NHÂN ĐỌC TẬP “THƠ KỂ” HỎI CHUYỆN INRASARA VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC

14.03.2011

NHÂN ĐỌC TẬP “THƠ KỂ” HỎI CHUYỆN INRASARA VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC

- Thưa nhà thơ Inrasara, vừa qua tôi có đọc tập “Thơ Kể - Tuyển tập thơ Tân hình thức”, do NXB Lao Động ấn hành vào quý II năm 2010. Tập thơ in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, sách dày 277 trang có 23 tác giả góp mặt.

Thông qua tập thơ này, anh vui lòng có đôi nhận định thơ tân hình thức và tình hình sáng tác thơ tân hình thức hiện nay.

Inrasara: Thơ tiền phong các loại, trong khi nỗ lực tạo ra cái mới, cái lạ và cái độc đáo, đã kéo thơ đi rất xa, xa rời khỏi tầm thưởng ngoạn của công chúng. Thơ hiện đại đánh mất độc giả phổ thông, gần thế kỉ qua. Thơ tân hình thức phản ứng lại tinh thần sáng tạo đầy ngạo mạn đó. Tân hình thức chủ trương sử dụng ngôn ngữ đời thường, dùng kĩ thuật vắt dòng, lặp lại từ/ cụm từ, và yếu tố tính truyện.

Thơ tân hình thức Việt ra đời vào đầu thiên niên kỉ thứ ba tại Mỹ qua tạp chí Thơ do nhà thơ Khế Iêm chủ xướng, đã lôi cuốn gần nửa trăm tác giả thử nghiệm, đã tạo nên phong trào đáng kể. Đến nay đã có mươi tác phẩm vừa [in] riêng vừa chung ra đời bằng nhiều hình thức in ấn khác nhau.

- Trong lời giới thiệu Angela Saunders có nói: “Những tập thơ trong tuyển tập vừa giản dị một cách quyến rũ vừa phức tạp một cách thâm sâu. Trong đây, bạn sẽ nhận ra những mối quan hệ được giải thích bằng những phương trình toán học mà chúng khiến bạn phải trở lui đọc lại nhiều lần để trầm tư về những huyền bí của những mối dây liên kết những con người”. Trong một đoạn khác Angela Saunders tâm sự: “Đọc tập thơ, tôi phát hiện được những vấn đề triết lý và những giải đáp đặc biệt thật quyến rũ”.

Tôi thấy nhiều bài thơ trong tập thật giản dị nhưng cũng khá phức tạp, đây đó có những tình ý thiên về triết lý… Thế nhưng nếu dùng những từ “quyến rũ”, “thâm sâu”, “huyền bí”, “giải đáp đặc biệt” có hơi quá chăng?

Inrasara: Đúng là có hơi quá đi trong nhận định trên. Loại thơ nào cũng vậy, ở đó có tác giả tài năng ít hay nhiều, trung bình, thậm chí có nhiều người hăng hái nhập cuộc nhưng bất tài. Ở đó cũng có tác phẩm hay, vừa và dở - đủ cả. Dù gì thì gì, trước không khí bí bức tìm đường của thơ Việt đương đại, tân hình thức cùng với hậu hiện đại đã phần nào mở ra một lối thoát.

Nó tránh cho thơ Việt sự nhàm chán, nếu không nhai loại các thể thơ truyền thống đậm đà bản sắc, thì lại kênh kiệu, giả vờ siêu hình hình siêu thực mang tính đánh đố không gì hơn tự tố cáo sự hời hợt của suy tư cùng nỗi lười biếng của lao động nghệ thuật.

- Thuật ngữ “Tân hình thức” được du nhập từ một phong trào thơ của Mỹ những năm 1980-1990. Ở Mỹ chữ “tân” được hiểu là “trở về” các thể thơ truyền thống. Còn ở Việt Nam thường hiểu ‘tân” là “mới” – đi tìm hình thức mới. Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không?

Inrasara: Phải nói là cả hai mới đúng. “Trở về” và “làm mới lại”. Nói như Khế Iêm “thơ tân hình thức chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống hòa trộn với chất hiện đại,… tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hóa giải và làm tan biến truyền thống, mà cả hiện đại”.

- Thơ tân hình thức đã phát triển ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng tôi thấy thể thơ mới này chưa được bạn đọc “tâm phục khẩu phục” lắm. Những năm tới, theo anh, thơ tân hình thức có tiếp tục phát triển và chinh phục bạn đọc trong nước và bạn đọc trên thế giới (thông qua dịch thuật) không?

