Mỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường Vinh

31.03.2014

Mỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường Vinh

Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp 5 năm (1972-1977) của trường cao đẳng mỹ thuật Hà Nội, tôi được phân công về nhận công tác tại khu triển lãm của ty văn hóa - thông tin tỉnh  Quảng Nam - Đà Nẵng(QNĐN ). Đầu năm 1978, Vũ Hà (điêu khắc) và Quang Tuyến (hội họa) tốt nghiệp cùng khóa vào tiếp nhận công tác tại bảo tàng và công ty phát hành sách. Khu triển lãm lúc bấy giờ là trung tâm gặp gỡ của các họa sĩ, điêu khắc, họa viên, phụ họa (phân bậc chấm công để trả lương cho những người làm công việc mỹ thuật trong suốt thời bao cấp) của tỉnh QN-ĐN. Từ nơi này tôi đã được gặp gỡ, làm quen và cùng làm việc với hầu hết các anh, chị, em làm công việc mỹ thuật của tỉnh. Các họa sĩ đầu tiên tôi biết là Lê Huy Hạnh ở chiến khu về đang làm thủ tục ra quân. Nguyễn Duy Hinh họa sĩ, Đoàn Chí Sĩ họa viên công tác tại khu triển lãm, Nguyễn Thị Phi tại nhà thông tin sau đó chị chuyển về làm giáo viên  của trường Văn hóa - nghệ thuật tỉnh,  Nguyễn Hữu Điểu, Vĩnh Cường phòng thông tin - cổ động và cứ sau mỗi cuộc triển lãm tôi lại biết thêm các họa sĩ, điêu khắc khác: Nguyễn Văn Tài, Đỗ Toàn, Nguyễn Phan, Phan Trần Nguyễn, Lê Khắc Duyệt, Nguyễn Văn Hoa, Phan Chánh Nguyên, Hà Oai, Nam Anh, Hà Dư Sinh, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Trần Như Ái .v.v. Các anh là những họa sĩ, điêu khắc bản địa nhưng phần đông là người Huế đã tốt nghiệp hoặc học dở dang ở trường mỹ thuật Huế, Sài Gòn trước năm 1975, cũng có người tự học. Trong những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường tụ tập uống café ở mấy quán gần khu triển lãm, khi nói về sáng tác mỹ thuật các anh thường nhắc tới các họa sĩ Nguyễn Trung, Bửu Chi, Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận hay Tôn Thất Văn. Các anh cũng cho biết trước năm 1975 cũng có tổ chức một số cuộc triển lãm nhỏ do cá nhân hay nhóm tại nhà trung tâm văn hóa Pháp hay Mỹ tại Đà Nẵng, các cuộc trưng bày hoàn toàn là tự phát chứ không mang tính tổ chức phong trào như sau này. Triển lãm mỹ thuật lớn nhất đầu tiên tại Đà Nẵng mà các anh được chứng kiến ngay sau ngày miền Nam được giải phóng là triển lãm tranh, tượng, kí họa của các nghệ sĩ cách mạng từ các tỉnh thuộc khu 5 về tập kết tại Đà Nẵng trước khi trở về  miền Bắc (từ tháng 6 đến10 năm 1975); trong dịp này các nghệ sĩ bản địa Đà Nẵng lần đầu tiên được tiếp xúc với các nghệ sĩ cách mạng và hội họa, điêu khắc hiện thực cách mạng XHCN.

