Thu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ Vinh
Có một dòng sông âm thầm chảy vào một vùng đất, chảy vào ký ức của bao người. Dòng sông ấy như người mẹ tảo tần chở nặng phù sa bồi đắp những ngôi làng, những cánh đồng bốn mùa cây trái xanh tươi. Và dòng sông ấy chứa đựng bao điều kỳ bí, thêu dệt nên bao truyền thuyết, bao giai thoại về một vùng đất rất lạ kỳ - vùng đất chưa mưa đà thấm; vùng đất mà rượu hồng đào chưa nhấm đà say…
Thu Bồn – dòng sông không chỉ thêu diệt nên bao truyền thuyết, khơi nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa mà dòng sông này đã khai sinh ra những làng nghề truyền thống rất độc đáo của xứ Quảng. Từ Hội An, ngược lên thượng nguồn sông Thu, ẩn hiện trong những làng quê trù phú ven sông là những làng nghề truyền thống gắn với tên đất, tên làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề nơi đây vẫn trường tồn với thời gian như là chứng nhân của lịch sử. Đó chính là một thực thể sống động, góp phần tạo nên một dáng nét rất riêng của văn hóa xứ Quảng.
Hàng trăm năm trước, cha ông ta đã mang theo những làng nghề truyền thống nơi xứ sở mình đến những vùng đất mới ven sông Thu để khai canh lập ấp. Những bãi bồi phù sa ven sông là nơi lý tưởng để cha ông dựng làng, dựng nghề. “Ai về nhắn với bạn nguồn; Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Câu ca dao này là minh chứng cho sự giao lưu, trao đổi giữa vùng thượng nguồn và hạ nguồn sông Thu. Và đó cũng chính là yếu tố quan trọng để những làng nghề ven sông Thu trường tồn và phát triển cho đến ngày nay.
Hội An - thành phố được vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại. Để có được một thành phố cổ kính như ngày nay có sự đóng góp rất lớn của bàn tay nghệ nhân những làng nghề ven sông Thu như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều. Những ngôi nhà cổ, những con phố cổ ở Hội An là những dấu ấn đầy thuyết phục nhất cho sự tài hoa của người dân sông Thu..
Từ phố cổ Hội An, hơn 10 phút đi thuyền qua bờ nam sông Thu là đến làng mộc Kim Bồng. Làng mộc Kim Bồng là một trong những làng nghề cổ nhất của Quảng Nam. Theo chân những lưu dân đầu tiên vào vùng đất Quảng, những nghệ nhân từ vùng đất Thanh – Nghệ đã mang theo nghề mộc của xứ sở mình. Đến vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nhận thấy Kim Bồng là gò đất cao, nơi giao nhau giữa sông Trường Giang và Thu Bồn, lại gần với Hội An nên các vị tiền hiền đã dừng chân lập làng mộc Kim Bồng. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn cũng như gia phả của các tộc họ ở Kim Bồng còn lưu giữ, làng mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ XV. Đây là vùng đất có vị trí rất thuận lợi cho sự vận chuyển gỗ nên làng mộc đã sớm phát triển. Nét riêng của mộc Kim Bồng là những đường nét chạm trổ rất tinh xảo và sự mềm mại trong những công trình kiến trúc. Hiện nay ở Quảng Nam, ngoài đô thị cổ Hội An, nhiều công trình kiến trúc cổ như nhà ở và các công trình kiến trúc tâm linh vẫn còn nguyên giá trị.
Với sự khéo léo và tài hoa của người thợ Kim Bồng, các nghệ nhân đã đảm nhận việc xây dựng các dinh cơ của các chúa Nguyễn Đàng Trong cũng như lăng tẩm, đền đài, cung đình Huế sau này. Nhiều nghệ nhân của làng mộc đã được triều đình Huế phong hàm cửu phẩm vì đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng kinh thành Huế. Nghệ nhân Nguyễn Sướng –làng mộc Kim Bồng Từ hàng trăm năm trước, những bè gỗ từ thượng nguồn xuôi dòng sông Thu về với Kim Bồng để rồi từ đây, những con thuyền được hạ thủy đã có mặt khắp nơi và chinh phục cả biển khơi. Trên những chuyến đò xuôi ngược trên sông Thu, đôi tay của người thợ Kim Bồng đã thổi vào đó một sức mạnh và những niềm tin cho những cư dân sông nước.
Dòng nước sông Thu đã mang lại cho làng mộc Kim Bồng một sức sống mãnh liệt, vượt qua những khó khăn của cuộc sống và bão táp của lịch sử. Trong số hàng chục làng nghề hiện còn tồn tại ở Hội An, có một làng nghề nằm bên bờ sông Thu Bồn vẫn còn nguyên vẹn như thưở ban sơ đó là làng gốm Thanh Hà. Đây là làng nghề có hơn 400 năm tuổi, phần lớn cư dân nơi đây sống bằng nghề làm gốm thủ công truyền thống.
Gốm Thanh Hà gồm có 3 nhóm sản phẩm chính đó là gốm xây dựng như gạch, ngói và những sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình như nồi niêu, bình chậu và gốm trang trí…Ngoài yếu tố kỹ thuật, người thợ gốm Thanh Hà còn là những nghệ sỹ thực thụ. Họ đã gửi gắm tình cảm, thổi hồn vào từng sản phẩm mà họ đã tạo ra. Bao đời này họ đã gắn với nghề này theo kiểu gia truyền. Xưa kia, khi giao thông đường thủy còn thịnh hành, làng gốm Thanh Hà luôn tấp nập thuyền ghe đến trao đổi hàng hóa. Những sản phẩm gốm Thanh Hà đã có mặt khắp các vùng nông thôn đến thành thị của miền Trung và trao đổi với nhiều nước trong khu vực. Sông Thu Bồn không chỉ là yếu tố cần thiết để làng gồm Thanh Hà tồn tại, phát triển mà dòng sông này là nguồn cảm hứng khơi gợi cảm xúc để các nghệ nhân sáng tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo.
Đến làng gốm Thanh Hà, chúng ta không chỉ cảm nhận được không khí lao động cần mẫn của những nghệ nhân mà còn đến với một không gian nghệ thuật. Nghệ nhân làng gốm không chỉ khéo tay mà rất có tài ca hát. Xưa kia, các nghệ nhân làng gốm thường xuyên hát hò khoan đối đáp trong lúc lao động, nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng cũng từ những buổi hát hò khoan đối đáp. Gồm Thanh Hà là sự hòa quyện giữa đất, lửa, nước sông Thu và những giọt mồ hôi của người thợ gốm. Có thể nói, làng gốm Thanh Hà là một bảo tàng sống động, là nơi để nhiều du khách đến tham quan khi đến Hội An. Hàng trăm năm qua, trên bờ sông Thu, những nghệ nhân làng gốm vẫn lao động miệt mài trong một không gian như ông cha ta đã làm. Bền bĩ và bao dung, dòng sông Thu đã nuôi dưỡng những đứa con của làng gốm để hôm nay, người đân Quảng Nam có một làng nghề thủ công truyền thống rất đặc sắc như làng gốm Thanh Hà.
Nếu làng mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà để lại dấu ấn rất đậm sâu ở đô thị cổ Hội An thì ở bờ bắc sông Thu Bồn, có một làng nghề truyền thống cũng đã góp phần không nhỏ để cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đó là đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
Lịch sử của làng nghề gắn liền với lịch sử của vùng đất Quảng Nam. Khi chúa Nguyễn chọn Thanh Chiêm để đặt dinh trấn, từ đó, làng đúc đồng Phước Kiều được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Xưa kia, các nghệ nhân nơi đây đã đúc các loại binh khí, súng đạn cho triều đình và các loại nhạc cụ, vật dụng tế lễ phục vụ đời sống tâm linh. Với tài hoa của người thợ, những nghệ nhân Phước Kiều được triệu ra kinh thành Huế để đúc tiền đồng, ấn tín, đỉnh, vạc cho triều Nguyễn và đúc các vật dụng khác cho hoàng tộc.
Dù cho khoa học kỹ thuật phát triển nhưng những nghệ nhân nơi đây vẫn giữ nguyên các công đoạn đúc đồng thủ công truyền thống như cha ông xưa vẫn làm. Sự khéo léo, cần cù chịu khó của người thợ Phước Kiều đã làm ra những sản phẩm độc đáo về kiểu dáng và chất lượng. Người thợ nơi đây đã nắm giữ bí quyết từ việc pha chế đến chạm khắc trên những sản phẩm .Những pho tượng và lư hương thờ tự là sản phẩm khá nổi tiếng của làng nhưng độc đáo nhất phải kể đến cồng chiêng. Xưa kia, những nghệ nhân làng nghề này đã lặn lội lên tận núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên để tìm hiểu nét riêng trong cồng chiêng của đồng bào dân tộc vùng cao để từ đó đúc ra những bộ cồng chiêng phù hợp với sở thích của từng dân tộc. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hiện có hơn 3000 bộ cồng chiêng của những nghệ nhân Phước Kiều ngược dòng sông Thu đã có mặt ở Trường Sơn và Tây Nguyên. Chính những nghệ nhân Phước Kiều đã góp phần tạo ra sự phong phú và giàu bản sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”, câu ca ấy không chỉ là niềm tự hào về một làng nghề truyền thống mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân đất Quảng. Sông Thu là vậy đó! Sông âm thầm đưa những tiếng bay xa đến đại ngàn Trường Sơn, sông vun đắp phù sa cho làng mạc, sông mang lại một sức sống, một niềm tin cho những đứa con ở cuối bãi đến đầu nguồn.
Đã hơn 400 năm tuổi, hậu duệ của làng đúc đồng Phước Kiều không ngừng sáng tạo, để hôm nay, Phước Kiều là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của nước ta. Đất Điện Bàn nổi tiếng phì nhiêu, cây trái bốn mùa tươi tốt. Cách làng đúc Phước Kiều chừng 2 km về phía đông, nằm bên bờ Bắc sông Thu, có một làng nghề cũng rất nổi tiếng đó là làng nghề bánh tráng Phú Triêm (Phú Chiêm). Nếu Quảng Nam nổi tiếng với món Mỳ Quảng dân dã đậm đà tình quê thì Phú Triêm được xem là nơi làm ra món mỳ ngon nhất đất Quảng. Sau những vụ giặt, người dân Phú Triêm xay gạo thành bột để tráng mỳ, làm bánh tráng. Mỗi gia đình một lò bánh, phụ nữ tráng bánh, đàn ông xay bột, trẻ con phơi bánh.
Khi bánh tráng đã khô, những người phụ nữ xuống thuyền, xuôi ngược sông Thu bán bánh tại các chợ quê. Cứ như vậy, cuộc sống của cư dân nơi đây thật thanh bình, yên ả như sóng nước sông quê.
Sẽ là một thiếu sót nếu nói về làng nghề trên sông Thu mà không nói đến làng nghề chiếu cói Bàn Thạch. Chợ chiều đã đông đúc, nhộn nhịp khi mọi người chưa nhìn rõ mặt. Chợ chỉ buôn bán chiếu cói, một sản phẩm do chính người dân nơi đây dệt nên. Cũng như những làng nghề khác, làng chiếu Bàn Thạch nằm bên sông. Từ đây, theo những con thuyền, chiếu được đưa đi khắp mọi miền để tiêu thụ. Theo các lão nghệ nhân cao tuổi thì làng chiếu Bàn Thạch được hình thành vào đầu thế kỷ XVI do những người thợ từ đất Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Với lợi thế giao thông đường bộ lẫn đường thủy, đặc biệt là sông Thu Bồn, Trường Giang, Li Li thông với thương cảng Hội An xuôi về cửa Đại, Bàn Thạch đã hình thành nên trung tâm buôn bán sầm uất. Người dân Bàn Thạch còn nổi tiếng hiếu khách và đa cảm. Cho đến nay, nơi đây vẫn còn truyền nhau câu hát:
Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm
Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”
Đó là lời mời gọi của cô gái làng chiếu Bàn Thạch cũng là tấm lòng đôn hậu, chân chất của người dân làng chiếu nơi đây. Để làm được một đôi chiếu cũng rất công phu. Sau nhiều tháng trời chăm bón cây cói, đến mùa thu hoạch, cói được phơi khô, nhộm màu sau đó dệt thành chiếu. Chiếu Bàn Thạch đã kết tinh từ vị mặn của phù sa sông Thu và đôi tay khéo léo của người thợ dệt nên đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu cho mỗi gia đình.
Tiếng thoi đưa, tiếng người mua bán chiếu mỗi sớm mai là âm thanh quen thuộc, là nét văn hóa rất riêng có từ hàng trăm năm qua ở làng chiếu cói ven sông này
Dù cho nệm gỗ chăn bông ;
Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao
Duy Xuyên còn là vùng đất nổi tiếng với nghề canh cửi, tằm tang. Từ những giai thoại, truyền thuyết về bà Đoàn Quý Phi, cư dân nơi đây tôn kính gọi là bà chúa tằm tang, tổ chức lễ hội vào giữa tháng 4 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của bà đã giúp dân khai canh nghề dâu tằm. Ngày lại ngày, tiếng khung cửi vẫn quay đều, quay cùng với vòng quay của thời gian. Thời gian nơi đây được tính bằng vòng đời của con tằm. Và những con người này, họ đã gắn bó với nghề không biết bao nhiêu lứa tằm đã chín, đã thành sợi tơ?
Sông Thu Bồn như dải lụa đào nối Trường Sơn đại ngàn về biển đông lộng gió. Và Thu Bồn cũng chính là dòng sông tơ lụa, dòng sông của những nương dâu xanh mượt, của những cô gái chiều chiều giặt lụa bên sông. Con tằm, cái kén, cây dâu đã đi vào trong đời sống nghệ thuật, là đối tượng so sánh ví von trong những đêm hội hò khoan của làng nghề.
Ngày nay, ngược dòng sông Thu, trên những bến bờ bình yên này, hàng chục làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, vẫn phát triển dẫu cho thời gian có nhẫn nại bào mòn, dẫu biết bao sự thăng tầm của lịch sử. Những làng nghề ven sông Thu có một sức sống mãnh liệt như chính con người trên mảnh đất này. Thu Bồn – dòng sông của những làng nghề.
Đ.V