NHỚ MẸ - HỒ DUY LỆ
Ba tôi chia tay mạ tôi, lặng lẽ ra đi từ sáng sớm hôm ấy, một buổi sáng cuối năm 1954, mưa bay bay, gió bấc thổi lồng lộng qua bãi cát rộng mênh mông từ phía sau nhà. Gío lạnh xuyên qua những rừng dương lưa thưa, gió từng luồng đâm vào sau nhà. Nhà ba mạ tôi lúc đó làm bằng phên tre, lợp tranh. Sau nhiều năm mới thay nổi phên tre tranh rạ bằng tường xây những viên tắp-lô sù sì hình chữ nhật, mỗi viên to hơn hai viên gạch. Trên tường là những khung cửa sổ hình vuông, chỉ có khung, không có cửa, trống hoác. Nhiều mùa lạnh đi qua ngôi nhà thân yêu này, mấy anh em chúng tôi chưa đứa nào có được áo ấm. Tôi không bao giờ quên những ngày mưa lạnh, quần đùi áo cánh phong phanh, chân đất mang cái tơi cánh theo chân đàn bò gặm cỏ.Giữ bò thì cực nhưng ít lạnh hơn đi cắt cỏ cho bò. Bị gió bấc người tôi nổi mày đay, tay ướt lạnh căng cứng đỏ, ngứa và rát. Nhưng mùa mưa, điều thú vị là được mạ tôi sai đi xay bột đúc bánh xèo. Giữ bò non buổi lạnh, lùa bò về, chưa vào bếp nhưng nghe cái xèo thì hết lạnh, nước miếng chảy ra. Mạ tôi đã để chén nước mắm ớt tỏi và tô rau sống trên mâm, thế là, chùm hum vào bếp, đưa hai tay bên lửa hồng, chờ mạ xèo ra cái bánh nào thì thò tay bốc, chấm, ăn ngấu nghiến.
-Mạ ơi, tuyệt ngon!
-Con ưng mấy cái?
-Dạ, ba hay...Tôi muốn nói bốn mà sợ thiếu.
-Ăn tha hồ đi con!
Khi đã ngoài tuổi 92, mạ tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày ba đi xa:
- Đêm đó, mạ chợp mắt được vài lần thì gà gáy sáng. Mạ dậy, lấy cái lon một xúc đầy gạo nấu cho ba ôm cơm không. Thời bấy giờ chỉ đám giỗ mới nấu cơm không độn. Cơm cạn, mạ lấy hai hột gà đổ cho ba đĩa chả. Ba ngồi ăn cơm dưới nhà bếp, bên ngọn đèn dầu phụng mờ mờ, khi các con còn đang say ngủ quấn lấy nhau trên giường.
Lúc mạ gọi tất cả anh em chúng tôi dậy thì trời đã hừng sáng. Hơi lạnh tràn vào nhà. Chúng tôi, đứa ngồi bên mép giường, đứa đứng tựa cửa nhìn ba. Mạ giúp ba choàng vào người chiếc áo bờ lu bằng dạ màu cứt ngựa. Ông cao to, rất oai, mạ đứng chỉ đến vai ba. Ba choàng ngoài cái tơi cánh, đội nón lá, nhìn mạ, nhìn các con, rồi lặng lẽ rời cái sân gạch đi thẳng ra hướng bàu sen trước nhà. Băng qua con đường đất thịt, qua bãi cát...Bóng ba xa dần, khuất vào rừng dương...Ba đi dưới trời đang mưa lất phất, trong lòng không yên.
-Ba đi rồi, còn mình mạ, làm sao?
- Thì làm việc! Việc nặng thì thuê mướn người ta làm. Có tiền thì trả ngày ba, bốn ngàn, ai muốn lấy gạo thì trả ngày bốn lon gạo. Việc nhẹ, mạ làm. Việc nào vừa sức các con thì các con làm, từ giữ bò, cắt cỏ, rút rơm cho bò, rửa chén, quét nhà, khiêng nước, chụm lửa...Có khi mạ huy động cả nhà tham gia nhổ cỏ lúa, nhổ đậu phụng, đào khoai, xắt khoai, phơi, rồi hốt khoai khô đổ vào chum... Mạ làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến khuya lơ mới lên giường.
May trời thương, mạ không đau ốm phải nằm liệt giường.Hồi ba còn ở nhà, mạ bị trận đau do tiêm thuốc Tây, phản ứng thuốc phù cả người, ba phải lo chăm sóc, giặt giũ. Ba đi rồi, mạ mà nằm xuống thì đói cả nhà. Làm nông phải quần quật cả năm: cấy lúa, tỉa đậu, mua ngọn, trồng khoai, gặt lúa, bắc phân, mua bỗi..., những việc này, mạ đều phải kêu người làm. Vài ba hôm, có việc mạ lại sai chúng tôi đi thuê người làm, thường là chú Ba Xí, ông Tuất cha của chú Ba Xí. Nhà của hai cha con đều ở dưới động. Và họ đều giống nhau ở cái lưng gù. Xóm Động, gần khe đá còn có chú Kỉnh, chú Bốn, ông Thi, ông Khả, chú Bảy Lịch, chú Chín Đình. Xóm trên bàu Đôi thì có ông Lại, ông Diệu. Gần nhà có ông Khối, ông Đắc. Ngoài ba bữa ăn chính: sáng sớm, trưa trật, tối mịt, người làm còn có hai bữa nửa buổi, mạ gọi " uống nước nửa buổi”. Nói uống nước nhưng đâu chỉ có nước chè đen đậm đặc mà là cơm với mắm, thỉnh thoảng còn có mì Quảng hoặc xôi. Mạ hay bảo hai em tôi Roa và Hạnh đem nước nửa buổi ra ruộng cho người làm. Mỗi mùa gặt lúa, có cúng cơm gạo mới, người làm được bữa no nê cơm không độn ăn cùng thịt heo. Nhờ đối xử tốt với người làm việc cho mình nên khi mạ cần là có người đến ngay.
Có năm trồng khoai lang bị hạn, ngọn khoai mới trồng phải tưới ngày hai lần. Kêu không ra người làm, mạ phải dậy sớm quảy đôi gàu tưới khoai. Khoai đất cát phải vun vồng to, cao, mạ lại thấp, vậy mà phải na đôi gàu nước nặng trịch, trườn lên nghiêng cho được cái gàu để nước từ từ chảy trúng gốc ngọn khoai, có lần quá đuối sức, trật tay đang giữ chiếc gàu trước làm gàu đầy nước phía sau đổ nhào, thế là mạ ngã lăn, ướt cả áo quần... Vậy mà có hôm ra trể, nước dưới ao đã cạn kiệt, vì người ta dậy sớm hơn, qua ao mình gánh... mạ phải ngồi trên bờ cát chờ cho nước rỉ ra...
Trồng khoai lang gặp hạn thì khoai tốt nhưng cực phải tưới ngày, tưới đêm. Đến khi khoai lang có củ mà gặp lụt coi như mất trắng. Năm ấy khoai lang trúng chưa đào thì lụt ập đến, đào không kịp, khoai bị thủm, xắt không kịp phải gánh đi bán. Bà con thương tình mua giúp. Chỉ có ông Điện làm bún trước nhà lỡ mua phải khoai thủm nặng, bà Điện chửi toáng lên rồi bưng rổ khoai đổ xuống mương. Thằng Roa đang giữ bò ở đám ruộng trước nhà ông Điện nghe bà Địên chữi, hắn tức qúa về nói mạ bán khoai cho ông Điện làm chi cho mang tiếng, ăn không hết thì cho heo ăn.
Mạ làm việc không dám nghỉ, nhưng đâu chỉ biết nai lưng ra làm, mà còn biết tính toán lợi hại nữa. Mạ nhớ, lúc còn ba ở nhà, sau trận đau thập tử nhất sinh ấy, đến khi ăn được miếng cơm ngon miệng là mạ gượng bước ra sân, ra vườn. Đang mùa trồng khoai mà trong túi không có một đồng mua ngọn. Mạ tính xúc vài thúng khoai khô bán, lấy tiền mua ngọn. Ba ngăn: Khoai để dự trữ chống đói, ai lại mang bán. Mạ bảo: Hết khoai khô thì ăn rau, ăn sắn, nhưng phải có ngọn trồng thì mùa đến mới có khoai mà ăn. Nghe mạ nói có lý, ba cười, rồi xách cặp đi họp.
Cũng mùa khoai năm 1953, sau nạn đói 1952, khoai được mùa trúng củ. Biết khoai còn non nhưng thấy anh Hậu giúp việc nhà chỉ có một bộ đồ đã rách vá nhiều chỗ, mạ muốn may cho anh một bộ đồ mới. Mạ bảo anh Hậu xuống đám khoai sau nhà ông Hiên, ông Điện, đào vài séc đem bán lấy tiền mua vải. Thấy rổ khoai, ba nói: Khoai còn non quá, bán uổng. Sao không ráng chờ ít nữa để củ to hơn. Mạ nói: Thôi cứ cho chừ đào một séc để lớn thành hai séc, nhưng giá bán một séc hôm nay bằng giá bán hai séc khoai ngày mùa. Đàng nào rồi cũng bán, nhưng bán chừ có tiền ngay!
Mỗi lần nhớ quê, nhắc đến quê nhà thì hình ảnh mạ tôi ngày nào lại hiện lên: một người đàn bà tầm thước, thấp người, đội chiếc nón lá, quảy đôi gánh đi trên cát.Hôm nào không quảy gánh thì mạ bưng cái rổ bên hông. Ngày nào cũng vâỵ, không buổi sáng sớm thì buổi xế chiều, mạ cũng nặng trĩu trên đôi vai một gánh rau hành từ nhà xuống chợ Hưng Mỹ, trên con đường cát, băng qua bãi cát dài hơn ba cây số. Bán hết gánh rau hành, mạ mua mắm, muối, cá...Hôm nào trời yên, biển lặng, cá biển ngang Bình Dương, Xuyên Nghĩa lên nhiều, rẻ, mạ mua nhiều hơn. Gặp cá cơm, cá nục, mạ mua làm mắm cái, để dành. Mắm cái là món chủ lực, dường như có mặt trong mọi bữa ăn, dù mùa mưa hay mùa nắng. Vườn nhà có đủ loại rau, mà nhiều rau thì đau mắm. Mùa nắng có rau muống. Gặp năm hạn hán, bàu sen cạn lòi bùn lên trồng rau muống xanh cả bàu, ngọn rau to như ngón tay. Bữa ăn nào cũng có rổ rau muống luộc chấm mắm cái,vậy mà không bữa nào dư. Ngày này sang ngày khác, cứ rau muống luộc, rau lang luộc, rồi dền, cải, bầu, ngọn đậu, ngọn bí, tất cả rất hợp với mắm cái... Rau sống chấm mắm cái vẫn ngon. Thường, mạ nấu canh hay nêm thêm chút mắm cái, như canh rau lang, canh bí đỏ. Mạ bày, muốn nêm mắm cái mà không nghe mùi mắm cái thì quậy chút nước lạnh vào mắm cái trước khi nêm... Lạ, ngọn rau lang nấu canh nêm mắm cái ngọt như nêm thịt bò... Ở quê, mấy ai phí thịt bò đem nấu canh rau lang. Thỉnh thoảng mạ mua tôm nhưng ít khi rang mặn với thịt heo mà xào chín để nấu vài bữa canh rau. Mỗi lần nấu canh, mạ gắp chừng chục con tôm giã dập với vài tép hành, canh sôi, bỏ tôm vào…
Từ nhỏ, tôi đã nghe câu ví:: Đói ăn rau, đau uống thuốc. Đúng, ăn nhiều rau cũng đỡ tốn cơm. Hồi đó, chưa có phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nên không có cụm từ "rau sạch”. Bây giờ thì hầu như không còn người đói phải ăn rau thay cơm, thay vì có nhiều người giàu ớn thịt, thích ăn rau. Nhiều, rất nhiều khách "xộp”, kể cả các quan chức nhà nước, vào nhà hàng, khách sạn, món ăn gọi đầu tiên là rau. Có lẽ từ đó sinh ra cụm từ "rau cao cấp”!
Nói gánh rau hành nhưng trên đó có đủ thứ rau quả do mạ trồng trong vườn: cà chua, đậu tây, xà lách, khổ qua, ớt, dưa, bí, bầu... đôi khi có cả con gà mái đẻ quá lứa... chuyển sang gà thịt, hoặc một chục trứng gà. Bữa nào bán được khá tiền, nhất là buổi chợ chiều, mạ còn mua cho anh em chúng tôi một ổ bánh đúc. Độ bốn năm giờ chiều, mong mạ đi chợ về, lục trong gánh mà có ổ bánh đúc là anh em chúng tôi xúm lại. Bánh đúc chấm mắm cái, ngon ơi là ngon!
Cứ đến Rằm tháng Tư, ngày Mạ từ biệt anh em tôi, áp thấp nhiệt đới vào miền Trung, mưa bay bay, trời se se lạnh.Nhớ mạ quá chừng, mạ ơi!
H.D.L