Đứa con nhà tàu
Phạm Thuận Thành
Chỉ khi ngồi chắc chắn trên ghế toa đen của chuyến tàu chợ, Canh Ngọ mới thở phào nhẹ nhõm. May quá. Vừa đến ga là có tàu ngay. Cũng bõ cái công cuốc bộ cả đêm mấy chục cây số đường rừng. Mãi cuối giờ chiều hôm qua chính trị viên trưởng đi họp trên trung đoàn về mới thông báo Canh Ngọ được đi học sĩ quan. Một tuần nữa phải nhập trường. Canh Ngọ còn tối nay để chia tay anh em đơn vị, sáng hôm sau làm thủ tục chuyển đơn vị rồi phải đi ngay cho kịp. Canh Ngọ mừng quá, trong đầu phác ra bao phương án đi đường. Nếu kịp chuyến tàu sáng mai thì chỉ ba ngày là về đến nhà. ở nhà ba hôm rồi đến trường nhập học là vừa. Thế là Canh Ngọ vơ quáng quàng bộ quân phục đương phơi dở, buộc ba lô, thanh toán tiền ăn hết tháng và làm thủ tục cắt quân số để "dông" luôn. Chính trị viên trưởng bắt tay tiễn Canh Ngọ cười cười:
- Nước mã hồi có khác, thần tốc ghê. Nhưng mà đi đường rừng một mình không an toàn đâu.
- Thủ trưởng yên tâm. Đi đêm mát mẻ càng dẻo chân ạ.
- Cố gắng kiếm lấy một đứa. Đơn vị chúc mừng trước đó.
Canh Ngọ là con một, bố mẹ lấy vợ sớm cho nhưng mãi chưa đứng số. Bố mẹ mong cháu một thì vợ chồng Canh Ngọ mong con mười. Đúng là mòn gối rách chiếu mà chưa được. Đêm trước ngày nhập ngũ, hai vợ chồng dành cho nhau tình yêu của nghìn ngày dồn lại, thế mà đến tháng Thắm vẫn kéo cờ trắng đầu hàng số phận. Canh Ngọ ra đi là đi biệt luôn, không một lần có cơ hội tụt tạt qua nhà. Đầu tiên đóng quân ở Mai Sưu huấn luyện, nghĩ còn có thể có cơ hội, rồi hành quân vào tận miền tây Quảng Bình thì chả bao giờ Canh Ngọ nghĩ là còn được tranh thủ qua nhà nữa. Bộ đội thời chiến chỉ biết một hai tiến bước ra chiến trường chứ mấy ai nghĩ đến đường về. Bố mẹ mấy lần tính đưa Thắm vào đơn vị thăm, hiềm nỗi đường sá xa xôi, tàu xe khó khăn, lại bom đạn vãi đầy dọc đường nên việc chưa thành. Thế nên việc Canh Ngọ sồn sồn mã thượng ngay ai chả thông cảm. Mà thủ trưởng cứ lo xa. Quân nhân thời chiến lại sợ đêm tối ư? Có mà màn đen của mười tám tầng địa ngục cũng chẳng sợ ấy chứ. Canh Ngọ đi chân không bén đất. Thấm gì những ngày tháng đeo gạch vượt "giả Trường Sơn" Yên Tử. Nhất là khi có lửa yêu nồng nàn nơi Thắm vẫy gọi. Cái cảm giác đêm chia tay cứ sống mồn một trong tâm trí. Mùi hương tóc bồ kết, mùi da thịt con gái, mùi tình yêu cứ quánh đặc trong suy nghĩ của Canh Ngọ. Thế rồi cái mỏi, cái đói ngủ của đêm đi bộ được nhịp tàu ru nhè nhẹ đưa Canh Ngọ vào giấc ngủ lúc nào không biết. Chỉ hơi gục đầu là ngủ liền. Kiểu ngủ của lính thời chiến. Chân vẫn bước theo đơn vị mà chỉ cần hơi gục đầu là ngủ. Có người bảo đây là tư thế bản năng từ trong bụng mẹ. Chỉ khi nào có được tư thế an toàn này thì mới ngủ được. Nếu nằm trên giường thì cũng phải nằm nghiêng, hơi co người lại, đầu hơi gục mới dễ ngủ. Ngủ rồi Canh Ngọ vẫn sống lại cái đêm chia tay. Cơ thể Thắm lúc ấy lạ lắm, nó nở bùng lên như núi lửa sắp trào nham thạch đưa Canh Ngọ lạc vào chốn thần tiên.
- Anh bộ đội ơi! Anh ơi! Anh bộ đội ơi!
Canh Ngọ choàng tỉnh. Hiển hiện trước mặt một nàng tiên mặt hoa da phấn bằng xương bằng thịt. Canh Ngọ giụi mắt nhìn. Thật chứ không phải là mơ. Anh lắc lắc đầu cho đỡ mỏi rồi hỏi:
- Chị hỏi tôi à?
- Vâng, anh cho em ngồi ghé một chút.
Lúc này Canh Ngọ mới nhìn thấy nàng tiên tay xách nách mang lỉnh kỉnh mấy cái túi xách chặt căng, trong lòng còn ôm một đoạn chăn cuộn tròn. Anh vội thu người lại:
- Mời chị ngồi.
Nàng tiên vứt toạch mấy thứ đồ vào lòng Canh Ngọ rồi nhoẻn cười:
- May quá. Tưởng nhỡ chuyến tàu này thì chết.
Có tiếng oe oe khe khẽ phát ra từ cuộn chăn. Nàng tiên thản nhiên vạch áo cho con bú. Canh Ngọ liếc thấy cặp vú mẩy căng mịn màng đầy gợi cảm mà tự đỏ mặt thẹn thùng. Cục cưng trái lại, cứ dẩu môi mút chùn chụt say sưa. Rồi nó đờ môi ra ngủ, thỉnh thoảng lại mút mút một cách vô thức. Canh Ngọ lại thầm ao ước có một cục cưng như thế. Và nghĩ, nó là một cục thiêng chứ đâu phải là một con người sơ sinh bình thường. Việc tạo ra đứa con có lẽ là việc thiêng liêng nhất của loài người, vì thế người ta mới làm một cách nhiệt thành, say mê với tình cảm nồng nàn đến vậy. Canh Ngọ bắt chuyện:
- Chị công tác ở thủ đô à?
- Vâng, à không. ấy chết, anh xếp giúp em mấy thứ đồ xuống gầm ghế với.
Giọng Bắc. Vậy mẹ con chị ta lặn lội vào trong này làm gì nhỉ? Mà đứa con còn đỏ hỏn thế kia.
- Chị có người nhà ở trong này à?
- Vâng, à không. Nhà em đóng quân ở trong này. Em muốn cho nhà em thấy mặt con trước lúc đi Nam.
Canh Ngọ để ý thấy người mẹ trẻ kín đáo đưa cánh tay lên chấm nước mắt. Anh ấy đã đi mà không kịp thấy mặt con? Hay anh ấy đã có hề hấn gì? Canh Ngọ muốn động viên:
- Anh chị đã có con là phúc đức lắm đấy. Như tôi đây mãi còn chưa đứng số. Mấy lần mẹ định đưa vợ tôi vào đơn vị. Ra đi đầu tên mũi đạn ai biết được may rủi thế nào, cứ có đứa con là chắc nhất.
- Vâng, à không, à vâng.
Đang nói chuyện đã ngủ rồi, rõ chán. Vẻ mệt mỏi bơ phờ giờ mới hiện rõ trên nét mặt. Một bên vạt áo vẫn hất cao quá bầu vú nơi thiên thần bé nhỏ vừa ngủ vừa ngậm một cách bản năng. Cái tình cái nghĩa của con người ta thật là vô bờ bến, nhất là lại ở vào cái thời điểm ác liệt của chiến tranh này. Người ra đi không biết thế nào đã đành mà người ở hậu phương cũng nào dám chắc đã được an toàn khi mà bom Mỹ như vãi trấu trên trời. Canh Ngọ nghĩ vẩn nghĩ vơ rồi cũng thiu thiu ngủ.
- Hình như đến ga Vinh rồi thì phải.
Tàu dừng bánh làm Canh Ngọ xô nghiêng người tỉnh giấc.
- Anh bộ đội bế cháu giúp em một lát để em đi kiếm ít nước nóng pha sữa nhé.
Chẳng cần biết Canh Ngọ có đồng ý hay không cô cứ nhét cục cưng vào tay anh. Rồi len lách ra cửa. Mất hút. Ga này tàu đỗ lâu vì phải tiếp than tiếp nước. Đầu tiên chỉ là cảm giác chờ. Rồi sốt ruột. Rồi bao nhiêu giả thiết lướt qua đầu. Đứa mẹ vẫn mất hút. Có con thì non việc, sao đi lâu thế. Mãi đến khi tàu hú còi báo hiệu chuyển bánh Canh Ngọ mới nhác thấy đứa mẹ hớt hải chạy dọc đoàn tàu, anh vội nhoài người ra cửa sổ gọi:
- Này, con ở đây cơ mà!
Rồi đứa mẹ cũng xuất hiện. Tay xách chai nước, tay xách xâu bánh chưng:
- Em tưởng không về kịp tàu cơ, hoảng cả hồn. Ai lại phố xá vắng teo, chẳng có hàng quán gì cả. Vừa đi vừa ngoái lại phía sau phòng tàu chạy, mãi mới kiếm được nước và đồ ăn. Anh bộ đội ăn bánh này. Em cũng ăn. Đói quá.
- Chị có con mọn cứ ăn đi lấy sữa cho cháu bé bú, tôi vừa ăn trước lúc lên tàu rồi.
- Ăn rồi thì ăn nữa cho vui, các anh bụng cao dạ dốc, ăn từ sáng đến giờ không đói meo rồi ư. Binh tình này khó mà mua được đồ ăn trên tàu, anh mà làm khách là sạch ruột đấy.
Lạ, thời chiến người ta thơm thảo thế. Bao nhiêu cái bực bội tan biến cả. Người mẹ trẻ bóc sẵn bánh nhét vào tay Canh Ngọ.
- Em ra lệnh anh phải ăn đấy.
Cứ như vợ ép chồng vậy. Người ngoài không ngồi cùng từ đầu đố biết họ là người dưng đấy. Canh Ngọ ăn ngon lành. Thực ra cũng đói ngấu rồi. Tối hôm qua lo đường về nghĩ gì đến ăn. Và quáng quàng lưng cơm. Lại cuốc bộ cả đêm. Người mẹ trẻ ăn cũng ngon nghẻ, vẻ đói ngấu thực sự. Từ đơn vị "anh ấy" ra tàu hẳn không gần gụi gì. Canh Ngọ ăn chưa hết, cô đã bóc sẵn cái bánh khác đưa cho. Cô ăn cũng nhanh. Cứ như ăn thi vậy. Xâu bánh hết veo. Canh Ngọ mở ba lô lấy ra phong lương khô 701 thơm lừng:
- Tôi cũng có thứ chiêu đãi đây. Chị thích ngọt hay mặn? Tôi có cả 701 và 702.
Cô xua xua tay:
- Anh cất đi để dành bữa sau. Em no rồi.
- No thì thử mùi vị vậy. - Canh Ngọ nài.
- Đến bữa thử một thể. Đường còn dài mà.
Cô giằng lấy phong lương khô ấn vào ba lô. Canh Ngọ đành buộc nắp lại, dặn:
- Bữa sau chị chớ mua gì đấy nhé.
- Thế gọi là có đi có lại mới toại lòng nhau hả? Anh là bộ đội mà khách khí thế.
Cô lại nhoẻn miệng cười như đóa hồng hàm tiếu. Xinh quá. Thương quá.
Sau bữa ăn họ lại ngủ gà ngủ gật. Cô tin cậy gục hẳn đầu vào vai Canh Ngọ để ngủ. Anh đành cứ ngồi vững đỡ, không dám chợp mắt. Mùi sữa dìu dịu gây gây làm anh ngây ngất.
Xịch xình xịch xình, con tàu nhẫn nại trườn đi. Bỗng cô choàng tỉnh, hớt hải:
- Đến ga Thanh chưa nhỉ?
- Chưa đâu.
- Em ngủ say quá phải không?
- Chị mới chợp được một lát thôi.
- Giờ đến lượt anh ngủ đi.
Cô ngồi ngay ngắn vạch áo cho con bú. Canh Ngọ ngả người dựa vào thành tàu nhắm mắt lại, nhưng dù đã nhắm rất chặt anh vẫn cứ thấy hiển hiện bầu vú đầy mộng mị của người bạn đường.
- Đến ga Thanh rồi. Anh bế cháu. Em xuống kiếm bát cháo hay bún gì đó, ăn bánh chưng nóng cổ quá.
- Nhớ số toa mà lên cho nhanh nhé.
- Vâng, mình ở toa số 6, gần giữa đoàn tàu.
Cô tần ngần xoa tay lên mặt đứa bé chứ không vội xuống ngay như ở ga Vinh.
- Con ngoan đừng quấy bác nhé.
Xuống đến đất rồi cô còn nói vóng lên:
- Nếu cháu khóc anh cho mút chai sữa nhé. Sữa em pha sẵn ở trong túi xách ấy. Không cho bú là không dỗ được trẻ đâu anh ạ.
Như để phụ họa đứa bé chép chép miệng rất đáng yêu. Khổ thân, chưa đầy tháng đã phải lặn lội mấy trăm cây số thăm bố rồi. Chắc bố mày mừng lắm đây. Vào Nam thể nào cũng hái hoa dũng sĩ gửi tặng mẹ con mày đây. Chả bù cho tao, gẩy gối tối mặt chưa ăn thua gì. Chẳng biết chuyến này tranh thủ qua nhà có hy vọng gì không. Nếu cô ấy đến tháng thì hỏng bét hết. Tao chỉ cần một đêm thôi. Chẳng thế mà người ta vẫn hát "ba năm du kích năm kề, không bằng bộ đội nó về một đêm" đó à. ừ, mà tao quên nhắn u mày là phải ăn nhanh một chút, ga này tàu đỗ nhanh chứ không lâu như ga Vinh đâu. U mày mải ăn mà nhỡ tàu thì cả tao lẫn mày cùng bị khốn đấy.
Tàu hú còi.
Tàu xình xịch chuyển bánh.
Canh Ngọ hốt hoảng nhìn trước ngó sau, rồi nhoài hẳn người qua cửa sổ tìm. Chẳng thấy bóng dáng đứa mẹ đâu. Chẳng lẽ nhỡ tàu thật à? Mà đứa mẹ tên là gì nhỉ? Canh Ngọ muốn gọi mà không thể cất lời vì chưa cả kịp biết tên cô ấy. Chỉ còn chút hy vọng cô ấy kịp lên toa khác và đang lần đến đây tìm con. Có thể là như vậy. Thôi, đành chờ. Phấp pha phấp phỏng. Nếu cô ấy không kịp lên tàu thì biết xoay xở thế nào đây.
Xình xịch xình xịch, con tàu vẫn nhẫn nại trườn vào thời gian. Thời gian thì ngưng đọng. Canh Ngọ cảm thấy có bàn tay đang bóp chặt tim mình, lòng gợn lên nỗi lo lắng mơ hồ. Đứa bé ọ ẹ đòi bú. Canh Ngọ đứng dậy bông bông. Nó ưỡn người khóc ngằn ngặt. Anh quýnh quáng một tay lục túi lấy chai sữa lắc lắc rồi nhét núm vú cao su vào miệng nó. Đứa bé mút chùn chụt, im được một lúc lại ưỡn người khóc. U mày bảo cứ cho bú là nín mà, nín đi, khóc thì tao hết phép rồi, nín đi nhé. Đứa bé không thèm nghe tiếp tục tăng âm lượng khủng bố người bế. Trẻ con lúc ngoan lúc quấy, chắc là đến cơn hờn rồi đây. Có tiếng nhắc:
- Hay là nó đái ướt tã, xem mà thay đi.
Canh Ngọ lóng ngóng mở lượt tã bọc, sờ thấy ẩm tay thật. Và nhận ra nó là con gái. ái chà, thảo nào cô nàng khóc đáo để. Khó chịu hả. Rồi bố mày thay cho đây, nín đi, tao van mày đấy.
Thay tã xong con bé mới chịu mút chai sữa, thỉnh thoảng lại nấc lên vẻ giận dỗi. Có ai đó nhắc:
- Bế con nhỏ phải ôm chặt chặt vào kẻo nó giật mình.
Con bé chịu yên nhưng Canh Ngọ không yên nổi, chốc chốc lại nhìn ngược ngó xuôi mong cái dáng quen quen xuất hiện. Đoàn tàu có dài gì cho lắm, phải như anh đã đi xuôi đi ngược được vài lượt rồi. Hay cô ấy rình ở đâu đó xem anh "xử lý tình huống" thế nào. Thật thế thì cô ấy đùa ác với anh quá.
Xình xịch xình xịch, tàu vẫn nhẫn nại trườn đi.
Canh Ngọ đã nghĩ, thà cô ấy đùa dai cũng được, nhưng đến ga Hàng Cỏ phải ra mặt nhận con đấy. Anh tập làm bố cũng được để sau chuyến này làm bố thật càng vững tay. Cha bố chị, giống mẹ như đúc, xinh ghê. Hình như có cả lúm đồng tiền hay sao ấy. Rồi xem u mày chấm điểm tập làm bố sao đây.
Xình xịch xình xịch, Canh Ngọ gật ngưỡng ngủ thep nhịp bánh tàu nện ray, trong lòng cũng xình xịch những lo nghĩ.
Rồi tàu cũng về đến ga Hàng Cỏ. Con bé tu hết chai sữa mẹ nó pha sẵn, lại tu gần hết chai sữa Canh Ngọ pha thêm. Chờ khách xuống hết Canh Ngọ mới từ từ khoác ba lô, xách hành lý của mẹ con con bé vẻ chờ đợi, chưa vội xuống tàu. Anh chờ một cái ú òa đâu đó. Người ta đã cắt đầu tàu đi rồi, tiếng loảng xoảng của sắt thép dội mãi vào tai mà vẫn chưa thấy tiếng ú òa nào. Anh lắc đầu ngán ngẩm lững thững bước xuống đường. Bầu trời vàng ệch ánh hoàng hôn hắt lên trời những tia hy vọng yếu ớt. Canh Ngọ lệch xệch vào phòng phát thanh nhà ga. Người phụ nữ trung tuổi ở trong hỏi:
- Đồng chí cần gặp ai ạ?
- Dạ, có, à không. Mà có ạ. Em tìm mẹ đứa bé này.
- Nghĩa là đồng chí bị lạc vợ chứ gì. Nào vào đây. Vợ chồng con mọn phải dính như vợ chồng sam chứ sao lại để lạc nhau thế này. Con bé xinh quá hỉ? Nào, tên vợ đồng chí là gì?
- Dạ thưa, mẹ cháu tên là gì em không biết ạ.
- Ô hay, tên vợ mà không biết, cứ đùa dai.
- Dạ, chả là em bế hộ cháu trên tàu để mẹ cháu xuống ga mua đồ ăn, thế rồi không gặp lại nhau, có thể cô ấy bị nhỡ tàu.
- à ra thế. Vậy thì thể nào cô ấy cũng đáp xe đuổi theo. Mời đồng chí cho biết tên rồi vào phòng khách ga ngồi chờ, tôi sẽ a lô thường xuyên để nếu mẹ cháu đến còn biết chỗ tìm.
Ngồi ở phòng khách Canh Ngọ nghe rõ tiếng loa chốc chốc lại vang lên. Anh nghĩ, thực ra cần gì tiếng loa, chỉ cần tiếng khóc của con nhỏ thì người mẹ cũng phải nghe thấy mà tìm đến chứ. Đó gọi là tình mẫu tử ấy mà.
Qua đêm.
Lại thêm buổi sáng.
Vẫn bặt tin bặt người.
Canh Ngọ nóng ruột như lửa đốt. Vậy là chỉ còn hai đêm ở nhà. Anh ra phòng phát thanh đề nghị:
- Em để địa chỉ quê em lại, nếu mẹ cháu đến thì chị bảo cho cô ấy biết nơi mà tìm. Em sẽ giao con bé cho vợ em nuôi vậy. Em còn phải lên đơn vị.
*
Canh Ngọ xuất hiện ở nhà trước sự vui mừng quýnh quáng của cả nhà. Rồi là ngỡ ngàng. Nội cái việc Canh Ngọ có mặt ở nhà lúc này cũng đã là quá ngỡ ngàng. Được về phép hay "lủi" đây. Rồi sáu con mắt của bố, mẹ và Thắm cùng tập trung nhìn vào cái cục biết oe oe trong tay Canh Ngọ. Bố hỏi trước:
- Con ai thế?
Mẹ "à" một tiếng rồi đón lấy đứa bé với niềm vui tột đỉnh.
Thắm chỉ nhìn chết trân không nói được gì.
- Mẹ, không phải con của con đâu. Của một chị gửi trên tàu rồi bị lạc đấy ạ.
Bố "à" khẽ và nói:
- Tao cứ tưởng mày ba lăng nhăng rồi bị đơn vị đuổi cơ chứ.
Thắm tất tưởi đi vào buồng, ngã vật ra giường khóc. Con ai, ai biết, bao giờ cháy nhà ra mặt chuột hết. Khóc một lát cho bõ tức Thắm lại vùng dậy đi lo cơm nước, hai mắt đỏ hoe như bị hun khói.
Canh Ngọ tắm xong vào lục túi đồ của con bé, định mang mấy cái tã ướt đi giặt thì thấy một tờ giấy rơi ra. Cầm lên đọc. Thì ra là lá thư.
"Kính gửi anh bộ đội bạn đường. Em đã định đi từ Vinh, nhưng thấy cần viết vài lời cho anh nên quay lại. Em là con bé ngây thơ, cả tin, đã yêu say mê anh bộ đội đóng quân ở làng. Rồi anh đi B. Anh cho địa chỉ ở quê để nếu có gì thì tìm về với mẹ anh ấy. Nhưng đó là địa chỉ giả. Em thất vọng lắm. Những con người ưu tú, dám yêu hết lòng mà trong sâu thẳm vẫn chứa chất những sự giả dối ư? Em chỉ muốn chết thôi. Em lên tàu về quê mà làm gì có quê để về nữa. Duyên phận cho em gặp anh. Em xin giao đứa bé cho anh, một đồng đội của bố nó, xin anh thay bố nó chăm sóc giúp em.
Xin anh thứ lỗi.
Em là Hồng, em đặt tên con là ái Quân. Mong sau này em có cơ hội gặp lại con và anh.
Một lần nữa xin anh thứ lỗi".
Canh Ngọ đưa lá thư cho vợ. Thắm đọc mà chưa tin ngay.
- Anh cứ nói thật đi làm gì phải đóng kịch làm tuồng. Em chấp nhận tất cả sự thực mà. Con anh chứ có phải con người dưng đâu mà em không yêu quý.
- Anh phải trông chờ vào thời gian thôi, bây giờ có nói gì với em cũng đâu thể làm em tin được, chỉ xin em hãy coi nó là con của chúng mình.
*
Đoạn kết:
ái Quân nay đã là cô giáo. Cô vẫn chưa kịp biết mặt cả bố đẻ lẫn bố nuôi. Cô luôn hình dung ra khuôn mặt họ. Trí nhớ non nớt của cô không đủ ghi lại hình ảnh người bố nuôi yêu quý. Và cô đành cứ dệt những sợi tơ tình cảm nên bức hình ông vậy. Những người lính ra trận mấy ai để lại được khuôn mặt nguyên vẹn ở hậu phương, mà hình bóng họ thì vô cùng khó lưu giữ để nhìn ngắm mắt thường. Hãy biết nhìn họ bằng con mắt tình cảm như ái Quân vẫn làm ấy.