Khát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung Sáng

27.03.2014

Khát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung Sáng

Những thành tựu đạt được của Đà Nẵng trong những năm vừa qua, nhất là từ lúc thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là điều không thể tranh cãi. Thậm chí, dư luận trong và ngoài nước đánh giá khẳng định sự thành công nơi đây với những cụm từ “hiện tượng Đà Nẵng”, “thành phố đáng sống”, “thành phố phong cảnh châu Á”…

    Những ngày này, hướng đến kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1974 – 29/3/2014), mặc dù đứng trước những thử thách biến động khó khăn chung về kinh tế toàn cầu, tình hình bất động sản đóng băng…, Đà Nẵng vẫn tiếp tục tạo nên sự chú ý đặc biệt, bởi những dự án quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng tầm cỡ, và sức hấp dẫn thu hút giới đầu tư, khách du lịch đến từ nhiều nơi…

 

    Nếu có thể bình chọn một trong những sự kiện ấn tượng của Đà Nẵng được dư luận quan tâm nhất của năm 2013, theo tôi, đó hẳn là việc: vào trung tuần tháng 11/2013, tại sân bay quốc tế  Đà Nẵng đã xuất hiện đoàn chuyên cơ của các tỷ phú và chính khách quốc tế để dự hội nghị tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà). Các chuyên cơ được cho là xuất phát từ nhiều trung tâm tài chính, du lịch trên thế giới như Saudi Arabia, Hong Kong, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia... Trong đó, có cả chuyên cơ mang tên Blair Force One trị giá hàng chục triệu USD của cựu Thủ trướng Anh Tony Blair. Theo thông tin báo chí, ngoài ông Tony Blair, còn có  chính trị gia Myanmar Aung San Suu Kyi, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell…cùng sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bàn về “những kết nối sáng tạo” (Creative Connections). Hội nghị này còn quy tụ một số diễn giả như ông Riz Khan, biên tập lừng danh của Đài al-Jazeera; doanh nhân Cris Anderson, cựu Tổng biên tập Tạp chí Wired và hiện là Tổng giám đốc Công ty 3DRobotics chuyên sản xuất thiết bị bay không người lái; biên tập Kenneth Cukier phụ trách mảng dữ liệu của Tạp chí The Economist…

    Một điều đáng nói,  mặc dù những tin tức của báo chí về hội nghị “Creative Connections” tại Đà Nẵng chỉ khẳng định được “đây là một sự kiện không công bố rộng rãi và rất riêng tư”, song nó lại đưa ra những dư luận bên lề thú vị của công chúng, đoán già đoán non: tại sao một hội nghị quốc tế quan trọng như vậy lại chọn Đà Nẵng? Tương lai của Đà Nẵng sẽ ra sao sau sự kiện này? Đà Nẵng sắp chắp cánh thay thế chỗ đứng cho những thành phố hàng đầu của Đông Nam Á? Đặc biệt, là trong bối cảnh, Sigapore và Thái Lan đang mất dần ưu thế của giới đầu tư quốc tế, bởi bị ảnh hưởng kéo dài từ khó khăn nhiều mặt về thiên tai, khủng hoảng chính trị…

  Sự thực bên trong câu chuyện về đoàn chuyên cơ tỷ phú ghé chân lại Đà Nẵng đến nay vẫn chưa có nguồn thông tin tiết lộ rõ ràng, nhưng quả nhiên, nó đã góp phần gieo mầm thêm niềm khát vọng vươn đến tầm cao của người Đà Nẵng. Trên thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng là địa phương nổi bật gặt hái nhiều thành công trong xúc tiến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, đã tìm đến đây đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cũng như các lĩnh vực khác. Theo thống kê, hiện các nhà đầu tư Thái Lan vào thị trường VN, với tổng số vốn đầu tư hơn 5,8 tỉ USD, thuộc nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào VN, và Đà Nẵng là một trong những địa điểm họ đang nhắm tới. Một vị lãnh đạo địa phương nêu nhận định: “Sau trận lụt lớn diễn ra gần hết đất nước Thái Lan cách đâykhông lâu, một thay đổi rõ rệt ở các nhà đầu tư Thái Lan, mỗi khi qua khảo sát thị trường VN, là họ mong muốn tìm kiếm cơ hội để chuyển một phần nhà máy, thị phần sản xuất – kinh doanh sang VN. Giữa thế tương quan với các nước khác trong khối ASEAN, các DN Thái Lan vẫn “mặn mòi” chọn VN hơn là các nước khác”. Vì vậy, sẽ có một “làn sóng” đầu tư của các DN Thái vào VN, mà trong đó Đà Nẵng hẳn là địa điểm lý tưởng nằm trên trục đường hành lang kinh tế Đông – Tây”.

  Trong khi đó, với Chương trình phát triển công nghiệp IT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, Đà Nẵng đã được xác định là 1 trong 3 Trung tâm Công nghiệp CNTT chủ lực của cả nước, cùng với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với những ưu thế này, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Chỉ trong tháng 9/2013, đã có 5 dự án của Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT – TT được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Đà Nẵng với tổng vốn 31,4 triệu USD. Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết: “Các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng chiếm số lượng lớn nhất tại các tỉnh miền Trung và lớn nhất trong số các dự án FDI tại Đà Nẵng. Ông Minh nói: “Chúng tôi liên kết với 1 đơn vị nghiên cứu ở Tokyo, họ hỗ trợ chúng tôi trong công tác quảng bá. Kinh nghiệm nữa là họ đi từ các dự án vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, sau đó nhà đầu  tư lớn sẽ vào sau. Đối với những nhà đầu tư vào ở đây, chúng tôi giúp họ. Khi nhà đầu tư mới đến, họ sẽ hỏi những nhà đầu tư cũ, những nhà đầu tư làm ăn hiệu quả sẽ giúp mình xúc tiến đầu tư”. Ngoài lĩnh vực CNTT, với những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh sản xuất trực tiếp tại TP Đà Nẵng như Công ty máy tính Nhật Bản thì phần lớn các doanh nghiệp làm công việc sản xuất gia công phần mềm (như Fsoft, Unitech, Softech…) đều là đối tác chính của các Công ty Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện nay, tại Đà Nẵng có hơn 80 doanh nghiệp và Văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho 25 ngàn lao động địa phương, tập trung trên các lĩnh vực: chế biến bột giấy xuất khẩu, hỗ trợ trồng rừng tạo nguyên liệu để làm bột giấy, nhà hàng ăn uống, chế biến hải sản và nông sản, lưới xuất khẩu, cần câu, linh kiện điện tử, gia công phần mềm, thiết kế… Ông Yuchi Bamba, Phó Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại hải ngoại Nhật Bản (JETRO) cho rằng, khuynh hướng các nhà đầu tư Nhật Bản  sẽ tiếp tục đổ vốn vào tại đây nhiều hơn. Hiện Đà Nẵng đang xếp thứ 8 trong 36 tỉnh thành được Nhật Bản chọn để đầu tư với làn sóng mới từ Nhật Bản, và có cơ sở để chúng tôi tưởng Đà Nẵng sẽ cải thiện đáng kể thứ bậc này trong tương lai gần.

  Phát biểu với báo chí trong dịp đầu Xuân Giáp Ngọ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nêu rõ: “Thành phố đã xác định, sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời, là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển. Để đạt mục tiêu đó, hiện nay Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, logistics... Với chính sách phát triển như hiện nay, hy vọng rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng đều sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng và làm giàu hơn cho thành phố động lực của miền Trung này”.

    Ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: “ Năm 2013, Đà Nẵng lại có thêm niềm vui mới, đó là ngày 17-10, Bộ Chính trị (BCT) đã làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCT (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tại buổi làm việc này, BCT đánh giá cao về những nỗ lực của chính quyền, quân và dân thành phố về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Thực tế cho thấy, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW một cách nghiêm túc, khẩn trương, sáng tạo và đã đạt được những thành tựu trên nhiều mặt. Nhìn lại 10 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế của thành phố phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng; thu ngân sách từ năm 2012-2013 của Đà Nẵng đã có những kết quả đáng khích lệ và đang có xu hướng bền vững. Nếu những năm trước đây, cơ cấu thu ngân sách từ đất có thời điểm chiếm tới 50% thì năm 2013 chỉ chiếm 25% và trong năm 2014, dự kiến sẽ chiếm 20%, cho thấy nguồn thu của Đà Nẵng đối với sản xuất kinh doanh và dịch vụ đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố; quy mô đô thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và bộ mặt thành phố thay đổi rõ nét, công tác quy hoạch, quản lý đô thị tạo được nhiều ấn tượng tốt. Đà Nẵng liên tiếp được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá là thành phố có những ấn tượng tốt về môi trường như: “Một trong 20 thành phố có hàm lượng carbon thấp” do APEC công nhận tháng 11-2012; là một trong 33 thành phố đầu tiên của thế giới được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller lựa chọn; đoạt giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” năm 2011 do các nước thành viên ASEAN bầu chọn và năm 2013 được Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) lựa chọn trao giải thưởng “Thành phố phong cảnh châu Á năm 2013”. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, nhất là lĩnh vực xã hội, chính sách an sinh xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có” đạt được những kết quả tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Song song với phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố có nhiều cố gắng, nhất là đã xây dựng, củng cố được đoàn kết nội bộ, đồng thuận xã hội, phát huy được vai trò người đứng đầu… Một thực tế để người dân thành phố tự hào trên chặng đường đã qua là, trong điều kiện nguồn lực của Trung ương và địa phương đều có hạn, Đà Nẵng đã có cách làm riêng, đầy sáng tạo, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Có thể nói, Đà Nẵng đã biết chớp thời cơ biến nguồn lực đất đai từ tiềm năng thành hiện thực trong xây dựng và phát triển thành phố; đó là đã chủ động chọn việc xây dựng hạ tầng, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông đi trước một bước, chấp nhận mất cân đối trước mắt để phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai”.

 

***

 

    Những ngày tháng 3 này, Đà Nẵng lại nhộn nhịp đông vui hơn bao giờ cả. Ngồi ở một quán ven đường với mấy người bạn từ xa về, câu chuyện của chúng tôi lại tình cờ quay trở lại sự kiện đoàn chuyên cơ tỷ phú xuất hiện tại Đà Nẵng vào hồi cuối năm ngoái và những tác động với các vấn đề kinh tế chính trị của các quốc gia láng giềng, nhất là Thái Lan, Singapore. Tôi hỏi một người bạn vốn là chuyên gia thường xuyên làm việc với các đối tác Đông Nam Á:

-    Theo anh, thực sự thông tin về sự hiện diện của đoàn chuyên cơ ấy là thế nào?

Anh bạn nói:

   - Tôi cũng chỉ nghe những tin hành lang về các tập đoàn lớn có ý định đến đầu tư Đà Nẵng, nên không có thể khẳng định rõ ràng. Nhưng có điều từ nhiều năm trước, tôi vẫn thường nghe người Thái từng lo ngại sẽ đến lúc Đà Nẵng vượt qua Bangkok. Hồi 2005, báo Bưu điện Bangkok (Thái Lan) đã đưa ra dự báo, trong vòng 10 năm, thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) hoàn toàn có thể vượt qua Bangkok để đóng vai trò trung tâm kinh tế khu vực Mekong mở rộng nếu như Thái Lan giẫm chân tại chỗ. Cụ thể, theo nhận xét của họ, Đà Nẵng có lợi thế cảng nước sâu, được bổ sung lợi thế tiềm năng liên kết vào hành lang Đông Tây, mạch giao thông thương mại xuyên suốt Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Hơn thế, sự phát triển của Việt Nam về chất lượng giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh doanh và kỷ luật sẽ đưa Việt Nam trở thành lựa chọn tốt hơn về đầu tư khi so sánh với Thái Lan. Trong khi đó, Thái Lan phát triển không cân đối và điều này là quả bom nổ chậm cản trở phát triển. Nhất là sự phát triển nhanh và thừa thãi ở nhiều vùng miền Trung Thái Lan đã mang đến những hệ quả dai dẳng như ô nhiễm ở những con sông chính Chao Phaya và Tha Chin như một quả bom nổ chậm và có thể phát nổ bất kỳ lúc nào nếu không có sự thay đổi trong định hướng phát triển vùng…

   Dẫn giải đến những tin tức thời sự cập nhất, người bạn giới thiệu với chúng tôi  bài viết tiêu đề "Đà Nẵng, con rồng kinh tế mới của Việt Nam” của tác giả Bruno Philip in trên báo Le Monde (Pháp). Nội dung bài viết mở đầu bằng việc mô tả kiến trúc độc đáo của cầu Rồng, biểu tượng mới của Đà Nẵng: "Con rồng vàng uốn mình trên cầu Đà Nẵng. Vào 22 giờ 30 các tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, cầu Rồng phun lửa trong tiếng reo hò tán thưởng của người dân đang tản bộ trên hai bờ kè dọc bờ sông Hàn. Cầu Rồng với các nhịp cầu lượn sóng mô phỏng con vật huyền thoại vươn mình ra biển thể hiện sự cất cánh kinh tế của thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh." Tác giả bài báo đưa ra những số liệu thành tựu nhiều mặt của Đà Nẵng trong vòng 10 năm (2002-2012) và kết thúc với nhận định của nhà đầu tư người Pháp Christian Leroux, người thành lập tập đoàn may mặc Dacotex đang sử dụng 2.500 nhân công tại Việt Nam, khẳng định mình đã đúng khi quyết định đầu tư vào khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu): "Vị trí địa lý của Đà Nẵng là tuyệt vời: hải cảng đang được mở rộng, toàn thành phố đang phát triển mạnh mẽ. Đà Nẵng giống như thành phố Acapulco của Mexico nhờ phát triển du lịch, và Đà Nẵng sẽ trở thành một Singapore. Nếu được làm lại, tôi vẫn không do dự khi đầu tư vào đây…”.

  Hẳn nhiên, nếu chỉ để minh chứng những thành tựu, phát triển về sự hội nhập của Đà Nắng, chúng ta sẽ còn không ít thông tin vui lạ, thú vị nhiều hơn nữa…Nhưng vấn để cần thiết quan trọng hơn cả đối với chính quyền và người dân thành phố, không phải cứ ưởn ngực ra mà khát vọng, ước mơ vươn đến một tầm cao mới, mà cần phải biết tỉnh táo nhận định, đánh giá đúng mức thực lực của mình để bước đến tương lai bằng những bước đi kịp thời và bền vững.



T.T.S                                                                                              

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải