QUÊ CÁT,
Bút ký của Hồ Duy Lệ.
Quê Cát đây là quê ngoại của tôi. Khi tôi gọi quê mẹ là những dịp nhắc đến những người thân yêu trong gia đình. Gọi quê Cát, tôi muốn nhắc đến nhiều người, nhắc đến những tên thôn, tên làng vẫn còn in đậm trong tôi nhờ có một tuổi thơ trên cát quê mẹ. Thời đó, quê tôi mang tên Thăng An.
Những gì của tuổi thơ thường ghi lại trong ký ức, chỗ đậm, chỗ nhạt. Mỗi khi nhớ về quê mẹ, nơi tôi sinh ra, đi học, lớn lên, tôi luôn nhớ về những con đường trên cát-những con đường in đậm dấu chân tuổi học trò trong mùa mưa, khi nắng lên, đi qua, quay lại nhìn không nhận ra dấu chân mình. Những con đường đưa tôi từ nhà ở làng Tú An, đến trường Chùa Thánh (một ngôi chùa dành cho lớp Hai và lớp Ba), thuộc làng Hưng Mỹ, xã Bình Triều.
Dù sống xa quê, song mỗi lần nhắc đến má tôi, thì hình ảnh một làng cát nghèo bỗng hiện lên. Những bãi cát trắng lóa mắt, mấy xóm nhà dân, những bờ thổ cao như những bức tường thành bằng cát. Đường đến trường, qua một con đường mòn chạy dưới bóng cây, qua con đường theo bờ con suối luôn róc rách về mùa khô, mưa một trận to thì nước chảy ồ ồ không taì nào qua được, phải nhờ mấy bác nông dân cõng qua.
Năm lên lớp Bốn, trường học trong một ngôi đền, thuộc xã Bình Sa. Trường do thầy giáo Nguyễn Dưỡng dạy, có ông từ giữ đền, lưng còng, không biết ai nói mà bọn học trò chúng tôi gọi là ông Từ Mài. Mỗi lần đi học, lội mỏi chân qua hai động cát không một bóng cây. Đi học về trưa, mùa nắng, khi nào trên tay cũng cầm theo một nhành lá, có khi lá dương liễu, có khi lá mù u, vừa đi, vừa chạy, mệt quá thì thả nhành lá xuống đất, đứng lên trên lá, nghỉ cho khỏi nóng hai bàn chân.
Một con đường quen thuộc, nhiều kỷ niệm là con đường theo má tôi từ nhà đến chợ Hưng Mỹ, cách nhà chừng bốn cây số. Năm học lớp Bốn, lớp Năm, tôi quen hai bạn học, nhà ở gần đầu chợ Hưng Mỹ, là Trần Tiến và Nguyễn Ngọc Trác.Tôi không gặp lại Nguyễn Ngọc Trác, sau chiến tranh chống Mỹ, mà gặp anh trai của Ngọc Trác trên chiến trường khu Năm, là anh Nguyễn Ngọc Báu- tên cha mẹ đặt cho nhà báo Nguyên Ngọc, thành nhà văn nổi tiếng từ khi có‘’Đất nước đứng lên’’, ‘’Rừng xà nu’’, ‘’Đường chúng ta đi’’. Còn Trần Tiến, thuở nào cùng học ở ngôi trường trên cát, chính là nhà báo Chu Cẩm Phong, gọi anh là nhà văn với ngàn trang’’Nhật ký chiến tranh’’. Anh từ biệt mọi người ở tuổi ba mươi, từ ấy gọi anh là liệt sĩ-nhà văn-Anh hùng Chu Cẩm Phong.
Đường đến trường năm học lớp Năm ở trong rừng Bồng-Thăng Tú (Nay thuộc xã Bình Chánh).Từ nhà đi lên, ba cây số thì qua đường cái (quốc lộ 1), rồi theo con đường mòn nhỏ, quanh co trên bờ ruộng, qua mấy cánh đồng, đến một con đập bổi, gọi là đập Ngọc Phô. (nay thuộc xã Bình Tú). Lại qua một cánh đồng, rồi qua một khu rừng, gọi là rừng Bồng. Đường đi đất sỏi cấn đau hai bàn chân. Từ Rừng Bồng đi chừng vài cây số thì đến nhà dì Bốn. Nghỉ hè, má thường cho mấy anh em tôi lên thăm di, lần nào má cũng gửi cho dì một trã cá biển. Trên đường đến nhà dì, qua một cái chợ, gọi là chợ Đo Đo. Ai có thể ngờ, con đất toàn sỏi và cát pha, gieo lúa trì chờ uống nước trời, bên cái chợ quê ngày ấy, có một bà mẹ nghèo, sinh được một đứa con trai, thuở nhỏ chỉ biết đi học và giữ bò với trẻ con trong làng, sau nầy trở thành nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn viết không hề cạn ký ức về tuổi thơ!
Khi trường Rừng Bồng dời về làng Tất Viên-Bình Phục, đi học lại phải lội qua qua hai trảng cát của ông Trợ Mân và của ông Tú Lan. Sau nầy, tôi biết ông Trợ Mân bán trảng cát rộng hàng trăm hecta của mình cho ba tôi là ông Ba Từ.
Trên một trảng cát mênh mông vậy mà ông Tú Lan dựng nên một cơ nghiệp lớn trong làng, với một bầy con, trong đó, có một người con trai, tên là Nguyễn Đức Dũng. Các lớp học trò trong kháng chiến Một, các cô, chú, dì tôi luôn nhớ đến thầy dạy văn Nguyễn Đức Dũng. Vì bị kẻ thù truy đuổi, không thể dạy nữa, không thể hoạt động cách mạng, phải đổi vùng, ông rời quê Cát. Trong lẫn trốn và viết báo để mưu sinh nơi quê người, thầy giáo, nhà báo Nguyễn Đức Dũng trở thành nhà văn Vũ Hạnh-là tên của một người bạn chiến đấu, một nhà cách mạng kiên cường quê Bình Dương. Mang tên Vũ Hạnh, Nguyễn Đức Dũng viết báo, viết văn trở thành một nhà văn nổi tiếng làm rạng rỡ quê Cát!
Cũng từ vùng Cát Binh Nguyên của nhà văn Vũ Hạnh, sinh ra một người con trai, bắt đầu sự nghiệp là làm thơ, nhưng rồi Nguyễn Công Khế nổi tiếng bằng nghề làm báo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tờ báo có số lượng phát hành vào loại lớn nhất nước.
Hầu như ngày nào má tôi cũng đi chợ, không đi chợ Sáng thì đi chợ Chiều. Chỉ đi chợ Kế Xuyên, xa hơn, có những đoạn đường mòn băng qua mấy cánh đồng lúa trì, để mua ngọn giống, khi đến vụ trồng khoai lang. Lúc bấy giờ tôi đã nghe má tôi giải thích vì sao ‘’khoai đất lạ, mạ đất quen’’. Đường đi chợ Hà Lam thì xa gấp ba lần đi chợ Hưng Mỹ, chỉ đi khi đến mùa bán rau hành để không qua tay mấy bà buôn sỉ, mua tận gốc rẻ rề. .
Mỗi lần đi lại trên những con đường làng quen thân ngày ấy, tôi nhớ đến những ngày ba tôi đã đi thật xa, tận bên kia vĩ tuyến 17. Mỗi khi nhắc đến ba, má tôi hay nói, chỉ cần qua cây cầu bắc qua sông Bến Hải, thì có thể gặp ba, nhưng không biết bao giờ mới khơi thông cây cầu. Má không tin ‘’hai năm’’, nhưng không biết khi nào ông mới có thể về lại quê nhà. Đêm nằm, lòng má rưng rưng, trong khi mấy anh em tôi thì ôm nhau ngủ như chết. Ngày ngày một mình má tôi chạy ngược, chạy xuôi, lo cho năm đứa con ăn học. Để má bớt vất vả, ngoài giữ bò, cắt cỏ, làm những việc lặt vặt trong nhà, sáng nào anh em tôi cũng lo dậy sớm học bài, thay nhau giúp má gánh rau xuống chợ bán lấy tiền mua mắm, mua cá, gánh khoai lên nguồn đổi lúa…Má tôi làm việc từ sớm tinh mơ đến khuya lơ, lo cho chúng tôi được ăn no, có áo quần đủ ấm. Dù đi lại trên những con đường làng vất vả, trường học chỉ là những ngôi chùa, đình làng, dù ăn uống còn kham khổ, cơm ghế khoai, thức ăn là rau, mắm, dưa muối, thương má, anh em tôi luôn tâm niệm phải học tập chuyên cần, học giỏi là quà tặng má tôi vui nhất.
Nghỉ hè năm lớp Bốn, lần đầu tiên theo thuyền trên sông Trường Giang ra phố Hội thăm ông ngoại. Từ nhà dì Năm ở đầu chợ Hưng Mỹ, ăn cơm chiều, dì dẫn xuống bến đò ở cuối chợ, lên thuyền, nằm ngủ một giấc, sáng ra thì thấy phố Hội.
Khi xin vào học trường Diên Hồng, là lần thứ hai tôi đi Hội An, bằng đường bộ. Từ nhà lên đường cái, đón xe chỗ trạm Ngọc Phô, ra bến xe Vĩnh Điện, lại đón xe xuống Hội An. Như vậy, có đến hai đường đi đến Hội An. Quê của tôi có con sông Trường Giang không xuất phát từ suối nguồn mà chạy ngang theo chiều dài của tỉnh, hai đầu sông có hai cửa chính chảy ra biển là cửa Đại và cửa An Hòa(Kỳ Hà) và một cửa do nước sông xoáy lở, gọi là cửa Lở.
Dọc hai ven sông Trường Giang từng có những cái chợ luôn tấp nập kẻ bán, người mua như chợ Bà, chợ Hưng Mỹ, chợ Lạc Câu, chợ Được, chợ Nồi Rang, chợ Tam Ấp …Khi đường bộ phát triển mạnh thì khách gần như không đi theo đường sông Trường Giang, từ đó, những cái chợ ven sông cũng thưa dần kẻ bán, người mua.
Chợ buồn vì vắng người, buồn hơn là những nhà nông vùng ven sông chuyên canh rau các loại, không biết bán cho ai. Nhiều người tiếc của, gánh một gánh cải nặng, củ cải trắng bong, từ Hưng Mỹ lên trạm Ngọc Phô, bán không đủ tiền nếu đi xe thồ về lại nhà. Trong khi rau xanh không đảm bảo là rau sạch, ở các chợ thành phố thì đắc như tôm tươi!
Tôi không biết trách ai về nổi đau của một con sông mỗi khi về thăm quê Cát. Đứng chỗ bến đò cuối chợ ngày ấy, nhìn dòng sông không chảy, rác rưởi ngập tràn bờ, không thấy bóng một con đò, nhà cửa khu vực từng sầm uất ngày nào sao thưa hơn, nghèo hơn! Không thể đổ lỗi cho chiến tranh, thời gian tận hưởng hòa bình dài hơn hai cuộc trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quóc My rồi còn gì! Chỉ nghĩ rằng, một căn nhà không có người ở thì mau cũ, mau hỏng hơn một căn nhà luôn có hơi thở con người, một cái chợ không nhiều người bán, có quá ít người mua thì chợ tan, quê nghèo.
Khi con sông Trường Giang thưa dần những chuyến thuyền chạy vào, chạy ra, không còn những bến đò tấp nập kẻ bán, người mua, thì người ta biến con đường sông thành những cái hồ nuôi tôm, mạnh ai nấy ngăn, mạnh ai nấy thả lưới, cắm chươm, cất rớ vây bắt cá, giăng nò bắt tôm, gây ách tắc dòng chảy, gây ô nhiểm môi trường, làm cho tôm sinh bệnh, làm cho cá không còn sinh sôi như ngày trước. Và cả rong bèo vốn là nguồn phân xanh không bao giờ cạn cho cây trồng trên cát, cũng không còn nguồn cung cấp thức ăn, không còn nguồn thở trong lành để sinh sôi. Dân làng hai ven sông từng hưởng ân huệ trời cho bao đời (từ con sông),đau lòng nhìn con sông quê hương kéo dài sự sống trong quằng quại, thoi tháp. Lẽ nào quy trách nhiệm vì không biết quản lý, không biết khai thác tốt nhất ưu thế, tiềm năng của một con sông cho cuộc sống của con người!
Khi các loại cá rất ngon như cá đối cồi, cá hanh, cá mú, cá bống cát…có nguy cơ tiệt nòi, khi tôm tự nhiên ngon lạ không còn chốn nương thân, tôm nuôi chết hàng loạt, người đánh bắt cá, người thả nò, người nuôi tôm làm ăn thất bát, nợ nần, trắng tay thì mới nhận ra nguy cơ khó cứu vãn. Không biết đêm nằm có khi nào ai đó thốt lên: Bụng làm dạ chịu, kêu sao thấu trời!
Từ khi có chủ trương’’Nhà nước và nhân dân cùng làm’’ đường nông thôn, tôi có nhiều dịp về thăm quê. Mỗi lần dừng lại nhìn những con đường bê tông trên cát, nhìn các em học sinh đạp xe tung tăng đến các ngôi trường trong xã, trong thôn, bỗng nhớ và thương sao tuổi nhỏ của chúng tôi! Chắc má tôi rất vui khi biết những người nông dân quê Cát không còn quá cực như xưa, khi đã thay quang gánh bằng những chiếc xe hôn đa, xe ba gác, đưa phân ra ruộng, đưa lúa về nhà.
Mấy cái cầu tre gập ghềnh cong cong bắc qua con sông Trường Giang, nối Chợ Bà, chợ Hưng Mỹ với Duy Nghĩa, Bình Dương, Bình Đào, Bình Minh … đã được thay bằng mấy chiếc cầu bê tông cốt sắt, cho cả xe ô tô chạy qua. Biết bao nhiêu cố gắng và công sức đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, trong đó có những con đường trên cát.
Quảng Nam luôn trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư lớn đến triển khai các dự án tầm cỡ, nhằm khai thác khả năng to lớn của tuyến biển, tuyến sông, tuyến cát, dài trên 150 km, từ Đà Nẵng nối Điện Bàn vào Hội An, vượt sông Thu Bồn, qua vùng cát Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành-Chu Lai Kinh tế mở.
Giành đất cho các dự án lớn phát triển du lịch, làm hồi sinh một vùng đất rộng, một vùng dân cư đông, mãi độc canh nghề nông, thoát ra khỏi nghèo, là quyết tâm làm thay đổi một cách toàn diện bộ mặt quê Cát.
Bố trí lại dân cư, làm xáo động cuộc sống của hàng trăm hộ làm nông nghiệp, là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong tổ chức lại cuộc sống và sản xuất, cần có cuộc vận động sâu rộng, tạo ra sự đồng thuận và hành động đồng bộ cuả nhà nước và nhân dân. Các chương trình đối với nông dân, nông thôn ở quê nghèo đang chuyển động chậm. Người dân nghèo nóng ruột chờ các dự án nhanh triển khai, di dời đến khu dân cư mới thì có chỗ ở ổn định, họ mong sớm có nhiều công ăn viêc làm…Nghe cầu đang bắc qua sông Thu Bồn nối Cửa Đại với Duy nghĩa, con đường ven biển đã có nguồn kinh phí được giải ngân, bà con quê tôi mừng lắm.Họ cần cán bộ sâu sát, họ ngại cán bộ quan liêu.Họ cần có những bài báo góp ý, phê bình, lên án những việc làm tùy tiện, sai traí và họ rất cần những lời cổ vũ, động viên, hướng dẫn phương thức tiến về tương lai giàu có.
Quê Cát của tôi đang là một vùng quê nghèo, có nhiều chuyện đang là đề tài hấp dẫn cho các nhà báo, các nhà văn!
H D L.