Thương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn Tiếng

27.03.2014

Thương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn Tiếng

1- Tên tuổi nhà danh họa Leonardo Da Vinci cùng bức chân dung La Joconde - bức tranh nổi tiếng nhất và được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật - luôn gắn liền với nụ cười mím chi đầy bí ẩn của nàng thiếu phụ Mona Lisa Gherardini. Và hầu như những người yêu nhạc tiền chiến Việt Nam đều cảm thấy nao lòng trước nụ cười quá xinh của cô gái vùng cao trong bài Nụ cười sơn cước của Tô Hải… Có thể nói sức mạnh mê hồn của nghệ thuật và tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ đã bất tử hóa được nhiều nụ cười mỹ nhân - cũng chính là đã vĩnh cửu hóa được cái Đẹp. Có điều trong thế giới nghệ thuật cũng như trong đời thật, nụ cười vẫn ít hơn nước mắt, bởi tạo hóa dường như không mấy hào phóng trong việc ban phát nụ cười cho con người, bằng chứng là vào khoảnh khắc đầu tiên chào đời, không một sanh linh nào không song hành cùng tiếng khóc (Thơ Nguyễn Công Trứ: Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe - Trần có vui sao chẳng cười khì?), và có lẽ với số đông nhân loại, khó nhọc và khổ đau chiếm hơn nửa kiếp người - chẳng thế mà có nhà thơ từng quan niệm: quyền của thi sĩ là quyền được buồn và theo nhà lý luận văn học Lê Ngọc Trà thì “nỗi đau đời là một trong những nét đặc trưng cơ bản nhất của tâm hồn nghệ sĩ” (Lý luận và văn học - 1990).

 

2- Do tạo hóa không mấy hào phóng trong việc ban phát nụ cười cho con người nên khi giao tiếp hằng ngày người đời thường có tâm lý chờ mong nụ cười nơi người khác và cũng vì vậy mà những ai hay cười thường dễ tạo được thiện cảm với người trong thiên hạ. Nụ cười từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thân thiện hiếu khách và từng xuất hiện ý tưởng xây dựng thương hiệu “nụ cười” để góp phần quảng bá hình ảnh một đất nước hay một địa phương. Muốn xây dựng được thương hiệu “nụ cười” - làm cho nụ cười trở thành thương hiệu thực sự hấp dẫn, trước hết đòi hỏi những người làm việc ở “mặt tiền” như nhân viên hải quan, như hướng dẫn viên du lịch… phải là những người thật sự khả ái trong con mắt của du khách. Có người trời sinh ra gương mặt khả ái - nhìn là có thiện cảm ngay; ngược lại cũng có người trời sinh ra bộ mặt khó ưa - hay nói theo kiểu Quảng Nam: ngó là thấy ghét khan. Nhưng khả ái hay khó ưa chỉ là ấn tượng ban đầu, tuy cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Để trở nên thật sự khả ái trong con mắt của du khách phương xa, nhân viên hải quan hay hướng dẫn viên du lịch… phải biết cười - ít nhất là biết cười xã giao. Bộ mặt đã khó ưa mà còn lạnh lùng thiếu vắng nụ cười thì làm sao mà khả ái được. 

 

3- Tuy nhiên để nụ cười trở thành thương hiệu thực sự hấp dẫn thì điều quan trọng bậc nhất là phải hình thành cho được văn hóa cười. Ngày xưa trên tờ Đông Dương tạp chí, cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng cho rằng người Việt mình có một đặc trưng văn hóa là cái gì cũng có thể cười được: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Như vậy văn hóa cười rất xa lạ với thói xấu gì cũng cười, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang trong hình dung của cụ Nguyễn Văn Vĩnh và từ đó suy ra cười có văn hóa trước tiên là phải cười đúng nơi đúng chỗ. Đi viếng người quá cố - kể cả người trường thọ - mà lúc nào cũng nhăn nhở cười thì quả là quá vô tâm. Rồi trong một không gian mà nhiều người đang rất cần sự tĩnh lặng, tự dưng mình lại hồn nhiên cười đùa quá ư sảng khoái như chỗ không người thì chắc đó cũng không phải là cười có văn hóa. Dĩ nhiên văn hóa cười bao gồm cả những trận cười hết mình sảng khoái nhưng trong một số tình huống cụ thể, người có văn hóa cười là người biết kìm nén cảm xúc, dẫu vẫn tỏ ra niềm nở mà không để mang tiếng là cười không đúng chỗ đúng nơi.     

 

  4- Cười đúng nơi đúng chỗ - cười có văn hóa - không chỉ có nghĩa là biết kìm nén cảm xúc để không cười hoặc không cười to tiếng ở những trường hợp không nên như vậy mà còn là biết kìm nén cảm xúc để có thể cười được trong một số cảnh ngộ khó cười. Vui mà cười thì không nói làm gì, người đời ai chẳng vậy, nhưng không vui thậm chí đang buồn bực mà vẫn biết kìm nén được cảm xúc để cười - mà không hề tỏ ra cười gượng - thì mới gọi là có tính chuyên nghiệp. Trong đạo đức Nho giáo có một phẩm chất rất phù hợp với những người chuyên nghiệp, đó là Nhẫn. Chiết tự chữ Nhẫn, ở trên là chữ Đao - tức là con dao, còn ở dưới là chữ Tâm - tức là trái tim. Nhẫn được người Trung Hoa hình dung như là khả năng chịu đựng khi mũi dao đang đâm thẳng vào trái tim mình. Nhiều hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp từng chứng kiến những lúc cả đoàn khách phải chờ có mỗi một người, chờ đến nóng lòng sốt ruột. Trong tình huống này hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp nhất thiết phải kiên nhẫn, bình tĩnh xử lý tình huống và vẫn giữ được nụ cười trên môi. Biết đâu chính con người lỗi nhịp này đang rất cần sự giúp đỡ của hướng dẫn viên du lịch và nụ cười ở vào cảnh ngộ khó cười như vậy sẽ có tác dụng trấn an không chỉ một người.

 

5- Đến một đất nước hay một địa phương, du khách phương xa chờ mong nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền” nói chung - điều đó đã đành - nhưng chỉ ngần ấy thôi thì vẫn chưa thể tạo cho khách thập phương sự cảm nhận về thương hiệu “nụ cười”. Muốn cho khách thập phương cảm nhận được thương hiệu “nụ cười”, từng địa phương/đất nước cần có những nụ cười có văn hóa tương tự trong giao tiếp ứng xử giữa người bản địa với nhau. Trong con mắt của du khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền” nói chung chỉ chứng tỏ ở nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa dành cho nhau mới đủ sức khẳng định ở nơi đây đã có thương hiệu “nụ cười”. Nếu chỉ vì một va quệt nhẹ trong khi cùng tham gia giao thông mà đã sẵn sàng sửng cồ nổi đóa thậm chí sẵn sàng gây gổ đánh nhau thì làm sao có thể góp phần xây dựng thương hiệu “nụ cười”, nhất là khi cảnh tượng thiếu vắng nụ cười ấy lại diễn ra trong nhãn quan của những khách thập phương tinh tế và lịch lãm?    

 

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải