chuyện ÔNG TIẾP
Xã Đại Thạnh, một xã cực tây huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, người dân có câu thành ngữ “Ngạo như ông Tiếp”. Ông Tiếp tên thật là Đặng Mách, một nhân vật sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tiếp là tên con trai ông. Do tập tục, người ta thường lấy tên con để gọi cha. Vốn xuẩt thân trong gia đình giàu có, sau khi thi hỏng trường ba, ông không thèm quan tâm đến chuyện công danh nữa mà lấy việc ngao du đây đó làm thú tiêu khiển. Đặc biệt, ông có tài nói ngạo. Tương truyền, nhiều lần ông sử dụng biệt tài này để đả phá bọn giàu tiền giàu bạc mà nghèo nhân đức, hoặc bọn lý trưởng, chánh tổng hách dịch, coi khinh người lao động chân lấm tay bùn. Ông đã để lại nhiều chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn, được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân…Có thể nói, ông Tiếp là một “Thủ Thiệm” của vùng đất Đại Lộc. Xin giới thiệu mấy câu chuyện kể nổi tiếng của ông
CÓ CỨT CHI MÀ ĂN...
Trong những thú tiêu khiển ông Tiếp ưa thích là đi câu cá. Ông đi câu ở trong làng có mà ngoài làng cũng có. Hễ đâu nghe có nhiều cá là thể nào ông cũng xách cần đi câu. Lần nọ, ông đến bàu Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, để câu. Bàu Gia Cốc cách làng hơn mười cây số, cũng khá xa. Hồi ấy, dân nghèo như ông toàn đi bộ. Chỉ đôi nhà giàu có mới đi ngựa. Đi câu xa, tất nhiên ông phải ở lại trưa, không thể về nhà được. Và, trưa hôm ấy, sau khi câu được ít cá, ông ghé lại quán bên đường. Quán bấy giờ chỉ là ngôi nhà tranh, được bày biện khá đơn sơ, với mấy bộ bàn ghế con con được để trước hiên quán và trong nhà. Ngay cửa ra vào được ngăn bằng bức mành sáo bằng tre. Nguyên ở làng Lâm Yên gần đó có nghề làm mành sáo bằng tre nên hầu như quán ăn nào cũng có bức mành này.
Lúc bước vào, ông phát hiện bên trong bức mành sáo, tức bên trong quán ăn, có mấy ông lý trưởng, chánh tổng trông rất quen mặt cũng đang ngồi ăn. Bữa ăn của họ khá thịnh soạn. Có cả rượu thịt. Hình như họ ngồi đã lâu nên mặt người nào người nấy đỏ gay. Ông Tiếp ngồi ngay bộ bàn trước hiên nhà, thản nhiên kêu một nải chuối rồi bẻ từng trái một. Và, ông làm một việc rất kỳ quặc, chỉ có ông mới nghĩ ra. Chuối ông không ăn ruột mà ăn… vỏ. Ông quăng ruột ra ngoài. Ngồi phía trong, mấy ông lý trưởng, chánh tổng ai nấy tròn mắt, không biết nguyên cớ gì ông có hành động lạ lùng như vậy. Họ mới hỏi:
- Ủa, chớ răng chuối mà ông bỏ ruột, chỉ ăn vỏ”.
Ông đáp:
- Ăn ngoài ni chớ trong đó có cứt chi mà ăn…
Giọng ông rõ to, khiến mọi người trong quán ai cũng nhìn lại. Bọn lý trưởng, chánh tổng chợt hiểu ông Tiếp đang “chơi khăm” nhưng cứng họng, không thể bắt bẻ nổi. Mặt họ vốn đã đỏ vì rượu, lại càng đỏ hơn vì tức và ngượng!
“CHÓ” CẮN NGƯỜI LẠ
Có lần, do cuộc sống quá khó khăn, ông đột ngột bỏ làng mà đi. Chẳng ai biết ông đi đâu, làm gì. Nhưng, có lẽ ở nơi mới cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì nên bốn, năm tháng sau, ông đùng đùng dắt díu vợ con quay về. Nhà cũ không còn, ông buộc phải dựng nhà mới với những vật liệu phổ biến đương thời là tranh tre. Lý trưởng làng An Bằng tức lắm. Mà sao không tức được cơ chứ, đường đường là lý trưởng, nhưng ông Tiếp đi khỏi làng, rồi về làng, chẳng thèm nói ông một tiếng. Nghĩa là ông Tiếp coi chức lý trưởng chẳng ra gì, nói cũng được mà không nói cũng chẳng sao. Rõ là coi khinh lý trưởng quá. Thế cho nên, lý trưởng mới cho gọi ông lên nhà lý trưởng “có việc”.
Tất nhiên, là người trong cuộc, ông đoán biết nguyên nhân. Lý trưởng gọi, phải đi là chuyện khỏi cần bàn. Dù gì, ở làng, lý trưởng là người có quyền hành nhất, không thể chống lại, đặc biệt những người dân nghèo như ông. Đúng y hẹn, hôm ấy, ông khoác bộ đồ tươm tất rồi nhắm hướng nhà lý trưởng mà đi. Do đã hẹn trước nên lý trưởng có mặt ở nhà. Ông ta đang lúi húi dưới bếp. Thấy ông Tiếp vào, lý trưởng liền lên nhà trên. Riêng ông Tiếp, vừa bước chân vào sân, không hiểu sao, ông lật đật chạy nhanh vào nhà, rồi chẳng nói chẳng rằng ba chân bốn cẳng nhảy tót lên bộ phản vuông kê ở giữa nhà ngồi, người co rúm lại, không khác gì bị ma đuổi. Lý trưởng ngạc nhiên quá. Không biết có chuyện gì mà thằng cha Tiếp này có hành động kỳ quặc, mới cất tiếng hỏi
- Này, Tiếp, chứ mi làm chi kỳ rứa?
Ông Tiếp vội chắp tay thưa, y như thật
- Dạ, con sợ con chó của cậu. Con đi lâu ngày quá, giờ về sợ nó thấy lạ, nó cắn!.
- !!??!!
THIẾN HEO, HỚT TÓC
Sinh thời, ông Tiếp biết khá nhiều “nghề”, từ nghề nông đến câu cá, hớt tóc, thiến heo và cả đánh đàn. Xưa, hớt tóc chưa có tông đơ, chỉ có kéo và lược. Hôm ấy, ông đem theo đồ nghề để hớt tóc dạo. Nghĩa là đi khắp các xóm, các làng, ai kêu thì hớt, không cố định một chỗ. Nói là đi hớt tóc nhưng nếu ai kêu thiến heo, ông cũng thiến tất. Bấy giờ, tiền là tiền đồng, ở giữa có cái lổ. Thường ngưòi ta đem theo tiền phải dùng sợi dây xâu tiền lại. Xâu qua lổ đồng tiền. Cũng có tiền giấy nhưng mệnh giá lớn, dân ít dùng. Gần trưa, khi đi ngang qua nhà ông thầy Ng[1]., ông nghe thầy Ng. gọi giật lại:
- Chú Tiếp! Chú Tiếp! Chú vô đây hớt giùm tóc cho tui cái
Nghe kêu, ông Tiếp lật đật xách đồ nghề đi vào. Trong bụng ông cũng mừng thầm. Ông thầy Ng. mà hớt tóc thì tiền chắc trả cũng kha khá đây. Dù gì, ở làng, ông thầy Ng. là người có máu mặt. Nhà ông thấy Ng. vừa bán thuốc Bắc, vừa bán hàng tạp hóa, có cả rượu, không giàu sao được. Ông vừa hớt tóc vừa kể chuyện huyên thuyên. Có lúc cả hai người cười rần rật. Tóc hớt xong, ông thầy Ng. mới đưa cho ông 5 xu. Ông cầm, rồi đi ra gần đến cổng, không biết nghĩ sao, liền ngồi bệt xuống đất, thủng thẳng lấy xâu tiền từ lưng quần ra ngồi đếm đi đếm lại. Ông Tiếp đếm lâu đến mức ông thầy Ng. đi tắm xong, trở ra vẫn còn thấy ông Tiếp ngồi lì trước ngõ đếm tiền. Ông lấy làm lạ. “Quái, thằng Tiếp làm chi cứ đếm tiền hoài, để hỏi nó thử”. Ông vừa nghỉ vừa bước đến chỗ ông Tiếp, lên tiếng:
- Này, chú Tiếp, răng chú cứ đếm đi đếm lại miết rứa?
Ông Tiếp trả lời:
- Bữa ni may ghê!
- May là may răng, mi nói nghe thử?
- Thầy bảo không may răng được. Thì hồi sáng, qua nhà thằng nớ, hắn kêu vô, thiến con heo được năm xu, rồi hớt cái đầu thầy nữa, được năm xu. Rứa là vô một đồng!
Ông thầy Ng. biết ông Tiếp chơi xỏ mình, giận no!
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
(Sưu tầm)
[1] Đây là nhân vật có thật, do nhiều lý do, chúng tôi chưa nêu tên thật.