ĐIÊU KHẮC…

14.03.2011

ĐIÊU KHẮC…

HOÀNG.

1 - Ga Huế ngày tôi nhìn những lần đầu, tuyệt đẹp như rất nhiều công trình kiến trúc người Pháp để lại. Nhưng không hiểu vì lý do gì, một ngày Chúa đi vắng, người ta đưa nhôm kính vào đó. “ Người ta” ở đây là người lớn – những ông người lớn to xác nhưng bậy còn hơn con nít vẽ bậy!

Bực bội, nhưng đứng trước bức phù điêu đồng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng treo trong nhà ga, mình bỗng dịu lại. Chưa nói tới đẹp xấu, nội cái chất liệu đồng một mực hài hòa với kiến trúc nhà ga đã khiến mình thích. Ông trưởng ga Huế bảo nhiều người, nhất là Việt kiều, hỏi mua bức phù điêu đó với giá cao nhưng nhà ga không đời nào bán. Ông trưởng ga tất nhiên là người lớn – một người lớn tử tế!

Thực ra thì bức phù điêu đồng treo trong phòng đón khách của ga xe lửa xứ cố đô rất có thể chỉ là cái “ lấy ngắn nuôi dài” của ông Hạng, hoặc giả là kết quả của một khoảnh khắc cao hứng hiếm hoi trong cuộc đời điêu khắc gia giỏi kiếm tiền nhất nhì thiên hạ này! Tôi tin mình không ngoa ngoắc, không mắc cái tội “ bôi đen” một người tôi không quý nhiều thì quý ít! Bữa ngồi với mấy nữ nhà báo từ Sài Gòn ra, tình cờ gặp ông Hạng. Tất nhiên như một gentleman ông Hạng mời các cô dùng thứ gì đó. Là vì lịch sự, vả chăng đồ ăn thức uống đã ngổn ngang trên bàn nên các cô cám ơn. Ông Hạng lập tức lẫy Kiều “ Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/ Ai kêu nấy trả là điều dễ thương”! Ông Hạng hình như không ghét tôi, nhưng cũng lại hình như đã không dưới một lần khó chịu với tôi. Này, nó cùng lắm là một thằng “quan văn nghệ” nhỏ như móng tay, vậy mà nó nhìn mình như nhìn cục gạch, không thèm chào! “ Nó” ở đây là tôi, ngày còn công tác ở Hội Văn nghệ ( Này ông Hạng ơi, ông là rồng là phượng, tôi là tôm là tép, sao ông không hạ cố chào tôi trước một tiếng, còn bắt lỗi tôi!). Lại cũng có khi ngạc nhiên. Này, mình đưa cái catolog xin in, nó ký cái rẹt, không cần ngó xem bên trong có gì!( Này ông Hạng ơi, ông là người nổi tiếng, cả nước biết ông, nếu ông in bậy thì ông “ chết” chứ cái thằng vô danh tiểu tốt như tôi ai chấp làm gì!)…

2- Tôi từ HàNội về, vừa đặt thẩu rượu rắn “ ngũ xà” mua tận bên làng rắn Lệ Mật lên tủ búp-phê thì Phạm Hạng tới rủ đi nhậu. Râu và tóc, áo và mũ – râu phong trần như râu quắn tướng tuồng, áo hoa thùng thình như cánh buồm trong gió… Cái giọng Quảng đọc thơ ra ngay chất Quảng “ Em vui đi môi nở ánh trăng rằm…”. Cái đôi mắt sắc lẹm nhìn tới gan tới ruột thiên hạ bỗng lim dim( nhưng vẫn như dao cạo) khi diễn tả hình ảnh “ Anh hút nhụy của những giờ tình tự…”… Mấy đứa con nít thập thò ngoài cổng nhìn vô…

Thiếu phụ chủ quán là một người đàn bà đẹp. Cách bày biện món ăn đẹp. Món gỏi không đựng trong dĩa mà trong một trái bí đỏ. Trong ánh sáng mờ ảo ấm cúng mắt tôi bắt gặp những con rồng yểu điệu uốn lượn, chân rồng cách điệu những đóa hoa cúc ẩn hiện trong mây hệt những con rồng theo phong cách thời Nguyễn, khắc trên trái bí…Những con tôm hấp đỏ au xếp vòng quanh miệng chiếc ly pha lê trong món cocktail tôm…Dĩa rau muống xào giản dị có hình đôi thiên nga âu yếm nhau mà nền xanh của rau tô điểm những tép tỏi trắng ngà…Khỏi phải nói, ngon ( thức ăn), đẹp và ấn tượng ( “nghệ thuật điêu khắc”) tới mức vốn uống ít nhưng cứ Phạm Hạng một ly thì tôi một ly, chừng sắp nửa đêm hai anh em cạn cả chai cognac đến từ Pháp quốc!...

Nhưng Hạng một mực đòi uống nữa, mà phải là thứ của làng Lệ Mật kia. Đã say đã chướng thì sao cãi nổi! Vậy là quay về nhà tôi…vậy là cái mặt khó đăm đăm của “cảnh sát trưởng” hiện ra bên cửa sổ. Nhưng bất chợt nụ cười tươi như trăng rằm là lúc Hạng kêu mở cổng, là lúc đôi mắt trong nhà nhìn thấy Hạng. Chỉ chờ có thế, như chứng minh “ Thưa chị…là anh đi với tôi…chứ, chứ không với ai cả…” thì Hạng rồ ga biến vào đêm tối. Thì ra…nhưng đấy là cái sự tinh tế của Phạm Hạng!

 

Chuyên vui về nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart


Đánh đàn bằng… mũi


Khi đã nổi tiếng, Mozart có rất nhiều bạn là các nhạc sỹ, nhạc công. Một hôm, trong một buổi gặp mặt, Mozart đưa ra một bản nhạc ông mới sáng tác cho piano và đố mọi người đánh được.

Một số người xung phong cầm bản nhạc chơi, nhưng chỉ trôi chảy được một đoạn thì chịu chết đi xuống. Hóa ra trong bản nhạc, có một chỗ Mozart tạo một giai điệu gồm ba nốt phải đánh cùng lúc, một nốt ở đầu này bàn phím của đàn, một nốt ở đầu kia và một nốt ở khoảng giữa bàn phím đàn.

Mọi người nhao nói: "soạn thế thì ai đánh được chứ". Mozart ung dung ngồi vào đàn, đánh bản nhạc. Khi đến chỗ có giai điệu oái oăm kia, Mozart dùng hai tay bấm hai nốt ở đầu và cuối bàn phím, còn nốt ở giữa, ông cúi xuống, dùng... cái mũi của mình để bấm phím. Mọi người vừa cười vừa phục Mozart.


Bé như con còn chơi được…


Năm lên 4 tuổi, cậu bé Mozart đã sáng tác một bản nhạc dành cho đàn klavier, phức tạp đến mức không một danh cầm nào ở châu Âu khi ấy có thể chơi nổi.
Khi người cha rất mực yêu con trai cầm lên tờ bản thảo đang viết dở của Mozart, ông đã phải kinh ngạc:

- Con làm khó quá con ạ, làm gì có ai chơi được nó!

Mozart nói lại:

- Sao lại thế cha, bé như con còn chơi được nữa là!

Nguyện vọng của viện sĩ

Lên bảy, cậu bé Wolfgang đã viết được một bản giao hưởng. 12 tuổi, hoàn thành vở opera đầu tay. Viện Hàn lâm Bolonho vốn có thông lệ không kết nạp ai ở độ tuổi dưới 26. Tuy nhiên, với một thiên tài như Mozart, họ đã có ngoại lệ. Năm 14 tuổi, Mozart trở thành viện sĩ hàn lâm. Khi người cha chúc mừng con trai, Mozart nói:

- Thưa cha, bây giờ con đã là viện sĩ rồi, liệu con có thể đi dạo chơi một lúc mà không phải nghĩ tới việc sáng tác được không?

Cụ thể hóa thu nhập

Có lần phải kê khai các khoản thu nhập của mình, Mozart nêu rõ là, với tư cách một nhạc sĩ cung đình, ông nhận được mức lương 400 gulden một tháng. Và ông viết thêm: "Thế là quá nhiều đối với những việc mà tôi đã làm, nhưng là quá ít đối với những việc mà tôi có thể làm".

Lý do

Một thanh niên trẻ, muốn trở thành nhạc sĩ, hỏi Mozart:
- Làm cách nào để viết một bản giao hưởng khi mới 14 tuổi?
Mozart:
- Theo tôi, bạn còn quá trẻ, tốt nhất nên bắt đầu bằng những tác phẩm đơn giản hơn, như ballade chẳng hạn...

Anh thanh niên:

- Sao lại thế? Chính ông đã hoàn thành bản giao hưởng đầu tay khi mới 14 tuổi cơ mà?

- Nhưng khi ấy, tôi không đi hỏi người khác xem viết giao hưởng như thế nào - Mozart nói.

CANH TIẾN