THIÊNG LIÊNG HAI TIẾNG VIỆT MINH Hồi ký của đồng chí Chế Viết Tấn

14.03.2011

THIÊNG LIÊNG HAI TIẾNG VIỆT MINH Hồi ký của đồng chí Chế Viết Tấn

Quê tôi, với Ngũ Hành Sơn, nằm ngọn núi cao vút giữa trời, chân vững chãi đứng trên bờ biển Đông lộng gió, rì rào sóng vỗ, với Ải Vân mây trắng như chiếc khăn bông lớn che chở, ôm ấp con người và cây cối khi mùa gió lạnh tràn về.

Cũng như bao bạn bè cùng lứa tuổi, tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương ấy, trong lời ru nghẹn ngào, u uất của những bà mẹ vùng đất Hòa Vang - một vùng đất bốn mùa cây cỏ xanh tươi. Lạ thay, những ngày ấy, đất tốt cũng không làm cho lúa thêm nhiều hạt, đồng xanh chẳng nuôi nổi con người. Bà con xóm làng tôi, ngoài những tháng ngày dầm mình dưới mưa lũ, vật lộn với công việc đồng áng, còn phải lên rừng phơi mình trong nắng cháy, hái củi, cắt tranh gánh về phố chợ đổi lấy từng lon gạo.

Gương mặt quê hương tôi đẹp, đẹp thật, đẹp lắm nhưng nét mặt của những con người sống trên dải đất này đều hằn sâu nỗi vất vả. Vì thế, mẹ thôi đã ru tôi và các em bằng những câu ca dao thấm đậm nỗi buồn rười rượi từ hàng trăm năm đọng lại.

Năm tôi lên sáu, gia đình đông con, cha mẹ tôi gửi tôi cho ngoại. Ở với ngoại tôi được cắp sách đến trường. Thầy giáo trường thân quen với các cậu tôi, đã tận tình dìu dắt tôi.

Năm lên chín, tôi đỗ sơ học yếu lược. Thấy tôi còn bé, ở nhà chưa thể đỡ đần gì cho cha mẹ, thầy tôi bàn nên để tôi tiếp tục học. Thầy tôi gửi gắm tôi trọ học tại một gia đình quen biết ở Đà Nẵng. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau rồi cũng quen dần, tôi xem nhà trọ như gia đình thứ hai. Ngoài những giờ đến trường, học bài, thì giờ còn lại, tôi bày vẽ cho các em nhỏ học, giúp các việc vặt trong nhà. Vì vậy gia đình trọ đối xử với tôi rất tử tế, tuy họ không giàu có gì.

Đỗ bằng tiểu học, tôi đã lớn không có thầy gửi gắm, tôi phải tự mình lo liệu. Tôi xin vào học trường Chấn Thanh, một trường tư mới thành lập ở Đà Nẵng.

Những ngày học ở đây, tôi quen với nhiều bạn mới, trong đó tôi mến nhất là Hoàng Bá La và Nguyễn Văn Nghị, có chân trong tổ chức thanh niên cứu quốc bí mật.

Tuổi thơ của tôi đã từng nghe lời ru buồn của mẹ, nghe nhiều người đọc sang sảng bài hịch bình Tây, nghe được âm thanh vang dội của tiếng trống nổi lên từ phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh, nên tôi có cảm tình ngày với các bạn Nghị và La. Chúng tôi chơi thân với nhau, lập thành một nhóm. Nhóm chúng tôi thường được gặp anh Hứa Toản – sau này tôi mới biết là anh ở trong Thành ủy lâm thời - phụ trách tổ chức thanh niên cứu quốc Đà Nẵng.

Anh Hứa Toản chỉ đạo chúng tôi phát động các phong trào thanh niên học sinh ở trường Chấn Thanh; chống tăng học phí, vận động tương tế, cứu tế; ủng hộ cuộc đấu tranh của anh em công nhân hỏa xa…

Trường Chấn Thanh hồi đó có thầy giáo cộng tác với sở mật thám Pháp, kín đáo theo dõi các tổ chức thanh niên cứu quốc. Một hôm, trong giờ luận văn, thầy giáo cho chúng tôi bình luận câu:

Thứ nhất vợ dại trong nhà

Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi.

Thú thật chúng tôi lúng túng vì chưa có gia đình nên chưa biết thế nào là cái khổ của người có “vợ dại”. Nhưng nỗi khổ của người có “nhà dột” và “nợ đòi” thì tôi đã từng gặp. Quê tôi cũng như xóm tôi đang học trọ - xóm Cầu Vồng có bao nhiêu người sống trong cảnh vất vả, lo toan, nghèo đói. Trong bài luận, tôi nói về nỗi nhọc nhằn, đau khổ của người nghèo, những nỗi bất công mà họ đang chịu đựng. Tôi băn khoăn không biết làm cách nào để đổi thay cuộc đời, những số phận ấy…Khi ra khỏi lớp các bạn tôi cũng có ý kiến tương tự.

Kết quả cuối tuần tôi được thầy “khen” và đem bài luận ra đọc cho cả lớp nghe.

Được tin anh Toản đến tìm tôi. Xem xong bài luận anh bảo:

- Cậu thật thà quá ! đây là một trong những âm mưu của mật thám. Chúng gài bẫy để nhử các cậu vào tròng. Qua bài luận văn chúng sẽ đọc được tình cảm, tư tưởng các cậu. Rồi đây chúng sẽ theo dõi các cậu cho mà xem…

Nghe anh nói, tôi hơi bối rối, suốt mấy ngày ray rứt về sự bồng bột của mình. Mấy hôm sau, anh Toản lại đến tìm tôi. Anh dặn:

- Từ nay cậu ít lui tới với Nghị và La. Bọn chúng đang rình các cậu đấy.

Đúng như lời anh Toản, tôi để ý thấy hai tên mật thám Toàn và Lợi bám sát, theo dõi chúng tôi. Từ đó anh em chúng tôi phải thay đổi chỗ ở luôn để tránh sự dò la của chúng.

Năm 1943, phong trào cách mạng ở Quảng Nam lên cao, trong đó phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở các trường cũng khá sôi nổi. Bọn mật thám điên cuồng sục sạo, đàn áp, khủng bố. Một số cơ sở thanh niên cứu quốc ở Hội An, Đà Nẵng rồi trường Chấn Thanh bị lộ.

 

Tôi đến ở nhà anh Lê Doãn Dưỡng được mấy ngày thì bị bắt. Chánh mật thám hồi đó là Gazagne. Chính hắn ra lệnh bắt 17 học sinh đang học trường Chấn Thanh, trong đó có tôi.

Khi bị bắt chúng tôi đều ở tuổi mười lăm, mười sáu, vị thành niên. Hơn nữa trong quá trình giam giữ, tra tấn, chúng không tìm được tang chứng và không khai thác được gì, cuối cùng chúng thả dần chúng tôi ra.

Sau lần bị bắt, tôi nghĩ không thể tiếp tục học ở trường Chấn Thanh mà nên ra Huế học hết năm thứ tư thành chung. Nhưng khó khăn đối với tôi là lấy tiền đâu ra để ăn học ?

Nhân dịp hè năm 1943, tôi quyết định lên Đơn Dương (Lâm Đồng) tìm việc. Đơn Dương là vùng đất mới chuyên dùng trồng rau để đưa về Sài Gòn, hoặc gửi sang Pháp bán. Phần lớn các chủ trồng rau không biết chữ và tiếng Pháp cho nên tôi đến xin việc tương đối dễ. Công việc hàng ngày của tôi là dịch đơn đặt hàng, ghi địa chỉ các kiện hàng được gởi đi… Ba tháng hè trôi qua, tôi kiếm được ít tiền. Đó là “vốn liếng” của tôi trên đường ra Huế vào học trường Thuận Hóa.

Ở trường Thuận Hóa, tôi vừa học, vừa tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng. May mắn, tôi gặp anh Lê Hoàng, người cùng quê, có chân trong tổ chức cách mạng. Anh dìu dắt, giới thiệu tôi với tổ chức Việt Minh ở Huế.

Tháng 3.1945, Nhật hất cẳng Pháp, tình hình chính trị trong tỉnh cũng như trong cả nước sôi động hơn bao giờ hết. Anh Lê Hoàng, một số anh em khác và tôi được lệnh trở về Quảng Nam… Tôi bồi hồi, xúc động vì nhận nhiệm vụ mới, lại được về quê hương, gặp gia đình, thăm bạn bè ở Đà Nẵng sau những tháng ngày xa cách.

Ai đi Hòa Vang sẽ thấy những vùng đầy vườn cây trái sum suê, nhưng cũng thấy một vùng đồi, núi đá lấn ra ruộng đồng. Nhà tôi ở vùng ấy, vùng ruộng trũng, được gọi bằng cái tên quen thuộc: Bàu Trầm. Ruộng ở đây chỉ cấy một vụ vào mùa mưa, còn mùa nắng ruộng khát nước, khô cằn. Ngoài vụ mùa, làng tôi quanh năm phải dựa vào núi rừng để sống. Đời sống ở làng quê vốn đã vất vả, năm 1945 lại càng vất vả hơn. Phần thì thuế má cao, phần thì giặc Nhật vơ vét thóc, dầu phụng, phần thì ảnh hưởng nạn đói ngoài miền Bắc ào ạt tràn vào. Giá gạo tăng vùn vụt, xóm làng tôi ai nấy hốc hác, tiều tụy, thiếu thốn đói ăn…

Những đêm trăng treo trên đồi, vượt qua vách đá, tiếng đàn nhị của ai rung lên, tiếng ầu ở của bà mẹ ru con bằng câu ca dao buồn, quê tôi sống những tháng ngày vô cùng ảm đạm. Đêm đêm tiếng mõ, tiếng trống thúc thuế, tiếng chó sủa vang động. Mọi người sống trong cảnh lo âu, hãi hùng… Đứng trước cảnh ấy, ai không ngậm ngùi chua xót.

Giữa lúc đó, nhiều nguồn tin ập tới: phát xít Đức đã đầu hàng Đồng minh, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, nội các bù nhìn Trần Trọng Kim được Nhật lập tại Huế, rồi ông Nguyễn Ái Quốc đã về nước, tàu chở gạo từ Nam Kỳ ra bị máy bay Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ) ném bom… Những tin ấy làm tôi sốt ruột. Những ngày chờ đợi ở quê nhà tưởng như rất dài. Mãi đến cuối tháng 3.1945, anh Lê Hoàng đến tìm tôi. Anh cho tôi biết tình hình chiến sự ở Thái Bình Dương… Tôi sốt ruột hỏi anh: “Thế có gì mới không?”. Anh không trả lời, cầm mũ đứng lên và nói: “Thôi, bây giờ mình về”. Hiểu ý anh là không tiện nói trong nhà, tôi đi theo anh như tiễn chân. Lúc chia tay, anh dặn khẽ: “Khoảng trưa mai, anh Lê Công ở Hương Lâm đưa một phái viên Việt Minh của cấp trên về gặp cậu. Mật hiệu như thế này, thế này… Nếu họ trả lời đúng thì đó là người của ta. Cậu sẽ trực tiếp nhận nhiệm vụ. Mình chỉ liên lạc thôi. Mình về”.

Tôi nhìn theo bóng dáng anh. Anh đi khuất, tôi mới lững thững quay vào…

Sau một đêm chập chờn, mong trời chóng sáng, tôi dậy sớm. Suốt cả buổi sáng tôi không làm được gì, hết đi ra lại đi vào. Mặt trời đứng bóng, tôi càng bồn chồn hơn, tại sao họ chưa đến ?

Trời sắp sang hè, cái nóng oi ả của miền Trung làm tôi càng thêm bứt rứt, mệt mỏi. Tôi định vào lấy cái gối bằng gỗ mít ngả lưng xuống phản, bỗng nghe tiếng chó sủa. Tôi hồi hộp nhìn ra, thấy một người ăn mặc kiểu nông dân quen thuộc, nhìn rõ là anh Lê Công. Người đi với anh trạc 40 tuổi, đội mũ trắng, áo dài đen, quần trắng, đi guốc mộc…

Tôi mời hai người vào nhà. Uống xong bát nước chè xanh, anh Công lên tiếng: “Nóng quá, chúng ta ra vườn cho mát đi”. Chúng tôi cùng ra vườn, ngồi dưới gốc một cây xoài tỏa bóng. Tôi hỏi: “Các anh từ đâu đến ?”. Người mặc áo dài đen trả lời: “Chúng tôi từ Vụ Quang đến”. Câu hỏi của tôi và câu trả lời chính là mật hiệu mà anh Hoàng đã dặn. Tôi biết người đó là phái viên của cấp trên. Vụ Quang – căn cứ của cụ Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh - được lấy làm bí danh của Đảng bộ Quảng Nam. Anh Lê Công giới thiệu: “Đây là đồng chí phái viên của Vụ Quang, được lệnh cấp trên đến gặp giao nhiệm vụ cho đồng chí”.

Sau khi phác qua một số nét về tình hình trong nước, thế giới, đồng chí phái viên nói: “Nhật sắp thua Đồng Minh, chúng ta hành động khẩn cấp”. Đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi và anh Lê Hoàng tập hợp một số anh em học ở Huế về, lợi dụng các hình thức hoạt động công khai để tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước của quần chúng. Cấp thời tổ chức các tiểu tổ cứu quốc ở từng xã và huyện…

Lúc này tôi mới nghiệm ra: Hòa Vang còn quá ít cơ sở, chưa có cơ quan chỉ huy trực tiếp phong trào cách mạng ở huyện. Đồng chí phái viên cho biết thêm việc xây dựng cơ sở ở huyện do cấp trên cử cán bộ xuống phụ trách. Khi nào thành lập, củng cố xong cơ quan lãnh đạo toàn huyện thì sẽ có lệnh mới để liên lạc với nhau…

Trao đổi xong, mặt trời đã xế bóng, anh Công và đồng chí phái viên tạm biệt tôi.

Cuối tháng 5, anh Lê Công và đồng chí Phái viên đến truyền đạt chỉ thị của Trung ương Đảng ra ngày 12 tháng 3 năm 1945: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đồng chí phái viên Vụ Quang nói thêm: “việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa rất cấp bách”. Đồng chí giao phó cho tôi nhiệm vụ thành lập trung đội du kích bí mật. Trước nhiệm vụ mới, tôi băn khoăn: “làm thế nào để huấn luyện ? Vũ khí lấy ở đâu ?” Đồng chí phái viên gợi ý: “Tìm những người đi lính cho Pháp nay đã về quê nhờ họ huấn luyện. Vũ khí thì tự rèn mã tấu, tìm cách kiếm lựu đạn”. Đồng chí chỉ định tôi chỉ huy trung đội…

Đến tháng 6.1945, trung đội du kích được thành lập gồm 31 người, chia làm ba tiểu đội. Chúng tôi tìm được mấy người đi lính khố đỏ cũ đến giúp huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn… Súng không có thì dùng súng gỗ, lựu đạn là những thỏi sắt rèn. Ngoài những đêm tập bắn súng, ném lựu đạn, trung đội say sưa tập đánh mã tấu…

Vào cuối tháng 7.1945, đồng chí phái viên Vụ Quang lại đến. Đồng chí cho tôi biết tình hình của Mặt trận Việt Minh ở Việt Bắc, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, tình hình tổ chức Mặt trận Việt Minh ở một số tỉnh, trong huyện nhiều nơi đã tổ chức lực lượng vũ trang và phác thảo lại dự án của cấp trên về việc chia địa bàn huyện, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Theo dự án này thì huyện Hòa Vang tạm chia thành 4 khu: khu A là huyện lỵ; khu B là tổng An Phước (mật danh tổng Bửu); khu C là tổng Thanh An, gồm các xã ven quốc lộ 1 đến đập An Trạch; khu G gồm tổng Giáo, tổng Hòa An, tổng Bình Thái, khi khởi nghĩa là tổng Thái Hòa có cả thảy 52 làng, xã cũ nằm ở phía bắc huyện Hòa Vang.

Đồng chí phái viên truyền đạt cấp trên chỉ thị tôi tham gia Ủy ban bạo động huyện, chuẩn bị khởi nghĩa và phụ trách khu G (tổng Giáo, tổng Hòa An, tổng Bình Thái). Phụ trách khu G có 3 đồng chí: Lê Đình Siêu, Trần Hữu Dũ và tôi, do tôi chịu trách nhiệm chính. (Sau này tôi được biết thêm ở các tổng Hòa An, Bình Thái cũng có bạo động, cướp chính quyền do huyện thành lập, gồm một số tù chính trị mới thả về). Phân công như thế thì Ủy ban bạo động huyện dễ triệu tập hơn. Tôi nêu thắc mắc: “Trước ngày tổng khởi nghĩa tôi cứ ở nhà đợi lệnh cấp trên hay đi trước ra các khu vực đó để liên lạc với các tổ chức địa phương ?”. Đồng chí phái viên giải đáp: “Nên đợi lệnh cấp trên để có thời gian thông báo cho các địa phương ấy biết. Nhưng từ nay đến ngày tổng khởi nghĩa, nếu có hiệu lệnh bạo động cướp chính quyền thì từng xã phải hành động tức khắc. Trước hết là cướp chính quyền ở xã Cẩm Toại, khu vực B, do đồng chí Nguyễn Hữu Tú phụ trách…”.

Trước khi ra về, đồng chí phái viên không quên yêu cầu trung đội chúng tôi tìm vũ khí: súng trường, đạn và lựu đạn… để tự trang bị. Chúng tôi bắt liên lạc với một số cơ sở, nhận được một số lựu đạn. Các cơ sở đã lấy lựu đạn của Nhật đóng tại đồn Phú Hòa.

Vào đầu tháng 8.1945, Mặt trận Việt Minh hầu như hoạt động công khai. Các tổ chức cứu quốc, lực lượng tự vệ phát triển mạnh, khí thế cách mạng sôi sục. Chúng tôi liên lạc với tổng Bửu (mật danh của Tổng An Phước) qua hiệu trống. Cứ hai tiếng chập một, cách quãng đều đặn, như hai tiếng Việt Minh - Việt Minh. Tiếng trống nhịp đôi vang lên, truyền xa hòa nhau giữa các làng, xã…

Sưu tầm và hiệu đính:Bùi Xuân