Một góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải

31.03.2014

Một góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải

Trong dòng chảy của lịch sử, đất Quảng Nam là nơi “đầu sóng ngọn gió” của những cuộc chiến tranh giữ nước, chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và người xứ Quảng. Điều đó lý giải vì sao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cho đến bây giờ, văn học về đề tài chiến tranh cách mạng nở rộ ở miền đất này, để từ đó được diễn đàn văn học Việt Nam ghi nhận đây là một vùng văn học.

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, văn học Quảng Nam Đà Nẵng nổi tiếng với những tác phẩm “kinh điển” như “Từ đêm Mười Chín” của Khương Hữu Dụng (1951), “Con trâu” – Nguyễn Văn Bổng (1952)… thì bước sang những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn chiến tranh cách mạng ở vùng đất này càng tỏa sáng với lớp lớp các nhà văn, nhà thơ đầu đàn của giai đoạn này như: Võ Quảng, Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Dương Hương Ly, Chu Cẩm Phong…, tạo ra một diện mạo văn học riêng cho miền đất nổi tiếng này. Âm hưởng chung của các tác phẩm văn học thời kỳ kháng Mỹ là ngợi ca cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ca ngợi những phẩm chất cách mạng cao cả, là những sử thi đẹp về con người và quê hương, xứ sở dành hết sức mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở đây, cái cao cả, cái anh hùng được xây dựng, như một hình tượng cao nhất của nghệ thuật văn học Quảng Nam – Đà Nẵng “Viết với lòng tin sâu sắc vào cuộc sống và con người, vào sự hoàn thiện và sáng suốt đạo đức, sáng suốt nhân cách của mỗi cá thể hiện sinh[1] (PGS.TS Hồ Thế Hà). Sau khi chia tách tỉnh (1997), văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn giữ được “mạch bút” và có những đóng góp cơ bản:

  1. Quảng Nam - Đà Nẵng là một vùng “văn hóa động”. Trong những cuộc xâm chiếm của phong kiến phương Bắc, đế quốc, thực dân, vùng đất này luôn là “vùng chiến sự” ác liệt, nỏng bỏng. Yếu tố “văn hóa động” kết hợp với tác nhân của “vùng chiến sự”  làm cho miền đất này có tính dữ dội, sóng gió của nó! Do vậy, viết về chiến tranh vẫn là âm hưởng chủ đạo của văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng. Chúng ta thấy trong văn học Quảng Nam Đà Nẵng có sự chuyển tiếp, kế thừa rất rõ rệt của các thế hệ sau – tiếp bước thế hệ đi trước.

   2. Từ năm 1997 đến nay, văn học về đề tài cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng có sự chuyển biến rõ nét từ sắc thái ca ngợi, hướng đến cái cao cả sang nội dung phản ánh đi vào chiều sâu nội tâm, với những trăn trở thế cuộc. Bằng những thử nghiệm mới trong tác phẩm, các nhà văn, nhà thơ đất Quảng đi sâu vào lý giải, cắt nghĩa, cảm nhận những góc độ, cung bậc của chiến tranh. Có lẽ sau một khoảng dài của thời bình, tính “tĩnh” chi phối, bao trùm tính “động”, những người cầm bút đã có một độ lùi cần thiết để suy ngẫm lại một thời chiến cuộc, nhìn nhận chiến tranh đi qua với một sự lắng đọng, chiêm nghiệm hơn?! Với một tâm thức mới, nhà văn nhìn về chiến tranh với cái nhìn nhân bản hơn. Cũng  viết  về một sự chia xa mất mát trong 20 năm chiến cuộc với những chia cắt, ly tán, ngày giải phóng những người mẹ miền Bắc vào miền Nam tìm về nơi ngã xuống của chồng mình và biết được một sự thật của chiến tranh – trước khi đi xa, người chồng cũng đã để lại một giọt máu với một nữ du kích miền Trung – trong cái đau đớn của những thân phận bị cuộc chiến lôi kéo, những người còn lại vẫn có với nhau một sự thông cảm, một cái nhìn vị tha hơn “Trong cảnh đoàn tụ, sum họp, thân thiết đứng bên nhau giữa một không khí trầm mặc, nghi ngút khói hương…” (Nguyễn Ngọc Chiến – “Bức thu không địa chỉ” - Non nước số 87/2004 tr.16); nhưng cũng ở một lăng kính khác, đó là một người đàn bà chờ chồng 20 năm, và trở thành một hòn vọng phu miền Trung khi người chồng đuề huề vợ con nơi hậu phương, với những diễn biến tâm lý phức tạp của con người nội tâm – thời hậu chiến: “Đứng tựa vào cây cột trước hiên nhà, đôi mắt như mơ màng về một cõi xa xăm nào đó” (Hoàng Kim – “Vọng phu” – Đất Quảng số 41/2004 tr.20); đó cũng là những sám hối chiến tranh khi những gì của bản – chất – người bị cuộc chiến cướp mất: Quang – Người chiến sỹ suốt đời bị dằn vặt đau khổ khi đã đang tâm từ chối sự trao thân của một cô giao liên trong đêm công tác ở những khoảnh khắc trước khi cô hy sinh “Anh tự trách mình quá cao đạo. Chắc gì em còn sống đến ngày đó… lời bọc bạch ấy giờ đây đã trở thành lời trách móc” (Mai Khanh – “Hoa bên sông” – Non Nước số 30-31/1999 tr.34); và đó cũng là hình ảnh – hội chứng chiến tranh – khi người nữ thanh niên xung phong lúc trở về với thời bình, đêm nào cũng thống khổ cùng những cơn mơ ân ái với người chiến sỹ đã mất - người mà cô đã từ chối trao thân trước trận đánh (Nguyễn Cẩm Hương – “Sống với ma” – Non Nước số 87/2004) Có lẽ những ẩn uất tình dục -  chiến cuộc là đề tài “nóng” của những cây bút trong thời bình khi điều đó không được giải tỏa trong những năm tháng chính họ đứng ở trong cuộc chiến; cái nhìn về chiến tranh cũng khác biệt khi con người đối diện với cái bản chất đớn hèn mới bộc lộ của người đồng đội cũ (Trần Quốc Cưỡng – “Người đàn ông ở ngã ba làng Hạ” - Non nước số 17/1998) – Viết về người đồng đội cũ bây giờ đã trở thành vị lãnh đạo cấp cao và trở về nhìn những chiến hữu cũ với cái nhìn xa cách, ghẻ lạnh; hay với Đà Linh (“Viên đạn lạc” – Non nước số 34-35/2000) – khơi dậy những vết thương đồng đội xưa… các nhà văn đất Quảng cũng nhìn về các thái cực khác nhau của chiến tranh và đánh giá nó khách quan hơn: chiến tranh là sự mất mát “Chiến tranh rùng mình nhang khói/ Ai đi tìm chồng ven núi mây bay”  nhưng đó là nỗi mất mát không phải riêng của bên nào, và cái chết của những người lính cũng được đối xử  công bằng “Mùa Xuân về trên mộ hai người lính/ Một phía bên này, một phía bên kia/ Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm/ Như những bàn tay tìm gặp bàn tay/ Dường như tất cả xóa đi mọi điều thù hận/ Ai nỡ phân chia ranh giới ở khu này…” (Non Nước số 109/2006)…

 3. Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong hơn một thập niên qua gắn kết với hiện thực cuộc sống hơn. Có thể ghi nhận những đóng góp của Thái Bá Lợi (từ “Hai người trở lại trung đoàn” đến “Đội hành quyết”, “Trùng tu”…), Nguyễn Tam Mỹ “Sấp ngửa bàn tay”, “Nóc ông Bền…”)… khi viết về những khuất lấp đằng sau cuộc chiến với bút pháp đậm chất hiện thực ký ức. Cũng như vậy, nếu như những tác phẩm thuộc đề tài này trước kia luôn bị né tránh, không khơi gợi đến những mất mát như là một tất yếu: với Hoàng Cung – (“Bé Tý” – Non Nước 36-37/2000) chiến tranh đánh mất tình yêu nam nữ thì Huỳnh Thạch Thảo (“Gió đi qua vùng cát” (Non Nước 36-37/2000) đó chính là sự ra đi của gia đình, người thân, làng xóm quê hương và nhiều nhất là sự ngã xuống của bao đồng đội, chiến sĩ (Lê Trâm “Người của thời gian” (Đất Quảng – 59/2007); Nguyễn Đình Tùng “Những vùng hoa trắng” – Đất Quảng 34 (2003)… và khốc liệt nhất là những cái chết trong chiều cuối năm Tết Mậu Thân (Hồ Duy Lệ - “Chiều cuối năm”, Non Nước 172 – 173 (2012)… Chấp nhận nỗi đau chiến tranh, không né tránh những mất mát tang tóc thể hiện trong hàng chục tác phẩm chính là hiện thực của lịch sử dân tộc mà văn học vùng đất này không thể bỏ qua khi nói về chiến tranh. Cũng như vậy, ở nhiều tác phẩm, cái tôi trữ tình cách mạng quen thuộc một thời chuyển sang cái tôi cá nhân với bao mối quan hệ phức hợp của cuộc sống, tuy không còn “tiếng nổ lớn” nhưng xuất hiện “sự rạn vỡ[2]. Đó là hình ảnh của người lính trở về đời thường, bị tước hết những gì vốn có, sống trong sự rẻ rúng của một thời không - hợp - lẽ (Lê Trung Việt - “kết tóc thành dây võng tặng Bác Hồ chuyện như là huyền thoại” (Đất Quảng số 3/2000), đó cũng là một người chiến sỹ bị hậu phương phản bội (vợ đi lấy chồng khác, cha vợ lập hồ sơ giả vu khống, gán tội, láng giềng phỉ báng…) để phải sống lặng lẽ trong một lốt người làng Vân Kiều, lặng lẽ với những chiêm nghiệm thế sự (Văn Bốn – “Già bản Tà Thiêng” – Non Nước số 42/2000)… Đó cũng là những câu hỏi ưu tư trong “Một gạch và chuyển động” (Thanh Quế) “Lấm tấm hạt đau” (Đông Trình), “Động và tĩnh” (Bùi Công Minh), “Ngày thường đam mê” (Ngân Vịnh)…[3] khi thời và thế có những đổi thay bất ngờ.

Bên cạnh những “điểm sáng” đạt được thì văn học về chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn còn những vấn đề đáng suy ngẫm sau đây:

- Dù thế nào đi nữa thì chúng ta vẫn nhận thấy ở vùng văn học này có một sự hụt hẫng của thế hệ kế thừa – sau sự “rợp trời” của những cánh chim đầu đàn trưởng thành trong chiến tranh thì những thế hệ sau 1975 dường như không có “hành trang chiến cuộc “ (không có những trải nghiệm, quá trình, độ thẩm thấu về chiến tranh…) nên ít dám “đụng” đến mảng đề tài này. Đọc qua hơn 162 cuốn tạp chí Non nước và  Đất Quảng, chúng tôi thấy rằng: Nếu như khoảng trước khi chưa tách tỉnh, các tác phẩm đăng tải trên các tạp chí của địa phương chủ yếu viết về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang với tần số dày đặc, từ khoảng năm 1997 – 2008 mỗi tạp chí có khoảng 3 tác phẩm văn xuôi viết về đề tài này, thì từ năm 2009 về đây mảng đề tài này vắng bóng dần (mỗi một tạp chí có trung bình 01 bài viết, có những số ra không có tác phẩm nào). Điều đó xảy ra khi các cây bút “thế hệ vàng” (của chiến tranh) đã lần lượt  “gác bút”, sự trải nghiệm của thế hệ trẻ không đủ để hình thành nên những tác phẩm mới về chiến tranh.

- Trong những năm gần đây, trên diễn đàn văn học nghệ thuật về chiến tranh cách mạng, ngoài việc xây dựng hình tượng nhân vật theo môtip, đơn điệu, một chiều thì cũng có hiện tượng đi từ “bước ngoặt” sang “lệch chuẩn”. Bởi cảm hứng sáng tạo về đề tài này bị đánh mất, người cầm bút sa vào miêu tả cái đời thường, cái bi kịch cá nhân… mà văn chương trở nên chật chội, vụn vặt, hình tượng nhân vật bị bóp méo trong một cảm quan phi nhân bản (như một số ý văn trong “Sấp ngửa bàn tay” của Nguyễn Tam Mỹ).

- Có sự hiện diện của một “dòng văn học thời thế”, “văn học đối phó” nên nhà văn có một cái nhìn “cầm chừng”, xuôi dòng trong cảm nhận về chiến tranh và con người trong cuộc chiến; nên chỉ dám phân tích, mổ xẻ tâm lý nhân vật, tình huống văn học  ở “mức độ” phù hợp với thời cuộc, không dám đi vào yếu tố “phá” và “thay” như cảm quan văn học đương đại đang hiện diện…

Đứng trước hiện trạng các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng ngày càng xuất hiện thưa thớt dần trên diễn dàn văn nghệ và ở trong chuyển tải nội dung phản ánh một cách nghèo nàn, đơn điệu như hiện nay, theo chúng tôi, nên thực hiện một số đề xuất mang tính gợi mở như sau:

- Thứ nhất, để văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng xứng tầm với hiện thực của lịch sử cách mạng Việt Nam và địa phương “lắng đọng chất văn và máu lửa” Quảng Nam - Đà Nẵng mà hiện đang ở trong tình trạng “Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.”[4] (Nguyễn Bá Thanh), theo chúng tôi, cần phải có sự đổi mới cơ chế cho người sáng tác, mở cửa tinh thần sáng tạo của người cầm bút: văn học nghệ thuật đòi hỏi rất lớn sự phát huy ý thức cá nhân – bản chất của sự sáng tạo là hình thành một cái nhìn riêng biệt. (Đỗ Lai Thúy – “Thơ như là mỹ học của cái khác”). Do vậy, thay đổi cơ chế là thay đổi môi trường sáng tạo cho người nghệ sĩ, để họ mạnh dạn hơn nữa trong việc đi sâu vào mổ xẻ, phản ánh chiều sâu của những cái khác biệt, cái lạ, cái đối trọng trong việc khai thác về đề tài chiến tranh cách mạng ở miền đất này.

- Thứ hai, để tránh tình trạng xảy ra “sự đứt gãy dòng chảy” trong không gian văn học ở QN – ĐN nên cần thực thi những giải pháp thiết thực và bồi dưỡng thế hệ viết, mở ra các trại sáng tác, các không gian văn học, các chủ đề sáng tạo cụ thể như chương trình vận động “Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm, sử dụng tư liệu quý về chiến tranh cách mạng” của những năm trước; Nâng cao chất lượng đánh giá, phê bình, thẩm định văn học; Xác định lại tính quy củ và chuẩn mực của các giải thưởng văn học nghệ thuật; Hỗ trợ tài chính cho những tác phẩm dài hơi, tác phẩm chuyên đề… để các nhà văn, nhà thơ có cơ hội thực hiện công việc sáng tác của mình theo chủ đề.

- Thứ ba, cần có một tầm nhìn, một chế tài trong việc khai thác và mở rộng ảnh hưởng của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Ví như thể hiện sự lan tỏa của văn học nghệ thuật viết về miền đất QN – ĐN trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet… cũng là một cách quảng bá rất tốt cho văn hóa đất và người xứ Quảng[5]. Đây là một cơ hội cho những sáng tác văn học của QN – ĐN được quảng bá rộng rãi và gây hiệu ứng xã hội tốt.

Thứ tư, nếu như trong khoảng thời gian tới, trong Đề án “Đổi mới toàn diện nền giáo dục”  mà còn có Chương trình văn học địa phương nằm trong chương trình ngữ văn cấp cơ sở thì thiết nghĩ với dung lượng ít ỏi này (lớp 6: 4 tiết, lớp 7: 6 tiết, lớp 8: 5 tiết, lớp 9:5 tiết) thì theo chúng tôi nên phân bố tập trung cho 2 mảng sáng của đất Quảng là Tinh thần hiếu họcTính ngoan cường trong truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, chứ không phân tán, rời rạc và ôm đồm trong phân tiết như hiện nay.

                                          N.K.H



[1] PGS.TS Hồ Thế Hà – “Thơ Đà Nẵng từ 1975 đến nay, nhìn từ cội nguồn mỹ học sáng tạo” – Tham luận tại Hội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển”- Hội VHNT Đà Nẵng, 25/8/2013

[2] Theo cách dùng của Nguyễn Minh Hùng – “Nhìn lại thơ Đà Nẵng từ sau 1975” ” – Tham luận tại Hội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển”- Hội VHNT Đà Nẵng, 25/8/2013, lấy từ ý thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ…”

[3] Có một sự đối chọi rất đáng chú ý  với những tác phẩm mà các nhà thơ này viết trước đó 10 năm với âm hưởng hào hùng trữ tình cách mạng: “Những tháng năm vay mượn” (Thanh Quế), “Tên gọi mới của hạnh phúc” (Đông Trình), “Ngày và đêm” (Bùi Công Minh), “Bóng đêm trong mưa” (Ngân Vịnh).

[4] Nguyễn Bá Thanh – “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng phải phấn đấu giữ cho “Trí sáng, Lòng trong, Bút sắc””- Tạp chí Non nước số 150/2009, tr.3.

[5] Ví dụ như ở văn học QN – ĐN có các tác phẩm khá nổi tiếng như “Quê nội”, “Tảng sáng” của Võ Quảng, chúng ta lại có một vùng văn hóa sông nước rất ấn tượng thu Bồn – Trường Giang, vậy mà chúng ta chưa có một tác phẩm truyền hình nào gây sứt hút như “Đất phương Nam” (lấy chủ để từ tác phẩm”Đất rừng phương nam” của Đoàn Giỏi)- tác phẩm truyền hình về chiến tranh cách mạng đã gây nên một hiệu ứng truyền thông rất mạnh mẽ, góp phần quảng bá du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long sang Mỹ, châu Âu?!

Bài viết khác cùng số

Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho KhiêmKhát vọng Đà Nẵng về tầm cao mới - Trần Trung SángTiếng vọng trên Ngũ Hành Sơn - Nguyễn Nhã TiênThương hiệu “nụ cười” - Bùi Văn TiếngChuyện ở “quán 3 cô” - Thanh QuếHuyện Trương - Đỗ Nhựt ThưCó hậu - Phan Trang HyNhớ về đồng đội - Trường HoàngMiền Trung - Ngô Hà PhươngHoàng Sa ơi ! Trường Sa ơi ! - Trương Công MùiHôm nay Đà Nẵng - Mai Hữu PhướcThơ bốn câu - Lưu Phương ĐịnhThơ Lê Thu ThùyThành phố tháng ba - Nguyễn Hải LýXanh tháng giêng hai - Nguyễn Nho Thùy DươngTìm đâu bây giờ - Lê Hoàng LêThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Trác MộcThơ Bùi Mỹ HồngMá tôi - Lê Hưng Tiếnban mai xuân - khaly chàmNhà báo Phan Khôi và cuộc thi quốc sử độc đáo 85 năm trước - Vân TrìnhKỷ niệm về một bài thơ - Phạm Thanh BaThu Bồn – dòng sông của làng nghề - Đỗ VinhNhạc sĩ Văn Cao và ca khúc “Dưới ngọn cờ giải phóng” - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1997) và Đà Nẵng (1997-2013) như tôi biết - Nguyễn Tường VinhĐiệu múa “tân’tung da’dă” độc đáo của đồng bào Cơ tu - Phạm Văn TiếnNghệ thuật múa đóng góp tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở Đà Nẵng - Lê HuânMột góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1997 đến nay - Nguyễn Kim Hải