Nhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân Trình

04.04.2014

Nhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước  - Vân Trình

Không phải cho đến bây giờ báo chí mới đi đầu trong việc khởi xướng phong trào "Dân ta biết sử ta" mà 85 năm trước ở Việt Nam đã từng có một cuộc thi quốc sử khá độc đáo, tạo được tiếng vang lớn, để lại dư âm đến ngày nay. Đó là cuộc thi quốc sử do báo Thần Chung phát động từ năm1929, mà nhà báo, học giả người Quảng Nam nổi tiếng- Phan Khôi được xem là người khởi xướng.

  Từ ngày 1/7/1929, tòa soạn công bố thể lệ cuộc thi, theo đó, báo sẽ lần lượt đăng khoảng 30 bài sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam làm căn cứ cho độc giả tìm hiểu và lựa chọn. Mỗi nhân vật được trình bày trong một bản sự tích vắn tắt dài khoảng 400 đến 500 từ, kể về xuất xứ và hành trạng từng nhân vật, chú ý nhấn mạnh công trạng của mỗi nhân vật đối với lịch sử Việt Nam. Đáng lưu ý là tòa soạn đã xáo trộn thứ tự niên đại (không theo trình tự từ nhân vật xa nhất đến nhân vật gần nhất), đồng thời, cũng không để lộ quá rõ những gợi ý về sự đánh giá. Câu cuối cùng ở mọi bản sự tích các nhân vật đều láy theo một mô thức giống nhau: "Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, vị này (người đang được nói tới) là bậc nhứt"!  Ngoài mục tiêu phổ biến kiến thức sơ lược về sử nước Việt, những người tổ chức cuộc thi không cài thêm bất cứ nội dung nào khác, kể cả những nội dung mang tính quảng cáo hoặc kích thích hứng thú tham dự của công chúng. 

 Yêu cầu của cuộc thi là mỗi độc giả sẽ chọn ra trong số đó 10 nhân vật sử Việt tiêu biểu; một nội dung thi nữa là mỗi độc giả viết một bài chừng 2 trang giấy nói về lý do xếp ba nhân vật trong số đó lên hàng đầu. Khoảng một tháng sau, khi báo đã đăng được khoảng trên một chục bản sự tích (được gọi là "biên bản") các nhân vật sử Việt, đồng thời nhận được sự góp ý của độc giả, toà soạn Thần Chung thông báo sửa đổi thể lệ cuộc thi theo hướng đơn giản và rõ ràng hơn cho người dự thi. Thể lệ mới chia hẳn ra làm hai loại nội dung thi khác nhau, ứng với hai loại giải thưởng khác nhau. Một là "giải sắp sổ", − nghĩa là: "Ai muốn dự thi thì cứ lựa trong ba chục cái biên bản có hình chép sự tích các danh nhơn nước Việt của Thần Chung đương đăng mà cắt ra 10 tấm, sắp thành một cái sổ từ 1 đến 10 theo ý mình lựa. Sắp rồi, xin biên rõ tên họ đính theo sổ sắp và mười tấm biên bản nói trên kia mà gởi cho bổn báo". Hai là "giải thưởng luận thuyết", nghĩa là: "Ai muốn dự thi về giải thưởng nầy thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người của bổn báo đã đăng rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghĩa tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt". Từ 4/7/1929 đến 19/9/1929, Thần Chung lần lượt cho đăng 30  bản sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam để cung cấp  tài liệu dự thi cho độc giả. Sau đó, thể theo yêu cầu của độc giả, toà soạn còn cho đăng lại các bản sự tích đó trên các trang ruột của báo, thường là xen lẫn với quảng cáo, có số đăng cùng lúc 3 bản sự tích kèm hình vẽ, có số chỉ in lại hình vẽ để độc giả cắt ra làm phiếu dự thi. Hạn nhận bài dự thi cuối cùng được đưa ra là chiều ngày 1 tháng 12/1929. 

 85 năm đã đi qua, song càng đọc lại những số báo Thần Chung năm ấy, chúng ta càng phát hiện nhiều điều khá thú vị. Trước hết, việc cho đăng tải lên mặt báo 30 bản sự tích 30 nhân vật Việt sử quả là một sáng kiến quan trọng: đây là lần đầu tiên các nhà báo mạnh dạn dùng phương tiện thông tin đại chúng để “phổ thông sử học”, “phổ thông quốc sử”, tức là giáo dục kiến thức về lịch sử dân tộc. Bài xã thuyết nhan đề Phổ thông sử học (có phụ đề: Cuộc thi lịch sử của "Thần Chung" nay mai quan hệ là thế nào?) đăng trên báo Thần Chung số ra ngày 28/ 6/ 1929 nêu rõ: "Phàm làm người ở đời, làm dân ở một nước, bất luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, đều phải có biết về sử học. Nói rằng sử học thì nó bao hàm khí rộng quá, nên phải tách ra làm hai, là: sử học chuyên môn và sử học phổ thông (…). Sử học chuyên môn là phần việc của những học giả nào chuyên về khoa ấy. (…). Thứ sử học mà chúng tôi nói mọi người đều phải biết đây, là thứ sử học phổ thông. (…).  Đã nói rằng phổ thông, nghĩa là học theo một cái trình độ thông thường, ai ai cũng có thể học được, chớ không phải cao xa mầu nhiệm gì. (…). Đọc sử một nước cốt phải chia ra từng thời đại. Mỗi một thời đại đều có một cái hoàn cảnh riêng. Rồi mỗi một thời đại nào lại có nhân vật của thời đại ấy. Do hoàn cảnh sản xuất nhân vật, hoặc do nhân vật chế tạo ra hoàn cảnh, mà rồi trong thời đại ấy có sự biến động, thay đổi, làm cho một nước được bước lên đường tấn hoá. Ấy có thể gọi là cái công lệ của sử học. Vậy, về phổ thông sử học, và về bổn quốc sử, chúng ta nên nhận rằng "thời đại" và "nhân vật" là hai cái cốt yếu cho sự biết của chúng ta. Chúng ta biết hai điều ấy rồi, có thể biết các điều quan hệ khác trong một thứ lịch sử. (…). Bởi vậy, Thần Chung nay mai sắp mở một cuộc thi về lịch sử mà chuyên trọng về nhân vật và thời đại. Ai muốn dự cuộc thi nầy phải lấy sử Việt mà đọc lại một bận đi, nghiên cứu về thời đại và nhân vật cho đích xác, rồi sẽ cứ theo chương trình của thí cuộc mà làm bài trả lời.” . Rõ ràng, quan điểm của báo Thần Chung 80 năm trước rất phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", được Bác khuyến cáo trong mở đầu diễn ca "Lịch sử nước ta" xuất bản đầu năm 1942.

  Đáng trân trọng là trong bối cảnh nước nhà đang bị thực dân Pháp đô hộ, Thần Chung lại tập trung ca ngợi nhiều gương anh hùng chống xâm lược, giành độc lập cho xứ sở. Chẳng hạn, "Kể nước ta từ hồi thuộc Tàu về đời Tây Hán cho đến bấy giờ hơn hai trăm năm mà chưa hề có người nào cử binh phục quốc hết, đàn ông còn không ai thay, huống chi đàn bà. Thế mà bà Trưng Vương đem thân bồ liễu gánh vác nước non, tuy thành công không trọn mà lưu danh đến muôn đời, khiến người sau (…) biết cái nền tự chủ là cần (…) thì cái công đề xướng của bà thật là lớn hơn hết thảy vậy."; "Lý Nam Đế làm vua kể được bốn năm mà thôi, song nối dấu Trưng Vương mà mở nền tự chủ cho nước ta tức là ông ấy. Huống chi, người lại bắt đầu xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu, thật đã gây ra cái quy mô lập quốc cho nước ta. Nam Đế tuy mất rồi mà tướng của người là Triệu Quang Phục nổi lên xưng là Triệu Việt Vương; sau đó con trai của người là Lý Phật Tử còn kế nghiệp cha mà xưng đế lần nữa; kể cả ba triều ấy giành nước Nam lại trong tay người Tàu mà tự chủ được 60 năm, thật là công của Lý Bôn khai sáng ra vậy."; … Thần Chung còn khéo léo ca ngợi công lao những nhân vật "thù nghịch" với chế độ thực dân, phong kiến đương thời như Phan Đình Phùng- người từng nổi lên chống ách thực dân và đã bị triều Nguyễn đưa quân đánh dẹp, phần kể sự tích chủ yếu dựa vào Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim, nhưng lời nhận định là của người soạn: "Ông Phan Đình Phùng chẳng những là một nhà văn học, mà là một nhà quân sự rất giỏi giang. Ông sửa sang quân lính có cơ ngũ, luyện tập tướng sĩ có kỷ luật, lại khéo dùng binh. Ông Gosselin có khen ông trong sách Empire d’Annam rằng: "Ông Phan Đình Phùng có tài trị binh, biết luyện quân theo kiểu Thái Tây, áo quần mặc một lối, súng thì toàn kiểu 1874, những súng ấy là do bộ hạ ông đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng giống y như súng Pháp, chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh nên bắn không được xa.". Đương lúc vong quốc mà trong nước có người như ông Phan nổi lên để kháng cự, tuy không thành công, song cũng tỏ ra được cái lòng ái quốc và cái khí hùng cường của một dân tộc. Huống chi những cái quy mô của ông đó, như là mở đồn điền, phái người đi học ngoại quốc, đúc súng lấy mà dùng, thật là viễn đại lắm, nếu chẳng phải có đại tài đại chí mà làm được công việc ấy ư?" .

             Nét độc đáo nữa của cuộc thi quốc sử năm 1929 là giúp độc giả hiểu thêm về nhân cách, đạo đức của các danh nhân đất Việt. Như Chu Văn An: "Tiên sanh có tánh điềm đạm không ham danh lợi, và ngay thẳng không sợ kẻ quyền quý; học rộng biết nhiều, bình sanh lấy sự dạy học truyền đạo làm trách nhiệm mình...Đời vua Dụ Tôn, việc chánh trị chốn triều đình bậy bạ, bọn gian nịnh chuyên quyền, tiên sanh dâng sớ xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, tiên sanh bèn treo ấn từ quan, trở về làng cũ. Bấy giờ tiên sanh dời ở làng Ái Kiệt thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ, tự hiệu là Tiều Ẩn tiên sanh. Vua lại vời ra, song tiên sanh không đến. Bà Hiếu Từ thái hậu có lời khen tiên sanh rằng: Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không có quyền bắt làm tôi!"

            Điểm khác biệt khá rõ giữa cuộc thi quốc sử do báo Thần Chung tổ chức đầu thế kỷ trước và một số cuộc thi "tìm hiểu lịch sử" mà chúng ta đã và đang chứng kiến trong những năm gần đây chính là yêu cầu của người ra đề. Không hề có câu hỏi "bắt" thí sinh phải "chép lại" hàng mấy chục trang, có khi hàng trăm trang nhưng rốt cuộc chẳng thu hoạch được mẩu kiến thức cỏn con nào. Trái lại, nó khiến người dự thi phải "động não", phải thể hiện được chính kiến của mình trước một nhân vật, một sự kiện lịch sử: "Ai muốn dự thi về giải thưởng nầy thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người của bổn báo đã đăng rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghĩa tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt". Thiết nghĩ, với cách thi này, chẳng những kiến thức lịch sử sẽ thấm sâu vào tim, óc mà thí sinh còn được dịp rèn luyện cách diễn đạt, lý giải vấn đề một cách thấu đáo, qua đó trưởng thành hơn trong nhận thức và tư duy.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nội dung 30 bài kể sự tích danh nhân sử Việt mà toà soạn báo Thần Chung cung cấp cho độc giả trong cuộc thi quốc sử năm ấy.  Điều đáng học tập là người soạn đã  rất chú ý sử dụng những công trình biên khảo sử học tương đối mới lúc đó, nhất là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, để biên soạn những lời kể ngắn gọn, dễ hiểu, thích hợp cho mục đích phổ biến vào công chúng rộng, song lại không rơi vào tình trạng đơn giản hoá, sơ lược hoá các hiểu biết về từng nhân vật lịch sử. Mặc dù chưa tìm ra tư liệu về việc chấm giải và công bố trao giải nhưng một vài cảm nhận của độc giả đương thời mà toà soạn trích đăng (trong bài Lòng người đối với cuộc thi quốc sử, đăng trên báo Thần Chung số ra ngày 25/ 9/ 1929) đã phần nào cho thấy, bản thân việc đăng tải một vài lần 30 câu chuyện về 30 nhân vật lịch sử Việt Nam cho công chúng trong khuôn khổ cuộc thi này, đã có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục ý thức về lịch sử dân tộc, nhất là trong lúc nước nhà đắm chìm trong tình cảnh nô lệ.  

          Ai là tác giả khởi xướng cuộc thi quốc sử đầu tiên và khá độc đáo trên báo Thần Chung? Đi tìm câu trả lời, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra nhận định:  "Trên tờ Thần Chung, cũng như tờ Đông Pháp thời báo, Phan Khôi viết khá nhiều loại bài, từ luận thuyết đến tạp bút; có những bài ký họ tên thật, có những bài ký tên hiệu Chương  Dân, có những bài ký tên toà soạn, có những bài viết cho mục “Câu chuyện hằng ngày” (chuyên mục do Diệp Văn Kỳ đặt ra) ký bút danh Tân Việt, lại có những bài để trống tên tác giả, ví dụ bài đăng 2 kỳ về vùng đất Tây Nguyên ngày nay, hoặc bài về văn bút chiến cũng đăng 2 kỳ, rất đặc sắc và nổi tiếng. Do vậy, việc Phan Khôi có thể đã là người khởi xướng ý tưởng về cuộc thi quốc sử, và là người chấp bút chính cho loạt bài vở của Thần Chung  trong cuộc thi quốc sử, cũng là điều dễ hiểu". Lại Nguyên Ân cho biết thêm: Phan Khôi là " người đã bộc lộ xu hướng hoạt động sử học ngay từ khi mới cầm bút viết báo, người mà ngay trong năm 1928 đã triển khai ít ra là một cuộc tranh luận về sử Việt cận đại trên Đông Pháp thời báo, tiền thân của nhật báo Thần Chung này". 

                                                                                                V.T

                                                                                       

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải