Nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn Tám

04.04.2014

Nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn Tám

Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều” Đó là nhận xét của nhạc sỹ Phạm Duy - một trong ba đỉnh cao âm nhạc nước nhà: Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Cái tạng nhạc sĩ Văn Cao có vẻ yểu tướng nhưng ý chí của ông tiềm ẩn sự mạnh mẽ, chí lớn và kiên định. Chỉ tiếc ông không được khỏe để đi với chúng ta thêm nhiều năm nữa để chứng  kiến giá trị tác phẩm của mình.

Cuối năm 2013, nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của ông ( ông sinh ngày 15/01/1923  và mất ngày 10/7/1995). Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng gia đình phối hợp tổ chức đêm ca nhạc dành riêng cho ông và giới thiệu hai tác phẩm của ông chưa được công bố. (*). Đó là ca khúc Dưới ngọn cờ giải phóng viết năm 1962 và ca khúc Ta đi làm con suối viết những năm đầu 1970 khi ông được người ta mời sáng tác ở Quảng Ninh. Riêng bài Dưới ngọn cờ giải phóng ông viết khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Nghĩa là “đứa con” của ông bị lưu lạc 51 năm!. Quá chậm đối với một nhạc sĩ hàng đầu của đất nước - người đã dâng hiến cho đất nước bài Quốc ca bất hủ. Anh Văn Thao là con trai của nhạc sĩ Văn Cao nói “ Đây là hai bài hát chưa bao giờ được dàn dựng để biểu diễn và hôm nay lần đầu tiên gia đình công bố”. Tôi lại nghĩ khác, có thể chưa dàn dựng quy mô và phổ biến trên truyền thông nhưng tại sao cuối năm 1963 của thế kỷ trước tôi và các bạn tôi đã hát vang bài này. Và may mắn cho tôi khi vào Đại học, hợp ca trường chúng tôi chọn bài hát này đi thi trong hội diễn văn nghệ sinh viên các trường đại học toàn quốc ở Hà Nội!. Sau này được biết bài hát trên được nhạc sĩ Văn Cao chép tặng riêng cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu từ miền Nam ra thăm miền Bắc. Bộ trưởng có gặp Văn Cao và nhạc sĩ muốn nhờ Bộ trưởng chuyển vào miền Nam phổ biến cho đồng bào và chiến sĩ đang chiến đấu trong chiến trường. Tôi cũng không biết bài hát trên đến với chúng tôi bằng con đường nào, để 51 năm sau nhân đêm công bố hai tác phẩm mới, tôi nhớ lại ký âm giai điệu, ca từ tương đối chuẩn. (Xem bài hát trang bên). Mở đầu bài hát ông viết: Trước những đêm dài tăm tối. Trước những thây người đang cháy. Bóng đêm của Mỹ - Diệm trùm lên đất nước hôm nay…Với ngôn từ này thời đó không lẫn vào bất kỳ tác giả nào được. Có được những ca từ thây người đang cháy chỉ là tái hiện lại trong thơ của ông mà tôi đã đọc sau này, Văn Cao đã từng chứng kiến những chiếc xe chất đầy xác người mỗi sáng trên phố phường Hà Nội trong nạn đói 1945. Câu tiếp theo ông viết: Trước những bài ca là đồng chí hy sinh của ta, là giọng hát thiên nga khi mùa Xuân qua! .Thời sinh viên của chúng tôi trong chiến tranh bom rơi đạn nổ, gian khổ và thiếu thốn nhưng thừa bài hát. Có những bài hát nghe nghìn lần không biết chán!. Sống lãng mạn lại được hát những câu hát lãng mạn của nhạc sĩ lãng mạn thì sướng nào bằng. Khúc thức của bài hát vừa dồn nén vừa bay bỗng, ca từ vừa trần trụi vừa cao sang. Bài hát len trong từng trái tim đầy khát vọng muốn dâng hiến. Một thế hệ xếp bút nghiên lên đường vì đất nước thống nhất. Tất cả vì miền Nam hy sinh “ Để nửa Tổ quốc ta, mặt trời lên!. Tôi nghĩ: Tháng năm nghiệt ngã và khuất lấp của đời ông mà sao ông lại viết được những bài ca hừng hực khí thế chiến đấu như vậy!?. Chỉ có Văn Cao – một tâm hồn lớn, trong sáng vượt lên đời thường mới viết được như vậy. Ngày đó ông là một trong những nạn nhân trong nhóm Nhân văn Giai phẩm cùng với một loạt văn nghệ sĩ tên tuổi gạo cội như: Trần Dần, Lê Đạt, Trương Tửu, Hoàng Cầm, Phùng Quán và đặc biệt là Phan Khôi, người Quảng Nam. Ông Phan Khôi là: nhà báo, nhà văn, học giả, dịch giả, nhà tư tưởng, nhà phê bình văn học, nhà Hán học, nhà Trung Quốc học (nói như nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân trong tập “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa, xuất bản 2013)

 Năm 1975 đất nước quy về một mối, Văn Cao lại viết ca khúc Mùa Xuân đầu tiên. Bài hát Mùa xuân đầu tiên cũng có số phận nghiệt ngã như cuộc đời ông: bị lãng quên, truân chuyên theo năm tháng. Bài hát ra đời ở Việt Nam nhưng phải chạy lòng vòng sang tận nước Nga xa xôi tuyết lạnh, sau đó mới quay về được hát ở Việt Nam sau này!. Chính cái chất nghệ sĩ của nhạc sĩ bị nén đến tận cùng đã bật ra giai điệu ca từ nghe lạnh người làm cho ta day dứt nhức nhối: Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết yêu người. Từ đây người biết thương người!. Tại sao giờ đây mới biết yêu quê hương, yêu người, thương người!?. Ta đau một, nhạc sĩ đau trăm lần!. Tại sao và tại sao?. Một câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng phải mất gần đời người vẫn giải thích chưa trọn vẹn.

Tôi nghĩ dù ông không còn trên cõi đời này nữa nhưng đất nước cám ơn ông, tri ân ông dù có chậm nhưng còn hơn bị lãng quên. Người ta sợ nhất là sự lãng quên. Có lẽ vì vậy đi tới đâu trên đất nước mình ta cũng gặp những nghĩa trang và tượng đài liệt sĩ. Đất nước đã có niềm vui trọn vẹn gần 40 năm mà vẫn chưa có một bức tượng tầm cỡ nào về nhạc sĩ Văn Cao?. Chúng ta chưa có hay chờ đợi, hay đã có bức tượng bằng cẩm thạch vô hình khắc tạc bằng giai điệu trong mỗi trái tim người Việt chúng ta với câu đầu tiên: Đoàn quân Việt Nam đi... Trăm năm sau chưa chắc xuất hiện một con người tài năng như ông!. Việc anh Văn Thao – con trai của ông cho công bố chậm hai ca khúc Dưới ngọn cờ giải phóngTa đi làm con suối của ông như sự việc ta vẫn thường gặp ở những con người tài năng và bất hạnh. Ca khúc cũng có số mệnh như một con người. Tài năng thật sự không bao giờ bị khuất lấp, sẽ tồn tại mãi mãi. Cũng như khi ông viết ca khúc Dưới ngọn cờ giải phóng từ năm 1962 đã thấm vào trong tôi, thế hệ chúng tôi khi ấy không cần biết bài hát đã công bố. Cứ hát, miễn sao bài hát lay động thức tỉnh con tim tuổi trẻ, đánh trúng vào nỗi niềm của đất nước, của dân tộc. Để bây giờ tôi vẫn nhớ và ghi lại tác phẩm của ông cho thế hệ chúng tôi nhớ lại một thời dâng hiến, thế hệ hôm nay biết có một thời chúng tôi sống và hát như thế. Hình như lúc nào chúng ta cũng có lỗi với ông – nhạc sĩ Văn Cao!.

 Hãy nghe một trong ba ngọn núi âm nhạc nước nhà là Trịnh Công Sơn tâm sự: Trong âm nhạc Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn Cao là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con  người.  Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư”. Nhà phê bình Vũ Bằng nhận xét khi nước nhà chưa thống nhất trước 1975: “Có một loại hoa gần tàn lại tiết ra mùi hương rất lạ và rực rỡ, Văn Cao ơi!”. Còn nhà phê bình Đặng Thai Mai cho rằng: “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm Văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam!.”

 

(*) Nhạc sĩ Văn Cao sinh tại Hải Phòng . Quê ông thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

                            Đà Nẵng, những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014

                                                                               N.V. T

 

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải