Hạc bay lưng trời.
Huỳnh Thạch Thảo
Đã qua canh ba trăng dần lên cao, cảnh vật huyền ảo soi rọi vùng hữu ngạn sông Nguyệt Đức (1) . Phía điếm canh, đốm lửa từ bó bùi nhùi đã tắt lịm từ lúc nào khiến cảnh vật thêm ảm đạm. Thỉnh thoảng tiếng cú rúc từng hồi trong gió khẽ lay từng ngọn lau sậy có với bầy đom đóm lập lòe. Xa phía trên là ngọn Thanh Sơn cùng Mễ Sơn như đôi voi nằm phủ phục chầu về phía Lục Đầu nơi sông Thiên Đức và Thương Giang đổ về chân núi Vệ Linh.
Một con đường nhỏ chạy thẳng xuống bến Bạch Hạc, nơi có bầy hạc trắng cứ chiều chiều trở về núi Vệ Linh thi nhau kêu từng tràng vang vọng. Bến nước cách điếm canh vài chục thước có cây si cao niên phủ tán rợp cả góc bến . Tất cả đều im lìm để bóng nguyệt mặc sức soi rọi đến bàng bạc, lung linh huyền ảo. Trong thinh không yên lặng ấy, lại có hai bóng người kẻ trước kẻ sau lầm lũi bước dọc con đường nhỏ xuôi về bến đò. Trăng soi rõ người trung niên vận đồ lam có khuôn mặt gầy gầy, râu ba chóp chưa dài, đôi mắt u ẩn chợt sáng bừng khi nhìn phía trước mặt lấp lánh dòng sông trăng. Kẻ phía sau, trẻ hơn, cũng đồ lam bám bụi đường thêm tay nải vắt chéo qua người lầm lũi theo chân. Cả hai đến gần cây si cổ thụ thì người trung niên quay lại, bảo nhỏ:
-Này Đạm, con quay về được rồi, cho ta gửi lời thăm giáo thụ Hoàng.
Đạm ngước mắt cầu khẩn :
-Thưa thầy, con xin được tiễn thầy qua sông rồi quay lại cũng không muộn.
Người trung niên ngước nhìn bóng trăng nơi tiếng vạc kêu đêm vòng vọng đâu đây. Né tiếng thở dài trước khi đi đến phía gò đất bồi cách bến một đoạn. Cậu học trò giở tay nải, đặt nhẹ trước mặt thầy bầu rượu, gói cơm nắm, ống lạc rang rồi lùi ra:
-Bẩm thầy, mời thầy dùng cơm , cả ngày nay... con xin phép đi gọi đò ạ… hay thầy lại gốc si phòng sương sa, gió buốt.
-Không, không cần, ta chỉ quen ngồi dưới gốc cây gạo thôi.
Đạm đã đi khuất, còn nghe tiếng thở dài phía sau lưng.
“Gốc cây gạo, gốc cây gạo” còn lại một mình, người trung niên lẩm bẩm. Cây gạo tháng ba ra hoa đỏ thắm ở đầu làng Phù Thị nay không còn nữa, ngày xưa nơi ấy có bao nhiêu chim chóc về sống, ở đấy có anh Đạt cùng bè bạn bao lần chơi đùa, khi ra đi đến bên này sông, còn thấy màu đỏ của hoa gạo, khi về nó cũng đỏ màu yêu thương chào đón. Lâu rồi, mười bốn tuổi lều chỏng đi thi, lại hỏng. Chín năm sau, dọc đường gió bụi đến trường thi để được ghi tên vào bảng thì anh Đạt lại ngậm ngùi thất bại bỏ về làng trước, đâu hay em mình vào đến á nguyên thì bộ Lễ xét lại hạ xuống cuối bảng. Lại mày mò tứ kinh, ngũ kinh để tiếp tục vào kinh thi tiến sĩ “Cứ ba năm lại đến một lần” mong vào bảng vàng. Nhưng “Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, Quát chiếm hai bồ, anh Đạt một bồ...” là câu đùa với chúng bạn do vô tình buột miệng bởi tính khí tuổi trẻ để thành điềm báo, để mãi là sĩ tử không ngày vinh qui bái tổ từ lúc búi tóc còn xanh nay vương sợi bạc. Thêm nữa, có người cho ông là kẻ bướng bỉnh với cha, anh; thích hưởng lạc, rượu chè. Biết đầu rằng... họ Cao này luôn trăn trở.
Có tiếng động phía sau, họ Cao quay lại trông thấy người học trò và người đàn ông đội nón cời, vác chèo đi tới.
-Bẩm thầy, có đò rồi ạ, anh ta phía Phù Ninh ở...
Người lái đò chen lời:
-Thưa cụ, sao lại về giấc này, để con hầu cụ sang sông. Hay...
Họ Cao vẫy tay, ngăn lời:
-ừ. Đi cho mát, từ phủ Tây Hồ đến đây có bao xa. Nào, ngồi xuống ta uống chút rượu cho ấm, sương bắt đầu đổ rồi kìa.
Sương đã giăng đầy mặt sông, vầng trăng đổ bóng chênh chếch. Họ Cao nhìn người lái đò hỏi:
-Chú ở Phù Ninh gần rừng Cổ pháp? (2).
-Bẩm cụ, con ở tổng Hạ Dương bên phủ Từ Sơn, cách rừng Cổ Pháp và lăng Bát Đế nhà Lý không xa ạ.
Họ Cao nhấp rượu khà nhỏ, ông nhớ rừng Cổ pháp có hai thứ mà cha già rất thích, đó là củ mài và cây lộc hươu. Lá lộc hươu ăn với nem, nhắp tý rượu quê thì còn gì sánh bằng. Củ mài kho chè cũng ngon chẳng kém. Ông từng theo cha là cụ đồ nho lên rừng, từ trên cao nhìn xuống cánh đồng ngóc ngách bên những lùm cây có chú tiều mang rìu đốn củi, cậu mục đồng thổi sáo vi vu. Tiếng gã lái đò nhỏ giọng:
-Rừng Cổ Pháp giờ đã phá để làm ruộng hết rồi, bẩm cụ.
Họ Cao gật đầu, giờ làm gì còn củ mài và lá lộc hươu; có chăng chỉ những bác nông phu cùng con trâu già lầm lũi trong nắng trưa chang bóng, người sau đã lo hình xác, xao nhãng tinh thần để ngày càng tàn lụi, âu cũng lẽ thường tình, tiếc rằng sau này hậu sinh chỉ biết qua sử sách.
-Bẩm cụ, khi nào cụ về Quốc Oai hay lai triều?
Họ Cao lắc đầu. Cuộc đời đã qua là bài học xương máu nhất bởi vì sự ảo tưởng, đâu phải có tài là thành công dù quanh mình quá nhiều kẻ hèn lẫn giàu, sự bất công của triều đình đầy rẫy. Cái cảnh cúi đầu trước các quan đại thần đi hia thêu, triều phục lấp lánh, mũ mão cân đai nhưng mặt mày cứ ngây ngây đần độn, nói câu được câu chăng với bọn lính đầu nón chóp, áo nâu, quấn xà cạp cúc cung tận tụy như lũ hề của hài kịch, còn bi kịch là cảnh khốn khổ của vùng phía Bắc và duyên hải miền Trung, cái đói cứ chực vây lấy mà lệnh bắt phu diễn ra ngày ngày. Lúc sang Inđônêxia để mua sắm hàng cho triều đình thì đã thấy nguy cơ xâm lược các nước phương Tây với á đông, đã thấy cảnh da đen kéo xe cho da trắng, đã nghe người phương Tây giễu: “Nhân dân thế nào thì quan trường thế ấy, cái khổ của dân thì tội của quan lại”. Ông chợt nhớ Ngũ viên, trước nguy cơ mất nước đã khuyên vua Ngô không được, bèn bảo con trước khi mình chết hãy móc mắt treo trước cửa thành để nhìn cảnh kẻ thù xâm chiếm.
-Thưa cụ, vụ của ông Hồ Trọng Tuấn ra sao rồi ạ?
Họ Cao trố mắt nhìn gã lái đò vẫn che sùm sụp chiếc nón cời trước mặt lúc cậu học trò bên cạnh cũng sững sờ không kịp ngăn lời.
-Sao? Sao chú biết?
-Bẩm, người học trò phạm húy là anh thúc bá của con.
-Bây giờ hắn ở đâu?
-Bẩm, đi biệt xứ rồi ạ.
