Chuyện ở “quán 3 cô” - Thanh Quế

31.03.2014

Chuyện ở “quán 3 cô” - Thanh Quế

Tôi có hai người anh họ là anh Vinh và anh Hải. Hai anh đều là bộ đội hồi chống Mỹ, nay đã trên 40 mà chưa ai có vợ.

            Một hôm, ba anh em tôi đi ăn đám cưới của cô em họ ở một huyện miền núi trở về, gần tới nhà thì trời đã tối. Hai anh bàn nhau:

            - Về nhà bây giờ chẳng có gì ăn. Hay ta ghé “quán 3 cô” ăn lẩu cá đồng đi, ở đó ăn ngon, rẻ lại sẵn dịp thăm các em luôn thể. Anh Vinh bảo.

            - Ừ, lâu quá chưa ghé thăm các em. Chắc tụi nó trông lắm - Anh Hải vui vẻ nói rồi quay lại phía tôi ngồi sau lưng anh - Nhưng còn chú em này?

            - Cho nó vô, cho quen-Anh Vinh nói-Nó cũng đã 15, 16 rồi còn gì.

            Hai anh cho xe dừng lại trước một cái quán bên đường có biển đề “Quán 3 cô”. Quán nằm kề một con mương, sát bên cánh đồng, phía ngoài thị trấn Vinh Diễn khoảng một cây số. Thấy chúng tôi bước vô, lập tức cả 3 chị ùa ra cửa. Các chị cũng sắp bước vào tuổi 40 cả, hình như môi ai cũng thâm, mặt ai cũng xanh lét:

            - Ồ, chào hai anh, lâu quá đi đâu bỏ các em, không thấy ghé.

            - Chào 3 em-Anh Vinh lên tiếng rồi quay lại nói với tôi-Ba chị này đều là thanh niên xung phong hồi chống Mỹ. Nay họ đau ốm, lỡ lứa nên ở vậy. Họ hùn nhau mở quán để có cái sinh sống và làm việc cho vui.

            Một chị cao cao có khuôn mặt tròn tròn nhưng xanh bủng hỏi:

            - Hôm nay các anh ăn thứ gì?

            - Lẩu cá lóc đi. Cho đĩa cá rô nhậu trước. Anh Hải nói.

            Lập tức trong cái quán chưa có khách ngoài chúng tôi này vui nhộn hẳn lên. Chị mồi lửa, chị chặt cá, chị lặt rau cứ tíu tít. Hình như cái quán đang ngắc ngoải này bây giờ nhờ chúng tôi mới sống dậy. Một lúc sau, mùi lẩu cá, mùi ớt tỏi bay lên phả vào mũi làm cho những cái bụng đang đói của chúng tôi như sôi lên.

            - Xong rồi đây-Chị cao cao có khuôn mặt tròn tròn nói to-Các anh uống gì đây?

            - Larue thôi-AnhVinh nói.

            - Larue nội hay xuất ngoại? Chị gầy gầy mặt có nhiều nốt tàn nhang hỏi.

            - Nhà ta thôi. Anh Hải nói.

            Chị cao cao mặt tròn tròn mang ra một thùng bia. Chị gầy gầy mặt tàn nhang và chị lùn lùn có một vết sẹo to ở má tíu tít bưng lẩu, bưng rau, bưng mắm ra.

            - Ba cô ngồi xuống đây cho vui. Anh Vinh nói.

            - Thôi xin phép, các anh ăn đi.

            - Lính tráng cả, có gì mà phân chủ khách. Anh Hải nói

            Không khách khí nữa, 3 chị lấy thêm bát đũa, sà vào bàn. Tiếng mở bia lốp bốp.

            - Chúc lính ta gặp lại.

            - Chúc gặp lại.

            - Trăm phần trăm.

            - Dô.

            Chúng tôi ăn uống vui vẻ, nhất là hai anh và ba chị. Họ nhắc lại những bữa ăn toàn rau rừng ở Trường Sơn. Những lúc đói quay quắt phải ăn trái khế rừng rồi nôn mửa…Nhớ sao một mùi cá, mùi thịt…

            - Em nhớ hồi đó đơn vị các anh đứng gần đơn vị chúng em. Các anh hay sang chơi. Có lúc thấy tụi em chỉ ăn rau ăn dớn đi gùi cõng súng đạn, các anh mang cho hàng gùi bắp…Chị lùn lùn có thẹo ở mặt nói.

            - Ờ, hồi đó tụi anh hay nói với nhau-Anh Hải nói-Sao mấy đứa thanh niên xung phong cõng hàng nặng mà chỉ ăn rau lá, cây dớn? Tụi mình đem sắn bắp cho chúng nó với.

            - Hồi đó các anh có bộ phận sản xuất phía sau nên sản xuất được còn bọn em cứ phải phục vụ suốt có lúc nào rảnh đâu. Chị gầy gầy, mặt đầy tàn nhang nói.

            - Lúc đó mấy bà chỉ huy bên tụi em hắc xì dầu quá trời-Anh Vinh chen vô-Thấy tụi anh mang sắn, bắp qua tặng cứ ngỡ là làm vậy để “dụ dỗ” mấy em, cứ lườm lườm ngó ngó…

            - Thì mấy ông cũng hay ngó ngó mấy cô xinh xinh bên bọn này, con Hà nè, con Thu nè. Mấy ông dại gái thí mồ. Ngó tụi nó, tụi nó không ngó lại. Sao mấy ông không ngó mấy đứa thật thà…Chị cao cao, mặt tròn tròn nói.

            Mấy anh chị thân mật mời nhau “dô, dô”, đấm vào lưng nhau thùm thụp như tất cả cùng đều là đàn ông hết. Riêng tôi, tôi thấy ngường ngượng, là lạ, cứ muốn bỏ đi chỗ khác. Có lẽ do tôi còn nhỏ, lại mới thấy những chuyện này lần đầu. Chị cao cao mặt tròn nhìn tôi cười cười:

            - Cậu em nhìn các anh các chị lạ lắm hả. Cậu mấy tuổi rồi?

- Dạ, em 16 ạ.

            - Cũng trộng trộng-Chị lại tiếp-Vui chơi là vừa. Đời ngắn lắm. Em xem, các anh các chị mới thế mà…Em học lớp mấy rồi?

            - Dạ lớp 10 ạ!

            - Ngày xưa bằng tuổi cậu-Chị mặt tàn nhang xen vô-Các chị đã đi thanh niên xung phong rồi. Hồi đó vất vả, đói khổ lắm. Bây giờ không thể…buồn lắm…các chị mở quán chỉ mong được vui thế này thôi cậu ạ.

            Họ lại vui vẻ:

            - Trăm phần trăm!

            - Trăm phần trăm!

            Anh Vinh ực xong cốc bia quay lại hỏi chị cao cao mặt tròn tròn:

            - Vẫn còn khoản miễn phí chứ hỡi các bạn Trường Sơn?

            - Vẫn như cũ, có thưởng nữa. Chị mặt tàn nhang cười nói.

            Một lúc sau, khi mặt ai cũng đỏ phừng phừng rồi, anh Vinh vội níu tay chị cao cao mặt tròn tròn, xứng với cái dáng người cao to của anh, vào phía sau. Anh Hải nhìn tôi giải thích:

            - Các anh các chị vui thôi, chú đừng thấy thế mà về nhà nói này nói nọ, chú cứ ăn, coi như không thấy gì-Anh quay sang phía chị lùn lùn có vết sẹo ở má-Em chờ chút, vui với V xong anh lại vui với em.

            Nói xong, anh cũng cầm tay chị gầy gầy mặt tàn nhang đi ra phía sau. Chỉ còn tôi và chị lùn lùn có vết sẹo ở má ngồi lại bên bàn. Mặt chị buồn buồn, dáng nhấp nhổm có gì không yên. Chị nhìn tôi rồi lắc đầu, rồi lại nhìn tôi. Bỗng chị nâng ly lên:

            - Trăm phần trăm em.

            - Dạ em không uống được nữa, chị cứ uống. Tôi ấp úng…

            Chị ngửa cổ ực hết ly bia rồi cầm tay tôi đặt lên ngực chị. Tôi rụt tay lại. Chị nói:

            - Em cũng đã lớn rồi. Sắp thành đàn ông rồi. Chị nói em nghe: Các chị lỡ lứa rồi, đau ốm luôn, mong ước có chồng mà không ai lấy. Các chị khao khát đàn ông lắm. Em ôm dùm chị, vuốt dùm ngực chị như mấy anh kia, có sao đâu. Thấy họ vui vẻ chị không sao kìm được…

            Nói xong, chị vít đầu tôi xuống, hôn chùn chụt vào hai má. Xong, chị cầm tay tôi vuốt lên ngực, lên bụng, lên đùi chị…trong lúc tôi hoảng sợ, người run lên bần bật…

 

*

*   *

 

            Chuyện xảy ra cách đây cũng đã 15 năm rồi. Bây giờ, hai anh Vinh và Hải đã có vợ có con, dù hơi muộn. Tôi đã học xong đại học, ra công tác mấy năm rồi, đang chuẩn bị đi học thạc sĩ ở nước ngoài và cũng đã có người yêu. Nhưng mỗi lần đi qua chỗ cũ - nơi bây giờ không còn “quán 3 cô” nữa - tôi vẫn nhìn về hướng đó và bùi ngùi nghĩ: Không biết 3 chị giờ đã đi đâu? Có chị nào đã có chồng chưa và các chị có được hạnh phúc không?

 

Đà Nẵng 24-10-2010

                                                                     T.Q

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải