NGHỆ NHÂN DÂN GIAN NGUYỄN CHÂU

14.03.2011

NGHỆ NHÂN DÂN GIAN NGUYỄN CHÂU

Trần Hồng - Trần Nhật Bằng

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ Dân gian cho nghệ nhân Nguyễn Châu vào ngày 10 tháng 6 năm 2010 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học, Nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tham d ư ự v à trao c ác từ Hà Nội vào trao Bằng Nghệ nhân dân gian và đeo Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho nghệ nhân Nguyễn Châu trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của cán bộ lãnh đạo thành phố, các thế hệ học trò của cụ và đông đảo các lãnh đạo huyện Hoà Vang, quận Cẩm Lệ và phường Hoà Phát nơi cụ sinh sống.

Nghệ nhân Nguyễn Châu (tức Tư Châu), sinh năm 1907 tuổi Đinh Mùi ở thời Duy Tân mới lên ngôi. Năm con dê cây lá trơ trụi, gạo thóc, tơ lụa, trầm hương, ngà voi .v.v... đều bị thực dân Pháp bắt dân ta cống nạp, để chúng vơ vét đem về Pháp. Khắp nơi dân ta nổi lên chống sưu cao, thuế nặng khắp Quảng Nam và Trung Kỳ thuở ấy.

Nghệ nhân Nguyễn Châu sinh ra trên đất Nghi An mà ngày xưa trong dân gian có câu vè:

"Anh về chẻ đá Phước Tường

Em đi cắt chổi dọc đường truông tranh

Ai mộ phu, đừng đi nghe anh

Ở nhà lúa lép, lúa lừng có nhau".

Đất này đã sinh ra nhà chí sĩ Thái Phiên và người con gái xứ Quảng, Thái Thị Bôi đã tham gia Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập. Thái Thị Bôi là chủ hiệu sách Việt Quảng là địa điểm liên lạc của những cán bộ cộng sản và cơ quan đảo chính đầu tiên của xứ uỷ Trung Kỳ tại Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nghệ nhân Nguyễn Châu sinh ra ở thời ký các vương triều cho Nghệ thuật sân khấu là trò du hí, xướng ca của tiểu nhân (người lao động thất học), là xướng ca vô loại. Cấm các người làm nghề Hát bội không cho thi cử ở các kỳ thi Hương, thi Hội do triều đình tổ chức. Quan chức nào lấy đào hát làm vợ bị phạt đánh đòn và bãi chức. Đó là ở thế kỷ 15 của triều đình Hậu Lê, đến vương triều Nguyễn đã đổi mới. Vua Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại đã nuôi một Đội Hát bội như Đội Võ Can và một đội Đồng ấu ở trong dinh phủ thường xuyên biểu diễn ở Duyệt thị Đường hay Nhà hát ở chợ Đông Ba (Huế) cho gia đình quan chức, vua, quan trong triều đến xem.

Nghệ nhân Nguyễn Châu có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, từ nhỏ đã theo học đàn các thầy nhạc tài danh trong tỉnh, các thầy ở Huế nên tiếp thu rất nhanh các bản nhạc lễ, nhã nhạc cung đình rất khó. Năm 14 tuổi đã được ngồi trong các ban nhạc dân tộc đi biểu diễn phục vụ các lễ hội ở đình làng, rước sắc cầu an, các đám tang trong làng, huyện. Ông đã theo đánh đàn cho các Đoàn Hát bội ở Tam Kỳ, Quế Sơn, Điện Bàn, Huế, Nha Trang, Quảng Trị, Sài Gòn.

Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, mến yêu tài năng đàn giỏi các cây nhị, bầu, sáo, nguyệt, tranh, tứ, giỏi nhất là chơi trống chiến, bà con gọi cụ là "Tư nhạc" (4 nhạc cụ giỏi) trong nhân dân gọi thân mật là "Tư Châu". Thành phố Đà Nẵng, làng Nghi An bị giặc Pháp chiếm đóng, năm 1946 cả làng đi tản cư, cả gia đình Tư Châu di tản trên vùng giáp ranh. Do thiếu đói, lại bị bệnh sốt rét nên người vợ và hai con trai lần lượt ra đi, nằm lại trên đất người. Tư Châu một mình về lại quê làng Nghi An làm ruộng trong vòng Pháp chiếm đóng. Làm ruộng và đi đánh nhạc phục vụ các ngày lễ và các đám tang quanh làng, huyện xung quanh, có nhiều học sinh ở các huyện, tỉnh xa đến học nhạc rất đông, đời sống có khấm khá hơn.

Nhớ hồi bỉ cực lúc các Đoàn Tuồng không bật được ánh đèn sân khấu như các gánh Hưng Thạnh Ban, gánh Loan Anh, Bầu Nhưng Đá, Kiểm Chư, Hai Long, Sáu Phán... nghèo đói, họ kéo về Nghi An bám Tư Châu, ông bao cân cứu giúp bạn nghề. Khi ở Nghi An, Hý trường Hoà Phát của ông đèn đỏ, bán hết vé. Mỗi diễn viên nhận lương vài cử. Ông Bầu ngồi hút Bastô xanh, anh chị em diễn viên ăn bún bò. Nhớ lúc Khoai chạc Nghi An, sắn dăm Phước Tường, vạt rau muống vườn nhà trơ gốc...

"Trời sinh ra để diễn trò

Lính vua đêm trước tiệc no nứt niềng

Được sắm vai phụ, vai tiên

Đời thường nghèo túng trắng tiền túi không".

Tư cách và đạo đức sống của Tư Châu rất đẹp, vì ông nghĩ: Diễn viên đói, nhạc công no sao được. Các nghệ sĩ quí mến lòng thơm thảo của vợ chồng ông hết mực.

Sau này bạn bè và học trò ở Nghi An, Phước Tường, Đông Phước thấy thầy vào ra một mình nên thương tình có mai mối cho một người con gái chưa chồng mê người đàn hay, hai người ở với nhau sinh được năm trai và hai gái là Thọ, Phước, Ninh, Hiệp (gái), Hoà, Lợi (gái) và Lộc (út). Có năm con dâu là Lữ, Kiểng, Lan, Nga, Xin và hai con rể là Tám và Quang. Một dàn nhạc gia đình có 10 tay đàn giỏi, thêm con nuôi, cháu nuôi, cháu nội, cháu ngoại thành ban nhạc lớn đầy đủ các cây đàn bát âm dân tộc rất tài năng và điêu luyện do Tư Châu đào tạo nên. Ngoài ban nhạc Tư Châu rất nổi tiếng, các học trò của ông cũng đã thành lập 5, 7 ban nhạc ở khắp huyện, tỉnh cũng rất nổi tiếng. Con trai thứ bảy Nguyễn Ninh nối nghiệp cha cũng đàn giỏi các cây đàn dân tộc trong ban nhạc của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dinh, được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Con dâu cụ, vợ NSTƯ Nguyễn Ninh là diễn viên chính của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là giọng hát vàng bộ môn Tuồng Hát bội trong cuộc thi giọng hát hay do Bộ Văn hoá tổ chức cuộc thi trong sân khấu toàn quốc. Chị được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Hai vợ chồng là con trai và con dâu của cụ là Nghệ sĩ ưu tú, nay cụ được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở tuổi 104 rất vinh dự cho quê hương Nghi An và thành phố Đà Nẵng. Nghệ nhân đầu tiên được phong danh hiệu cao quí này.

T.H - T.N.B