Nhớ về đồng đội - Trường Hoàng

31.03.2014

Nhớ về đồng đội  - Trường Hoàng

Những ngày cuối năm 1967 đầu năm 1968, địch tập trung đánh phá ác liệt vùng giải phóng, càn quét liên mien vùng ven, vùng địch tạm chiếm. Với âm mưu “quét và giữ”, bọn Mỹ - Ngụy ngày đêm đánh phá vùng giải phóng bằng pháo bầy, bom tọa độ (nhân dân gọi là bom rớt gióng), tàu gáo, tàu soi. Những ngả đường chính trở thành tọa độ của bom, pháo. Thế nhưng mặc cho bom đào, pháo chụp, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ của Đặc khu Quảng Đà ngày đêm ráo riết chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68. Các chiếc thuyền nhận dìm dưới lòng sông được vớt lên xếp thành đội ngũ. Rầm rộ và sôi nổi nhất là những đội quân tóc dài đã được biên chế thành hàng ngũ tập luyện cho ngày “nhập thi”. Tết năm đó đến sớm, nhân dân các thôn xóm đã làm bánh tét, thịt heo khao quân và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho bộ đội về giải phóng thành phố. Những ngày này, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Đà có mặt khắp nơi của vùng giải phóng biểu diễn phục vụ nhân dân, chuẩn bị cho cuộc tổng nổi dậy. Đến tháng 1 năm 1968 đoàn về đóng quân ở thôn Vân Ly xã Điện Hồng (nay là xã Điện Quang, Gò Nổi) luyện tập chương trình, tiết mục mới để phục vụ bà con vùng mới giải phóng. Từ mấy tháng nay, Gò Nổi trở thành cái túi hứng bom tọa độ, pháo bầy. Không đêm nào tàu soi vắng mặt trên các triền sông vùng Gò Nổi để xả đại liên vào các bụi cây trên hai bờ sông. Tàu trinh sát L19 đi đâu về cũng không quên trút những quả rốc kết cuối cùng xuống cầu Kỳ Lam. Gò Nổi trở thành tọa độ lửa.

            8 giờ sáng ngày 24-01-1968, cán bộ diễn viên tập trung tại nhà bác Huyên để nghe phổ biến kế hoạch mới. Anh chị em đến chưa đông đủ. Nhạc sĩ Văn Cận và tác giả Tân Nhân vừa ngồi xuống ghế thì một loạt bom tọa độ rơi trúng ngôi nhà, tám đồng chí hy sinh gồm: nhạc sĩ Văn Cận ở khu V về công tác; anh Trịnh Thành, chính trị viên kiêm nhạc công; anh Tân Nhân, tác giả của Đoàn; anh Hoàng Duy Nghĩa, Phó đoàn; anh Nguyễn Minh Châu, Đội trưởng đội kịch; anh Nguyễn Văn Tỷ, Bí thư chi đoàn – Đội trưởng đội ca; chị Yến Nhi, diễn viên kiêm phụ trách đời sống; anh Hoàng Văn Trung, y tá kiêm diễn viên; anh Thế Ngô, cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Điện Bàn mới đến. Nhiều đồng chí bị thương nặng vừa gượng bước đi vừa ngoái nhìn lại đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Những ánh mắt như một lời vĩnh biệt và gởi gắm với người ở lại. Cảm động nhất là đồng chí Nguyễn Văn Tỷ bị thương quá nặng, biết mình không thể sống được, nắm tay người yêu – diễn viên Ngọc Lan nước mắt ràn rụa: “Anh không thể sống để cùng em và Đoàn đi phục vụ đồng bào và chứng kiến ngày quê hương mình giải phóng. Em ở lại cùng anh em, cố gắng lo cho Chi đoàn”.

            Lan ôm chằm lấy Tỷ đón nhận tất cả những gì người yêu đã nhắn gởi…

            Hoàng Ngọc Lan và Nguyễn Văn Tỷ cùng ở trong Ban chấp hành Chi đoàn. Lan và Tỷ yêu nhau đã báo cáo với tổ chức. Hai đồng chí đang phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nếu mùa Xuân này quê hương được giải phóng, Lan và Tỷ sẽ  xin phép tổ chức và gia đình làm lễ cưới, nhưng bon đạn chiến tranh đã cướp đi ước mong tốt đẹp của họ, cũng như bao lứa đôi khác.

            Đây là những đau thương mất mát lớn nhất của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Đà. Các đồng chí lãnh đạo và diễn viên cốt cán hy sinh trong lúc nhiệm vụ đang cần, khi toàn quân, toàn dân hừng hực khí thế chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68.

            Số anh chị em còn lại nén đau thương cùng hứa với các đồng chí đã hy sinh: nguyện biến căm thù thành hành động, chung vai gánh vác phần việc của người đã khuất. Hai đồng chí Hải Nam và Minh Ánh đưa ca sĩ Thanh Đính và số diễn viên nữ sang xã Xuyên Thanh, nhưng đồng chí nào cũng xin ở lại để tiễn biệt những người đồng đội của mình. Trong lúc này, máy bay đánh bom liên tục chung quanh khu vực đóng quân của Đoàn, để bảo tồn lực lượng tránh tổn thất thêm nữa nên đi khỏi nơi này cũng là nhiệm vụ, khẳng định như vậy các đồng chí mới chịu đau xót mang ba lô ra đi.

            Số diễn viên nam chúng tôi ở lại cùng bà con Gò Nổi và một số cán bộ chiến sĩ đơn vị bận lo khâm liệm, tiễn đưa các đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Các đồng chí nằm lại với quê hương Gò Nổi, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, lòng người độ lượng son sắt thủy chung đã nuôi nấng đùm bọc, che chở cho Đoàn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

            Vĩnh biệt những đồng chí, đồng nghiệp của mình, chúng tôi về Xuyên Thanh động viên nhau thay vai những đồng chí đã hy sinh, tiếp tục luyện tập để kịp thời phục vụ Tết Mậu Thân. Được sự động viên của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành thăm hỏi, chăm sóc, Đoàn đã hoàn thành vỡ diễn trong thời gian ngắn nhất phục vụ đồng bào Trà Kiệu (Duy Xuyên) đêm đầu tiên  vào tối 30 Tết Mậu Thân với vở kịch “Chiều cuối năm” của tác giả Tân Nhân vừa mới hy sinh.

            Đó là một trong nhiều câu chuyện về Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Đà. Những hoài bão và ước mơ của các đồng chí, đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống nay đã trở thành hiện thực: đất nước hoàn toàn độc lập, quê hương mỗi ngày thay da đổi thịt, cuộc sống văn minh.

            Tiếp bước các anh, chúng tôi – những người đồng đội cùng thời với các anh – dù là nghệ sĩ hay chiến sĩ, dù ở lĩnh vực công tác nào cũng như khi về làm người công dân luôn giữ phẩm chất và làm tròn bổn phận của mình để xứng đáng với truyền thống của Đoàn.

            Câu chuyện đã xảy ra gần 46 năm, hơn nửa đời người, mà cứ ngỡ như mới hôm nào…

 

                                                                                                            T.H

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải