HỌA SĨ NGUYỄN ĐỨC HẠNH Ở CHIẾN TRƯỜNG KHU NĂM
Giang Nguyên Thái
Tháng 10 năm 1072, tôi đang vẽ ở Miền Tây Quảng Nam thì được giao nhiệm vụ đi công tác ở măt trận Quảng Đà. Chuyến đi này có cả hai nhà văn Hoàng Sơn và Nguyễn Khắc Phục. Hồi đó ta gọi chung hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng là chiến trường Quảng Đà. Đây là vùng đất dữ dội và ác liệt nhất ở Miền Trung. Hội Văn nghệ khu 5 đã mất nhiều anh chị em ở chiến trường này: Chị Phương Thảo diễn viên múa, chị Dương thị Xuân Quí nhà báo, anh Chu Cẩm Phong nhà văn.
Lúc đó cơ quan văn nghệ đóng ở địa bàn huyện Nam Trà My. Chúng tôi lên đường vào một buổi sáng sớm. Rừng lạnh và núi rất nhiều sương. Giao liên đưa chúng tôi qua đèo Le, qua dốc Dựng rồi đi thẳng về huyện Duy Xuyên. Tôi theo du kích về vẽ ở xã Xuyên Hòa. Hai anh Nguyễn Khắc Phục và Hoàng Sơn thì bám dân để ghi chép về đề tài trụ bám. Xuyên Hòa lúc ấy là một miền đất vô cùng gian khổ và ác liệt nhưng đầy ắp những sự kiện anh hùng. Có những em thiếu nhi, giao liên dũng cảm, có những nữ du kích với nhiều thành tích chiến đấu kiên cường, những đơn vị bộ đội địa phương đánh giặc trong tình trạng vừa thiếu ăn vừa thiếu vũ khí… Những ngày ở Xuyên Hòa tôi vừa vẽ vừa chạy càn, nhiều phen phải chui hầm bí mật như lần địch càn ở vùng Gò Nổi, Kỳ Lam. Thức ăn chỉ là mấy phong lương khô và một vò nước lã. Súng ngắn, lựu đạn đã sẵn sàng, nếu địch khui trúng hầm, chúng tôi sẽ tung lựu đạn lên rồi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Có lần đang vẽ thì địch càn ập đến. Du kích dẫn tôi chạy hướng nào cũng gặp địch! Chúng đi trên xe lội nước M72, bắn đại liên ràn rạt trên đầu. Cùng đường, hai du kích dẫn tôi chạy đến bờ sông Thu Bồn. Vách sông khá cao. Một du kích đã nhảy đại xuống nước. Tôi đeo cặp vẽ ba lô hối hả chạy sau. Chiếc cặp vẽ mà họa sĩ Hà Xuân Phong đã kì công may cho tôi bằng vải dù không thấm nước. Thấy tôi chần chừ, cậu du kích trẻ kéo tôi rồi cùng nhảy ào xuống dòng sông đang chảy xiết. Không hiểu sao, lần ấy tôi bơi giỏi thế? Mặc cả quần áo, giày dép, lưng đeo ba lô cặp vẽ mà bơi một mạch qua sông. Tới bờ bên kia là xã Điện Tiến của huyện Điện Bàn. Du kích kéo tôi lên rồi cùng nằm vật ra bờ sông. Lát sau mới thấy lính ngụy lố nhố kéo đến. Chúng bắn súng AR15 sang nhưng đạn không tới. Thật hú vía! Hôm ấy, nếu chúng có sung cối thì ba anh em tôi chết là cái chắc.
Ở Xuyên Thanh được hơn một tháng, thấy tình hình không an toàn, Ban Tuyên huấn tỉnh kéo tôi sang vùng B Đại Lộc. Bên ấy tình hình dễ thở hơn ở Xuyên Thanh.
Một buổi chiều, có một anh chàng thấp, nhỏ, tròng mắt vàng vàng và da thì thâm tái, nói giọng Nghệ An đặc sệt – tới gọi tôi: “Đi về Đại Lộc với tau ngay!”. Đức Hạnh hơn tôi ba tuổi. Anh học Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp trung cấp rồi anh vào chiến trường khu 5 khá sớm, từ năm 1966 cùng với các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Phạm Hồng…
Họa sĩ Đức Hạnh của chúng ta có một bồ kinh nghiệm sống ở chiến trường. Đầu tiên anh phê bình tôi là cặp vẽ và ba lô to quá, phải biên chế lại cho phù hợp với tình hình ác liệt ở đây. Quả thật, chỉ nghe tiếng đề - pa của pháo địch là Đức Hạnh đã chui tọt vào đáy hầm chữ A. Tôi thì còn loay hoay vì vướng ba lô, cặp vẽ! Những ngày ở Đại Lộc, Đức Hạnh đưa tôi đi khắp các xã Đại Hồng, Đại Thắng rồi Lộc Thuận, bến đò Giảng Hòa, chợ Phú Thuận, cầu Ông Nở…Đối với các cán bộ xã, huyện, du kích và bà con thì anh quen thân như người nhà. Chúng tôi vừa vẽ vừa chạy giặc càn. Cũng phải chui hầm bí mật nhưng ít hơn ở Xuyên Thanh. Lâu lâu chúng tôi lại bày tranh ký họa cho dân, du kích, bộ đội và cán bộ cùng xem. Tranh được đặt lên những tấm nylon trải trên mặt đất, người xem đứng xung quanh, Ai cũng có thể cầm từng bức tranh lên để xem cho rõ.Những lần bày tranh như thế, chúng tôi luôn được anh Hoàng Công Hầu, anh Hòa là cán bộ huyên Đại Lộc nhiệt tình ủng hộ. Đức Hạnh vẽ khá đẹp. Anh có cái nhìn rất thực, như những bức ký họa: Vận chuyển vũ khí, Chiến thắng Núi Thành, Tổ Trực chiến… Sau đó, Đức Hạnh còn dẫn tôi đi vẽ ở đội biệt động Lê Độ. Đơn vị này toàn là những cô gái, chàng trai còn rất trẻ nhưng người nào cũng có thành tích đánh giặc vô cùng dũng cảm, kiên cường. Các nữ chiến sĩ ở đây rất quí họa sĩ Đức Hạnh. Nhiều cô đã ôm súng ngồi hàng giờ để Đức Hạnh vẽ. Anh xẽ rất kỹ, tôi cứ trêu là anh đang vẽ “hình họa thâm diễn”.
Sau chiến thắng 1975, anh trở về học tiếp đại học rồi về công tác ở Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh. Mấy năm sau lại nghe họa sĩ Triệu Khắc Lễ nói là anh đem cả gia đình vào làm trang trại ở vùng Thạnh Nham Đông thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Lâu lâu anh có ra Hà Nội, chúng tôi vẫn gặp nhau, vẫn ý ới nói chuyện với nhau qua điện thoại.
Cuối năm ngoái 2009, anh ra bày tranh triển lãm “Ngàn năm Thăng Long” tại Hà Nội, Họa sĩ Đức Hạnh mang cho chúng tôi xem một tập ảnh anh chụp những sáng tác mới của anh. Đa số anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Những bức tranh này khá đẹp, được anh em trong nghề đánh giá cao. Họa sĩ Lê Văn Thìn mời Đức Hạnh cùng một số họa sĩ ở chiến trường hồi đó tới nhà anh ở Ô Chợ Dừa ăn cơm. Trong bữa ăn, không biết có anh nào nói gì về chuyện tiêu cực, tham nhũng, họa sĩ Đức Hạnh của chúng ta nổi quạu. Anh giận dữ đứng lên, bảo:
- Thằng nào còn nói chuyện tiêu cực là đ…được với tau!
Lê Văn Thìn hoảng quá, anh phải nói khéo để dàn hòa. Mãi sau Đức Hạnh mới chịu ngồi xuống và tiếp tục vui vẻ uống rượu.
Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh còn có tên thật là Cổn. Anh sinh ngày 1 tháng 5 năm 1940 tại Nghệ An. Anh vừa nhận được tiền đầu tư sáng tác của Nhà nước thì đột ngột ra đi! Thương nhớ Đức Hạnh! Lại nhớ những ngày anh cùng tôi đi vẽ ở chiến trường Quảng Đà. Đó là những năm tháng trân trọng và đáng nhớ của tuổi thanh xuân, của lớp lớp họa sĩ chúng tôi làm văn nghệ ở chiến trường khu 5.
Hà Nội tháng 7 năm 2010
G.N.T