BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀN

04.09.2012

BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀN

Bản án chế độ thực dân Pháp là một thiên phóng sự điều tra sắc sảo, một tác phẩm văn học "kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội, mở đầu cho một nền văn học mới, văn học thuộc phạm trù ý thức hệ vô sản”, một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng. Đây "là bản buộc tội không chối cãi, chống chế được, vì nó lấy những tư liệu chính xác nhất ở khắp các thuộc địa Pháp, lấy cả chứng từ của người Pháp ở thuộc địa. Nó có tác dụng thuyết phục trọn vẹn những người hiểu biết nửa chừng, lưu ý người vô tâm, hun thêm lòng căm phẫn của nhân dân thuộc địa và vô sản ở chính quốc. Nó tố cáo từ chủ trương xâm chiếm thuộc địa đến những chính sách, thủ đoạn áp bức bóc lột” dã man và tàn khốc của bọn thực dân.

Mở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng tố cáo tội ác của thực Pháp đối với người dân bản xứ. "Nhưng cái vinh dự đột ngột ấy, người bản xứ đã phải trả bằng một cái giá khá đắt. Bởi vì để bảo vệ cho cái tự do và công lý mà chính họ không được hưởng lấy một tí nào ấy, họ phải đột ngột lìa vợ, lìa con, bỏ đàn cừu, bỏ mảnh ruộng, để vượt đại dương, đem xương phơi trên các chiến trường châu Âu”. "Một số khác thì bỏ thây nơi sa mạc thơ mộng vùng Ban Căng”. "Môt số nữa thì "hi sinh anh dũng” trên bờ sông Mác – nơ hay trong bùn lầy miền Săm-pa-nhơ, đem máu mình tưới cho tươi những vòng nguyệt quế của các quan chỉ huy và lấy xương chạm trỗ những chiếc gậy phù hiệu cho các ngài khống chế”. "Bảy mươi vạn người bản xứ đã bước chân lên đất Pháp và trong số ấy, tám vạn người đã không bao giờ còn trông thấy mặt người trên quê hương, đất nước họ nữa”.

Thực dân Pháp gây tội ác kinh hoàng đối với người dân hiền lành, vô tội ở khắp mọi nơi. Hãy xem những trò thâm độc mà chúng gây ra tại Tây Phi. "Ở đây, bọn chỉ huy quân đội đã kéo quân đi từng làng bắt bọn hào mục bản xứ phải nộp ngay lập tức số người chúng muốn tuyển mộ. Một viên chỉ huy đã được khen là khôn khéo vì đã nghĩ ra cách bắt những thanh niên Xê-nê-gan bỏ trốn phải trở về và nhận đội mũ lính, bằng cách bắt thân nhân của họ ra hành hạ. Hắn bắt các ông già, bà già, đàn bà có thai, con gái, đem lột trần truồng ra, rồi đốt hết quần áo trước mặt họ. Mình trần truồng, hai tay bị trói ghì,những nạn nhân khốn khổ đó bị bắt buộc phải chạy nhanh qua các thôn xã dưới làn roi vọt không ngớt, để "làm gương”! Một người đàn bà cõng con trên lưng phải van xin mãi người ta mới cởi trói cho một tay để đỡ đứa bé. Trong khi chạy, hai cụ già ngã xuống ngất đi vì lã đói; nhiều em gái bị khủng bố bằng những hành vi tàn ác đó, nên đã bật hành kinh tuy chưa đến tuổi; một người đàn bà có mang bị trụy thai, con chết ngay khi đẻ; một người đàn bà khác thì sinh đứa bé mù mắt”.

Thực dân Pháp không chỉ nhẫn tâm gây tội ác với người lớn, đàn bà, em thơ mà ngay cả với những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Những tội ác này lần đầu tiên có trên thế giới. Ở Việt Nam, hành động của chúng còn tàn khốc, bỉ ổi và thú tính hơn nhiều, từ thủ đoạn cướp bóc tài sản dân lành cho đến những hành động đàn áp dã man. "Một viên cẩm khác ở Đà Lạt (Trung kỳ) vừa mới khai sáng ra một lối mua bán lý thú, chúng tôi xin thuật ra đây để hiến quí ngài Đi-ô và Xa-rô. Một hôm ông cẩm cần ván. Ông bảo lính ra phố mua. Nói mua cho nó có vẻ thôi, chứ ông cẩm có đưa tiền cho những người ông ta sai đi đâu”. Chỉ cần nói thế thôi là người đọc đủ biết chúng đã cướp bóc khốc liệt đến mức người chủ tiệm gỗ phải bỏ nhà cửa, quê hương, mang gia đình trốn đi thật xa.

Chúng coi mạng người như cỏ giác và mặc sức bắn giết bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ ai bằng nhiều cách dã man, rùng rợn từ các kiểu hành hình thời Trung cổ đến các kiểu hành hình hiện đại mà không hề có bất kỳ một lý do nào. "Một dân Bắc kỳ lâu năm kể lại: Khi tôi đi tàu của một nhà kinh doanh lớn đến Bắc kỳ, các anh có biết mạng của một người Việt Nam đáng giá bao nhiêu không? Không đáng một xu đâu! Thật đấy. Này nhé, tôi còn nhớ khi chúng tôi đi dưới tàu ngược sông Hồng, người ta đã đem rượu ra đánh cược với nhau xem ai ngồi dưới tàu, bắn mười phát súng mà "hạ” được nhiều mạng người Việt Nam ở trên bờ thì được cuộc”. Chúng xem mạng người Việt Nam không bằng loài cầm thú trong một chuyến đi săn.

Chưa dừng lại ở đấy, "Trong khi hành khách trên tàu "Bắc kỳ” đang vui chơi giải trí thì dưới mạn tàu, có mấy chiếc xuồng bán hoa quả, ốc hến. Những người Việt Nam bán hàng treo giỏ vào đầu sào cất lên tận tay chúng tôi. Chúng tôi chỉ mất công chọn hàng. Nhưng đáng lẽ trả tiền thì người ta lại "lịch sự” bỏ vào giỏ đủ thứ như: ống điếu, khuy quần, mẫu thuốc tàn… Có khi để đùa một tí thôi, anh thợ đốt máy hắt chơi một gầu nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ. Tức thì những tiếng kêu rú lên và tiếng mái chèo vung lên loạn xạ để bơi tránh làm cho xuồng va chạm vào nhau rầm rầm.

Ngay bên dưới tôi một người Việt Nam bị giội nước sôi, bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Cha của anh ta quên cả nguy hiểm, bỏ tay chèo ra, ôm xốc lấy anh, bắt nằm xuống lòng thuyền. cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì gầu nước sôi thứ hai giội xuống do một bàn tay thành thạo, thế là đến lượt chính người cha bị luộc chín. Tôi nhìn thấy ông già giẫy giụa trong thuyền, da bị róc đi tròi thịt đỏ rói, miệng gào rống lên như một con vật. Thế nhưng cảnh đó lại làm cho chúng tôi bật cười, chúng tôi cho là rất ngộ nghĩnh. Quả thực chúng tôi đã có một tâm hồn thực dân”! Chính những con người bị hành hạ như loài cầm thú ấy "là những người làm mọi việc lao dịch. Chính họ là những người làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người đi khai hóa và những bọn người khác nữa hưởng. Mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ, trong khi những tên đao phủ của họ lại sống rất thừa thải; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do Nhà nước, do bọn phong kiến tân thời, do nhà thờ”.

Thực dân Pháp cùng bè lũ của chúng thường xuyên thiêu sống người vô tội, cưỡng hiếp phụ nữ và hành hạ em thơ… Tội ác của chúng chất cao như núi và ngày càng tàn khốc, tinh vi. Người dân Việt Nam phải sống trong tột cùng nỗi đớn đau, đói khát và nhục nhã, đã đến lúc cả dân tộc phải vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và lật đổ chế độ phong kiến thối nát. Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng – Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi trong cuộc cách mạng thánh Tám - 1945. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng tháng Tám là kết quả của quá trình đấu tranh của toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với các phong trào liên tục, rộng khắp. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh biểu thị sức mạnh to lớn của công nhân và nông dân làm tan rã chính quyền địch ở nhiều nơi, trực diện tiến công vào sự thống trị của đế quốc và phong kiến, xuất hiện hình thức chính quyền kiểu mới như Xô Viết ở nước Nga. Cuộc vận động dân chủ những năm 1936-1939 là phong trào cách mạng độc đáo ở một nước thuộc địa với sự phát triển sáng tạo cả về chiến lược và sách lược của Đảng có ý nghĩa sâu sắc đối với cách mạng ở khu vực các nước thuộc địa, vận dụng đúng đắn đường lối của Đại hội VII Quốc tế cộng sản (7-1935)”.

Đối với dân tộc, đây là một sự kiện vĩ đại có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa đầu tiên phải kể ra là nó chấm dứt những tội ác tàn khốc như đã nói trên, mở ra một bước ngoặt lớn và ghi thêm vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi. Cách mạng tháng Tám đã phá tan xiềng xích nô lệ của phát xít Nhật trong gần 5 năm và của thực dân Pháp trong hơn 80 năm, đồng thời lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót chục thế kỉ, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thắng lợi này biến Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành nước độc tập, tự do. Người dân Việt Nam từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng xã hội, kỉ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước.

Đối với thế giới, cách mạng tháng Tám cũng mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc thuộc địa đã tự đứng lên, giải phóng mình khỏi ách đế quốc thực dân, góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên khắp thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 "chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Nhận định này, cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc Cách mạng tháng Tám. Chính nó đã chặn đứng những tội ác kinh hoàng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo trong "Bản án chế độ thực dân Pháp”.

N.T.A.H

Bài viết khác cùng số

GHI CHÉP MỘT LẦN ĐẾN - TRẦN KỲ TRUNGTản mạn về sông - NGUYỄN VĂN TÁMNHỚ MẸ - HỒ DUY LỆĐÀ NẴNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG NĂM 1945 -NGÔ VĂN GẶP LẠI NHÀ VĂN LÀO BOUNTHANONG XOMXAYPHAOL - THANH QUẾ MÂY BIÊN GIỚI;TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM; NHỚ DÂN - LƯU TRÙNG DƯƠNGMột dòng thác Khôn; Phu Khẹt - NGÂN VỊNHThác Phapheng; Vạt Phu -LÊ ANH DŨNGSáng tác trẻ: Viết trong căn phòng thơm mùi gỗ mới - Nguyễn Quốc VIệtTìm em gội giấc mơ vàng; Em cũng tình cờ; Rưng rưng- DUNG THỊ VÂNVừa - NGUYỄN KIM HOÀNG NHƯ GIÓ LẺ - PHỤNG LAMĐÊM HÀ THÀNH THÁNG TƯ - PHÚ THIỆNANH ĐÂU - CẨM LỆKhi người nắm bàn tay - LÊ THANH MY VỀ BẰNG AN; THĂM MỘ NGUYỄN DU - TRẦN VĂN THỌGỬI TRƯỜNG SA - NGUYỄN BỘI NHIÊNCON TỔ QUỐC - NGUYỄN HOATỔ QUỐC VINH QUANG LÀ BIỂN RỘNG TRƯỚC MUI THUYỀN - LÊ ANH PHONG Mùa gọi ; Thông và đời - NGUYỄN HỒNG VINHBÀI CHÒI - Nhà nghiên cứu TRẦN HỒNG UẨN KHÚC TRUÔNG BÒ – UẨN KHÚC CỦA THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI-NGUYỄN KIM HUY Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh - T.S NGUYỄN THỊ THU TRANGHÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN – một nén hương thơm thảo -QUỲNH LỆCÓ MỘT “CHÚ ẾCH CON”….GIÀ NHẤT NƯỚC VIỆT NAM - THU HƯỜNGPHẠM THIÊN THƯ – NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN - TRƯƠNG VĂN KHOABẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – 1945 - NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀNGHI Ở CHIẾN TRƯỜNG C (Lưu Trùng Dương, NXB Đà Nẵng, 2012)SÁCH MỚI: Cảm thụ và tư duy văn học(Nguyễn Thuận, NXB Văn học, 2012)NGHỆ SĨ NHÂN DÂN NGUYỄN PHẨM - TRƯƠNG ĐÌNH QUANGCA TỪ TIẾNG VIỆT – CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG LỐI RẼ NGANG -PHAN VĂN MINH