nhà nghiên cứu TRẦN HỒNG UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh - T.S NGUYỄN THỊ THU TRANGHÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆCÓ MỘT “CHÚ ẾCH CON”….GIÀ NHẤT NƯỚC VIỆT NAM - THU HƯỜNGPHẠM THIÊN THƯ – NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN - TRƯƠNG VĂN KHOABẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀNGHI Ở CHIẾN TRƯỜNG C (Lưu Trùng Dương, NXB Đà Nẵng, 2012)SÁCH MỚI: Cảm thụ và tư duy văn học(Nguyễn Thuận, NXB Văn học, 2012)NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANGCA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH