Đôi điều về văn hóa Đà Nẵng - Nguyễn Nho Khiêm
1.Từ năm 1997 đến nay - thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương - cùng với những nỗ lực phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố môi trường “xanh-sạch-đẹp”, đẩy mạnh chương trình “5 không, 3 có”, sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển du lịch…chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng cao, trong đó có nhiều giá trị văn hóa tinh thần người dân được thụ hưởng và sáng tạo.
Trong quá trình phát triển, nếp sống văn minh đô thị trong mỗi người dân từng bước hình thành tương đối đồng bộ. Những vùng đất mà những thập niên trước đây thuộc vùng “ngoại ô” như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và một số phường của quận Thanh Khê, Cẩm Lệ nay cơ bản được “đô thị hóa”. Nơi vùng đất trước đây người dân chủ yếu sồng bằng nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, buôn bán nhỏ... sau khi đô thị hóa, từ nếp sống mang đậm nét nông thôn mỗi người dân đã chuyển sang nếp sống đô thị. Đương nhiên, không thể một sớm một chiều những người nông dân, buôn bán nhỏ chuyển ngay thành thị dân, nhưng rõ ràng nếp nghĩ, nếp làm của từng người dân đã thay đổi theo nếp sống văn minh, hiện đại.
Điểm nổi bật của Đà Nẵng là sự phát triển văn hóa luôn gắn chặt với sự phát triển kinh tế và xã hội. Đó là mối quan hệ tất yếu trong xu hướng phát triển chung. Khi phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng đồng nghĩa với sự phát triển không gian văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa. Hiện nay Đà Nẵng có quyền tự hào có những cảnh quan văn hóa đẹp gồm cảnh quan sông, cảnh quan biển, cảnh quan núi đồi và cảnh quan đô thị. Các cảnh quan văn hóa đó tạo nên vẻ đẹp quyến rủ của thành phố và là một tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa. Cùng với sự phát triển đó, một số “thiết chế văn hóa” hiện đại ra đời tại khu du lịch Bà Nà, khu du lịch Sơn Trà, dọc các bãi biển, núi Ngũ Hành Sơn…các điểm vui chơi giải trí tại các siêu thị, khách sạn và các khu du lịch.
Khi phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã hình thành những giá trị kiến trúc, mỹ thuật hiện đại cho thành phố. Cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý không chỉ là những cây cầu mà là những tác phẩm có giá trị kiến trúc và mỹ thuật độc đáo của thành phố. Các giá trị kiến trúc hiện đại khác cũng đã hiện diện trên thành phố qua những tòa nhà, khách sạn và nhiều công trình xây dựng khác.
Xét dưới góc độ quan hệ không thể tách rời của kinh tế, văn hóa và xã hội, ta thấy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được xác lập một cách đậm nét và có tác động lâu dài trong xu hướng phát triển đi lên của thành phố.
2.Bên cạnh sự phát triển chung của văn hóa Đà Nẵng như đã nói trên đây, thì vấn đề cần quan tâm hiện nay là sự đầu tư của thành phố để phát triển chiều sâu về văn hóa, văn học nghệ thuật. Các thiết chế văn hóa và hoạt động của ngành văn hóa thành phố đang đặt ra nhiều bức xúc: Thư viện thành phố xuống cấp, phương thức hoạt động chưa đổi với kịp với nhu cầu hiện đại; Trong khi người dân thanh phố thiếu điểm vui chơi thì công viên 29/3 chưa đầu tư gì mới để phục vụ nhân dân, thậm chí một thời gian dài còn lấy đất mặt tiền để cho thuê bán cà phê, nhà hàng và các dịch vụ khác; Trung tâm Văn hóa – Thông tin nhiều năm qua “di dời giải tỏa” nhưng đến nay vẫn chưa có chỗ định cư; Một số thiết chế mới xây dựng như Nhà hát Trưng Vương, Bảo tàng Cách mạng, Nhà hát đa năng…chưa có giá trị cao về kiến trúc, thậm chí có công trình không có giá trị sử dụng như nhà hát đa năng hoặc Công viên nước trước đây. Sự quan tâm đầu tư ngân sách cho văn hóa của thành phố còn hạn chế. Các hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố chưa phát huy hết tiềm lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ…
Trước tình hình trên vào ngày 11 tháng 2 vừa qua, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố có buổi làm việc với ngành văn hóa, một số đề bức xúc được xới lên và yêu cầu xác định đúng đắn vai trò của văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Tại buổi làm việc đồng chí Trần Thọ nhận định:
“Nhiều người cứ nghĩ chi cho văn hóa nhiều nhưng sản phẩm chẳng thấy đâu. Một số lãnh đạo nhận thức chưa đúng đắn nên xử sự chưa đúng mức đối với văn hóa như vậy. Phải biết rằng sản phẩm văn hóa là đặc thù, thẩm thấu trong đời sống xã hội...
Chính vì vậy, quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa, chính là việc cần có nhận thức một cách đúng đắn về văn hóa; hay hiểu xa hơn là phải đầu tư cho việc suy nghĩ, nhận thức về văn hóa, về xây dựng một đời sống văn hóa cho Đà Nẵng để xứng tầm với vai trò, vị trí của một đô thị trung tâm của vùng và cả nước. Từ nhận thức phải biến thành hành động cụ thể như xây dựng chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện, đầu tư một cách xứng tầm cho văn hóa để tạo nên những giá trị văn hóa xứng tầm với đô thị hiện đại, văn minh”.
Tại buổi làm việc vấn đề nhận thức cho đúng đắn về vị trí, vai trò văn hóa trong đời sống kinh tế-xã hội của Đà Nẵng được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó những công việc cụ thể về văn hóa cũng được đặt ra một cách dứt khoát: Thư viện thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới và hiện đại, đồng thời khu vực đất tại Thư viện hiện nay cũng dành cho văn hóa chứ không sử dụng vào việc nào khác; Công viên 29/3 sẽ từng bước xã hội hóa để có các hoạt dộng vui chơi, giải trí tốt hơn phục vụ cho nhân dân; Xúc tiến xây dựng công viên Thanh niên; Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khẩn trương xây dựng công viên Châu Á hiện đại ở phía nam tượng đài; Nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đầu tư Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, triển khai thiết kế xây dựng Nhà hát lớn diện tích 5,6ha tại khu Đa Phước. Sở VH-TT&DL khảo sát lại các khu vui chơi giải trí quận huyện xuống cấp, không phát huy hiệu quả, nếu cần nâng cấp thì đầu tư để hoạt động hiệu quả, ngược lại phải lấy đất đó xây dựng thành các vườn dạo, công viên mini phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân… Đồng thời, thành phố sẽ tăng ngân sách đầu tư cho văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trên dịa bàn thành phố.
Buổi làm việc của lãnh đạo thành phố chuyên đề về văn hóa là một tín hiệu đáng mừng để đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật của thành phố có cơ hội phát triển tốt hơn.
3.Theo tôi, để cho văn hóa Đà Nẵng phát triển bền vững yều cầu quan trọng nhất không phải là cơ sở vất chất, thiết chế văn hóa mà quan trọng nhất vẫn là con người làm công tác quản lý và con người làm công tác chuyên môn trên các lĩnh vực sáng tạo, sáng tác văn học, nghệ thuật. Có tiền chúng ta có thể xây Thư viện lớn, Nhà hát lớn, Trung tâm văn hóa lớn…mà nếu không có nhân tố con người để tổ chức hoạt động, nhiều khi lại lại là sự lãng phí.
Đồng chí Trần Thọ lưu ý: “Trong mấy trăm quân gửi đi đào tạo ở nước ngoài, không có một người nào đi học văn hóa”. Hiện nay, ngành văn hóa từ thành phố đến cơ sở chưa có nhiều những chuyên gia, những người có chuyên môn sâu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, ưu đãi cho những người hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật còn hạn chế, điều này dễ dẫn đến hụt hẫng đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố.
Liên hiệp Văn học Nghệ thuật gồm 9 Hội chuyên ngành hiện nay có gần 1.000 văn nghệ sĩ, làm sao thành phố có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo của họ trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, nghiên cứu văn nghệ dân gian, kiến trúc, điện ảnh thì cũng góp một phần trong việc nâng cao giá trị văn hóa cho thành phố hiện nay.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Ai cũng biết thế, nhưng xây dựng được nền tảng đó trong tương lai thì ngay hôm nay phải “xắn tay áo” lên. Tôi tâm đắc với câu nói của đồng chí Trần Thọ tại buổi làm việc: “Đừng bàn đâu xa xôi, chung chung, hãy cứ bắt tay vào làm những điều cần kíp, rồi từ đó sẽ có cơ sở cho những đầu tư chiến lược. Chứ nói cao siêu quá mà không làm rồi thì cũng bỏ đó”.
N.N.K