NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANG
Nguyễn Phẩm sinh năm 1900 tại xã Điện Minh, huyện Điện bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình có truyền thống hát bộ. Cai Nghi, ông nội của ông là kép nổi tiếng. Cha của ông là Nguyễn Vị, nghệ sĩ bậc thầy, và từng diễn ở cung đình Huế, được ban hưởng hàm Cửu phẩm ca công.
Gia đình ông Cửu Vị sống gần cụ Tuấn An quán à Trường hát của cụ. Ông Cửu Vị là diễn viên kiêm chỉ đạo nghệ thuật của gánh hát.
Mặc dù được cha và cụ Tuấn dạy bảo, dìu dắt theo đường học vấn, hướng vào chốn quan trường, Nguyễn Phẩm vẫn mê hát bộ. Bị cha nghiêm cấm nhưng khi nghe trống chiến rao, trống chầu giục, cậu bé Nguyễn Phẩm lén lút ra tập, nghe xem hát diễn và lẩm bẩm hát theo.
Một lần, gánh hát tập vở Quan công phò nhị tẩu, thiếu một đào vai "chị dâu”. Cần có vai thay tạm. Nhằm lúc cha đi vắng, Nguyễn Phẩm năn nỉ người anh rể cho mình thử đóng vai. Ngạc nhiên và chưa tin, anh này nói nửa đùa nửa thật "ừ, cứ thử coi!” Mừng quá, Nguyễn Phẩm vào vai ngay. "Cô Đào” Nguyễn Phẩm hát diễn suôn sẻ, hoàn chỉnh. Người anh rể mải mê xem em diễn. Bạn diễn khen ngợi.
Về từ lâu, ông Cửu Vị nép mình sau cánh gió, nghe xem cậu con quý thể hiện tài năng. Ông quá xúc động, tin tưởng ở con. Từ đó, được cha truyền nghề, khích lệ, "sống chết với nghề”, Nguyễn Phẩm vững bước trên đường nghệ thuật.
Là diễn viên ở Trường hát của cụ Tuấn, Nguyễn Phẩm kết giao thân thiết với các nghệ sĩ tài năng lớp trước, như Ba Nhẫn, Nhưng Hải, Hai Bãi, Thủ Nhứt. Tình cảm quý mền dành riêng cho ông Chánh Đệ lớn hơn ông 10 tuổi, tài danh rạng rỡ. Các bạn cùng lứa là Nguyễn Lai (Sáu Lai), Nguyễn Nho Túy (Thủ, Đội Tảo). Quý mến và trân trọng tài năng của nhau. Sau khi ông Cửu Vị qua đời, Nguyễn Phẩm vẫn ở với gánh hát.
Kép Nguyễn Phẩm, dáng đẹp, hát hay, diễn giỏi, làm xiêu lòng con gái quan Tuần. Cụ Tuần buộc anh phải ra đi. Nhưng cô gái vì, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, vì gánh hát không thể mất một ngôi sao, cụ phải gọi Nguyễn Phẩm trở về, và cho đôi trẻ được sống bên nhau.
Nguyễn Phẩm là nghệ sĩ sống trong sáng, nhân cách đàng hoàng, lối sống ứng xử đứng đắn, không rượu chè, không nghiện ngập.
Năm 1926, cụ Tuấn qua đời. Ông Chánh Đệ nối nghiệp, quản lí gánh hát.
Năm 30 tuổi, Nguyễn Phẩm được bổ chức Phó ca.
Năm 1939, ông Chánh Đệ mất, bà vợ thay chồng làm bầu gánh. Nguyễn Phẩm chỉ đạo nghệ thuật và thành Chánh ca.
Vì sống trong vùng tạm bị chiếm, năm 1955, ông không được chuyển ra miền Bắc. Ông sống thanh bạch tại Đà Nẵng, không hát thuê cho gánh nào, gần như bỏ nghề.
Sau tháng 5/1975, ông gặp lại những bạn diễn ngày xưa như Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi (Sơn, Côi) v.v...
Lúc này, giáo sư Hoàng Châu Ký tập hợp các nghệ sĩ hát bộ Quảng Nam phiêu bạt mọi nơi trở về thành lập Đoàn hát bộ Phương Nam, Nguyễn Phẩm về đoàn, dạy nghề cho lớp trẻ.
Sau khi Đoàn Phương Nam sáp nhập vào Đoàn hát bộ của tỉnh, ông tiếp tục dạy bảo lớp trẻ, truyền vai mẫu mực cho lớp có nghề, góp tài năng vào việc nghiên cứu, khai thác vốn liếng hát bộ cổ truyền.
Năm 1983, Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân.
Ông qua đời vào giữa năm 1990 tại thành phố Đà Nẵng.
T.Đ.Q