GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNG
Tản văn
Đến đất Lào, theo đoàn Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng gồm các nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Thanh Quế, nhà thơ Ngân Vịnh, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thu, nhà văn Bùi Tự Lực, nhà thơ Lê Anh Dũng... mình thấy hơi bỡ ngỡ, dẫu đã một lần qua.
Lần ấy, cách đây cũng hơn ba mươi năm, cùng đồng đội hành quân vào nam. Đường giao liên bên tây Trường Sơn, qua nước bạn Lào. Nơi đất khách, dọc đường giao liên, chủ yếu chỉ có người Việt với nhau. Đi trong rừng, cố tránh bom đạn, cố gắng để sống... cả đoàn quân, người tiếp người, dài dằng dặc, gần như cúi mặt mà đi, đi thật nhanh để về bãi khách (1), tìm chỗ nghỉ. Nếu nhớ những kỷ niệm trên đất Lào về người Việt, là nhớ những kỷ niệm cháy ruột về đồng đội, những thằng chết lại càng nhớ. Nhớ một lần cả đoàn hành quân trong đêm, tay lần theo sợi dây chăng qua sông, nước dưới chân chảy xiết, cấp trên đã dặn: " Bám chặt dây, bám sát người phía trước... không để nước cuốn.” Thế mà một thằng để tuột dây bám, bị dòng nước xiết cuốn đi. Tiếng kêu thảng thốt của nó trong đêm khuya : "Mẹ ơi! cứu con với!” cứ ám ảnh mình cho đến tận bây giờ.
Lại một lần, mình với mấy thằng, nhân ngày nghỉ, lò dò đi thám thính xung quanh. Ra khỏi rừng, thấy những cánh đồng đã gặt, giữa ruộng có những hố to hơn cái nong phơi lúa ở nhà, nước lúp xúp, trên có để mấy cành tre khô. Điều đặc biệt, trong hố rất nhiều tăm nước nổi lên, một thằng reo to: " Có cá chúng mày ạ! Tăm nổi nhiều thế kia, cá là vô thiên lủng, xuống bắt đi!”. Thế là không cần ai phải ra lệnh, mấy thằng vội cởi quần dài lao xuống cái hố đó bắt cá. Cá nhiều thật, buộc túm cả mấy ống quần dài để đựng cá, vẫn không hết. Cởi nốt quần đùi, túm lại để đựng cá. Mấy thằng tồng ngồng y như thời mới lọt lòng, bùn bắn lên tận đầu, cười nói hỉ hả. Đúng lúc ấy có mấy người Lào xuất hiện, kinh khủng nhất là có người cầm AK, giơ lên trời bắn chỉ thiên mấy phát. Cả bọn vội ôm chỗ cá vừa bắt, không kịp mặc quần cứ thế chạy, chạy thục mạng. Mấy người Lào đuổi theo, họ vừa đuổi vừa la hét làm cho cả bọn càng sợ, càng cuồng chân chạy cho thật nhanh. Nhưng chạy nhanh làm sao bằng mấy người Lào, họ đã quen đường rừng. Hơn nữa, tay thì ôm bọc cá, không mảnh vải che thân, đói, mệt... cả bọn đành thúc thủ để người Lào bắt. Tưởng sẽ bị nhốt, bị đánh hoặc chi ít bị giam rồi họ báo cho ban chỉ huy tiểu đoàn, để ban chỉ huy tiểu đoàn vào nhận lại. Không ngờ... sau khi đã yên ổn, những người Lào giải thích, phải bắn súng chỉ thiên để báo động vì sợ bọn mình bắt cá như vậy dễ bị máy bay Mỹ phát hiện. Thấy bọn mình bỏ chạy, mấy người Lào đuổi theo không phải vì việc bắt cá, mà họ muốn ngăn lại, sợ bọn mình chạy theo hướng đó dễ lạc vào chỗ bọn biệt kích của chính phủ "Hoàng gia Lào” gài mìn. Vui nhất, những cái hố giữa ruộng đầy cá, không phải là của trời, mà đều có chủ. Những người Lào có ruộng đào hố, để mùa mưa nước ngập, cá sẽ vào. Mùa khô, nước rút, cá ở lại trong hố. Có thể nói đây là " thực phẩm” rất quý của người Lào cho cả mùa khô, cho đám cưới, đám giỗ, ngày lễ... thế mà bọn mình cứ tưởng là của vô chủ. Nghe họ nói thế, cả bọn ôm đống cá đã bắt, đưa mắt nhìn nhau không biết nói thế nào. Ai dè, họ cho tất, còn vào trong bếp lôi ra nhiều xâu cá phơi khô cho thêm bộ đội Việt Nam. " Với bộ đội Việt Nam, người Lào chúng tôi không tiếc một thứ gì!”. Mấy người Lào nói với bọn mình. Nhưng chuyện mình chứng kiến vẫn không bằng câu chuyện của nhà văn Phiêulavanh, Chủ tịch Hội nhà văn nước CHDCND Lào kể.
