Nghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê Huân
Xã hội càng phát triển, vai trò nghệ thuật múa càng trở nên đắc dụng trong giao tiếp cộng đồng, trong sinh hoạt cuộc sống, trong lễ hội, trong văn hóa du lịch và cả trong giáo dục, thỏa mãn thẩm mỹ cho khán giả.
Ngôn ngữ múa trở thành ngôn ngữ của văn hóa để con người xích lại gần nhau. Từ khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường, các đoàn nghệ thuật múa dân gian dân tộc, đương đại của các nước có nền văn minh tiên tiến đã tới Việt Nam, đem văn hóa của họ mở đường cho sự giao thương kinh tế, kỹ thuật. Ngược lại, theo chân các nguyên thủ của Đảng và Nhà nước, các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, trong đó múa chiếm phần ưu thế cũng tỏa rộng ra tới năm châu bốn biển thực thi sức mạnh văn hóa đối ngoại.
Nghệ thuật múa ở thành phố Đà Nẵng phát triển theo bước đi lên của thành phố. Hội nghệ sỹ múa thành phố, một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nằm trong Liên hiệp các Hội Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng được lãnh đạo thành phố quan tâm, tạo điều kiện nhiều mặt để có những hoạt động đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tầm cao văn hóa. Hội nghệ sỹ múa TP Đà Nẵng đến nay có khoảng 70 hội viên trong đó có 32 hội viên được kết nạp vào hội Trung ương, có 1 nghệ sỹ nhân dân, 4 nghệ sỹ ưu tú hoạt động trong các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, sưu tầm nghiên cứu lý luận và xây dựng phong trào.
Hoạt động trên sân khấu múa chuyên nghiệp có đội múa của các đoàn Văn công Quân khu 5, đoàn Ca múa nhạc thành phố, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trường văn hóa -nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật xã hội hóa như đoàn dân gian Non Nước, Vũ đoàn Minh Nhật...
Nghệ thuật múa quần chúng được phát triển rộng ở các Câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ múa HipHop, Nhà văn hóa thiếu nhi. Nhiều địa điểm dạy múa, bồi dưỡng năng khiếu do các cá nhân tổ chức đã góp phần tô điểm đa sắc cho sinh hoạt nghệ thuật của thành phố bên sông Hàn.
Những năm qua, nghệ thuật múa thành phố Đà Nẵng đã đạt tới những tầm cao. Tuy thành phố chưa xây dựng được nhà hát nhạc vũ kịch để xây dựng những thể loại âm nhạc, múa mang tính quy mô, hàn lâm như giao hưởng, opera, nhưng Hội nghệ sỹ múa thành phố đã cố gắng vươn tầm xây dựng được những vở kịch múa dài, điều mà chỉ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nơi nghệ thuật được đầu tư mang tầm quốc gia mới làm được.
Vở kịch múa “ Huyền Tích Ngũ Hành Sơn” ra đời năm 2000 tham gia Liên hoan nghệ thuật kịch múa Việt Nam lần thứ I đã được giải thưởng chính thức của Bộ Văn hóa; gây ấn tượng đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Vở kịch múa “ Một thời và mãi mãi” một trong 4 vở kịch múa được xây dựng chào mừng đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
Cả 2 vở kịch múa do Hội nghệ sỹ múa thành phố tổ chức thực hiện từ khâu sáng tác, tổng đạo diễn, biên đạo cho tới sự thể hiện của các diễn viên. Chúng tôi được tài trợ kinh phí của Hội nghệ sỹ múa Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố.
Hai lần trao giải thưởng văn học-nghệ thuật chu kỳ 5 năm của ủy ban nhân dân thành phố, tác giả của 2 vở kịch múa này đều vinh dự nhận được giải thưởng. NSND Lê Huân, NSƯT Hồng Hà, NSƯT Thiện Tâm, NSƯT Hoàng Ngọc Chiến, biên đạo Hội An, Kiều Như, Hoài Nam, thường niên đóng góp tác phẩm tốt được giải thưởng của hội Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Kỳ thi biên đạo trẻ toàn quốc 2013, 2 gương mặt trẻ Lê Thị Thu Hoài, Lê Thị Hậu có tác phẩm tham gia. Múa “Hoa Ven Sông” của Lê Thị Thu Hoài giành về huy chương bạc.
Nhân dịp cuối năm tại Đà Nẵng, trong chương trình nghệ thuật múa “Hoa Muôn Sắc” của Hội nghệ sỹ múa Việt Nam quảng bá những tác phẩm múa đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam có 2 tác phẩm của các nghệ sỹ múa thành phố Đà Nẵng
Nghệ thuật múa quần chúng cũng mang lại những kết quả tốt đẹp, Giải A chương trình Búp sen hồng, Liên hoan các nhà thiếu nhi toàn quốc hàng năm. Múa HipHop- vũ điệu trẻ đường phố cũng có tên tuổi trong các kỳ thi toàn quốc...
Với tinh thần: Hiểu Biết - Khám Phá - Sáng Tạo, trước mắt chúng tôi tổ chức Đại hội Hội nghệ sỹ múa thành phố lần thứ III, tiến hành những công việc lớn trong năm 2014: tổ chức cuộc thi “điệu nhảy Việt Nam, điệu nhảy Điện Biên” kỷ niệm đại lễ 60 năm chiến thắng Điện Biên. Cuộc thi này lôi cuốn cả Hội nghệ sỹ múa Tp Hà Nội, Hội nghệ sỹ múa Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn gần kề cùng hưởng ứng tham gia. Đồng thời, hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng văn hóa của Ủy ban nhân dân thành phố.
Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho những tác phẩm múa lớn trên sân khấu chuyên nghiệp, những tác phẩm mang đề tài cách mạng phục vụ cho các ngày lễ lớn của dân tộc, tổ quốc năm 2014, 2015.
Ước mong của nghệ sỹ múa chúng tôi được lãnh đạo thành phố quan tâm hơn đến vị thế, chế độ đãi ngộ diễn viên để các nghệ sĩ múa được biểu diễn nhiều hơn trên sân khấu múa chuyên ngiệp
L.H