Inrasara: Nhìn một cách công bằng, tân hình thức - qua mười năm thử nghiệm - cũng đã bộc lộ mặt yếu của nó. Vần và lặp lại nguy cơ đưa thơ vào sự quẩn quanh, bí bức, nhàm chán; yếu tố tính truyện đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ.

Độc giả dị ứng với tân hình thức đã đành, ngay những kẻ nhiệt tình với nó nhất cũng có vẻ nguội lạnh. Do đó phong trào thơ tân hình thức ở trong nước (chủ yếu tại Sài Gòn) sôi nổi ba năm đầu (2001-2004), sau đó không khí trầm lắng hẳn đi. Các nhà thơ đứng lấy hơi và nhìn lại mình. Sự nhìn lại mình này kéo dài hơi lâu. Phong trào này chết chăng? Không!

Đã có thế hệ mới, tác giả khác có mặt, tiếp lửa. Bướm sáu cánh, tập thơ của năm tác giả in năm 2008 và, Thơ kể (2010) đã làm cuộc trỗi dậy đó. Tôi vẫn hi vọng tân hình thức sẽ tìm hướng đi mới cho mình, ở những ngày sắp tới.

-Chân thành cám ơn.

Nhân đây tôi xin trích đăng một số bài thơ tân hình thức trong tập Thơ Kể, NXB Lao Động, 2010:

TPKỳ

HÌNH NHƯ LÀ

chẳng có chi muộn màng khi giòng

nước kia còn chảy dưới chân cầu

bắc qua những giấc mộng: những áng

mây có thực trôi trôi. & ngày

lại dịu dàng đậu trên mắt em

để bầu trời kia lại được điểm

tô bằng những áng mây vô định.

& cuộc đời vô định này lại

là những chiếc cầu bắc qua những giấc

mộng: để những áng mây có thực

trong những ngày trôi trôi.

Đài Sử

KHOẢNG GIỮA

1 2 không có gì

ở khoảng giữa, x y

không có gì ở khoảng

giữa, ngày đêm không có

gì ở khoảng giữa. Bỏ

đi khoảng giữa 12, xy,

ngàyđêm. Thêm vào khoảng giữa

1<2, x = y, ngày và đêm

Khoảng giữa chúng ta là

gì? Không có gì, không

còn gì. Nên chúng ta

không hiểu được nhau.

Nguyên Khôi thực hiện

Nhạc sĩ Thái Nghĩa– Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng:

Khơi dòng cho những cảm xúc

Với bề dày hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Thái Nghĩa - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng kiêm trưởng Ban Văn nghệ Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng. Anh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam, Huy chương vì thế hệ trẻ, Huy chương vì sự nghiệp phát thanh-truyền hình, báo chí…Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên trước giải phóng, đến nay anh đều đặn hoạt động trong chuyên ngành biên khảo, nghiên cứu, lý luận, phê bình và đã sáng tác hàng trăm ca khúc về các thể loại như ca khúc thiếu nhi, ca khúc quần chúng, ca khúc nghệ thuật. Với nhạc sĩ Thái Nghĩa, các lĩnh vực trên, mỗi lĩnh vực anh đều có những thành công nhất định và để có một bài biên khảo, lý luận hoặc một ca khúc hay, người nhạc sỹ phải được khơi dòng cảm xúc.

Phóng viên (PV): Những năm gần đây, Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã gặt hái được khá nhiều thành công, nhiều ca khúc viết về Đà Nẵng đã bắt đầu có vị trí trong lòng công chúng. Với vai trò là Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, xin nhạc sĩ cho biết đôi nét khái quát về Hội Âm nhạc Đà Nẵng và lực lượng sáng tác nhạc hiện nay của Đà Nẵng?

Nhạc sĩ Thái Nghĩa (NS Thái Nghĩa): Thành lập từ năm 2002, Hội Âm nhạc Đà Nẵng là một hội chính trị nghề nghiệp bao gồm các chuyên ngành như sáng tác, lý luận, nghiên cứu phê bình, đào tạo và biểu diễn. Trước đây khi còn tỉnh Quảng-Nam Đà Nẵng cũ, mới hình thành Phân hội âm nhạc với 20 hội viên ban đầu. Sau khi Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách, Phân hội Âm nhạc được nâng cấp thành Hội Âm nhạc Đà Nẵng để tương xứng với đô thị loại I với 47 hội viên. Quá trình hoạt động và phát triển, đến nay, Hội đã có 63 hội viên đáp ứng các tiêu chí chuyên môn của tổ chức hội, trong đó có 30 nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đây cũng là lực lượng sáng tác nòng cốt trong Hội Âm nhạc Đà Nẵng. Hội Âm nhạc Đà Nẵng có hai thế hệ, đó là lớp nhạc sĩ kháng chiến như Phan Ngọc, Trần Hồng, Trương Đình Quang, Thanh Anh, Hoàng Bích, Minh Đức, Vương Đức Toàn, Trần An, Trần Ngọc Sanh…; kết hợp với những nhạc sĩ đô thị miền Nam trước đây như Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Huy Hùng. Đây là những thế hệ đã gầy dựng nền móng cho sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng như hôm nay. Và tiếp nối sự phát triển đó, một lớp các nhạc sĩ trẻ hiện đang sáng tác sung sức và có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Đà Nẵng như Phan Thanh Trường, Hoàng Dũng, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Đức, Phạm Quang Trung, Trúc Lam, Xuân Minh… Có thể nói, âm nhạc Đà Nẵng đã và đang tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng yêu nhạc địa phương và cả nước. Năm 2010, nhiều cá nhân và nhiều nhóm nhạc sĩ của Hội đã vươn lên đảm nhận viết và dựng phần nhạc nền cho Đội Đà Nẵng trong Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010

PV: Vậy chất lượng các ca khúc viết về Đà Nẵng hiện nay như thế nào? Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã có những hoạt động gì để khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo cho các nhạc sĩ? Hiện vẫn chưa có một ca khúc nào làm nền cho âm nhạc Đà Nẵng khi nhắc tới Đà Nẵng?

NS Thái Nghĩa: Cho đến thời điểm này, qua những trại sáng tác và những đợt vận động viết ca khúc về Đà Nẵng, đã có hơn 1.000 ca khúc, tuy vậy đó cũng chỉ là kết quả, điều mong muốn lớn nhất của Hội vẫn là vươn tới hiệu qủa, những ca khúc đọng lại, để công chúng biết đến thì rất ít. Đà Nẵng cần một bài như Huế Thương của Huế, Dáng đứng bến Tre hay Nha Trang mùa thu lại về…Chúng ta đã qua một quá trình trải nghiệm dài, nhưng trong cuộc kiếm tìm cảm xúc, thật khó tránh khỏi sự lai tạp của những xáo động từ bên ngoài cuộc sống. Có nhiều lý do dẫn đến việc hiện nay chúng ta chưa có một ca khúc đỉnh viết về mảnh đất và con người Đà Nẵng. Thứ nhất là chúng ta quá nặng về tìm kiếm các bài hát mới mà quên để ý tới kho 1.000 bài hát đã có sẵn. Hầu hết những ca khúc này chưa có kinh phí đầu tư để thu thanh, thu hình, làm đĩa nên chưa có cơ hội tôn vinh, quảng bá với công chúng. Biết đâu trong cả ngàn bài hát đó, có một đôi bài có được chỗ đứng trong lòng công chúng? Thị trường âm nhạc lại quá sôi động, với nhiều góc độ, cạnh tranh, vì vậy kinh phí để dàn dựng, phát hành một ca khúc cho chuẩn mực là không nhỏ. Tôi không có ý nặng về kinh phí nhưng khác với mọi loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc cần sự cộng hưởng từ nhiều phía mới có cơ hội ra mắt được công chúng. Thứ hai, sau 35 năm Đà Nẵng mới chỉ có một đĩa DVD “Sông Hàn tình yêu của tôi”. Trong cả ngàn ca khúc về Đà Nẵng chỉ chọn được 12 bài cho đĩa nhạc này, đó là con số quá khiêm tốn nếu như không nói là quá ít ỏi, hiếm hoi. 35 năm mới thực hiện được một đĩa nhạc thì chúng ta đã đi quá chậm so với các địa phương khác. Chúng ta chưa thực sự tiếp cận để chú trọng đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng địa phương. Như chúng ta đã biết, thời gian qua, thành phố đã có rất nhiều sự quan tâm đối với với âm nhạc, đã tổ chức nhiều trại sáng tác, mời nhiều nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước về Đà Nẵng để sáng tác ca khúc về Đà Nẵng. Nhưng, theo nhìn nhận chung, chất lượng nhiều ca khúc tuy có hay, có dấu ấn, nhưng chỉ mới đáp ứng được cho một giai đoạn phát triển của Thành phố. Trong đó, vẫn phải kể đến một số ca khúc công chúng biết đến nhiều như Nhịp điệu thành phố của Trần Ái Nghĩa, Đà Nẵng tình người, thơ của Ngân Vịnh, nhạc Đình Thậm; Thành phố đầu biển cuối sông thơ của Nguyễn Văn Soong, nhạc Minh Đức; Đà Nẵng thành phố tôi yêu của Thanh Anh; Chuyện tình Tiên Sa của Phan Ngọc; Cây cầu mang hình dáng Mẹ, thơ của Trần Trúc Tâm, nhạc Trần Ngọc Sanh; Đà Nẵng tuổi thơ tôi của Hoàng Dũng; Hát bả trạo chào bình yên của Thái Nghĩa…. Cần phải tạo điều kiện khơi dòng cho những cảm xúc và quan tâm đến hội nhập, quảng bá. Đó cũng là ước mong của nhiều nhạc sĩ Đà Nẵng hiện nay.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, viết nhạc về Đà Nẵng rất khó? Vậy nhạc sĩ nghĩ gì về nhận xét này trên cương vị là chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố và với vai trò một nhạc sĩ? Và đội ngũ các nhạc sĩ Đà Nẵng hiện nay có đủ mạnh để kế thừa và phát huy những lợi thế của vùng đất đầu biển cuối sông này trong quá trình hình thành tác phẩm?

NS Thái Nghĩa: Tôi nghĩ rằng, viết về Đà Nẵng hay viết về một vùng đất nào đó đều không quá khó. Vì hầu hết các nhạc sĩ đã được đào tạo bài bản về nghề. Họ là những con ong cần mẫn, là những người thợ giỏi, biết chọn lựa cho mình nguồn cảm xúc tốt nhất để sáng tạo, thổi vào nhạc tất cả những cung bậc mới. Anh chị em hội viên của Hội hiện luôn có nhiều cố gắng thể hiện mình. Và phải nói đến vai trò của 30 nhạc sĩ hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam, họ là những người làm nòng cốt cho Hội. Đa phần anh chị em hội viên là những người có trình độ cử nhân âm nhạc, thạc sĩ âm nhạc. Xét ở một góc độ nào đó, đội ngũ sáng tác ở Đà Nẵng không chạy theo xu thế nhạc thị trường, ăn xổi ở thì. Đặc biệt, không sáng tác các bản nhạc “vô thưởng vô phạt” thường gặp trên trận địa âm nhạc thị trường Việt Nam hiện nay. Xét về ý thức chuyên môn, anh chị em đều có những tác phẩm tốt, có đóng góp có ích cho xã hội. Tôi xin nhấn mạnh: một tác phẩm muốn ra đời, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố giàn dựng, sản xuất băng đĩa và giới thiệu, tôn vinh tác phẩm ở nhiều sân khấu ca nhạc. Tất cả những yếu tố này đang hạn chế rất lớn đối với các nhạc sĩ Đà Nẵng.

PV: Một tác phẩm âm nhạc có chất lượng được đánh giá trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là ca từ. Xu hướng âm nhạc thị hiếu hiện nay, lớp trẻ nghe nhiều dạng âm nhạc, mà đa phần là âm nhạc thị trường với cách dùng từ khó nghe, hoặc sáo rỗng? Vậy, nhạc sĩ nhận định như thế nào về điều này?

NS Thái Nghĩa: Khi sáng tác, bao giờ các nhạc sĩ cũng chú trọng tới âm nhạc và ca từ. Như tôi đã nói ở trên, các nhạc sĩ Đà Nẵng chưa có biểu hiện sáng tác những tác phẩm mang xu hướng thị trường, nhưng các nhạc sĩ Đà Nẵng bị hạn chế về phương tiện quảng bá tác phẩm. Bên cạnh đó, các nhà báo, đài phát thanh - truyền hình nhiều lúc vì lý do khác nhau nên đã sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc kém chất lượng. Tạo cho công chúng thói quen thích nghi với cách nghe dễ dãi, một khi ý thức của công chúng chưa trùng hợp với chuẩn mực nghệ thuật thì vai trò quản lý của Nhà nước vô cùng cần thiết. Bởi qua theo dõi, tôi thấy hiện tại những giờ vàng trên sóng truyền hình, phát thanh ở một số địa phương phát một lượng lớn những tác phẩm âm nhạc chưa phù hợp với chuẩn mực nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhiều chương trình do Biên tập viên âm nhạc chưa có kinh nghiệm, chưa có tay nghề nên việc chọn nhạc phát sóng cũng vì vậy bị chi phối rất lớn, và cũng phải nói khách quan hơn là các biên tập viên phần lớn bị chi phối bởi ý muốn của các nhà tài trợ. Chính vì vậy chúng ta đã đánh mất thị phần của mình trên chính làn sóng của mình. Thậm chí có nhiều bài hát có những ca từ không lành mạnh, có tính “dung tục”, và lắm lúc có những ca khúc trên mạng và một số băng đĩa thị trường mà khi nghe xong qua ca từ chúng tôi thường gọi đùa là “mại dâm trong âm nhạc” đang được phát tán rộng rãi. Công chúng có quyền chọn loại nhạc nào họ thích, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc quản lý nói chung của chúng ta chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc triệt để.

PV: Được biết, hiện nay xu hướng các nhạc sĩ chọn cách “viết thuê” cho các cơ quan đơn vị… ngày càng nhiều. Đây là xu hướng tốt hay xấu, thưa nhạc sĩ?

NS Thái Nghĩa: Bản thân người nhạc sĩ phải chọn cho mình một chỗ đứng và một động lực để sáng tác. Khi mà sáng tác những ca khúc chính thống chưa được quan tâm khuyến khích thì nhiều anh chị em chọn cách viết thuê theo đơn đặt hàng là tất yếu. Các nhạc sĩ quan niệm đó là công việc lấy ngắn nuôi dài. Nhưng không phải ai viết cũng thành công. Nhạc sĩ cũng là người, họ cũng có một cuộc sống riêng với trăm ngàn lo toan khác, vậy nên không thể chỉ thở không khí để sống mà họ vẫn phải kiếm tiền. Khi viết nhạc theo đơn đặt hàng, các nhạc sĩ được thuận lợi nhiều điều. Trước hết họ được thỏa thuận trả tiền thù lao sáng tác, đặc biệt là không phải tốn tiền thu thanh hòa âm phối khí, dựng đĩa, vì những đơn vị thuê họ tự dựng, thu theo nhu cầu ngành nghề của họ. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này thật khách quan và thực tế. Để tìm được tiếng nói chung và tạo sự công bằng.

PV: Thưa nhạc sĩ, hiện nay nguồn để kết nạp hội viên Hội Âm nhạc Thành phố ở đâu? Các nhạc sĩ trẻ có đủ độ bền và sức dẻo để gắn bó với âm nhạc và làm phong phú cho âm nhạc Đà Nẵng?

NS Thái Nghĩa: Nguồn để kết nạp hội viên Hội Âm nhạc Đà Nẵng có thuận lợi hơn nhiều địa phương khác là đang dựa vào lực lượng theo học các ngành liên quan tới âm nhạc. Nhiều năm qua, Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng đang liên kết đào tạo sinh viên với các trường Đại học sư phạm, Đại học Âm nhạc Hà Nội. Hy vọng các em sẽ có được một nguồn kiến thức nền phong phú, và biết vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn sáng tác, nghiên cứu lý luận, đào tạo và biểu diễn. Tuổi trẻ luôn muốn khẳng định mình, tôi kỳ vọng vào sức trẻ và sự năng động, nhạy bén của các em đã và đang tốt nghiệp của các khóa học cử nhân nói trên. Bên cạnh đó, cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi để anh chị em nhạc sĩ có điều kiện tiếp cận với thực tế, bồi đắp thêm cho bản thân nguồn cảm hứng sáng tạo. Trước mắt thực hiện một cách tâm huyết và triệt để Nghị quyết 29/NQ-TU của Thành ủy Đà Nẵng và Kế hoạch triển khai chương trình hành động 1991/UBND - VX của UBND thành phố Đà Nẵng về Phát triển Văn học – Nghệ thuật trong giai đoạn mới. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng vào những thành quả của âm nhạc Đà Nẵng. Hiện nay Hội Âm nhạc Thành phố vừa được Nhà xuất bản Âm nhạc DihaViNa phát hành Album 35 ca khúc chào mừng kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng và đang tiến hành tập hợp, tuyển chọn các ca khúc tiêu biểu của anh chị em nhạc sĩ Đà Nẵng để sản xuất thêm đĩa CD-MP3 khoảng 200 ca khúc. Đây cũng là dự định lớn của Hội sẽ hoàn tất trong năm nay, nhằm cố gắng lưu giữ, ghi dấu lại một chặng đường âm nhạc Đà Nẵng.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện thân tình này. Chúc nhạc sĩ sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho âm nhạc Thành phố.

Nguyên Giao (Thực hiện)