Ở tỉnh Uđonsay, người Lào vẫn nhắc đến một cái hang, do trúng bom Mỹ thả, một tảng đá cỡ vài chục tấn lấp cửa hang, không thể dùng cách gì phá được. Lúc ấy trong hang có hai anh bộ đội Việt Nam, nhưng không giống hang tám cô bên Việt Nam, ở vụ bị đá lấp hang này có một kẻ hở có thể dùng liên lạc, tiếp tế, nghĩa là vẫn có thể đổ cháo, nước để tiếp tế bên trong. Bên ngoài nói, bên trong nghe được, bên trong truyền lời nói ra, bên ngoài hiểu. Một ông già người Lào quá thương hai anh bộ đội Việt Nam mắc kẹt trong hang nên hàng ngày, qua kẻ hở đó, ông tiếp tế cháo, nước cho hai anh bộ đội Việt Nam. Nhưng rồi, chuyện tiếp tế đó chỉ được hơn một tuần, vì ông già Lào nghe thấy tiếng của một người bộ đội Việt Nam ở trong hang, vọng ra qua kẻ hở của hang: " ... Bắt đầu từ ngày mai, bố không phải tiếp tế cho chúng con nữa. Bố cho con gửi lời kính thăm tất cả, chúng con thương bố lắm, cảm ơn nhân dân Lào...”. Bên ngoài, ông già Lào không hiểu vì sao hai anh bộ đội Việt Nam lại nói như vậy? Đang phân vân thì nghe từ trong hang, qua khe hở, dội ra hai tiếng súng nổ, rồi mọi việc trở nên im ắng, im ắng một cách lạ thường. Ông già Lào cố gọi, trong hang không có một tiếng thưa, không một lời đáp lại như thường ngày. Ông già Lào đã hiểu chuyện gì xảy ra, cứ đứng cạnh tảng đá lấp cửa hang mà khóc. Mình và các anh trong đoàn Nhà Văn Việt Nam nghe chị Phiêulavanh kể, lặng người.
Lần này đi trên đất Lào, điều đầu tiên, mình để ý, là cái tình người Việt trên đất khách quê người. Ở đâu cũng vậy, người Việt xa quê, khi gặp nhau, chỉ cần nghe một tiếng nói đã thân. Cả đoàn nhà văn Việt Nam đến thị xã Atôpơ đang ngơ ngác tìm chỗ ăn trưa, tiếng Lào không biết, người của Hội Nhà Văn Lào chưa tới, bất chợt nghe thấy một tiếng Huế: " Các anh là người Việt Nam mới sang phải không? Vào quán kia mà nghỉ.” Tất cả mừng rỡ, nhưng rồi lại lo lắng, không biết vào quán kia có bị " chặt chém” không ? Người Việt với nhau, giờ là kinh tế thị trường, quan hệ khác trước nhiều lắm! Vào quán rồi bao nỗi lo lắng tan biến sau cuộc trò chuyện. Người Việt mình vốn sẵn tính chịu thương, chịu khó. Chỗ nào có thể tạo thế an cư, lạc nghiệp là đến. Như gia đình người Việt mở quán ăn ở đây, sang Lào đã hơn hai mươi năm. Khai phá chỉ là một quán ăn nhỏ, nhặt nhạnh từ tý một. Cố hòa đồng thật nhanh phong tục tập quán từ lời ăn, tiếng nói đến cách xã giao ở nơi đất lạ, làm thế nào để người Lào không nghĩ xấu về mình. Đối xử với người Lào là thế, với người Việt là hơn thế. Cứ thấy người Việt từ quê sang, người chủ quán nói tiếng Huế mừng lắm, mời vào quán, giá cả phải chăng, món ăn vẫn hương vị quê hương... đồng hương gặp nhau chỉ có tiếng cười. Rời quán ăn của người Huế ở thị xã Atopơ lại thêm một nỗi nhớ, một địa chỉ thân, để lần sau nhất định phải ghé lại. Nhớ buổi sáng ở kinh đô cổ của Lào Luôngprabang mình với nhà thơ quân đội Lê Anh Dũng bị lạc đoàn, không biết đường nào mà về. May gặp một người mẹ, quê ở Ninh Bình sang Lào đã hơn sáu mươi năm chỉ đường mà không lạc. Nghe tiếng mẹ trả lời bằng tiếng Việt, làm cho mình và nhà thơ Lê Anh Dũng sững người : " Tôi không phải người Lào mà là người Việt, để tôi chỉ đường cho hai chú!”. Rồi mẹ tất tả vẽ đường, dẫn giải rất cẩn thận. Sợ mình và nhà thơ Lê Anh Dũng lạc một lần nữa, mẹ ghi tiếng Lào vào một mảnh giấy đưa cho mình, dặn : " Nếu không tìm đúng địa chỉ, cứ đưa mảnh giấy này cho người Lào, họ xem rồi chỉ đường cho.”. Mình hỏi Mẹ: " Mẹ sang đây hơn sáu mươi năm, sao mẹ vẫn nói tiếng Việt rõ thế!”. Mẹ giảng giải : " Mẹ rời quê lúc mới có bảy tuổi, đời người, tài sản có mỗi tiếng Việt để bám vào mà sống, để tự an ủi những lúc mình khốn khó nhất, rằng cố gắng mà bương trải để rồi còn về quê chào hỏi họ hàng, bà con. Mẹ nói rõ tiếng Việt là vì thế. Gặp được các con, cả ngày hôm nay mẹ vui lắm.” Nghe mẹ nói mà thương đến lạ lùng, người xa xứ quê hương, cứ gặp, thật lạ, là nhớ. Giữa đất Lào, cứ nghe ai nói tiếng Việt, lại giống như hồi ở dãy Trường Sơn dạo nào, cứ muốn quây quần để hát hò, để trò chuyện, để tâm sự, để gợi lại những kỷ niệm mỗi người đã trải qua như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Mấy bạn nhà văn Lào, lại cả một số cán bộ người Lào đã từng học tập, giảng dạy ở Việt Nam, nói tiếng Việt như người Việt, gặp buổi tối ở nhà của nhà văn nữ Lào PhiêuLavanh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Lào, đã cho mình có cảm giác đó. Các bạn hát với mình " Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. " Tiếng đàn Ta Lư”, " Tiếng hát từ thành phố mang tên Người...”thế là không khí hòa lẫn, chan hòa không còn biết đâu là khách, đâu là chủ. Không khí này gợi lại cho mình nhớ kỷ niệm Trường Sơn, khi bọn mình, nhân ngày nghỉ quây quần bên nhau cạnh một con suối, vừa tắm, vừa đùa... Mấy ông bộ đội Pha thét Lào đi ngang qua, thấy vui quá cũng vội cởi quần áo xuống tắm chung, cũng đùa ngất trời, vui y như đêm nay ở nhà chị Phiêulavanh. Còn một chuyện nữa, mà nhà văn Thái Bá Lợi nói với mình: " Cố ghi lại làm kỷ niệm, dễ gì đã ai được gặp”. Ở Xavanakẹt, buổi sớm hôm ấy, trước khi đoàn nhà văn Việt Nam đi Viên Chăn, vào uống cà phê của một quán người Lào. Ông chủ quán dáng béo tròn, nụ cười hiền hậu, sởi lởi, đeo một tạp dề đỏ, biết đây là đoàn nhà văn Việt Nam, ông vui ra mặt. Vui nhất là ông nói được tiếng Việt, nói rõ ràng, nói như người Việt. Ông giảng giải một bài chính trị bằng tiếng Việt làm cho cả đoàn nhà văn Việt Nam tròn mắt ngạc nhiên: "...Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đồng thời tiến hành ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt...”. " Cách mạng Lào cũng như cách mạng Việt Nam hiện chứa đựng những mâu thuẫn mang tính thời đại, là nơi hội tụ của ba dòng thác cách mạng. Cách mạng hai nước là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, là ngọn hải đăng dẫn đường cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng giai cấp tiên phong, hai nước Lào - Việt sẽ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản...”. Trời ạ! Những khái niệm, những luận chứng, trong đoàn, có người từng qua những lớp chính trị, đã quên, nay ở đất Lào có người Lào nói tiếng Việt nhắc lại để nhớ. Hỏi ra, ông chủ quán cà phê Lào này đã từng ở Việt Nam học ở trường Đảng cao cấp đến sáu năm, hèn gì mà ông không thuộc những khái niệm đó. Nhưng sao ông ấy lại đứng bán cà phê, cứ như bên Việt Nam cỡ như ông cũng phải chức này, ông nọ rồi chứ! Hỏi chuyện, ông bạn Lào kể, vui không thể vui hơn. Té ra thời gian ông học Trường đảng cao cấp bên Việt Nam có yêu một cô gái, hai người đã có chung một đứa con ngoài giá thú. Kể ra mã đẹp trai như ông, thì có khối cô gái Việt Nam "chết”, huống hồ lại là học trường Đảng Việt Nam là cán bộ nguồn thì, có lấy tay gạt, cũng không hết gái theo ông. Lẽ ra ông sẽ nên vợ, nên chồng với cô gái Việt Nam, nhưng vì bên Lào đã có vợ, không thể "đèo bòng” nên ông về lại Lào. Ngẫm đi, ngẫm lại để thỏa mãn trí tang bồng, để có dịp dễ gặp lại người Việt Nam và biết đâu ... cũng một lần thăm lại chốn cũ, gặp người tình xưa, ông bạn Lào đã từng học trường Đảng cao cấp bên Việt Nam xin ra khỏi biên chế, đi bán cà phê cạnh đường, cố gặp người quen. Nếu gặp được người Việt Nam, là mừng vô hạn, hồn Việt thấm vào ông rồi, để "oai” thì nhắc lại nhưng lời thầy Việt Nam dạy:"...Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học là then chốt!”, còn nhớ, hoài niệm một nỗi buồn, thì khóc và nói: " Tôi thương cô ấy lắm. Cô ấy và đứa con là một phần máu thịt của tôi, thế nào tôi cũng sang Việt Nam các anh ạ! Quê hương thứ hai đấy!”.
Sang thăm Lào, một đất nước quá đỗi hiền hòa, chân thật. Mà hình như, không biết mình nhận xét có võ đoán không? Sự hiền hòa, chân thật của người Lào gặp người Việt Nam, nâng lên tầm cao hơn. Chẳng thế, đoàn nhà văn Việt Nam sinh hoạt trong Chi hội Nhà Văn Việt Nam tại Đà Nẵng khi đến Viên Chăn được mời tham dự lễ đón hơn bảy trăm cựu chiến binh Việt Nam đã từng chiến đấu trên chiến trường Lào của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào trong một hội trường lớn trang hoàng lộng lẫy. Buổi lễ đón tiếp diễn ra thật ấm cúng, không còn phân biệt đâu là người Việt, đâu là người Lào.Đêm văn nghệ hoàn toàn những là những diễn viên nghiệp dư biểu diễn mà hay lạ lùng, bài hát Việt xen lẫn bài hát Lào, ai cũng thuộc, cùng vỗ tay hát theo. Đến đất Lào, càng tiếp xúc, càng thấy nghĩa tình của người Lào dành cho Việt Nam, khó có cách nào tả hết. Vì ở đâu, người dân Lào cũng nâng niu, gìn giữ nghĩa tình với người Việt. Hôm mình cùng nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu đến thăm nhà văn Chănthy, nguyên chủ tịch Hội Nhà Văn Lào. Nhà văn bị tai biến, hiện chỉ ngồi trên xe lăn, sức khỏe yếu đi nhiều ấy vậy vẫn không dấu được sự hóm hỉnh, nhà văn nói với mình cùng nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Hoàng Thu, bằng tiếng Việt: " Tiếc là sức khỏe không còn, nếu không, mình dẫn các ông đi chơi, vui phải biết! Nhà văn Lào, nhà Văn Việt Nam là một nhà mà, đoàn kết chơi chung, vui chung, không thể xa rời. Các ông về, tôi nhớ lắm! ”.
" Đoàn kết, chơi chung, vui chung, không thể xa rời” – Thưa anh Chănthy, nhà văn Việt Nam chúng tôi cũng sẽ như thế khi nghĩ về đất nước Lào
T.K.T