BOUGERO-NGƯỜI HOẠ SĨ HÀN LÂM
LÊ VÂN
Hoạ sĩ Uyliam Bougero (William-Adolphe Bouguereau) sinh ngày 30 tháng 11 năm 1825, mất ngày 19 tháng 8 năm 1905 tại thành phố La Rosel, nước Pháp, là người đại diện lớn nhất của trường phái hội hoạ hàn lâm Pháp. Bougero học hội hoạ ở Trường Mỹ thuật Hoàng gia Paris, tốt nghiệp loại suất sắc, được trao Giải thưởng lớn vì thành tích học tập bằng một chuyến thực tế sang đất nước Italia. Sau khi từ Roma trở về, một thời gian Bougero chuyên vẽ bích hoạ cho các toà lâu đài của các nhà tư bản theo trường phái Phục Hưng của Italia. Sau khi đã kiếm đủ số tiền cần thiết cho cuộc sống, hoạ sĩ quyết định dành trọn cuộc đời cho công việc mà ông yêu thích là hội hoạ. Với tư cách là một hoạ sĩ theo trường phái hàn lâm kinh viện, con đường sự nghiệp của Bougero khá thuận lợi. Ông đã tận dụng được sự ái mộ của công chúng và sự ủng hộ của các nhà phê bình mỹ thuật. Trong suốt khoảng thời gian dài hơn 50 năm, năm nào ông cũng tổ chức được vài cuộc triển lãm cá nhân của mình. Tại cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1878 và 1885 tổ chức ở Paris, Bougero đã được trao Huy chương vàng với tư cách là hoạ sĩ tài năng nhất trong năm của nước Pháp.
Chủ đề các tác phẩm của Bougero chủ yếu là về lịch sử, thần thoại, tôn giáo và phúng dụ. Tranh của Bougero thường có bố cục rất chặt chẽ và được vẽ rất kỹ lưỡng cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài ra ông còn vẽ tranh tường và chân dung.
Cô gái Digan là một trong số những bức tranh thuộc thể loại chân dung thành công nhất của ông. Một cô gái với chiếc vĩ cầm gác trên đùi, mặc bộ áo váy có nhiều hoa văn đặc trưng cho dân tộc Digan thường sống du mục tại các thành phố châu Âu bằng nghề hát rong. Cô gái như vừa trình diễn xong một tiết mục, đôi chân trần lầm bụi, đang ngồi nghỉ bên bờ sông Xen của thủ đô Paris tráng lệ với những chóp nhọn lâu đài cùng với những hàng cây xanh và chiếc cầu vắt ngang sông. Chỉ qua chân dung giản dị của một cô gái nhưng người xem cũng có thể hình dung được cuộc sống lang bạt cùng niềm đam mê âm nhạc và khiêu vũ của cả dân tộc Digan.
Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, bên cạnh trường phái hội hoạ tả thực theo kiểu hàn lâm kinh viện, ở châu Âu và nhất là ở Paris xuất hiện nhiều trường phái hội hoạ khác thu hút được rất nhiều không chỉ các hoạ sĩ mà cả các nhà lý luận phê bình nghệ thuật. Đó là các trường phái Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, Trừu tượng, Siêu thực, Lập thể, Đa đa, Dã thú,…Tác phẩm của các hoạ sĩ theo các trường phái này đã gây bất ngờ cho người xem, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài trong nhiều năm. Một số trường phái như Ấn tượng, Trừu tượng, Siêu thực, sau thời gian đầu bị phản bác dần dần đã chiếm được sự ái mộ của công chúng vì những giá trị nghệ thuật đích thực của nó và đã được lịch sử chứng minh: tranh của các hoạ sĩ Ấn tượng giờ đây có giá hàng chục triệu USD. Trong bối cảnh đó, quan điểm nghệ thuật của Bougero thuộc về số những người bảo thủ vì suốt đời mình ông chỉ vẽ theo một phong cách hàn lâm kinh viện. Chính vì vậy mà không ít lần ông đã lên tiếng chỉ trích những cuộc triển lãm của các hoạ sĩ Ấn tượng ở Paris, ông cho rằng tác phẩm của các hoạ sĩ Ấn tượng chỉ là những phác thảo dở dang.
Sau khi hoạ sĩ qua đời và sau một thời gian dài chạy theo những trường phái hội hoạ hiện đại, những tác phẩm hội hoạ hàn lâm kinh viện của Bougero dường như bị người đời quên lãng. Tuy nhiên, những cống hiến của Bougero đã được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đương đại đánh giá lại một cách công bằng. Hoạ sĩ được coi là người có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển thể loại tranh hàn lâm. Vào năm 1984 một cuộc triển lãm lớn các tác phẩm của Bougero được tổ chức tại Paris, sau đó được đưa sang triển lãm ở Canađa và Mỹ.