            Tháng 4 năm 1976 trại sáng tác và sau đó là triển lãm mỹ thuật chuyên đề "Ra khơi đánh bắt vụ nam" do ty Văn hóa - thông tin tổ chức, ty Thủy sản đảm nhận kinh phí có khoảng 10 họa sĩ người Đà Nẵng và họa sĩ Lê Huy Hạnh (miền Bắc) tham gia. Đây là hoạt động mở đầu cho phong trào sáng tác mỹ thuật được tổ chức bởi các cơ quan của tỉnh QN-ĐN

            Năm 1978 mỹ thuật QN-ĐN được chính thức hình thành trong một  tổ chức của nhà nước với việc thành lập Hội văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng và mỹ thuật được coi là một ngành (phân hội) trong hội. Cũng trong năm này họa sĩ Hoàng Kim quê QN-ĐN sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng của trường cao đẳng mỹ thuật Hà Nội trở về quê để nhận công tác tại Hội. Anh là một người rất chân tình, sôi nổi, hoạt bát và nhiệt tình trong công việc cũng như trong quan hệ với tất cả các nghệ sĩ ở Đà Nẵng không hề có sự phân biệt Bắc-Nam, người có tham gia cách mạng hay không tham gia cách mạng. Họa sĩ Hoàng Kim là người đầu tiên phụ trách phân hội mỹ thuật của tỉnh, là người đã tập hợp, động viên các nghệ sĩ QN-ĐN tham gia sinh hoạt và sáng tác, cũng là người đã kết nối mỹ thuật QN-ĐN buổi đầu còn non trẻ với Trung ương và Hà Nội để ngay sau đó có cuộc trưng bày những tác phẩm chọn lọc của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 9/1978. Tiếp theo là triển lãm tranh đồ họa hiện đại Bungari do Vụ mỹ thuật bộ văn hóa - thông tin tổ chức đầu năm 1979 tại Đà Nẵng. Hai cuộc triển lãm này đã cho các nghệ sĩ QNĐN có thêm nhiều hiểu biết về nền mỹ thuật Việt Nam và các nước XHCN khác. Những tháng cuối năm 1979, Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp nhận một số họa sĩ người Đà Nẵng tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường mỹ thuật Huế sau giải phóng là: Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyễn Hữu Tùng (điêu khắc), Trần Thị Thu An, Lê Quí Dũng, Nguyễn Ngọc Thể. 1980 là Trần Nhơn, Võ Thanh Tịnh, Lê Kim Hằng (điêu khắc), Tôn Thất Việt và  Đinh Gia Thắng tốt nghiệp trường mỹ thuật Hà Nội cũng về nhận công tác tại Đà Nẵng. Tôi được biết thêm các họa sĩ Vĩnh Thuận, Phó Đức Vượng, Phan Ngọc Minh, Lê Đợi. Lê văn Tài, Mai ngọc Chính, Vĩnh Thuận, phó đức Vượng, Từ Duy.

            Năm 1980, họa sĩ Hoàng Kim thay mặt Hội văn nghệ đứng ra tổ chức thể nghiệp đợt  đi thực tế và sáng tác về vùng đất QNĐN, anh đã mời được họa sĩ Thế Vinh, Văn Đa, Đặng Thu Hương ở  Trung ương vào dự trại  cùng với một số anh, chị, em ở Đà Nẵng. Kết quả từ trại sáng tác này có 3 tác phẩm để đời là: Phong cảnh Cù lao Chàm - sơn dầu của Văn Đa, Đập tràn xả lũ Phú Ninh –s ơn mài của Đặng Thu Hương, Ngũ Hành Sơn - sơn mài của Thế Vinh. Ở thời điểm này chưa có các họa sĩ làm việc ở các huyện trong tỉnh trừ huyện Hòa Vang là họa sĩ Phan Ngọc Minh. Năm 1981 trại thứ 2 được tổ chức có các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An, Bùi Xuân Phái, Đinh Trọng Khang, Vĩnh Phối, Đặng Thu Hương và đông đảo họa sĩ Đà Nẵng cùng tham gia. Họa sĩ Hoàng Kim gặp tai nạn trong lúc đang say sưa vẽ tại trại và đã mất để lại bao tiếc thương cho giới mỹ thuật QN-ĐN. Sau khi kết thúc trại sáng tác; Ty văn hóa, thông tin phối hợp với Hội văn nghệ tổ chức triển lãm mỹ thuật QN-ĐN lần thứ nhất nhân dịp kỷ niệm quốc khánh 2-9 tại khu triển lãm nơi tôi làm việc. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và làm việc với Hội đồng nghệ thuật chọn tranh trong vai trò là thành viên của ban tổ chức có nhiệm vụ theo dõi để ghi chép các tác phẩm được chọn treo. Từ 2 trại sáng tác này, một số họa sĩ tự học đã trưởng thành để trở thành những tác giả của những tác phẩm được chọn treo trong các triển lãm sau này như: Duy Ninh, Từ Duy, Lê Đợi, Ngọc Lý, Nguyễn Hưng,…cùng một số tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật: Lưới trên sông Hàn - lụa của Phan Kế An, một số tranh sơn dầu vẽ về Hội An, Đà Nẵng của Bùi Xuân Phái, Phong cảnh Cù lao Chàm - sơn dầu, Phong cảnh biển Thanh Bình - bột màu, Qùa của biển - sơn mài của Đặng Thu Hương, Đập lúa sân đình - sơn dầu, Làng trung d u- sơn dầu của Từ Duy…

            Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 và mang tính toàn quốc chào mừng đại hội Đảng 1981 một số tác giả QN-ĐN với một số tác phẩm được chọn trưng bày là Nguyễn Thị Phi, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Tường Vinh, Nguyễn Văn Tài, Trần Nhơn, Võ Thanh Tịnh, Tôn Thất Việt,Từ Duy, Đinh Gia Thắng. Triển lãm này khởi đầu sự lộ diện của phong trào sáng tác mỹ thuật QNĐN với cả nước. Cuối năm này nhà điêu khắc Phạm Hồng về lại Đà Nẵng nơi anh đã ghi dấu ấn của mình là 3 tác phẩm điêu khắc hiện diện tại khu triển lãm từ 1976 trước khi anh ra Bắc học tiếp đại học. Nhà điêu khắc Phạm Hồng tiếp tục đảm nhiệm công việc của họa sĩ Hoàng Kim tại Hội văn nghệ. Cũng như anh Hoàng Kim, nhà điêu khắc Phạm Hồng là người năng nổ, nhiệt tình, xởi lởi trong hoạt động tổ chức, xây dựng phong trào; anh yêu Quảng Nam Đà Nẵng như yêu chính Hà Tây quê hương anh với mong muốn xây dựng được một đội ngũ sáng tác và một vùng không gian mỹ thuật hiện đại xứng đáng với mảnh đất "ngũ phụng, tề phi" Quảng Nam Đà Nẵng này.

            Như vậy thập niên 80 của thế kỷ trước, mỹ thuật QNĐN đã hình thành với lực lượng sáng tác (kể cả trước và sau giải phóng) còn ít nhưng đầy đam mê sáng tạo nghệ thuật mặc dù đều bận bịu trong công việc ở các cơ quan, đoàn thể của nhà nước hay trong công việc bươn chải kiếm sống hằng ngày. Khoảng thời gian này nhiều họa sĩ bản địa lần lượt ra đi định cư ở nước ngoài nhưng thay vào đó là các họa sĩ khác lại tiếp nối về QNĐN như Phạm Văn Hạng (điêu khắc), Ái Nhi và các họa sĩ trẻ tốt nghiệp từ trường Huế, thành phố Hồ Chí Minh hay trường VHNT tỉnh là Nguyễn Trọng Dũng, Dư Dư, Trần Thị Cúc,… ở các huyện đã có các họa sĩ làm việc như Trần Văn Binh (Điện Bàn), Thanh (Tam Kỳ), Hùng (Duy Xuyên) và những huyện khác mà tôi đã từng gặp trong các lần đi công tác nhưng bây giờ tôi đã quên mất tên. Số họa sĩ ở huyện vì điều kiện đi lại khó khăn, phương tiện cá nhân như xe máy không có nên không thể tham gia sinh hoạt và sáng tác cùng với phân hội, đây là một điều đáng tiếc cho phong trào mỹ thuật QNĐN. Khoảng thời gian 10 năm đầu này là giai đoạn quan trọng của phong trào sáng tác cũng như hình thành nên các tác giả có tên tuổi của khu vực miền Trung và quốc gia sau này. Nó được thể hiện bởi các tượng đài, đài tưởng niệm do chính các nhà điêu khắc của địa phương như Đỗ Toàn, Phạm Văn Hạng, Phạm Hồng, Lê Huy Hạnh, Mai Ngọc Chính,… dựng lên tại thành phố Đà Nẵng, các huyện trong tỉnh và một số địa phương khác. Nhiều cuộc triển lãm tập thể do Hội văn nghệ kết hợp với Ty văn hóa-thông tin, Phòng văn hóa- thông tin thành phố với các nhóm tác giả  được khai mạc. Tính đến năm 1988 ở Đà Nẵng đã có 9 cuộc triển lãm lớn và vừa được tổ chức chưa kể các cuộc triển lãm cá nhân khác. Đồng thời QNĐN cũng tiếp nhận khá nhiều triển lãm mỹ thuật do Trung ương, Hội văn nghệ Hà Nội và một số cá nhân khác ở Hà Nội đưa vào, tiêu biểu như: triển lãm tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân năm 1984, Nguyễn Văn Ký (Ái Nhi) sau triển lãm họa sĩ đã về sống và làm việc tại Đà Nẵng rồi chuyển về Hội An là quê của ông, tranh cổ động tuyển chọn toàn quốc 10 năm 1975-1985, tranh khắc của 10 tác giả Hà Nội 1987... Các cuộc triển lãm liên tiếp được tổ chức tại địa phương đã tác động mạnh mẽ tới sáng tác của các nghệ sĩ QNĐN để tới triển lãm mỹ thuật toàn quốc (MTTQ) 1985,1990 đã đưa mỹ thuật QNĐN vào danh sách một số địa phương có phong trào mỹ thuật phát triển nhanh và mạnh nhất cả nước như nhận định trong một số bài viết về mỹ thuật in trong tạp chí Văn hóa, nghệ thuật do Bộ Văn hóa-thông tin xuất bản lúc bấy giờ. Tại triển lãm MTTQ 1985 tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Phi được tặng huy chương đồng, triển lãm MTTQ 1990 tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Hồng được tặng huy chương bạc. Tuy vậy mỹ thuật QNĐN vẫn chỉ là lực lượng sáng tác bán chuyên nghiệp. Tính đến năm 1989 phân hội mỹ thuật đã có trên 30 hội viên nhưng chỉ có 5 người là hội viên trung ương: Phạm Hồng, Nguyễn Thị Phi, Ái Nhi,Lê Huy Hạnh và Đinh Gia Thắng.

            Thập niên 90 tiếp theo với chủ trương giảm biên chế của nhà nước đã đưa nhiều họa sĩ, điêu khắc công chức nhà nước trở thành họa sĩ tự do nhưng bù lại từ chính sách mở cửa; khách du lịch nước ngoài bắt đầu ồ ạt vào Việt Nam. Đà Nẵng, Hội An, Huế là những điểm chính dừng chân của khách du lịch vào tham quan du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Từ nguồn khách này nhiều nghệ sĩ tự do của QN-ĐN đã sống được bằng tiền bán tác phẩm của mình và có nhiều điều kiện tiếp xúc với các cá nhân hoặc tổ chức nghệ thuật nước ngoài. Cuộc sống của các họa sĩ tốt hơn, vật tư vật liệu dồi dào và dễ mua hơn, tranh lại bán được vì vậy hàng loạt các triển lãm cá nhân, nhóm liên tục được mở cửa không chỉ tại Đà Nẵng, Hội An mà ra cả Huế, Hà Nội và vào cả Nha Trang, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh. Một số họa sĩ, nhóm họa sĩ đã gởi tranh ra nước ngoài để tham gia  triển lãm như: Duy Ninh, Tường Vinh, Ngọc Minh gởi tranh tham dự triển lãm đồ họa quốc tế tại Sapporo Nhật 1992, nhóm 6 người: Tường Vinh, Duy Ninh, Vũ Dương, Lê Đợi, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Dũng được một tổ chức nghệ thuật Đan Mạch chọn tranh để triển lãm cùng với các họa sĩ ở Hà Nội tại Đan Mạch 1995, một cá nhân người Đức đã đưa tranh của các họa sĩ nói trên  triển lãm tại Đức năm 1997. Các cá nhân có tác phẩm triển lãm ở nước ngoài: Hoàng Ân tại singapore 1992, Hoàng Đặng 1993, Duy Ninh 1996 tại  Mỹ, Tường Vinh tại Hà Lan năm 1994, Từ Duy tại Pháp năm 1995, tại Hồng Kông 1996, Nguyễn Thượng Hỷ tại Nhật năm 1995, Lê Đợi tại Úc năm 1996 và một vài họa sĩ khác mà tôi không nhớ. Một số cá nhân hay nhóm đã tự mở gallery: đầu tiên là nhóm ở Bảo Tàng Chăm, tiếp theo là cá nhân họa sĩ Duy Ninh, Trần Nhơn, Phan Ngọc Minh tại Đà Nẵng, nhóm 6 họa sĩ: Vinh – Ninh -Dương - Đợi – Minh - Dũng mở gallery ở Hội An. Phân hội mỹ thuật mở tại Đà Nẵng.Việc khách nước ngoài tới xem và mua tranh tại nhà các họa sĩ đã trở nên phổ biến. Năm 1994 có 2 triển lãm đáng lưu ý: Triển lãm "nhìn từ 2 phía" do Vụ mỹ thuật- Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam-. Chương trình nghệ thuật Đông Dương đưa vào Đà Nẵng tháng 4/1994, đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ QNĐN được tiếp cận trực tiếp với một phần nghệ thuật hiện đại Mỹ. Triển lãm tranh về đô thị cổ Hội An do Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, Hội văn học, nghệ thuật QNĐN và phòng văn hóa thông tin Hội An đồng tổ chức tại 16 Ngô Quyền Hà Nội trưng bày 100 tác phẩm của 37 tác giả, trong đó có 19 tác giả QN-ĐN, một số họa sĩ danh tiếng của quốc gia như: Phan Kế An, Nguyễn Văn Tỵ, Lưu Công Nhân, Thể Vinh, Đinh Trọng Khang, Trần Khánh Chương, Đặng Thu Hương, Mai San,… cũng tham gia trong triển lãm này. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước đã tới dự khai mạc triển lãm. Thành công của cuộc triển lãm đã tác động rất lớn tới chính quyền tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và không khí sáng tác của các họa sĩ địa phương . Thành công của các nghệ sĩ QNĐN còn được ghi nhận từ triển lãm điêu khắc toàn quốc 10 năm (1983-1993) với các tác phẩm của 2 nhà điêu khắc: Phạm Hồng, Phạm Hạng được tặng giải khuyến khích. Triển lãm MTTQ 1995 và triển lãm những tác phẩm được chọn từ 3 miền để dự giải thưởng của Hội mỹ thuật Việt Nam 1995 đánh dấu bước trưởng thành vượt trội của phong trào mỹ thuật QNĐN với hơn 10 tác giả và hơn 20 tác phẩm đã được chọn treo. Trong đó có các họa sĩ: Duy Ninh, Tường Vinh, Tôn Thất Việt, Lê Kim Hằng (điêu khắc) có các tác phẩm được chọn treo trong cả 2 triển lãm. Tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Hồng và tranh của họa sĩ Duy Ninh được nhận giải khuyến khích, tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nhận giải SIDA tại triển lãm MTTQ. Đồng thời Quảng Nam Đà Nẵng  cũng tiếp nhận nhiều triển lãm cá nhân của các họa sĩ phía Bắc và phía Nam được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An như: Trần Nguyên Đán, Trịnh Tú, Nguyễn Thị Tâm …

            Từ những nỗ lực to lớn tự thân cộng với môi trường thuận lợi cho việc phát huy năng lực của mỗi nghệ sĩ, mỹ thuật QN-ĐN đã tiến một bước dài từ bán chuyên nghiệp trở thành chuyên nghiệp. Tính đến năm 1997, phân hội mỹ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng có trên 40 hội viên trong đó 20 người là hội viên trung ương. Tôi xin trích  vài đoạn trong bài viết của nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận định về mỹ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng tại ấn phẩm "tác giả và tác phẩm" do chi hội mỹ thuật Việt Nam tại QN-ĐN làm chủ biên được xuất bản năm 1996: " Có những nghệ sĩ lớn lên từ bản địa, có những người từ Nam ra, Bắc vào. Tất cả đều muốn giữ một nét riêng của cội rễ, lại muốn làm rạng danh mảnh đất có quá khứ phức tạp và  hào hùng này… Rõ ràng sáng tác của những họa sĩ và các nhà điêu khắc trên là đa dạng và quan tâm trước tiên đến tính biểu hiện của tác phẩm. Không có tiếp mạch truyền thống một cách trực tiếp, không vươn đến hiện đại một cách quá khích. Dường như đã dần dần hình thành một khoảng trời nghệ thuật riêng mà chúng ta không cảm thấy đó là Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Nếu như một ai đó đã đến thăm Đà Nẵng năm 1997 mà năm nay 2013 trở lại thăm thành phố hẳn phải thảng thốt về sự đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ của nó - một thành phố trẻ năng động đang dần dần trở thành trung tâm của khu vực miền Trung ở tất cả các lĩnh vực như: kinh tế-thương mại, du lịch, dịch vụ, giáo dục, văn hóa.v.v.Sự  phát triển của thành phố đã tác động mạnh  tới tư duy sáng tạo của từng nghệ sĩ và cả phong trào 16 năm (1997-2013) vừa qua. Phân hội mỹ thuật cũng có nhiều đổi thay theo thời gian, thời cuộc. Một số hội viên chuyển về Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, một số khác ra nước ngoài định cư và một số hội viên dã mất vì tuổi già hoặc bệnh tật, khá đông hội viên tạm ngừng hoạt động mỹ thuật để làm những việc khác. Trong tổng số biến động đó có 11 hội viên trung ương. Tuy vậy phân hội lại tiếp nhận nhiều họa sĩ, điêu khắc trẻ tốt nghiệp trường mỹ thuật Huế hoặc từ các khóa học tại chức liên kết, một số khác tự học và trưởng thành, phong trào mỹ thuật Đà Nẵng vẫn tiếp tục phát triển manh mẽ. Đầu năm 2002 Phân hội trở thành Hội mỹ thuật trực thuộc Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng. Về thời cuộc tôi tạm chia thời gian 16 năm này thành 2 giai đoạn: 1997-2005 và 2006 đến nay.

