Truyện ngắn Trần Thùy Mai- hành trình đi tìm hạnh phúc ảo ảnh

14.03.2011

Truyện ngắn Trần Thùy Mai- hành trình đi tìm hạnh phúc ảo ảnh

Lê Thị Hường

Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế

Tác phẩm của nữ giới thường có tính chất tự truyện. “Phụ nữ thường mạnh ở chỗ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trong sách, hoặc nói như phương Tây… họ tự ăn mình” (Đặng Anh Đào). Một nhà văn nữ tự bạch: “Viết mãi thì cũng không ra khỏi thân phận người nữ như chạy trời không khỏi nắng”. Nếu xem truyện ngắn Trần Thùy Mai là tự truyện thì không phải, nhưng cảm giác Trần Thùy Mai phân mảnh, hóa thân rất rõ trên từng trang viết đầy nữ tính của nhà văn. Trần Thùy Mai từng tâm sự: “Cho đến nay mình vẫn thích viết về những mảnh đời gần gũi quanh mình, của bạn bè, của những người cùng sống, viết như một cách trao đổi tâm tư với người cùng thời và mở rộng cuộc sống nội tâm của chính mình” [1].

1. Không thu hút người đọc bằng những cốt truyện lạ, càng không gây sự chú ý bằng những yếu tố tình dục đang là ưu điểm và cũng là hạn chế của văn học những năm gần đây, Trần Thùy Mai viết như để giải bày. Có những truyện nhà văn như cúi xuống lòng mình mà nhả chữ. Trừ một số truyện có cốt truyện (thấy rõ ở tập truyện gần đây nhất của Trần Thùy Mai là Một mình ở Tokyo), phần lớn Trần Thùy Mai để ngòi bút trôi theo trực cảm, cảm giác. Nhỏ nhẹ, dịu dàng, với phương thức tiếp cận cuộc sống nửa cổ tích, nửa thế sự, Trần Thùy Mai đã khẳng định một phong cách riêng. Bằng khả năng cảm nhận và miêu tả tinh tế hiện thực cuộc sống thông qua thế giới tâm hồn, Trần Thùy Mai đã góp phần làm nên sự phong phú và chiều sâu của truyện ngắn đương đại.

Truyện ngắn Trần Thùy Mai đa dạng. Cái lỉnh kỉnh đời thường trong truyện đầu tay Một chút màu xanh là điểm nối đồng cảm giữa Trần Thùy Mai và người đọc. Giữa bộn bề cuộc sống, một chút mầm xanh của cây non, của lá, lạ thay cứ biếc ngời. Chuyện cũ ở quê nhà là những trăn trở đầy khát vọng nhân bản. Ý thức nữ quyền cứ bật lên, loang ra, từ ba thế hệ- những mảnh đời phụ nữ đồng dạng, rất buồn: Một bà mẹ chồng vừa cay nghiệt, vừa bao dung (bà tôi); một cô con dâu “không có tuổi nào là thiếu nữ, chỉ toàn là gió bụi và gian truân” (mẹ tôi); và “một con người vừa đạp tống vào lòng mẹ, nhảy vào đời” (em gái tôi). Khai thác mảng đời thường mãi cũng dễ lặp lại lối mòn, linh hoạt và nhạy cảm, ngòi bút Trần Thùy Mai ngày càng hướng về những vấn đề lớn có ý nghĩa vĩnh hằng: con người, tình yêu, cái đẹp, nghệ thuật, cõi tâm linh, kể cả hư vô, cái chết…(Các tập truyện Bài thơ về biển khơi, Thị trấn hoa quỳ vàng, Trò chơi cấm, Đêm tái sinh, Một mình ở Tokyo…). Truyện ngắn Trần Thùy Mai có những khoảng sâu nằm sau lớp vỏ ngôn ngữ. Cụ thể hóa cái tứ, cái hồn mỗi truyện ngắn của Trần Thùy Mai e rằng sẽ phá hỏng tất cả.

Trần Thùy Mai viết nhiều về tình yêu. Đầy nữ tính, chị dành trọn văn nghiệp của mình cho đề tài vĩnh hằng này. Hơn ở đâu hết, mảng đề tài này đã dựng lên chân dung một nhà văn nữ giữa bộn bề những cá tính sáng tạo trong thành tựu của truyện ngắn đương đại. Những truyện viết về tình yêu của Trần Thùy Mai thường mang lại cho người đọc cảm nhận thú vị về văn hóa tình yêu. Dại khờ, nông nỗi, đam mê, cuồng nhiệt - những cung bậc tình yêu muôn thuở được nhà văn thể hiện đầy nữ tính. Có lúc chạm tới trái cấm, có những phút xao lòng, nhưng vẫn nén lòng trong những trạng thái tâm hồn phức hợp. Tôi trong Cánh cửa thứ chín cháy lòng khao khát “cùng anh đi vớt mặt trời trên biển tây. Tôi sẽ chịu bỏng, chịu cháy để được đau đớn được thương yêu”. Nhưng cuối cùng tôi không thể thoát ra khỏi những thành trì vây bọc dù có đi khắp thế gian bằng đôi chân mộng du của mình. Đành dằn lòng lại và tự chôn mình (Cánh cửa thứ chín).

Dù viết về vấn đề gì, những trang viết của Trần Thùy Mai vẫn không ra khỏi cái chất kết dính kì diệu là cảm xúc nữ tính. Hãy xem chị viết về chiến tranh, mảng đề tài hiếm hoi trong thế giới nghệ thuật của Trần Thùy Mai, và cũng không dễ thành công đối với các cây bút nữ. Chiến tranh hiện ra qua khuôn mặt phụ nữ với hận thù và yêu thương, nồng nàn và kiêu hãnh (Chăn Tha); Chiến tranh trong kí ức của một cô gái trẻ hiện hình sống động trong những âm thanh dìu dặt của khúc nhạc rừng dương. Có tiếng bom đạn, tiếng gió, tiếng cát, tiếng nỉ non của những niềm đau khổ, xót thương, mất mát… Và có cả tiếng dương liễu trong gió reo… (Khúc nhạc rừng dương); Chiến tranh hiện ra đằng sau bức tranh của người lính Hàn Quốc trở về từ Việt Nam- bức tranh chỉ vẽ một chữ “Phật”; và kì lạ thay, đằng sau con chữ tượng hình đó không có chân dung Phật tổ- chỉ có hình ảnh một cánh rừng “mênh mông, với những hoa cỏ mọc hồn nhiên bên nhau không oán thù” (Phật ở Kyong-ju).

2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Trần Thùy Mai không đa dạng lắm nhưng khá sinh động. Dẫu Trần Thùy Mai có dàn dựng nhiều kiểu dạng nhân vật (phương Đông – phương Tây; huyền thoại – lịch sử – hiện đại), thì rốt cục thế giới nghệ thuật của tác giả cũng hiện đậm một cái tôi phụ nữ buồn, nhiều khát vọng. Đi vào thế giới nhân vật nữ của Trần Thùy Mai, cảm giác về sự hóa thân đậm nét. Sự hóa thân ấy có lúc thể hiện ở nhân vật người kể chuyện ngôi thứ nhất. Tôi kể chuyện mình, chuyện người, chuyện nhân thế bằng nhiều giọng điệu. Tôi nhìn đời, nhìn người qua cặp mắt rất phụ nữ (Trăng soi đáy giếng). Tôi hóa thân đồng cảm (Hoa sứ trắng). Tôi phân thân trải lòng (Gió thiên đường). Tôi chênh chao giữa những bến bờ hạnh phúc (Dịu dàng như cỏ)… Nhưng đa phần cái tôi ấy ẩn sau những khuôn mặt phụ nữ khác- là Phượng (Huyền thoại về chim phượng), là Ng (Thị trấn hoa quỳ vàng), Naokô (Chiếc phong linh); là Kyoko (Một mình ở Tokyo)…

Nhân vật của Trần Thùy Mai chủ yếu là nữ trí thức. Họ có tất cả. Nhan sắc, tâm hồn, đam mê, khát vọng, niềm xác tín vào cái đẹp. Nhưng họ cũng không có gì hết. Lỗi ở chính họ, những người đàn bà luôn cầu toàn, quá thông minh và quá ham hố. Họ không yên ổn. Họ khao khát đuổi tìm hạnh phúc, và bất hạnh là ở chỗ họ luôn-ngẫm-ngợi-về-nó. Hạnh phúc đối với họ như chiếc cầu vồng mờ ảo cuối chân trời, như cánh cửa thứ chín của mỗi đời người, đầy hứa hẹn nhưng không thể mở ra. Hạnh phúc là cái gì vừa như sờ mó được, lại vừa xa xôi, hư ảo, cứ chấp chới ở phía trước. Trong Cánh cửa thứ chín, bằng bút pháp lãng mạn pha sắc màu huyền ảo, Trần Thùy Mai kể lại một huyền thoại xa xưa: Chàng thanh niên đã lần lượt mở tám cánh cửa, mỗi khung cửa dẫn vào một cảnh giới tuyệt vời… “Chỉ còn cánh cửa thứ chín, chàng trai tự nhủ mình không được mở ra. Nhưng…”. Chạm vào là ngũ sắc cầu vồng tan biến. Mở toang khung cửa cấm mọi cái chỉ còn là sương khói. Chính vì “cánh cửa thứ chín” ấy mà nhân vật nữ của Trần Thùy Mai dù khao khát đến cháy lòng vẫn nén lòng.

Trần Thùy Mai thường viết về những người phụ nữ luôn muôn “chừa lại một điều gì đấy ngoài tầm tay, để ước mơ”. Trong Thị trấn hoa quỳ vàng cái- điều-chừa-lại đó là cuộc gặp gỡ mỗi năm chỉ một lần giữa Ng và người đàn ông của chị trong một thị trấn thơ mộng đầy hoa dã quỳ. Một ngày cố định hàng năm, lữ quán nghèo nàn quen thuộc, vị mặn của gió biển, chiếc áo vàng của mỗi lần gặp gỡ… Chỉ một đêm thôi họ đã sống cho đủ 365 ngày… Cô gái vẫn trung thành với điều giao ước thiêng liêng, để luôn luôn là người cuối cùng, một mình khi từ giã căn phòng đầy gió. Họ chẳng bao giờ dám ở lại lâu hơn, bởi vì “cũng như tất cả những kẻ không đầy đủ trên đời, họ cảm nhận hạnh phúc như một thứ bánh thánh chỉ có thể đụng môi đến một lần mỗi kì rước lễ” (Thị trấn hoa quỳ vàng). Trong Lễ cưới bạc “điều chừa lại để ước mơ” chính là sự lựa chọn cái chết vào một ngày đáng sống nhất trong đời Kiều Dung, là khoảnh khắc người phụ nữ “nhún mình nhảy từ trên mỏm đá cao xuống thẳng mặt biển sâu bên dưới”. Trong Dịu dàng của cỏ, điều chừa lại ở nhân vật tôi sẽ là hồi ức về những bản đàn của Bach, chiếc lá sauge thanh giọng, là triết lý đầy vơi của phương Đông- “Vì người phương Đông tin rằng cái gì đầy quá sẽ vơi, thầy ạ”. Điều chừa lại đó là trò chơi cấm của người phụ nữ “áo tím… Những bông hoa Muguet cũng màu tím” và bản đàn định mệnh Jeu Interdit- trò chơi cấm dịu dàng ấy để lại những ảo thanh không dứt. Còn lại người đàn bà áo tím lặng lẽ sống, cưu mang và hoài niệm trong căn nhà nhỏ, dưới lùm cây xanh, ẩn sau khóm mimoza vàng (Trò chơi cấm).

Nhân vật nữ của Trần Thùy Mai có độ xào xạc, phức điệu trong tâm hồn. Ở họ, tốt và xấu, hoàn thiện và chưa hoàn thiện xáo động, chuyển hoán. Và, dù kìm nén hay lầm lỡ, khôn ngoan hay dại khờ, nhân vật nữ của chị luôn thanh lọc tâm hồn, dẫu phải chấp nhận “tự chôn mình”, dẫu phải cam tâm dừng lại trước “cánh cửa thứ chín” của đời mình. Tôi trong Trò chơi cấm, tôi trong Gió thiên đường, tôi trong Dịu dàng như cỏ, hoặc Hơ Thuyền trong Thuyền trên núi, Kyoko trong Một mình ở Tokyo… Mỗi truyện là một tâm hồn, một ao ước, một khát khao.

Dễ thấy một điều lặp lại trong truyện Trần Thùy Mai, đó là sự cô đơn thăm thẳm của những cái tôi phụ nữ quá thông minh và nhiều khao khát. Phải chăng vì thế mà đa phần nhân vật nữ của Trần Thùy Mai đều bất hạnh hoặc một- nửa- hạnh- phúc. Nửa kia là mọi cái ràng buộc đời thường. Để níu giữ hạnh phúc mỏng mảnh, trớ trêu thay, những người nữ trong truyện Trần Thùy Mai thường tìm đến cái chết. Có khi là cái chết tâm hồn (Thể Cúc, Non Nước mùa đông, Nước vĩnh cửu, Một mình ở Tokyo, Sao La); có khi là cái chết của thân xác trần tục để linh hồn được sống (Ngôi đền sống, Lửa của khoảnh khắc, Thuyền trên núi…). Ít khi nhà văn để cho nhân vật nữ của mình sống đến tận cùng. Những cái tôi hóa thân của tác giả rồi lại lẩn quẩn trong vòng xoáy hạnh phúc- bất hạnh, đam mê- nguội lạnh, ước mơ- vỡ mộng… chợt đến chợt đi. Một nhân vật nữ của chị xót xa thú nhận: cuộc đời có hai thực tại “một thực tại mỗi ngày, tầm thường, bất lực, cay đắng, và thực tại trong khát vọng, huy hoàng rực rỡ, không bến bờ”. Với họ “vẫn biết chân trời là nơi không đến được nhưng dù sao tôi cũng có một chân trời”.

3. Marguerite Yourcenar, một nhà văn nữ người Pháp đã nhận định thú vị về tính chất phức tạp, ẩn kín của cái tôi phụ nữ: “Chẳng cuộc đời nào lại có thể phán xét từ phía bên ngoài, và hơn mọi cuộc đời, khi đấy lại là một cuộc đời phụ nữ” [2]. Nhân vật nữ trong truyện ngắn Trần Thùy Mai đa phần là thế. Và cách giải mã của nhà văn là bằng linh cảm, nhưng không loại trừ ý thức sáng tạo. Để phán xét, khám phá tâm hồn, Trần Thùy Mai thường gắn kết con người với thiên nhiên. Nếu loại trừ thiên nhiên ra khỏi môi trường sống, nhân vật của Trần Thùy Mai như bị tước hết linh hồn. Trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, thiên nhiên luôn rộng mở, giúp nhân vật vượt thoát những ràng buộc, hệ lụy của cuộc đời trần trụi. Chỉ nhìn qua hệ thống nhan đề cũng có thể thấy vai trò của thiên nhiên trong việc thể hiện cõi- bên-trong: Gió thiên đường, Thương nhớ hoàng lan, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện ở phố hoa xoan, Non Nước mùa đông, Thị trấn hoa quỳ vàng, Giàn thiên lí đã xa, Suối bạc, Hoa sứ trắng, Khúc nhạc rừng dương, Khói trên sông Hương, Một chút màu xanh, Dịu dàng như cỏ, Nơi có những cây tùng xanh biếc… Thiên nhiên- nhất là những miền không gian phảng phất không khí cổ tích, góp phần tôn tạo vẻ đẹp tâm hồn: những vùng đất vắng vẻ, hoang sơ, thuần hậu nguyên thủy; những sườn đồi xanh cỏ, lấm tấm hoa tím; những thị trấn buồn; phố cổ đầy tiếng chim, lữ quán nhỏ bé mang tên Hướng Dương, thảo am Mây Biếc; ngôi nhà nho nhỏ đầy hoa tím, với rất nhiều cỏ trên dốc đồi xanh…

Nhân vật nữ của Trần Thùy Mai luôn “muốn vươn tới một cái gì đó bên ngoài cuộc sống đầy giới hạn này”. Khát vọng đó khiến từ vô thức (và cả ý thức sáng tạo), nhà văn đã kết dệt ước mơ thành những biểu tượng nghệ thuật vừa quen vừa lạ: gió, biểnnhững cánh buồm. Cuối cùng rồi trên chiếc thập tự hoa của số phận, người đàn bà không tên đã thôi vẽ những mục đồng và trâu, Thiên Mụ và Tịnh Tâm… theo đơn đặt hàng mà vẽ biển- “biển mênh mông và xanh”; còn đứa con gái bé bỏng của chị vẽ lên bức tranh một con thuyền- “một con thuyền có lá buồm màu hoa hồng đỏ. Con thuyền chở ngọn lửa của trái tim non dại khơi từ những giấc mơ tro vùi của mẹ” (Thập tự hoa). Tôi- nhân vật Mi- “nhớ gió”, ngọn gió thiên đường thổi lộng từ khung cửa sổ mênh mông của quán cà phê Dã Thảo (Gió thiên đường). Tiếng gió thành cuồng phong đầy khát vọng trong tiếng đàn của Thảo (Khúc nhạc rừng dương). Thị trấn hoa quỳ vàng đầy gió, và gió biển đã thổi tan tác, một đêm của ba trăm sáu mươi lăm ngày không còn nữa, khi cô gái chợt rồ dại muốn níu giữ khoảnh khắc này (Thị trấn hoa quỳ vàng).

Để khai thác sâu thế giới tâm hồn, Trần Thùy Mai thường sử dụng huyền thoại. Có lúc tác giả lắp ghép những mẩu huyền thoại vào câu chuyện- như một yếu tố ngoài cốt truyện, để làm đậm nổi thế giới tâm linh (Huyền thoại về chim phượng, Cánh cửa thứ chín…). Về sau, ngòi bút Trần Thùy Mai nhuần nhuyễn hơn. Nhà văn không đan xen từng mẩu huyền thoại theo cách làm có phần cơ học, mà trong từng truyện, yếu tố ảo thực cứ đan quện vào nhau. Chất huyền thoại bàng bạc, lấp lánh ở không gian, thời gian truyện; ở hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, ở thiên nhiên; ở cả trạng thái tâm lí của nhân vật. Thị trấn hoa quỳ vàng, Chiếc phong linh, Phật ở Kyong-ju… là những truyện ở đó huyền thoại, cổ tích và hiện thực nhòe lẫn, tạo cảm giác huyền hồ, lung linh, khiến nhiều truyện ngắn của chị có dạng như một bài thơ trữ tình. Những yếu cố cổ tích, huyền thoại này tạo cho truyện ngắn Trần Thùy Mai một sắc thái phương Đông trầm mặc. Phải chăng tác phẩm của Thùy Mai hấp dẫn người đọc ở chất phương Đông bàng bạc trên từng trang văn? Và phải chăng, nó làm cho một số truyện của Thùy Mai có vẻ cũ cũ, nhưng lại đáng yêu giữa cái nháo nhác văn-chương-tính-dục vừa đầy chất nhân bản vừa phản nhân văn trong văn học những năm gần đây?

Dù viết về cái gì- những mảnh vỡ đời người cay cực, những khuất lấp trong tâm hồn, hay oan nghiệt giả trá, Trần Thùy Mai đều hướng đến cái đẹp. Nhân vật nữ của chị, dẫu mỗi người một phúc phận- đau khổ dập vùi, thành đạt hạnh phúc, cái cuối cùng vẫn là khát vọng hoàn thiện. Truyện ngắn Trần Thùy Mai ít có những mảng tối của xã hội, hay những nhân vật suy thoái đạo đức trầm trọng. Đây là cái tạng của Trần Thùy Mai. Đi tìm nét cách tân độc đáo trong truyện ngắn Trần Thùy Mai sẽ phá vỡ chất lãng mạn, huyền ảo kết dính trên từng trang văn mượt mà của chị. Những vấn đề xã hội nhức nhối lọc qua sự mẫn cảm của trái tim phụ nữ trở nên nhân tình, nhân bản hơn. Mọi sự cách tân chưa đến độ sẽ nhạt dần, càng ngày người đọc càng thấy Trần Thùy Mai chín và sâu, thống nhất và biến hóa trong phong cách riêng của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đặng Thị Hạnh (1999), Một người đàn bà giữa mê cung thế giới. Tạp chí Văn học, Số 3.

[2] Diệu Hiền (2007), Nhà văn Trần Thùy Mai: Cuộc sinh li nào cũng gây sốc, Bài phỏng vấn trên Kiến thức gia đình, số Tất niên, tháng 2.

[3] S. Freud – C.G.Jung (…) (Đỗ lai Thúy biên soạn) (2000), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.