Họ Cao thở hắt, chòm râu chớm bạc rung rung ngước lên nhìn trời , phía trên bóng đàn hạc hay qua vỗ cánh in trên nền trăng tròn vạnh cùng tiếng mõ lóc cóc sang canh trong không gian lành lạnh.
-Ta tội cho một kẻ tài hoa lại bạc mệnh.
Họ Cao nhớ lúc sang bộ Lễ rồi được sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Lúc chấm, có quyển khá lại phạm húy mẹ vua(3) như oan uổng giống mình ngày trước và vì không để việc vụn vặt mất đi nhân tài, ông đã cùng Phan Nhạ dùng muội đèn chữa quyển cho khỏi hỏng. Việc lộ, viên giám sát Hồ Trọng Tuấn tâu vua Thiệu Trị, may mà chỉ bị cực hình thay cho trảm quyết. “Đốt đốt quái sự” chà, chà việc lạ! để 3 năm bị giam cầm, để làm việc thiện vì việc thiện nên làm. Không thể vì cái tên trong muôn vàn cái tên mà đất nước xoay vần, chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa, cầu Hoa thành cầu Bông qua rạch Thị Nghè nếu sau này, triều chính nhà khác, lại phải đổi, thì sao nữa…
Họ Cao bật cười, xốc lại vai áo bị sương rơi thấm đẫm, lắc đầu lẩm bẩm: “Làm bầy tôi giỏi cho ông vua hiền” thật khó-trước khi đứng lên, ông quay lại dặn Đạm:
-Này Đạm, về nói với bà Cao rằng ta nhớ quê cha đất tổ lắm lắm, nhớ đồi Lim quan họ, hội vật làng Chung, hội chen Nga Hoàng… rồi ta sẽ quay lại Cửa Bắc, đừng lo. Mà con nhớ lời chỉ bảo của giáo thụ Hoàng, bảo ông ấy đừng chờ ta ở Quốc Oai, ta xin thôi dạy học(4) để nuôi mẹ già bao năm phải đi biền biệt chưa ngày báo hiếu.
Chàng trai trẻ xuống bến tiễn thầy sang thuyền mà rưng rưng nước mắt. Sương giăng đầy, đặc quánh, mái chèo đã khua nước, dòng sông mờ mờ bóng trăng, bóng thầy đã dần khuất xa. Năm nay, bên Quốc Oai mới tháng 7 châu chấu đã bay mù trời, lúa má chúng cắn sạch, thầy cứ im lặng thở dài nhìn lũ học trò rách rưới ngày ngày cúi đầu vào các pho sách để dùi mài kinh sử. Thỉnh thoảng, Đạm lén nhìn thầy Cao dùng bản giấy dó đặt lên án thư, bàn tay gầy run run cầm bút phác nhanh chữ “Nhẫn” kiểu khải thư đen nhánh mực tàu. Có lúc, bàn tay run run ấy phác nhanh chữ “Nhân” kiểu kim văn cổ hình mũi dao đâm vào mắt trái thêm nét rủ xuống như giọt lệ. Một chữ thôi, rồi thầy ra hàng hiên nhìn ánh nắng chiều.
Có lần, cả thầy trò từ Quốc Oai về Thăng Long ghé qua Văn Miếu. Văn Miếu hoang sơ, im lìm vì Quốc Tử Giám thời Minh Mạng đã lập ở kinh đô Huế. Tại Khuê Văn Các, thầy đọc nhỏ hai câu thơ nôm của nhà Tây Sơn “Nay mai dựng lại nước nhà, bia Nghè lại dựng trên tòa trăm gian”; trong hồn thu thảo, nét rêu phong, thầy bước nhẹ trên mảnh đất hình chữ nhật dáng chim Loan sãi cánh. Qua hồ Thiền Quang Tĩnh có đôi rồng chầu thời Lý, thầy lắng nghe tiếng chuông Bích ung văng vẳng, tiếng mài mực tàu của các bậc Giám sinh, nét mực long lanh trên bàn tay của Thượng xá sinh phóng bút đoạn kinh Thi trên mảnh lụa trắng, tiếng trầm bổng đâu đây của Trung xá sinh qua đoạn kinh Xuân Thu và tiếng nhẹ bước của các Ngũ sinh bác sĩ, tiếng trực giảng đoạn kinh Dịch từ thuyết Nho giáo. Tiếng ve râm ran, một lá vàng rơi nhẹ vào hồ gợn nước lăn tăn có lũ nhền nhện thi nhau chạy dài vào góc hồ dưới bóng hoa sen.
Thầy Cao cứ thẩn thờ bên Đại thành môn ghi dấu các vị hiền triết đất Việt cùng 72 môn đệ xuất sắc của Khổng Tử, nơi mà rùa đội bia Tiến sĩ, nơi dãy phòng học cổ kính, rêu phong lớp lớp và tái hiện ở đôi mắt thầy đang long lanh bừng sáng. Những Giám sinh qua kỳ thi Hương được đỗ Cử nhân từ mọi miền đất nước tuyển thẳng vào Quốc Tử Giám đang dùi mài kinh sử, thấp thoáng bút nghiên, văng vẳng giọng trầm thánh thót câu văn, vòng vọng ứng đối cùng những mái ngói cong cong, viên gạch bằng bằng như những cánh mũ trạng nguyên ngày vinh quy bái tổ được ra giúp nước như bầy tôi hiền dưới trướng vị vua anh minh.
Thầy thở hắt, tay mân mê vành chuông Bích Ung. Đạm biết, dù bị bộ Lễ nhà Nguyễn xếp cuối bảng nhưng vẫn lạc quan vào kinh thi Tiến sĩ rồi nhận quyển có đề nào cũng dễ, bài nào cũng hay, nhưng hỏng vẫn hỏng, mộng khoa cử tan tành. Thôi cứ đứng trên đỉnh Hoành Sơn mà nhìn trời mọc, chiều qua dòng Hương Giang mà ngắm non sông hùng vĩ, về Quốc Oai cùng lũ học trò.
Thập tử luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Hãy làm chim phượng bay vút trên cao hay như bóng hạc vỗ cánh về ngang lưng núi chiều tà. Và cả đời dù có dọc ngang khí phách vẫn cúi đầu bái phục trước một loài hoa quân tử.
Năm sau, cũng vào một mùa trăng, mùa của những binh biến, cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và cái chết của họ Cao vừa đi qua. Lại một con đường nhỏ chạy xuống bến Bạch Hạc, chỉ có một người bận đồ lam đi qua điếm canh tiến về bãi đất bồi. Gió hu hú thổi lạnh, đom đóm bay lập lòe, ánh lân linh ma quái sáng tắt trên những đám lau sậy, có tiếng cười, tiếng khóc lẩn quất đâu đây, cây si già cụt ngọn, bến đò dời sang nơi khác càng làm cảnh vật thêm ảm đạm. Bóng mây có dải bạc trôi qua, trăng vằng vặc tỏa bóng, soi rõ khuôn mặt chàng giáo sinh Đạm khoác tay nải xăm xăm bước.
Đến bãi đất bồi, Đạm giở tay nải, đặt lên nền đất cũ bình rượu, gói cơm nắm, ống lạc rang và thêm hai chiếc chén sành đoạn quấn lên đầu vành tang trắng. Trong ánh trăng suông bàng bạc hòa tiếng côn trùng rên rỉ, Đạm khóc:
-Bẩm thầy và thưa hiền huynh. Con có tội với hai người vì không biết thầy chuẩn bị khởi nghĩa, không biết hiền huynh là kẻ từng phạm húy đưa thầy sang sông để phò tá. Bốn mươi lăm năm qua ba đời vua, đầy rẫy nỗi buồn của một kẻ tài hoa bạc mệnh…
Tiếng hạc kêu ngang lưng trời, kêu dai dẳng, trôi về phía núi Vệ Linh. Hai chén rượu sóng sánh, làn gió thốc ngược vành tang trắng của Đạm, bốc lên, lên cao nữa rồi rơi nhẹ, rơi nhẹ giữa dòng sông Nguyệt Đức đã cuồn cuộn sương sa, bao phủ cảnh vật…
H.T.T
(1) Sông Nguyệt Đức: Sông Cầu
(2) Rừng Cổ Pháp: rừng Báng
(3) Phi nguyên Hồ Thị Hoa mẹ Miên Tôn (Vua Thiệu Trị)
(4) Năm 1853 Tự Đức năm thứ 7.