  • Giai đoạn 1997-2005:  Ở giai đoạn này các cuộc triển lãm cá nhân, nhóm vẫn được tổ chức thường xuyên. Một số cá nhân đã trực tiếp đưa tranh của mình ra nước ngoài để tham gia triển lãm theo lời mời của cá nhân hoặc những tổ chức phi chính phủ của nước ngoài: Từ Duy 2002 tại Pháp, Vũ Dương 2005 tại Philippin, 2006 tại Hồng Kông, Hoàng Đặng 2006 tại Iceland, Hoàng Ân tại Mỹ, Phan Ngọc Minh tại Pháp 2000 và 2004. 3/4 số lượng họa sĩ, điêu khắc làm nghề tự do và vẫn sống được bằng tác phẩm của mình. Các nghệ sĩ Đà Nẵng tiếp tục chú trọng vào việc sáng tác để tham gia triển lãm khu vực do Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức thường niên và năm nào Đà Nẵng cũng tham gia với số lượng tác phẩm, tác giả đông nhất và cũng gặt hái được nhiều giải thưởng nhất khu vực. Có 2 triển lãm tập thể đáng chú ý là: triển lãm mỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất 2001 mà nghệ sĩ Đà Nẵng gọi vui là triển lãm "4 không" gồm: Không tiền chuyên chở tác phẩm, không tiền dàn dựng, không tiền thuê người trực, không tiền nhuận treo. Vẫn  quy tụ 37 tác giả với 114 tác phẩm và mở cửa trong 5 ngày. Triển lãm thứ 2 được tổ chức ngay sau khi Hội mỹ thuật Đà Nẵng ra đời năm 2002, đây là cuộc ra quân rầm rộ nhất của mỹ thuật Đà Nẵng tại Hà Nội với hơn 40 tác giả và gần 100 tác phẩm trưng bày. Rất nhiều tác phẩm đã được mua tại triển lãm. Họa sĩ Lê Văn Thìn (Hà Nội) đã xem và ghi lại cảm xúc của mình như sau: "Tranh và tượng Đà Nẵng lần đầu tiên ra mắt công chúng thủ đô đã gây ấn tượng mạnh. Tranh Đà Nẵng mang cái nắng, cái gió đặc trưng của xứ sở, ngời lên từng mảng màu chói ngợp, quyết liệt, sóng gió. Nhiều sắc vàng và biển xanh thật thẳm, thật sâu…". Triển lãm MTTQ năm 2000 Đà Nẵng có 15 tác giả với 18 tác phẩm tham dự, tranh của họa sĩ Trịnh Thanh Sơn được tặng giải của tổ chức SIDA (quỹ phát triển văn hóa Việt Nam- Thụy Điển).Triển lãm MTTQ năm 2005 có 12 tác giả và 12 tác phẩm, một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng đoạt huy chương đồng và giải SIDA. Năm 2003, tổ chức NAV của Nauy đã phối hợp với Hội mỹ thuật thành phố thành lập Dự án điêu khắc đá tại Đà Nẵng. Từ trung tâm này đã có một số nhà điêu khắc trẻ của Đà Nẵng trưởng thành như: Lê Công Dũng, Trần Hữu Hóa,… tiếp tục bổ sung vào lực lượng hội viên của hội. Kết quả cuối cùng sau mấy năm hợp tác là trại điêu khắc quốc tế đầu tiên được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2005. 
  • Giai đoạn 2006 đến nay: mở đầu là đại dịch Sars tiếp đến là khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam giảm sút cả về số lượng lẫn sức mua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của các nghệ sĩ Đà Nẵng cũng như số lượng tác phẩm sáng tác; nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc phải dành nhiều thời gian cho các công việc khác để kiếm sống hơn việc vẽ tranh, làm tượng. Số lượng tác giả và tác phẩm của Đà Nẵng tham gia triển lãm khu vực hằng năm giảm dần, có năm chỉ bằng một nửa của các năm trước 2005, số lượng tác phẩm được giải thưởng cũng ít đi và không có giải thưởng cao. Mặc dù số hội viên mới được kết nạp tăng lên đáng kể trong đó có 7 hội viên trung ương. Các triển lãm cá nhân và nhóm cũng không còn nhiều như trước. Tháng 3 năm 2010 Hội mỹ thuật cùng với các cơ quan có liên quan tổ chức triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng lần thứ 2 với 32 tác giả (trong đó 14 tác giả là hội viên trung ương) và gần 100 tác phẩm tuyển chọn từ 1975 đến 2010. Cuộc triển lãm đã tạo được ấn tượng rất tốt đến đông đảo người xem. Sau triển lãm không khí sáng tác mỹ thuật của hội được nâng lên một bước để tới tháng 12/2010 tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc, mỹ thuật Đà Nẵng đã ghi được dấu ấn đậm nét. Tôi xin trích đoạn nhận xét từ bài viết có tựa đề "Các họa sĩ Đà Nẵng với triển lãm Mỹ thuật toàn quốc( MTTQ)" đăng trong tạp chí mỹ thuật số 217 của nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Hoàng Anh: "…Triển lãm MTTQ lần này được tuyển chọn rất khắt khe vì có 9 tỉnh không được chọn tác phẩm nào và tới 10 tỉnh chỉ được chọn một tác phẩm duy nhất. Với 13 tác giả và 15 tác phẩm được chọn (trong đó có 2 tác giả Nguyễn Tường Vinh và Trần Hữu Hóa được chọn 2 tác phẩm) và có tác phẩm đạt huy chương đồng (Duy Ninh); thì các họa sĩ Đà Nẵng có quyền vui… thông qua cuộc triển lãm MTTQ lần này, chúng ta có thể khẳng định Đà Nẵng vẫn vững vàng là một trong những trung tâm mỹ thuật của cả nước". Năm 2012 bám sát chủ trương chung về mở rộng quan hệ, giao lưu nghệ thuật giữa các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế của Hội mỹ thuật trung ương và Liên hiệp các hội VHNT thành phố, Hội mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm của nhóm tác giả nữ Hà Nội và Đà Nẵng. Phối hợp với Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công trại, đi thực tế sáng tác sau đó là triển lãm tại Đà Nẵng. Với những thành tích kể trên, Hội mỹ thuật đã được UBND thành phố tặng bằng khen năm 2010 và 2012. Đầu năm 2013 Hội mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức thành công trại sáng tác đồ họa tại Hà Nội với kết quả 8 tác phẩm của 8 họa sĩ tham dự trại đã được chọn đưa vào sưu tập của Hội mỹ thuật Việt Nam. Tại triển lãm mỹ thuật Nam miền trung và Tây nguyên 2013 toàn bộ các tác phẩm của Đà Nẵng trong triển lãm đã được Hội mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao và tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Tường Vinh đã được Hội đồng nghệ thuật của Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tuyển chọn vào sưu tập của Bảo tàng.

            35 năm đã trôi qua kể từ năm Hội văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng thành lập , chúng ta nhìn lại và thấy: những hội viên mỹ thuật thập niên 80 của thế kỷ trước đã chững chạc và trở thành những tác giả có tên tuổi quen thuộc ở khu vực miền Trung và cả nước, họ đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ tại các triển lãm của tỉnh, khu vực và quốc gia, nhiều tác phẩm của họ đã được đưa vào Viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam hay sưu tập của nhà nước, sưu tập của Hội mỹ thuật Việt Nam. Các tác giả đó là: Nhà điêu khắc Phạm Hồng (giải thưởng nhà nước 2012), Nguyễn Trọng Dũng, Vũ Dương, Nguyễn Tường Vinh, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Mai Ngọc Chính, Trần Nhơn, Lê Huy Hạnh, Dư Dư … Cá biệt có họa sĩ Đinh Gia Thắng từ hội họa chuyển sang điêu khắc đã sáng tác và dựng lên một số công trình tượng đài, đài tưởng niệm lớn khá thành công ở tỉnh Quảng Nam, hiện anh là tác giả và người trực tiếp chỉ đạo thi công tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam. Thế hệ hội viên thập niên 90 đang độ tuổi trẻ, khỏe và sung sức trong sáng tạo nghệ thuật. Có người đã đạt được nhiều giải thưởng của địa phương và khu vực như: Hồ Đình Nam Kha, Thân Trọng Dũng, Nguyễn Quang, Trần Thị Cúc, Quang Huy… nhiều người đã được kết nạp vào Hội mỹ thuật Việt Nam. Thế hệ những năm 2000 đều đã là những cử nhân mỹ thuật, được đào tạo bài bản và tiếp thu được nhiều phương pháp, kỹ thuật, trào lưu đương đại của thế giới. Theo tôi, thành công của mỹ thuật Đà Nẵng trong tương lai đặt nhiều hy vọng vào thế hệ này.

             

N.T.V                                                                                                                                                                     

 

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải