ĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN

04.09.2012

ĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN

Cách mạng thành công, Đà Nẵng có thêm thế và lực mới. Đất nước đã được tuyên bố độc lập, Bắc Nam đã liền một dải, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời. Từ đó, Đà Nẵng không chỉ có sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước trung ương, mà còn nhận được sự chi viện, hỗ trợ lẫn nhau rất lớn của các địa phương khác trong cả nước. Một khí thế cách mạng sôi nổi, một tinh thần lạc quan tin tưởng bao trùm khắp nơi. Trong tình hình đó, lãnh đạo thành phố chủ trương đổi tên thành phố Đà Nẵng thành thành phố Thái Phiên (1). Lòng tự hào, yêu nước của toàn dân được nhân lên. Ai cũng muốn được đóng góp công sức cho sự nghiệp cách mạng.

Ngày 2.9.1945, nhân dân khắp nội ngoại thành kéo về khu vực sân vận động Chi Lăng để làm lễ mừng Độc Lập và lắng nghe Tuyên ngôn Độc lập. Dòng người nườm nượp nối nhau, đội ngũ nghiêm trang tề chỉnh. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời, tiếng hô Độc lập dậy đất. Ý chí quyết tâm, tinh thần hồ hởi, cả thành phố bừng bừng đứng dậy.

Nhưng cũng như tình hình chung của cả nước, bên cạnh những thuận lợi căn bản, từ sau Cách mạng tháng Tám, sự nghiệp của nhân dân thành phố cũng có nhiều khó khăn phức tạp. Khác với đồng bào mình ở các tỉnh ngoài Bắc, nhân dân Đà Nẵng không phải trải qua một nạn đói khủng khiếp, song ảnh hưởng của nó cũng tác động đến đây phần nào. Với tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhân dân Đà Nẵng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Khi chính quyền cách mạng được thiết lập, Đà Nẵng tiếp thu được một số lượng gạo rất lớn của quân Nhật và của các hãng buôn. Thêm nữa, lượng gạo trong Nam tiếp tục chở ra cho quân Nhật ta cũng thu được hết. Nhưng Đà Nẵng chỉ để lại một lượng gạo đủ ăn cho mình ở mức độ tùng tiệm, còn gửi ra chi viện cho đồng bào miền Bắc hai chuyến tàu gạo. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi "hũ gạo tiết kiệm" của Hồ Chủ tịch, nhân dân Đà Nẵng cũng thực hiện cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ để hàng tháng có gạo gửi ra miền Bắc giúp đồng bào nghèo. Nhân dân Đà Nẵng vui vẻ chấp nhận chế độ ăn cơm sáo ghế để được đồng cam cộng khổ với đồng bào cả nước.

Lúc này thành phố gặp khó khăn rất lớn trong việc giải quyết nguồn tài chính. Song khó khăn lớn nhất của thành phố vẫn là những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Lúc này, trong thành phố có tới 5000 quân Nhật tập trung về chờ lệnh giải giáp. Quân Nhật đã bại trận, nhưng trang bị vũ khí của chúng vẫn còn nguyên vẹn. Nếu chính quyền ta không mạnh, ai dám chắc chúng không quay súng lại tấn công. Rồi từ ngày 15.9.1945, thực thi quyết định của hội nghị giữa các nước đồng minh tại Potsdam, 4000 quân Tưởng kéo vào Đà Nẵng. Ở các tỉnh miền Bắc, khi quân Tưởng kéo vào, chúng mang theo cả lực lượng phản cách mạng tập trung trong hai tổ chức: Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách). Ở Đà Nẵng, Việt Quốc, Việt Cách không có cơ sở, tổ chức mạnh như ở ngoài Bắc, nhưng ít nhiều chúng cũng có ảnh hưởng và gây khó dễ cho cách mạng (2). Dựa vào thế lực các đế quốc bên ngoài tràn vào thành phố, các lực lượng phản động bên trong cũng ngóc đầu dậy. Trong khi đó, sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ nhân dân còn nhiều khiếm khuyết, chưa được củng cố. Khi cách mạng nổi lên, ta mới chỉ kịp huy động quần chúng ra trận tranh đấu cho kịp thời cơ, mà nhiều nơi chưa kịp tổ chức họ thành đoàn thể. Những địa chủ, tư sản có một số ngả theo cách mạng, một số khác lại có thái độ lừng chừng, đợi thời, xem thế. Tầng lớp trí thức cũng còn nhiều người chưa hiểu rõ cách mạng. Đà Nẵng có nhiều tổ chức tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành...Số phản động cầm đầu một số tôn giáo không ưa gì cách mạng, chưa dám chống đối ra mặt, nhưng cũng hoạt động ngấm ngầm. Đà Nẵng còn một số lượng đáng kể người Hoa. Họ đã làm ăn, sinh sống ở đây từ lâu. Khi Cách mạng Việt Nam thành công, quân Tưởng vào, do bị ảnh hưởng tư tưởng của chế độ Tưởng Giới Thạch, họ không tin vào sự phát triển của Cách mạng Việt Nam, tuy họ không có hành động chống đối đáng kể. Đồng thời cũng nảy sinh hiện tượng cục bộ giữa các địa phương trong tỉnh liên quan đến việc quản lý những lợi ích kinh tế (3)

Lúc này ở Đà Nẵng, số lượng đảng viên rất ít (4). Lực lượng vũ trang, công cụ chủ yếu để bảo vệ chính quyền, cũng chỉ mới được nhen nhóm, số lượng không nhiều, tổ chức chưa vào nề nếp, trang bị hết sức thô sơ.

Tất cả những tình hình trên đòi hỏi nhân dân Đà Nẵng phải có một cố gắng vượt bậc mới đưa được cách mạng vượt qua bước thử thách ngặt nghèo. Vấn đề trước mắt phải giữ vững chính quyền của nhân dân, phải xây dựng được chế độ xã hội mới để biến sự nghiệp cách mạng thành sự nghiệp chung của toàn dân. Muốn thế, Đà Nẵng phải ổn định được tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện được đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, để có thực lực đủ mạnh đập tan mọi âm mưu của thù trong giặc ngoài.

Về củng cố chính quyền nhân dân, lãnh đạo thành phố có hai chủ trương. Một là, đề nghị Xứ ủy cho tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam, thành một đơn vị độc lập. Chủ trương này có từ trước, nhưng nay Xứ ủy mới chấp thuận. Từ đầu tháng 9.1945 Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam. Một thời gian ngắn sau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu chỉ đạo cho nhập lại. Tuy nhiên, do những đòi hỏi cấp bách của tình hình nên sự sát nhập đó mãi tới ngày toàn quốc kháng chiến, khi có cuộc họp hai bên ở Ái Nghĩa (Đại Lộc) mới thực hiện được (5). Thứ hai là mở rộng địa dư thành phố và phân chia các khu hành chính. Sau khi được cấp trên đồng ý cho sát nhập phần đất Nam Thọ, Hòa Hải của huyện Hòa Vang vào, thành phố Đà Nẵng được chia thành 3 khu phố: Khu Trung (Nội thành), khu Đông và khu Tây (ngoại thành) (6).

Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố duy trì đến tháng 10.1945 thì đổi ra là uỷ ban Nhân dân. Đồng chí Lê Văn Hiến được Việt Minh thành cử làm Chủ tịch đầu tiên. Hôm sau Trung ương điều động đồng chí Hiến ra làm Bộ trưởng, đồng chí Lê Dung lên thay làm Chủ tịch ủy ban. Ngày 6.1.1946, thực hiện chủ trương chung của Nhà nước Trung ương, nhân dân Đà Nẵng tưng bừng tổ chức Tổng tuyển cử. Cuộc Tổng tuyển cử đã được tổ chức chu đáo, theo đúng pháp lệnh của Nhà nước. Đó thực sự là một ngày hội lớn của nhân dân thành phố. Kết quả, đồng chí Lê Dung đã trúng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của thành phố, trong số 333 đại biểu trúng cử chính thức của cả nước (7). Lần dầu tiên trong lịch sử, người dân thành phố được thực hiện quyền làm chủ chính quyền, làm chủ quê hương, đất nước của mình. Ý thức chính trị, lòng yêu nước, sự gắn bó với cách mạng được nâng cao hơn bao giờ hết.

Ngày 17.2.1946, nhân dân Đà Nẵng lại nô nức tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân liên tỉnh (Đà Nẵng có 10 vị ra ứng cử, trúng 4). Cuối tháng 2.1946, Hội đồng nhân dân tỉnh họp và cử ra ủy ban hành chính tỉnh. Tháng 3.1946, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố cũng được tổ chức, 25 vị đã trúng cử ngay vòng đầu. Tháng 4.1946, Hội đồng nhân dân thành phố họp phiên đầu tiên ở Cổ Viện Chàm cử ra ủy ban hành chính thành phố gồm 5 vị (8).Ủy ban hành chính thành phố họp và chia lại địa giới thành phố ra làm 7 khu phố (9). Đảo Hoàng Sa (Paracel) được quy định là một đơn vị xã, trực thuộc uỷ ban hành chính thành phố. Tiếp đến, các xã cũng tổ chức bầu Hội đồng nhân dân của mình và cử ra ủy ban hành chính xã, ủy ban hành chính khu phố. Mỗi ủy ban lại cử ra một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký và một số ủy viên phụ trách các mặt công tác. Vậy là đến đây, nhân dân Đà Nẵng đã có chính quyền chính thức của mình, từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở là cấp xã. Những thành viên của chính quyền đó thể hiện được ý chí, nguyện vọng và lợi ích của toàn dân. Họ không chỉ là những người của đoàn thể cách mạng, mà có cả nhân sĩ, trí thức yêu nước.

Tháng 9.1945, Thành ủy lâm thời Đà Nẵng được thành lập gồm 7 đồng chí, Huỳnh Ngọc Huệ làm Bí thư (10). Tháng 11.1945, tổ chức Đảng ở Đà Nẵng rút vào hoạt động bí mật, nhưng công tác phát triển đảng viên vẫn được đẩy mạnh. Đến tháng 4.1946, trong các lực lượng vũ trang, trong các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng, Đảng đã xây dựng được nhiều cơ sở, tổ chức của mình. Cũng trong tháng 4.1946, một Thành uỷ chính thức được thành lập, do Nguyễn Ngọc Chấn làm Bí thư (11). Đến cuối năm 1946, toàn thành phố đã có 14 chi bộ với 94 đảng viên.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, từ những đơn vị tự vệ trong khởi nghĩa giành chính quyền, với vài chục khẩu súng trường thu được của Nhật tại trại Bảo An binh, ta tuyển thêm một số thanh niên hăng hái, khỏe mạnh, thành lập đại đội Phan Thanh. Đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên này gồm 4 trung đội nam, 1 phân đội nữ, với nhiều tiểu đội. Ban chỉ huy cấp trung đội, phân đội, phần lớn là hạ sĩ quan tuyển trong lính khố xanh, khố đỏ cũ. Ta thuyết phục được một số sĩ quan Nhật giúp vào việc huấn luyện quân sự. Do đó nguồn súng, đạn, vải vóc ta tiếp tục lấy được từ tay Nhật nên đơn vị được trang bị tương đối khá. Mỗi tiểu đội có 9, 10 súng trường, mỗi trung đội có vài khẩu trung liên, quân phục thì bằng vải ka-ky. Từ cuối năm 1945, lực lượng quân sự Đà Nẵng đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của tỉnh đội. Đầu năm 1946, lực lượng vũ trang tập trung của hai bên Quảng Nam và Đà Nẵng sát nhập, lập ra Chi đội I, gồm 4 tiểu đoàn và 2 phân đội nữ, trong đó tiểu đoàn Phan Thanh có nhiệm vụ bảo vệ Đà Nẵng (12). Các lực lượng tự vệ có từ trước vẫn được duy trì. Ta lập thêm các đơn vị dân quân. Để lãnh đạo các lực lượng dân quân và tự vệ, ta lập cơ quan Thành đội (13), dưới có các khu đội và xã đội, các công sở xí nghiệp thì có ban chỉ huy quân sự. Đầu năm 1946, ta sát nhập tự vệ và dân quân, thành Vệ dân đoàn. Các đơn vị cảnh sát và công an cũng được lập từ cuối năm 1945, đầu năm 1946 sát nhập lại và thống nhất gọi là Công an. Đây là một lực lượng được xây dựng hoàn chỉnh nhất, với trang phục khá đàng hoàng.

Có chính quyền, có Đảng, có lực lượng vũ trang, đó là những nhân tố căn bản để giữ gìn thành quả cách mạng. Bên cạnh đó, vấn đề hết sức quan trọng khác là phải tổ chức quần chúng thành mặt trận dân tộc rộng rãi, có tinh thần đoàn kết, nhất trí cao. Sau một thời gian, các hình thức tổ chức đoàn thể của quần chúng như: công nhân cứu quốc, thương gia cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, học sinh cứu quốc, Phật tử cứu quốc...được thành lập khắp nơi, rồi từng đoàn thể đứng ra tổ chức đại hội để thống nhất hệ thống tổ chức theo ngành dọc của mình từ cấp cơ sở lên cấp thành phố, cấp tỉnh.

Song song với việc trấn áp bọn phản động, chính quyền nhân dân cũng đã ban bố các quyền tự do dân chủ, khôi phục sản xuất để phát triển nền kinh tế đô thị. Theo chủ trương của Nhà nước Trung ương, chế độ ngày làm việc 8 giờ đối với thợ thuyền được thực hiện. Các thứ thuế vô nhân đạo của chế độ cũ, đặc biệt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò, được bãi bỏ. Các nhà tư sản công nghiệp, thương nhân được tự do phát triển kinh doanh. Địa chủ phải giảm tô 25%, ruộng công được chia lại cho cả nam lẫn nữ, và tá điền cùng địa chủ được khuyến khích hòa giải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi để cùng nhau chăm sóc cấy trồng. Tuy nhiên trong vấn đề giải quyết ruộng đất, do không nắm vững chính sách nên có nơi như Mỹ Khê đã phạm sai lầm quá tả và cuối cùng thất bại (14). Các xí nghiệp, thương cảng, hãng buôn cũng lần lượt mở cửa trở lại. Chợ búa hoạt động bình thường. Tết âm lịch năm 1945, mặc dù đang có rất nhiều khó khăn nhưng chính quyền thành phố vẫn tổ chức chu đáo cho nhân dân, có hội chợ Lu-xi-a để dân đón xuân, vui tết.

Từ sau khi giành được chính quyền, với những biện pháp kiên quyết và sáng tạo, nhân dân Đà Nẵng không những đã giải quyết tốt những vấn đề cấp bách của mình, mà còn có những đóng góp đáng kể vào việc giải quyết những vấn đề chung của cả nước. Chính quyền nhân dân thành phố không chỉ được giữ vững, mà có bước phát triển.

N.V

(Theo Lịch sử thành phố Đà Nẵng)

---------------------------

(1) Nhân dân Đà Nẵng rất tự hào thành phố được mang tên Thái Phiên. Nhưng các văn bản chính thức của Nhà nước thời kỳ này vẫn dùng tên gọi Đà Nẵng. Để bạn đọc tiện theo dõi, ở đây chúng tôi sử dụng một tên gọi thống nhất là Đà Nẵng.

(2) Nhiều người cho rằng, Việt Quốc chủ trương phá cầu Chiêm Sơn để chặn đường Nam Tiến của ta. Nhưng theo đồng chí Trịnh Quang Xuân, nguyên phó Ty trinh sát hồi đó, chưa hẳn như vậy. Cần nghiên cứu thêm. Xem hồi ký của Trịnh Quang Xuân, lưu tại BNCLSĐ tỉnh QN-ĐN, ký hiệu số 33, cặp C.

(3) Một số cán bộ Hòa Vang cho rằng Đà Nẵng tịch thu cả phần tài sản của Nhật nằm trên đất Hòa Vang và đòi trả lại Hòa Vang. Xem tài liệu của BNCLSĐ QN-ĐN, ký hiệu 55/Đ.V.

(4) Lúc này Đà Nẵng có 4 đảng viên. Tài liệu của BNCLSĐ QN-ĐN, ký hiệu 55/Đ.V.

(5) Theo lịch sử Đảng bộ Quảng Nam Đà Nẵng, 1990, trang 37 thì tháng 11.1946 Đà Nẵng sát nhập vào Quảng Nam.

(6) Khu Trung có các xã: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nại Hiên, Bình Thuận. Khu Tây có các xã: Thanh Khê, Hà Khê, Xuân Hòa, Xuân Đán, Liên Trì, Thạc Gián, Thuận An. Khu Đông có các xã: An Hải, Hòa Hải, Mỹ Khê, Phước Trường, Tân Thái, Nam Thọ, Cổ Mân, Mân Quang, Nại Hiên.

(7) Sắc lệnh số 51, ngày 17.10.1945 quy định, cứ 50 vạn dân được bầu một đại biểu Quốc Hội. Đà Nẵng lúc này khoảng trên dưới 30 vạn dân nên không được cử một đại biểu nào. Nhưng sắc lệnh số 72, ngày 2.12.1945 quy định, bổ sung cho Đà Nẵng một đại biểu.

(8) Trần Đình Tri, Chủ tịch, Võ Sĩ Đống, Phó Chủ tịch và Nguyễn Văn Tôn, Nguyễn Nhĩ, Nguyễn Dư là Ủy viên Ủy ban.

(9) Khu Trần Phú (bao gồm toàn bộ địa phận xã An Hải); khu Phan Đăng Thanh (bao gồm Thạc Gián, Thạch Thang, Liên Trì); Khu Lê Hồng Phong (bao gồm Yên Khê, Xuân Hòa, Xuân Đán, Phúc Đán); Khu Hà Huy Tập (Thanh Khê, Hà Khê, Thuận An); Khu Nguyễn Thái Học (An Hải, Mỹ Khê, Phước Trường, một phần Nại Hiên); Khu Phó Đức Chính (Tân Thái, Nam Thọ, Cổ Mân, Mân Quang).

(10) Thành ủy lâm thời gồm Huỳnh Ngọc Huệ làm Bí thư, Nguyễn Trác Phó bí thư và các Ủy viên là Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Hương (tức Phi), Lê Văn Mậu, Nguyễn Xuân Lẩm và đồng chí Dũng.

(11) Lê Văn Quý Phó Bí thư, các Ủy viên là Tiềm, Bá, Trình, Thiệu, Từ, Mậu, Sơn, Lâm, Hương (Phi), Nhật.

(12) Tiểu đoàn Phan Thanh do Trần Tất Thắng làm Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Hoàng Chính trị viên và nữ đồng chí Triềm phụ trách phân đội nữ.

(13) Đoàn Tiềm làm Thành đội trưởng.

(14) Cứ ai có ruộng cấy rẽ đều bị coi là địa chủ. Số ruộng cho cấy rẽ bị tịch thu và chia luôn cho người vẫn nhận cấy rẽ. Nhưng đến vụ gặt, những người được chia ruộng vẫn trả lúa lại cho chủ cũ. Thế là đâu lại vào đấy và cũng không ai nhắc lại nữa.

Bài viết khác cùng số

GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNGTản mạn về sông - NGUYỄN VĂN TÁMNHỚ MẸ - HỒ DUY LỆĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ MÂY BIÊN GIỚI;TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM; NHỚ DÂN - LƯU TRÙNG DƯƠNGMột dòng thác Khôn; Phu Khẹt - NGÂN VỊNHThác Phapheng; Vạt Phu -LÊ ANH DŨNGSáng tác trẻ: Viết trong căn phòng thơm mùi gỗ mới - Nguyễn Quốc VIệtTìm em gội giấc mơ vàng; Em cũng tình cờ; Rưng rưng- DUNG THỊ VÂNVừa - NGUYỄN KIM HOÀNG NHƯ GIÓ LẺ - PHỤNG LAMĐÊM HÀ THÀNH THÁNG TƯ - PHÚ THIỆNANH ĐÂU - CẨM LỆKhi người nắm bàn tay - LÊ THANH MY VỀ BẰNG AN; THĂM MỘ NGUYỄN DU - TRẦN VĂN THỌGỬI TRƯỜNG SA - NGUYỄN BỘI NHIÊNCON TỔ QUỐC - NGUYỄN HOATỔ QUỐC VINH QUANG LÀ BIỂN RỘNG TRƯỚC MUI THUYỀN - LÊ ANH PHONG Mùa gọi ; Thông và đời - NGUYỄN HỒNG VINHBÀI CHÒI - Nhà nghiên cứu TRẦN HỒNG UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh - T.S NGUYỄN THỊ THU TRANGHÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆCÓ MỘT “CHÚ ẾCH CON”….GIÀ NHẤT NƯỚC VIỆT NAM - THU HƯỜNGPHẠM THIÊN THƯ – NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN - TRƯƠNG VĂN KHOABẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀNGHI Ở CHIẾN TRƯỜNG C (Lưu Trùng Dương, NXB Đà Nẵng, 2012)SÁCH MỚI: Cảm thụ và tư duy văn học(Nguyễn Thuận, NXB Văn học, 2012)NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANGCA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH