Kỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh Ba

04.04.2014

Kỷ niệm về một bài thơ -  Phạm Thanh Ba

Tháng 9 năm 1967 (2 năm sau ngày quân Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng và triển khai đánh phá khắp các vùng trong tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), tôi được Thường vụ Tỉnh ủy cử về vùng cát Điện Bàn và Hòa Vang để nắm tình hình ở các xã.

Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo xã Điện Ngọc, Điện Minh, tôi được các du kích xã Điện Ngọc đưa ra gặp các đồng chí lãnh đạo xã Hòa Lân (nay là xã Hòa Quý). Ba ngày làm việc ở đây gặp lúc quân Mỹ tăng cường lùng sục ở xã. Có ngày phải nằm hầm bí mật để tránh địch. Tôi được anh Huỳnh Đức Cừu (lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã) cùng với đồng chí Xã đội trưởng (tôi không nhớ tên) báo cáo cặn kẽ những âm mưu và hoạt động của quân Mỹ, phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ, đặc biệt là những hoạt động đánh địch của lực lượng du kích xã mà nổi bật là Tổ du kích thiếu niên của xã. Tổ gồm 4 em, trong đó em Huỳnh Đức Bé 1 lớn tuổi nhất (14 tuổi) các em khác từ 10 đến 12 tuổi.

Hằng ngày các em sống hợp pháp cùng gia đình. Mỗi khi quân Mỹ kéo đến thôn xóm, các em lân la, nói đôi từ tiếng Anh bập bẹ vừa học được “Hello – Hello”, vừa dùng tay ra dấu để làm quen, bắt chuyện với lính Mỹ. Thừa lúc bọn lính ngủ say hoặc sơ hở, các em lấy cắp lựu đạn, đạn của lính Mỹ về” trang bị cho du kích đánh Mỹ. Được anh em du kích hướng dẫn, các em dùng que sắt làm bàn chông cùng với mìn gài đặt các ngả đường quân Mỹ hay qua lại. Nhiều tên Mỹ chết và bị thương do dẫm phải mìn và chông của các em. Các em cũng tham gia cùng du kích xã đánh phục kích diệt Mỹ. Một trung đội Mỹ đến đóng chốt dã chiến trong xã. Các em tìm mọi cách đột nhập vào chốt, nắm tình hình về quân số, vũ khí, cung cấp cho du kích và hướng dẫn đường đi cho du kích tập kích tiêu diệt bót địch. Cả 4 em trong tổ được xã đề nghị và được Tỉnh đội phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Trong thời gian công tác ở đây, tôi có dịp gặp các em. Khi tôi hỏi: “Vì sao các em đánh Mỹ?”, em Bé và một em khác trả lời rất hồn nhiên: “Vì ghét Mỹ đánh phá xóm làng, giết hại bà con… nên đánh Mỹ”, “Vì bắt chước các anh du kích đánh Mỹ|” v..v.. và v..v..

Khi nghe báo cáo và đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các em, tôi xúc động quá. Vừa thương các em còn nhỏ tuổi mà biết căm thù địch, biết làm những việc phi thường. Vừa khâm phục các em rất mưu trí, dũng cảm đánh địch bảo vệ xóm làng…

Tối hôm đó, trong hầm ngủ tôi viết bài thơ “Tuổi anh hùng” để tặng em Bé và các em khác.

Bài thơ chỉ mới phác thảo. Khi về căn cứ, tôi hoàn chỉnh lại trên tờ giấy pơ-luya, sao gửi cho Báo Giải phóng của Khu và của Tỉnh, còn bản chính tôi cất giữ. Sau ngày giải phóng quê hương, tôi cho vào tập sách và đặt trong tủ sách của gia đình. Mấy chục năm qua tôi cố tìm lại bài thơ nhưng không tìm ra vì không nhớ để ở đâu? Tháng 1 năm 2012, trong lúc quét dọn và sắp xếp lại tủ sách, tình cờ tôi bắt gặp bài thơ. Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua tôi đã sao lại bài thơ và trao tặng cho đồng chí Hoàng Tuấn Anh, nhân vật chính trong bài thơ. Đồng chí Hoàng Tuấn Anh vô cùng xúc động và mừng vui.

Như vậy là 45 năm (kể từ năm 1967 đến năm 2012) bài thơ mới được gặp lại chủ nhân của nó và mới đến được tay nhân vật chính.

Bài thơ như sau:

Tuổi anh hùng

 

Thân tặng em B. xã Hòa Lâm

 

Anh viết bài thơ mộc mạc

Gửi tặng em – em bé ngoan cường

Trên bãi cát vàng mảnh đất quê hương

Đang rộn rã niềm vui chiến thắng

Nhớ không em những ngày cay đắng

Quê nhà ta xương trắng máu trào

Thế hệ cha anh lớp lớp ngã nhào

Bởi luật phát xít, bởi bờ rào chiến lược…

Em lớn lên cùng quê hương đất nước

Mười bốn tuổi đầu nhưng biết mấy chiến công!

Mỗi tuổi em một tuổi anh hùng

Em đã đạp lên đầu thù mà đứng!

Một ngày kia khi các anh cầm súng

Em vào đồn lấy sắt về làm chông

Đánh sát rào, đánh chặn giao thông

Làm quân giặc phải kinh hồn khiếp vía

Chín xe địch nổ lớp vì chông em bắn tỉa

Mười một tên hung thần sụp ngã dưới hầm sâu

Chiến công em gấp mấy tuổi đầu

Trên đất mẹ, trên quê em cát trắng!

Ai quên được một ngày thu tháng 8

Giữa quê em chiến thắng huy hoàng

Diệt bót thù khí phách hiên ngang

Em trở thành một tham mưu sắc sảo!

Anh không biết ai dạy em tài thao lược

Trường lớp nào em áp dụng binh thư?

Phải không em! Vì ý chí căm thù

Quyết đánh Mỹ nên nảy ra sáng kiến.

Đất quê em rì rào gió biển

Ghi công em, em bé ngoan cường

Anh viết bài thơ trên mảnh đất quê hương

Gửi tặng em giữa ngày chiến thắng…

Tháng 9 năm 1967

P.T.B.



1 Huỳnh Đức Bé tức đồng chí Hoàng Tuấn Anh, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải